Vì sao không nên có chiến tranh vì chính nó không bao giờ là ngày hội

16:36:00 25/04/2015
Từng tham chiến, những nhà văn như Chu Lai, Nguyễn Văn Thọ, Bảo Ninh và Lê Minh Khuê nhận thấy rõ sự trần trụi, khốc liệt của chiến tranh cùng những nỗi buồn hậu chiến. và 'Không có bên thắng cuộc hay phe thua cuộc' 'Nỗi buồn chiến tranh' hay hơn 'Phía Tây không có gì lạ'

Những ngày này, nhà văn, cựu chiến binh Bảo Ninh đang cùng đồng đội về thăm chiến trường xưa. Ông cho biết, năm nào, vào dịp tháng ba, anh em cựu binh B3 (mặt trận Tây Nguyên) cũng muốn trở lại thăm chiến trường Buôn Ma Thuột, điểm mở màn chiến dịch mùa xuân 1975. Ông và đồng đội cũ thuộc Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 còn muốn đi lại những cung đường chiến đấu, trong đó có hành trình "tháng tư thần tốc", từ Nha Trang, Cam Ranh, Phan Rang, đèo Ngoạn Mục, Đơn Dương, Gia Nghĩa, Di Linh… vòng về tây bắc Sài Gòn. Năm xưa, ông và đồng đội đã theo cung đường này, tiến đánh ngã tư Bảy Hiền và cắm ngọn Quân kỳ quyết thắng lên đỉnh lầu chỉ huy không lưu của sân bay Tân Sơn Nhất, sáng sớm 30/4/1975. Ước muốn là vậy nhưng mỗi năm họ chỉ đi được vài nơi, do sức khỏe và kinh tế không cho phép.

Một cây bút kỳ cựu khác của dòng văn học chiến tranh - nhà văn Chu Lai - cũng là một cựu binh. Đại tá Chu Lai có 10 năm làm lính đặc công vùng ven Sài Gòn. Ông từng bỏ "thánh đường" sân khấu (diễn viên kịch đoàn Tổng cục Chính trị) và Đại học Quân y để ra trận.

Nhà văn Chu Lai (trái) và nhà văn Bảo Ninh - hai cây bút lớn của đề tài chiến tranh chống Mỹ và hậu chiến.

Trong số những nhà văn từng tham chiến còn có Nguyễn Văn Thọ. Ông trải qua 12 năm trong quân đội, tham gia chống Mỹ, với 4 chiến dịch lớn và 500 trận đánh. Nguyễn Văn Thọ có mặt ở Sài Gòn ngày 30/4, trong thời khắc đất nước hòa bình, để hiểu rằng từ đây ông cùng những binh sĩ Việt Nam sẽ không còn phải chết vì súng đạn.

Là nữ tác giả hiếm hoi thành công với đề tài chiến tranh, nhà văn Lê Minh Khuê cũng từng đi qua những năm tháng đánh Mỹ. Lê Minh Khuê kể, 1965 - 1968 là thời kỳ Mỹ tập trung đánh vào Thanh Hóa cho đến Quảng Bình, Vĩnh Linh (Quảng Trị). Lúc đó bà mới 15 - 16 tuổi, tham gia thanh niên xung phong, đóng quân ở những vùng ác liệt từ cầu Lau, cầu Vằng, vào đến Hoàng Mai, Khe Nước Lạnh... Sau đó, Lê Minh Khuê trở thành phóng viên chiến trường. Bà có mặt ở gần như tất cả sự kiện quyết định của cuộc chiến chống Mỹ, cho đến ngày chiến tranh chấm dứt.

Thế hệ hiểu đến cùng được - mất của chiến tranh

Trực tiếp tham chiến, các nhà văn hiểu hơn hết những gì con người trong chiến tranh phải chịu đựng. Nhà văn Chu Lai nói: "Chiến tranh là ngày nào cũng chôn nhau nhưng chưa đến lượt chôn mình. Là 10 người ra đi 9 người không trở về, là cuộc hành binh trên những nấm mồ đẫm máu và nước mắt để ca khúc khải hoàn tức tưởi giữa thành đô. Chiến tranh không bao giờ là ngày hội".

