Xốc lại khâu quản lý xuất bản

09:23:00 22/05/2015

KTĐT - Mới đây, Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã gửi công văn gửi đến tất cả các nhà xuất bản (NXB) yêu cầu “không đăng ký xuất bản các đề tài truyện ngôn tình, đam mĩ”.

Đây là một quyết định gây nhiều tranh cãi, song cũng cho thấy nỗ lực của nhà quản lý trước tình trạng xuất bản đang nhiễu loạn.
Chọn mua ấn phẩm tại một nhà sách trên đường Giảng Võ, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Khi người trẻ đua theo mốt
Khoảng 8 năm trở lại đây, tiểu thuyết ngôn tình (viết về tình cảm nam nữ một cách ủy mị) và truyện đam mĩ (viết về tình yêu giữa nam với nam) đổ bộ vào Việt Nam. Các môtíp na ná nhau, nếu là chàng trai tài giỏi, đẹp trai, lạnh lùng thì sẽ yêu một cô bé lọ lem, con nhà nghèo. Nếu là một cô gái xinh đẹp, tài giỏi sẽ “vấp” vào một anh chàng có vẻ bụi bặm. Nhiều người trẻ cho biết, họ thích đọc dòng truyện này bởi không phải nghĩ ngợi, chỉ đơn thuần để giải trí, đọc xong rồi… quên.
Nhưng ở Trung Quốc, dòng văn học này rất phát triển, nhất là một lượng lớn tác phẩm được đưa lên mạng, nhằm câu “view” rồi in thành sách. Điều quan trọng là những cuốn sách này được dịch ra tiếng Việt và cũng được giới trẻ ồ ạt đón nhận. Đấy là hàng loạt tác phẩm của các tác giả như Tinh Nhã Anh, Tâm An, Diệc Lạc Vô Tâm, Diệp Chí Linh, Quỳnh Dao… Rồi nhiều tác giả trẻ trong nước cũng học đòi, lấy bút danh nửa Tây nửa ta, học theo lối viết ấy lẫn theo chút pha tạp. Hơn thế, họ còn đưa ra những cuốn sách mạnh bạo hơn về ngôn ngữ và tình dục. Đến các nhà sách, nhất là ở những chợ sách lớn như khu vực Đinh Lễ, đường Láng, sách ngôn tình Trung Quốc và cả Việt Nam gần như lấn át các loại sách khác. Cũng theo các bạn trẻ và một số nhà chuyên môn, cùng thời điểm đó, dòng phim diễm tình Hàn Quốc chiếm lĩnh màn ảnh nhỏ, đã kết hợp nhuần nhuyễn với sách ngôn tình, đam mĩ để dòng văn học này càng… có tiếng nói.
Tuy nhiên, nhà văn Di Li vẫn rất lạc quan khẳng định, những dòng sách không chính thống đó chỉ được coi là một thứ mốt và người ta có thể thay mốt bất cứ lúc nào.
Có thể nói “không”?
Rất nhiều cuộc tọa đàm văn học đã đưa tiểu thuyết ngôn tình và truyện đam mĩ ra mổ xẻ. Đa số ý kiến đều cho rằng, không nên xuất bản dòng sách này. Ngay đại diện NXB Trẻ cũng khẳng định, đơn vị này nói không với sách ngôn tình, đam mĩ, dù có thể dòng sách này cho doanh thu tốt. Mạnh hơn, một số ý kiến cho rằng, dòng sách này là “rách văn hóa”, cần gạn đục khơi trong, nhằm kiến thiết dòng văn học chính thống, nhất là trong thời điểm một bộ phận giới trẻ hoang mang sống với những trào lưu, quan điểm thiếu thực tế, hời hợt.
Nhiều người tin quyết định mới của Cục Xuất bản, In và Phát hành là động thái tích cực nhằm quản lý tốt hơn thị trường sách. Tuy nhiên, ông Chu Văn Hòa - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, cho biết: “Đây mới là quyết định tạm thời. Dừng không có nghĩa là dừng mãi mà sẽ xem xét, điều chỉnh. Chúng ta không đóng cửa với bất kể thể loại nào”.
Vậy nhưng, dù thế nào thì quyết định này cũng sẽ khiến không ít nhà sách tư nhân, những đơn vị chỉ chăm chăm kiếm lời bằng dòng sách này lo lắng. Và dù một số ý kiến cho rằng, cấm bản in sẽ lại có các hình thức phát tán khác trên mạng xã hội đối với các tác phẩm này; sẽ có hình thức kinh doanh kiểu như nạp tài khoản để được quyền đọc tác phẩm có thời hạn nhất định như một số đơn vị đang làm. Song ít nhất động thái này cũng là lời nhắc nhở của nhà quản lý đối với các đơn vị làm sách để họ xốc lại phương thức làm ăn, kỹ lưỡng hơn trong biên tập, bớt để “lọt lưới” những xuất bản phẩm kém chất lượng như thời gian vừa rồi.
Cấm tạm thời hay lâu dài sẽ do nhà quản lý cân nhắc và quyết định. Song không thể bỏ qua dấu hỏi: Vì sao dòng văn học này vẫn phát triển ở nước ngoài? Phải chăng ở ta sách đã biến tướng? Và đúng như nhà văn Phong Điệp chia sẻ: “Thị trường sách văn học hình như chưa bao giờ chỉ phát triển một dòng thuần nhất. Bởi nhu cầu, thị hiếu của độc giả hết sức đa dạng. Việc chọn sách để đọc là quyền của mỗi người. Trước trào lưu sách ngôn tình thì chúng ta đã chứng kiến trào lưu văn học ling lei cũng từ Trung Quốc tràn vào. Tôi tin, những cái gì ít giá trị thì cũng nhanh chóng bị lãng quên”. Như vậy, không chỉ là việc tạm dừng đăng ký xuất bản, mà lâu dài là xốc lại công tác quản lý, xuất bản. Có vậy mới tránh tiếng “không quản được thì cấm”.

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1