Khách tham quan tìm hiểu hiện vật nhà nông dân trong giai đoạn cải cách ruộng đất 1. Chỉ trong ngày đầu tiên mở cửa, triển lãm đã đón gần ngàn lượt người đến tham quan. Ngày mở cửa thứ hai, hôm qua 9-9, lượng khách đến bảo tàng còn nhiều hơn thế. "Đến để hoài niệm về một giai đoan lịch sử, mà ở đó có cả những đau thương, xáo trộn. Hồi ấy cha tôi cũng nằm trong thành phần bị đấu tố oan…”, đó là chia sẻ của ông Toản, cán bộ hưu trí quận Cầu Giấy. Rồi ông khóc, không nói thành lời. Gặp đạo diễn Nguyễn Hữu Phần tại triển lãm, ông bùi ngùi, xúc động tâm sự: Mẹ tôi quê quán Văn Giang (Hưng Yên), hồi cải cách ruộng đất (CCRĐ) thuộc thành phần địa chủ. Cho đến giờ gia đình vẫn còn giữ được giấy tờ của Ủy ban CCRĐ có ghi trưng dụng tài sản của gia đình (gồm ruộng đất, trâu bò…) trong vòng 10 năm sẽ trả lại. Nhưng mãi rồi cũng thôi, từ ngày ấy không thấy người ta nói gì đến chuyện trả lại tài sản nữa. Hơn ai hết, có lẽ chỉ có những người trong cuộc mới "thấm” những vui buồn của công cuộc CCRĐ đất lúc bấy giờ. Theo đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, để thế hệ trẻ hôm nay hiểu hơn về một giai đoạn lịch sử, chỉ một triển lãm chuyên đề chưa đủ, có lẽ cần có những bộ phim… 2. Nếu coi triển lãm này như một chuyến tàu về quá khứ, hẳn nó sẽ cho phép người ta hoài niệm nhiều thứ. Không phải cho đến về sau này, các văn nghệ sĩ mới có những tác phẩm nhìn thấu công cuộc CCRĐ, mà ngay từ ngày ấy, những cách hiểu và cách làm sai lầm về một chủ trương đúng từng được cảnh tỉnh. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nói rằng, ông rất ấn tượng với bài thơ về CCRĐ của Văn Cao, bài thơ "Đồng chí”. Cho đến tận bây giờ, dù văn học đã trong thời kì đổi mới rất mạnh mẽ, nhưng bài thơ ấy vẫn không dễ được các nhà xuất bản in ấn. Bài thơ tràn đầy lòng tin vào Chủ nghĩa xã hội và cảnh tỉnh những sai lầm của hiện tại, nó là tiếng lòng thống thiết của người cộng sản bị xử bắn oan gửi tới các đồng chí của mình. Nếu không trung thực với Đảng, không có lòng can đảm của một đảng viên, không chan chứa một trái tim nhân đạo… không thể viết được một bài thơ rớm máu như thế. Nhưng 30 năm và hơn thế nữa, cho đến nay nó vẫn chỉ là bài thơ của riêng Văn Cao. "Chúng tôi biết điều đó, và đề nghị ông "để lại”, ông đồng ý ngay. Đầu năm 1995 tôi nhắc lại với ông bài thơ ấy, và thấy đã đến "thời” bài thơ có thể in được rồi, nhưng ông nói sau khi nhấp một ngụm rượu: "Thôi, cứ để sau khi mình chết rồi in cũng chưa muộn”. Ngày ông qua đời, tôi bỗng mở sổ tay xem lại bài thơ ấy, và tôi đã khóc”- nhạc sĩ Ngyễn Trọng Tạo cho hay. Cho đến sau này, tiểu thuyết "Ba người khác” của nhà văn Tô Hoài, viết năm 1992, NXB Đà Nẵng ấn hành năm 2007 được cho là đã nhìn thẳng vào công cuộc CCRĐ thời bấy giờ. Các nhà phê bình văn học nhận định rằng, nếu xem Tô Hoài chỉ là "thư kí trung thành của thời đại” thì "Ba người khác” có thể hay ở chất liệu kí sự và không hay ở nghệ thuật tiểu thuyết với đòi hỏi của tiểu thuyết hiện đại. Cấu trúc đơn giản, thẳng băng một chiều. Tác phẩm đơn giản như thể nhớ gì viết nấy. Ông viết vội, nhưng tự thân những câu chuyện kể đã chứa đựng nhiều thông tin. Chỉ biết rằng "Ba người khác” có thể được coi là một mảng ký ức trong cuộc đời nhà văn Tô Hoài. Nội dung tiểu