Cuộc chiến dữ dội và khốc liệt đã có lúc khiến anh "nhà văn áo lính" nản chí. "Trận nào cũng dữ dội, dữ dội đến nỗi có lần tôi đã nghĩ đến tự thương hoặc tự vẫn để trốn tránh nhưng tự thương thì sợ đau, tự vẫn thì sợ nhục. Cuối cùng tôi vẫn gượng dậy được nhờ có hơi ấm đồng đội, tình thương của bà con ấp chiến lược".

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ nhớ như in những tháng ngày cam go, khốc liệt. Ông kể có lần đơn vị ông làm nhiệm vụ cản đường bay của quân Mỹ vào Hà Nội. Quân Mỹ điên cuồng thả bom bi, nhưng thả vào nhà dân rất nhiều. Cả một đêm thức trắng trực chiến, ông nghe tiếng khóc ai oán. Sáng hôm sau đi chặt lá ngụy trang ông thấy cả một làng trù phú vùng đồng bằng sông Hồng người chết la liệt. Tiếng khóc đêm đó đeo bám ông vào chiến trường miền Nam. Khi đất nước thống nhất, ông lại chứng kiến cảnh người mẹ miền Nam bới rãnh tìm xác con trong một hố chôn tập thể. Nguyễn Văn Thọ nói: “Chiến tranh đã xảy ra rồi, nhưng tiếng khóc của những bà mẹ Việt Nam ở đâu cũng như nhau, khốc liệt, đeo bám như vậy”.

Chu Lai cho rằng, để "non sông thái hòa, tổ quốc tự trọng", con người ta đã phải đánh đổi bằng những mất mát rất cụ thể, là tính mạng, tuổi trẻ, nỗi đau gia đình. Còn với Nguyễn Văn Thọ, cuộc chiến đã lấy mất tuổi thanh xuân của cả một thế hệ. Có những người vĩnh viễn nằm xuống trong chiến tranh.

Nhà văn Lê Minh Khuê.

Chiến tranh kéo dài hệ lụy cho tới hòa bình. Tác giả Nỗi buồn chiến tranh Bảo Ninh chia sẻ, vào ngày cuộc chiến chống Mỹ kết thúc, mừng vui, hạnh phúc trong lòng là điều hiển nhiên. Nhưng những buồn đau chất chứa 30 năm trời cũng giờ phút ấy trào dâng. "Nỗi lòng con người ta giờ phút ấy thật là khôn xiết kể. Có một bức ảnh diễn tả được cái nỗi niềm khôn xiết ấy. Bà mẹ già tóc bạc phơ ôm lấy con trai mình, ngã vào lòng con trai mình, người con trai vừa được giải phóng khỏi ngục tù Côn Đảo. Ai xem bức hình ấy lần đầu cũng muốn khóc luôn. Mà muốn khóc bởi vì mừng vui hay bởi vì buồn thương, chẳng thể tách bạch được", Bảo Ninh nói.

Tác giả Lê Minh Khuê chia sẻ, cảm nhận sâu sắc nhất về thời chiến là con người hầu như trở nên vô cảm trước cái chết, vì nó diễn ra hàng ngày, có tránh cũng không được. Nhà văn nhớ, năm 1972, B52 bắt đầu đánh trở lại miền Bắc. Bà trải qua những chuyến đi kinh khủng từ Hà Nội vào Quảng Bình, khi cả đêm máy bay đánh dọc đường Một mà xe cứ đi. Nhà văn cũng không quên thời gian Mỹ ném bom B52 ở Hà Nội, bà chứng kiến rất nhiều cái chết. "Đêm đó ở Khâm Thiên, mọi người đang đi cùng Lưu Quang Vũ, anh Nguyễn Lâm và mấy người khác thì bom ném. Mọi người xô nhau, kêu khóc, mọi thứ lấm lem hết, không thể nhớ lại có những sự kiện gì mà chỉ chạy thế thôi”.

Thế nhưng, theo nữ nhà văn, thời kỳ đó, con người ta sống đơn giản hơn, không tham lam, tính toán, "vì mọi người chung điểm đến, công việc, chung nguy hiểm, chung ước vọng về hòa bình". Nữ nhà văn nhìn thấy một hệ lụy khác khi con người bước ra khỏi chiến trường. "Cuộc chiến tranh hết rồi, lại mở ra những ngày không vui vẻ gì. Mỗi người có những đau khổ riêng. Người miền Bắc đi theo đoàn, trên rừng họ có cái lãng mạn của thanh niên miền Bắc thời đó. Nhưng họ vào đến thành phố một cái là đổi khác ngay. Đời sống cá nhân bị đè nén, thiếu thốn lâu, những dục vọng cá nhân nổi dậy, nó biến đổi hẳn cảm giác của tôi về con người".

Dù vậy, theo Minh Khuê, hết bom đạn, hết chiến tranh là điều hết sức cần thiết. "Không có ngày 30/4, không biết còn những chuyện bi thảm gì xảy ra", nữ nhà văn nói.

Từ chiến trường đến trang viết

Những trải nghiệm giúp Bảo Ninh, Chu Lai, Nguyễn Văn Thọ hay Lê Minh Khuê có góc nhìn đa diện về cuộc sống người lính, chiến trường, từ đó đi sâu vào những số phận cụ thể. Nhà văn Nguyễn Văn Thọ có 50 truyện ngắn, thì tới hơn 20 truyện về chiến tranh. Ông nói: “Trong trận chiến, qua tay tôi khoảng 700 người đã chết. Tôi cũng chứng kiến có trận đánh hàng nghìn người chết một lúc. Bởi thế, tôi không chỉ nhìn từ một mặt anh hùng ca. Chiến tranh có những hiện thực đau buồn mà người trải qua như tôi không bỏ qua được”.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ.

Đối với nhà văn Chu Lai, chiến tranh là một đề tài màu mỡ, càng khai thác càng phì nhiêu. Đề tài về chiến tranh chỉ chiếm một nửa số lượng tác phẩm của ông. Nhưng cảm hứng về chiến tranh vẫn là thứ cảm hứng mạnh mẽ nhất. Chu Lai quan niệm: "Số phận con người gắn liền với số phận dân tộc, số phận người lính gắn liền với số phận cuộc chiến. Nhà văn làm lạc đi, méo đi là có tội với con người, là xúc phạm đến phẩm hạnh dân tộc".

Những năm tháng trên chiến trường cũng được nhà văn Lê Minh Khuê tái hiện trong nhiều tác phẩm. "Chiến tranh mà viết khơi khơi về những trận đánh, chiến dịch thì đơn giản, dù thực ra chiến tranh nó chỉ thế, hai bên xông vào nhau. Nhưng hệ lụy của cuộc chiến thì lâu dài. Sự chịu đựng ăn sâu trong các gia đình và mỗi con người Việt Nam". Tác phẩm Nhiệt đới gió mùa của Lê Minh Khuê khai thác câu chuyện đau đớn, khi hai người anh em trong một gia đình ở hai đầu chiến tuyến, phải trả thù nhau. Trên hết, thông điệp của tác phẩm là thù hận cần phải được hóa giải dần. "Thù hận có giải quyết được gì đâu. Chả nhẽ lại có một cuộc chiến tranh nữa?", bà nói.

Nhà văn Bảo Ninh chia sẻ, trong một lần trò chuyện với Kim Lân, ông được cố nhà văn dạy một điều giản dị: "Anh là cựu binh, vậy hãy dồn tâm lực viết về đời bộ đội và cuộc chiến tranh đã từng trải, nhưng phải gắng viết cho hay và nên nhớ, viết về chiến tranh, máu lửa, đời lính tức là viết về hòa bình, về tình yêu thương, về lòng nhân đạo và đức khoan dung".

Nhà làm phim tài liệu “30/4 - Ngày thống nhất” cho rằng, 30/4 là ngày non sông liền một mối. Vì thế, câu chuyện trong bộ phim của ông, dù đầy tiếng súng nổ vẫn thấm đẫm tinh thần hòa hợp dân tộc.

- Bộ phim tài liệu "30/4 - Ngày thống nhất" do ông đạo diễn vừa ra mắt. Ông chia sẻ gì về ý tưởng tạo nên tác phẩm này?

- 30/4 - Ngày thống nhất là phim tài liệu nhựa hòa trộn nhiều lát cắt lịch sử, chắt lọc những tư liệu quý ít biết, khai thác quan điểm đa chiều của người lính miền Bắc và miền Nam. Phim lấy ý kiến của các chính khách, hồi ức của các tướng cầm quân, chia sẻ của các nhà nghiên cứu, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, để đánh giá đầy đủ giai đoạn 1954 -1975, cũng như sự kiện lịch sử trọng đại 30/4. Phim cũng mô tả những đổi thay của đất nước, những số phận của con người ở hai chiến tuyến xưa và nay.