thuyết không vẽ lại diện mạo của cuộc cải cách, mà đi sâu vào khía cạnh con người, thế cuộc, qua những nét sinh hoạt, tác vụ xoay quanh họ. Do có độ lùi cần thiết, tác giả đã nhận chân những nét bản năng, ấu trĩ, kể cá những sai lầm, tội lỗi của những con người cụ thể (mà họ còn chưa ý thức được), ở đội công tác CCRĐ. Các quan hệ cũ thì nhiều phần lạc hậu, những quan hệ mới chưa được xác lập rõ, còn những nhá nhem xấu - tốt, địch - ta, các anh đội - gia đình rẽ chuỗi, nhiệm vụ - nhận thức, tình cảm - tội lỗi, địa chủ - hay không phải… Dẫu vậy, cho đến giờ, vẫn còn những quan điểm trái chiều về cuốn Ba người khác của nhà văn Tô Hoài. Áo bông đụp của bần cố nông 3. Và chính sự ấu trĩ trong nhận thức lẫn hành động ở một bộ phận cán bộ CCRĐ lúc bấy giờ đã khiến chủ trương CCRĐ phạm những sai lầm. Xót xa nhất là những gia đình địa chủ từng nuôi giấu cán bộ cách mạng, nhưng vẫn bị lôi ra xử bắn. Có lẽ vì thế mà phần trưng bày chuyên đề Sai lầm và sửa chữa sai lầm (gồm một số hình ảnh tư liệu lịch sử, nghị quyết thông tư, chỉ thị, công văn của Đảng, báo cáo kết quả sửa sai của một số địa phương…) trong triển lãm chuyên đề CCRĐ được khách tham quan dừng lại lâu hơn cả. Nhiều người còn nhớ từ năm 1953 đến 1956 là thời kì cao điểm của công cuộc CCRĐ. Cho đến mùa hè năm 1956, Đảng bắt đầu phát hiện những sai lầm và chỉnh đốn tổ chức. Ngày 18-8-1956 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng bào và cán bộ nói rõ thắng lợi cũng như sai lầm của CCRĐ. Công tác sửa sai được tiến hành trong những điều kiện phức tạp. Một mặt phải khắc phục những sai lầm, giải quyết những mâu thuẫn nội bộ, mặt khác cách mạng vẫn phải đấu tranh chống các thế lực chống phá, thù địch từ bên ngoài. Điều đáng nói là sau 1 năm sửa sai, đến năm 1957 công cuộc cải cách đã hoàn thành. Nhưng vẫn còn đó những nỗi đau chưa được xoa dịu, vẫn còn đó những cảnh đời oan trái khi bị qui nhầm vào thành phần "ác bá cường hào” ở các địa phương đồng bằng Bắc bộ như Hưng Yên, Thái Bình…Những oan sai ấy không chỉ ảnh hưởng đến một thế hệ mà vẫn còn âm ỉ đến các thế hệ sau này. Ông Toản cán bộ hưu trí mà chúng tôi gặp nói rằng, ảnh hưởng rõ nhất là khi khai lý lịch cho chính ông và con cái của ông, đến đoạn khai về thành phần gia đình- thì vẫn là mục khó xử nhất. Theo TS Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, 150 tư liệu, hiện vật gốc về CCRĐ đang được trưng bày mới chỉ là một phần trong kho tài liệu, tư liệu về chủ đề này. Ông cũng cho hay, tại chuyên đề này Bảo tàng tập trung vào giới thiệu thành tựu của CCRĐ, còn sửa sai mới là một phần. Theo đó, trưng bày chuyên đề này có thể chưa làm thỏa mãn hết mong muốn người xem, đặc biệt những gia đình, dòng họ có liên quan đến CCRĐ. Nhưng điều căn cốt là triển lãm muốn chuyển đi một thông điệp: có những mất mát mãi mãi không thể bù đắp, sẽ như một bài học kinh nghiệm và hết sức quý báu cho công cuộc xây dựng đất nước vững mạnh và phát triển. Thật hiếm có một triển lãm chứa đựng cả những giọt nước mắt buồn - vui. Chuyến tàu về quá khứ cũng in lại trong tâm trí khách tham quan hình ảnh quây quần, hạnh phúc bên mâm cơm của những gia đình nông dân nghèo khó- từng ly tán trong CCRĐ. Ấy chính là niềm vui vô bờ, không bút nào tả xiết. Triết Giang |