Phim do tôi cùng cộng sự thân thiết - nhà biên kịch, Đại tá Phạm Minh Lợi, viết kịch bản, sau đó thực hiện theo đơn đặt hàng của hãng Điện ảnh Quân đội. Bộ phim gồm 6 cuốn phim (mỗi cuốn dài 10 phút), chia làm hai tập. Tập 1 có nhan đề Dân tộc Việt Nam vượt qua gian khó và tập 2 có tên gọi Đất nước thống nhất. Chúng tôi coi ngày 30/4/1975 giống như một cột mốc định vị cho phim, để lần ngược về quá khứ chiến tranh và đi tiếp cho hiện tại hòa bình.

Đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân, Đại tá Lê Thi.

- Bộ phim mang đến điều gì mới so với tác phẩm nổi tiếng về ngày 30/4 là "Mùa xuân toàn thắng" (1997), cũng do ông đạo diễn?

- Mùa xuân toàn thắng - do tôi cùng Trần Duy Hinh và Nguyễn Khắc Lợi làm - là phim đồ sộ tái hiện chi tiết chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Nhiều phim tài liệu về 30/4 trước đây cũng thường dừng ở mốc thống nhất đất nước hoặc tái hiện những khoảnh khắc hào hùng của lịch sử.

30/4 - Ngày thống nhất có góc nhìn mới mẻ ở chỗ, tinh thần chủ đạo của phim là hòa hợp dân tộc và thống nhất đất nước. Với tôi, ngày 30/4 là ngày non sông liền một mối, ngày hòa hợp, chứ không có bên thắng cuộc hay phe thua cuộc. Cho nên, trong câu chuyện có đầy tiếng súng nổ, hình ảnh máu chảy, mất mát và hy sinh, nhưng tông phim thấm đẫm tính dung dị của tinh thần hòa hợp. Bộ phim cũng có cái mới khi đặt trong bối cảnh câu chuyện chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo hôm nay.

- Đâu là khó khăn mà êkíp làm phim đối mặt khi triển khai thực hiện?

- Lịch sử đi qua 40 năm rồi. Những nhân chứng lịch sử mà chúng tôi muốn chọn làm nhân vật có người đã qua đời, có người gần 100 tuổi, không thể kể chính xác chi tiết quá khứ. Điều này khiến quá trình làm phim khó hơn. Nhóm chúng tôi mất tổng cộng gần 10 tháng, cả chuẩn bị, tìm kiếm, quay phim, phỏng vấn nhân vật, trích dẫn tư liệu, dựng phim.

Một khó khăn khác thuộc về khâu chọn lọc và khai thác tư liệu cũ. Bộ phim này sử dụng 50 phần trăm tư liệu cũ. Tôi phải xem một lượng phim tài liệu khổng lồ để có thể trích xuất được dữ liệu cần thiết. Bởi từng làm việc về chiến tranh Việt Nam trong 40 năm, tôi nắm được tư liệu, biết các thước phim gốc nằm ở đâu, nên không bị mất quá nhiều công sức mà vẫn tìm được những đoạn phim thể hiện đúng chủ đề đặt ra ban đầu.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu bên các bản đồ khẳng định chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Hình ảnh này cũng xuất hiện trong phim "30/4 - Ngày thống nhất".

- Trong quá trình gặp gỡ nhân vật, ông có ấn tượng gì sâu đậm với những số phận trước và sau chiến tranh?

- Tôi được dịp trò chuyện cởi mở với các nhân vật ở cả hai phía, lắng nghe các nhân vật thổ lộ nội tâm chân thật. Tôi ấn tượng với nhận định khách quan của nguyên Đô trưởng Sài Gòn - tướng Nguyễn Hữu Hạnh: “Dân tộc ta là một”. Chúng tôi cũng khắc họa doanh nhân Nguyễn Linh Nhân Đức - một thuyền nhân, nay trở về quê lập công ty chuyên về robot trên biển, đại diện cho hàng triệu kiều bào ra đi 40 năm trước trở về đóng góp vào sự phát triển của dân tộc.

Đặc biệt, tôi ấn tượng khi gặp gỡ với nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu - người đang sở hữu khoảng 2.000 tấm bản đồ cổ, trong đó hơn 200 tấm về Hoàng Sa - Trường Sa. Trong cuộc trò chuyện về Hiệp định Geneve, ông cũng chia sẻ những kinh nghiệm cũng như bài học về vấn đề Biển Đông hôm nay.

- Sự nghiệp làm phim của ông trải dài cả trước và sau chiến tranh, ông thấy việc làm phim tài liệu ở hai giai đoạn khác nhau thế nào?

- Trong chiến tranh, việc làm phim rất vất vả. Tôi từng có một kỷ niệm làm phim chiến trường thế này. Hồi đó, đúng vào dịp Tết, tôi (đang là quay phim) và đạo diễn Nguyễn Kha được phân công sang Campuchia làm phim. Đúng chiều mồng một Tết, chúng tôi khởi hành, đi bộ từ miền Bắc ba tháng vào Nam rồi sang Campuchia. Lính bình thường chỉ mang súng và áo quần, chúng tôi mang cả máy và phim. Ba lô mỗi người hơn 20kg trở lên. Mất ba tháng để chúng tôi đi bộ tới được thành phố cần quay, quay phim ở đó chỉ mất 15 ngày, rồi lại mất ba tháng để đi bộ trở về Bắc. Sáu tháng đi bộ và chỉ 15 ngày quay để được phim Thành phố K: Những ngày đầu giải phóng.

Hiện tại, việc làm phim tài liệu gặp khó khăn bởi cơ chế thị trường, tính cập nhật và tính thực dụng. Sự cần thiết của phim chiến tranh giảm đi. Chúng tôi là các nhà làm phim nhựa, không cập nhật cho khán giả như phim truyền hình và báo đài bây giờ. Mặc dù nội dung của các phim tài liệu hiện nay rất phong phú, những nhà làm phim tài liệu hiện tại chưa khai thác được những đề tài sắc sảo, gai góc để khiến người xem thực sự bị cuốn hút.

Một bức ảnh được sử dụng trong phim "30/4 - Ngày thống nhất".

- Làm phim gần 50 năm, ông ưu ái "đứa con" nào nhất?

- Có rất nhiều phim để lại kỷ niệm với tôi, một trong số đó là Đường mòn trên biển. Tôi và đạo diễn Phạm Nguyên chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Nguyên Ngọc, ra mắt năm 1995. Đây là phim đầu tiên kể về con đường Hồ Chí Minh trên biển, con đường vận chuyển huyền thoại của Hải quân Nhân dân Việt Nam. Hồi làm phim đó, đoàn chúng tôi đi gặp gỡ nhiều nhân vật trên tàu Không số, hầu hết đều là những người từng hoạt động bí mật.

Bộ phim này lồng ghép cả câu chuyện dân tộc và những câu chuyện riêng tư của nhiều số phận chiến sĩ từng hoạt động bí mật. Ví dụ như chuyện gia đình anh hùng Hồ Đức Thắng. Khi đồng chí Hồ Đức Thắng nhận nhiệm vụ chở vũ khí vào miền Nam thì người vợ ông được tổ chức bí mật cho gặp chồng. Về nhà, bà mang thai nhưng bị cả gia đình chồng nghi ngờ dằn hắt. Bà đã âm thầm một mình chịu đựng. Mãi 10 năm sau, đất nước thống nhất, ông trở về, bà mới được minh oan.

- Điều gì luôn khiến ông trăn trở suốt sự nghiệp làm phim tài liệu cách mạng?

- Tôi thường có cảm giác bản thân mang món nợ với lịch sử, với những đồng đội và người lính đã hy sinh, với mất mát của lịch sử. Hiện tại, tôi muốn nói được những gì mà ngày xưa vì hoàn cảnh chưa thể nói hết. Truyền thông cách mạng hồi xưa bao giờ cũng là chỉ có một tinh thần chung duy nhất: Thừa thắng xông lên, cái gì phục vụ cho chiến thắng ta làm. Hoàn cảnh lịch sử khi đó ít ưu tiên hơn những góc khuất. Giờ đây, chúng tôi muốn trả nợ.

Giáo sư văn chương kiêm dịch giả Đức khẳng định cuốn tiểu thuyết của Bảo Ninh đặc sắc hơn tác phẩm kinh điển về chiến tranh của Erich Remarque.

Sang Việt Nam dự hội nghị Quốc tế Quảng bá Văn học Việt lần thứ ba, giáo sư văn chương Đức Günter Giesenfeld chia sẻ về công việc dịch và giới thiệu văn chương Việt Nam sang tiếng Đức mà ông đã thực hiện trong gần 10 năm trở lại đây.

- Tiểu thuyết Việt Nam mới nhất ông dịch - "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh - sau đợt phát hành ở Đức tháng 6/2014 đã đứng đầu bảng xếp hạng 7 cuốn sách hư cấu xuất sắc quý I/2015 của Hiệp hội văn hóa Litprom. Ông có thể chia sẻ thêm về thông tin này.

- Cuốn Die Leiden des Krieges do chúng tôi thực hiện là bản dịch Nỗi buồn chiến tranh đầu tiên ở Đức. Litprom là Hiệp hội văn hóa châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latin tại Đức, thuộc Bộ Ngoại giao Đức, hợp tác với nhiều cơ quan văn hóa khác như hội chợ sách Frankfurt hay đài truyền hình Arte.

Bốn lần mỗi năm, Litprom xếp hạng 7 đầu sách thế giới xuất sắc trong mục "Tiếp cận văn hóa thế giới". Việc được xếp vào danh sách này giúp quảng bá lớn cho cuốn sách vì chỉ cần có tên ở đây, sách đã được coi là phải đọc.Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh đứng đầu bảng mùa xuân 2015.

Sau gần nửa thế kỷ gắn bó với Việt Nam, giáo sư Günter Giesenfeld dịch và giới thiệu văn Việt sang Đức.

- Lý do gì khiến ông chọn dịch "Nỗi buồn chiến tranh"?

- Trên thế giới có một số tiểu thuyết kinh điển về chiến tranh. Một cuốn trong đó là Phía Tây không có gì lạ (All Quiet on the Western Front) của Erich Maria Remarque, nói về Thế chiến I.

Tôi cho rằng, tiểu thuyết của Bảo Ninh thậm chí hay hơn của Remarque. Bởi Phía Tây không có gì lạ là tiểu thuyết phản chiến, nhưng phản chiến theo nghĩa phản đối mọi cuộc chiến. Sự thực, có những cuộc chiến cần thiết để đấu tranh vì lợi ích sinh tồn của con người hơn những cuộc chiến khác, ví dụ chiến tranh giải phóng dân tộc. Trong khi, quan điểm của Phía Tây không có gì lạ đưa ra rằng, mọi cuộc chiến đều tệ và cần phản đối. Tôi cho rằng góc nhìn này có phần hạn chế.

Nỗi buồn chiến tranh đặc sắc kép. Nó cùng lúc mô tả chân thực một cuộc chiến đặc biệt của Việt Nam, lại cho thấy bản chất của bạo lực nói chung. Khi anh đọc truyện, anh thậm chí không tìm nổi câu trả lời cho câu hỏi phe nào tốt, phe nào xấu. Bảo Ninh đứng trên tất cả để mô tả đầy đủ những hậu quả của bạo lực. Chiến trường, nơi người ta phải giết nhau để tự vệ, là nơi dạy con người giết nhau mà không hiểu vì sao phải sát hại đồng loại. Thậm chí chiến tranh làm ngay cả con người ở hậu phương tồi tệ về nhân cách (người yêu của nhân vật chính - Kiên - bị chính người phe anh cưỡng hiếp).

Hơn nữa, Nỗi buồn chiến tranh chân xác nhờ tuyến truyện tình yêu giữa nhân vật chính và bạn gái tên Phương - thứ rất cá nhân. Tôi ngưỡng mộ cách tác giả kết hợp lịch sử chiến tranh lẫn lịch sử tình yêu. Đặc biệt, tiểu thuyết này có một trường đoạn mà người ta phải gọi nó là trường đoạn kiệt tác của văn chương chiến tranh: Trường đoạn Kiên và Phương đi tàu lửa tới Vinh, tàu bị đánh bom, Phương bị cưỡng hiếp, rồi Kiên tưởng như lạc mất Phương, cuối cùng tìm thấy cô đang tắm dưới một cái hồ. Trường đoạn đó sâu sắc cả về nội dung lẫn đặc sắc về bối cảnh. Tuy viết rất nóng bút, nhưng Bảo Ninh lại rất tỉnh táo và kết truyện thông minh đúng chất văn chương hư cấu, làm cho truyện có bố cục chặt chẽ.

Tiểu thuyết của Bảo Ninh thuộc hàng kinh điển thế giới ở dòng văn chiến tranh.

- Lần đầu ông đọc tiểu thuyết "Nỗi buồn chiến tranh" là khi nào?

- Lần đầu tôi nghe nói về sự tồn tại của cuốn sách này là khi nó đang bị cấm phát hành ở Việt Nam. Trong lần đến Việt Nam năm 1997, tôi được hàng rong trên phố chào mua tiểu thuyết bản tiếng Anh. Tôi nghĩ sao không ai đến bắt mấy người bán sách cấm này. Tôi nhặt cuốn sách lên, đọc qua, không có ấn tượng gì và tôi trả lại hàng rong.

Hơn 10 năm sau, khi chúng tôi tra tìm các sách văn chương ở Việt Nam để dịch thì gặp lại cuốn này. Rồi tôi xác định, trước hay sau trong đời, tôi sẽ phải dịch nó. Khi dự án dịch ngày càng khả thi, được sự đồng ý từ nhà xuất bản cũng như tác giả, lúc đó tôi đọc lại cuốn sách nhưng là bản tiếng Pháp, sát bản gốc của Bảo Ninh. Tôi nhận ra bản tiếng Anh phổ biến ở Việt Nam hồi 1990 mà tôi đã đọc khác rất xa bản gốc của Bảo Ninh. Bởi vì người dịch và xuất bản cuốn sách hồi đó là một nhà báo Australia, ông ấy đã thay đổi nhiều chi tiết để dễ tiếp cận độc giả phương Tây và Mỹ. Giờ những bản tiếng Anh của sách đã tốt hơn rồi.

"Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh và "Phía Tây không có gì lạ" của Remarque.

- Ông có thể kể chi tiết quá trình chuyển ngữ "Nỗi buồn chiến tranh"?

- Đầu tiên, tôi dịch bản tiếng Pháp sang tiếng Đức, bởi tôi sử dụng Pháp ngữ tương đương tiếng mẹ đẻ. Sau khi có bản thảo đầu tiên bằng tiếng Đức, Marianne Ngo (vợ tôi) và dịch giả Nguyễn Ngọc Tân đối chiếu bản thảo Đức đó với tiểu thuyết gốc bằng tiếng Việt mà Bảo Ninh gửi cho chúng tôi, dịch tiếp cho sát bản tiếng Việt, ra được bản thảo thứ hai. Trong quá trình này, vợ tôi và Tân sử dụng từ điển tiếng Việt.

Bản thảo thứ hai không phải văn Đức, thậm chí có những chỗ tối nghĩa. Đến lượt tôi chuốt lại văn phong bản thảo thành văn Đức. Chúng tôi phải tranh luận với nhau để cho câu văn có hồn Đức mà vẫn sát nhất ý nghĩa tiếng Việt của tiểu thuyết Bảo Ninh. Trong bản dịch cuối cùng, chúng tôi có rất nhiều chú thích chi tiết.

- Ông gặp khó khăn gì khi dịch "Nỗi buồn chiến tranh" so với việc dịch "Tướng về hưu" (2009) của Nguyễn Huy Thiệp, hay "Những bi kịch nhỏ" (2011) của Lê Minh Khuê?

- Chúng tôi phải trả tiền bản quyền cho người Mỹ bởi vì Nỗi buồn chiến tranh đã được bán bản quyền dịch cho nhà xuất bản Mỹ.

Nỗi buồn chiến tranh là tiểu thuyết, các cuốn trước chúng tôi dịch đều là truyện ngắn. Tiểu thuyết có hành văn và diễn biến cốt truyện cũng như lượng nhân vật phức tạp hơn. Đặc biệt, Bảo Ninh chuyển đổi bối cảnh không gian và thời gian liên tiếp và đột ngột. Ngoài ra, ngữ pháp tiếng Việt cũng không dễ dịch sang tiếng Anh và Đức - hai ngôn ngữ có ngữ pháp rất rõ ràng và chặt chẽ về cấu trúc từ.

- Tiêu chí chọn lựa văn chương Việt để dịch sang tiếng Đức của ông là gì?

- Giá trị văn chương và tiềm năng phổ biến với người đọc Đức. Hơn 90% nhà thơ, nhà văn Việt Nam không được biết đến ở Đức. Tôi làm bạn với ông Nguyễn Đình Thi từ hồi Việt Nam còn chiến tranh. Sau đó, tôi tiếp cận dần với văn chương của các bạn. Tôi chủ yếu giới thiệu gương mặt các nhà văn hiện đại của Việt Nam từ sau chiến tranh: Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Lê Minh Khuê...

Là một giáo sư về văn chương nên tôi thẩm định được giá trị tác phẩm. Ví dụ, tôi thấy Bảo Ninh là một nhà văn hiện đại cổ điển, văn chương của Bảo Ninh mang tâm thức đặc trưng thế kỷ 20: Cách hành văn và mô tả phức tạp công phu, không gian và thời gian trong truyện được trộn lẫn và biến đổi rất lớn.

- Ai là nhà văn Việt Nam ông có ý định dịch tiếp?

- Chúng tôi đang tìm kiếm một tác giả nữ, và nhà xuất bản của chúng tôi muốn một gương mặt trẻ. Tôi đang đọc văn Nguyễn Ngọc Tư bằng tiếng Pháp. Cô ấy là người có tài mô tả những thứ rất nhỏ nhặt của cuộc sống đời thường. Văn của Nguyễn Ngọc Tư thường lặp lại một chủ đề: Cuộc sống và vấn đề của người dân nghèo bên dòng Mê Kông. Luôn là những phụ nữ cô đơn, những cậu trai mới lớn không muốn cưới vợ và họ rất rất nghèo. Những câu chuyện ấy luôn ngập tràn nước, những cánh đồng, khu chợ bản địa, làng nhỏ. Tuy vậy, vì quá bản địa, chi tiết trong văn Nguyễn Ngọc Tư có thể xa lạ với độc giả phương Tây.

Bởi không đọc được tiếng Việt nên chúng tôi khá gặp khó khăn khi tìm kiếm các tác giả khác của Việt Nam để dịch. Chúng tôi phải dựa vào những tiểu thuyết Việt Nam đã xuất bản sang tiếng Pháp hoặc Anh, hoặc nhờ bạn bè giới thiệu thẩm định. Tôi cũng đang cân nhắc các tác phẩm của Y Ban.Chắc chắn có nhiều gương mặt chúng tôi chưa được biết đến.

- Các tác phẩm tiếng Việt đã được dịch có lượng bán ra thế nào ở Đức?

- Tập Tướng về hưu gần như đã bán hết. Đó là một thành công với một cuốn sách như thế. Bởi văn chương Việt gần như không ai biết đến ở Đức đã đành, các sách chúng tôi dịch đều là bìa cứng, thiết kế công phu do đó đắt hơn sách bìa mềm. Chúng gần như là dạng sách lưu niệm, mà vẫn bán được. Một phần bởi hồi dịch xong, chúng tôi mời Nguyễn Huy Thiệp sang giao lưu quảng bá sách và được ông nhận lời.

- Đã nhiều lần tham dự các hội thảo văn chương Việt Nam, ông nghĩ sao về chúng, ví dụ như Hội thảo quốc tế Quảng bá văn Việt vừa qua?

- Tôi đã nói nhiều lần rồi, hội thảo văn học nên có nhiều bàn luận giữa các học giả hơn là chỉ một người đứng lên đọc tham luận rồi đi xuống.

Ngoài ra, hội thơ của các bạn ồn ào quá. Những áng thơ không phải để đọc giữa hội nghị hàng nghìn người. Các nhà thơ viết là đi vào tâm hồn bên trong. Đọc thầm và ngâm thơ càng có ý nghĩa trong những căn phòng nhỏ chứ không phải với loa thùng và âm nhạc lớn. Tôi không hiểu ý nghĩa những hội thơ ồn ào và hoành trángđó.

Mai Lan (tổng hợp)


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1