Cần cú hích để người Việt đọc sách?

06:36:00 29/07/2015
TP - Các nhà văn hóa, giáo dục, giới trí thức thời gian qua nói nhiều đến văn hóa đọc xuống cấp. Bộ VHTTDL sáng 28/7 tổ chức buổi lấy ý kiến để trình Chính phủ đề án chấn hưng văn hóa đọc thời gian tới.
Ảnh minh họa

Giải cứu thư viện

Bà Vũ Dương Thúy Ngà, Phó Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) nhắc lại thực trạng văn hóa đọc ít được quan tâm, tại hội thảo góp ý cho đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn đến 2030”. “Cứ ra sân bay, nhà ga hay những chỗ công cộng đều thấy người lớn, trẻ con cầm Ipad. Người đọc chỉ thấy toàn người nước ngoài thôi”, bà nói.

Nhiều đại biểu xác nhận, mua sách thật nhiều giờ không quá khó nhất là ở thành phố lớn, nhưng vẫn không dễ đối với nông thôn. Hệ thống thư viện địa phương xưa hiệu quả, nay lay lắt và hiu hắt. Trong đề án này, đây cũng là một trong những kênh tiếp cận văn hóa đọc với phần đông người Việt ở nông thôn.

63 tỉnh thành đều có thư viện tỉnh, nhưng dịch vụ, chất lượng hoạt động kém hiệu quả mới là điều đáng nói. Con số mà ban soạn thảo đưa ra là đến năm 2020, có 95% thư viện cấp tỉnh có trụ sở độc lập, trang thiết bị hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động, đến năm 2030 là 100%. Bà Thúy Ngà phân trần, dù tỉnh nào cũng có thư viện rồi nhưng nhiều nơi buộc phải chung đụng với nhà văn hóa như tỉnh Hà Nam. “Thư viện tỉnh Đắk Nông nằm trên quả đồi đường đất mưa lầy lội, ai phải yêu sách lắm mới lên được”, bà Ngà nói. Hệ thống thư viện huyện, xã hiện cực kỳ bất cập.

Theo bà Tú Anh, Giám đốc Thư viện tỉnh Nghệ An: vì chưa có chế tài quy trách nhiệm cụ thể, nên hoạt động cho thư viện ở cấp này hoàn toàn bị bỏ ngỏ không có kinh phí cho sách báo. Rất nhiều tiền của, công sức đổ ra suốt thời gian qua cho hệ thống thư viện từ trên xuống, để rồi bị lãng quên. Đề án trình Chính phủ này được xem như cơ hội vàng để làm sống dậy thư viện-điểm đến hấp dẫn cho người yêu sách, trung tâm kết nối các hoạt động văn hóa.

Đọc sách thế nào?

Một trong những giải pháp được nhiều người quan tâm là phát triển kỹ năng đọc sách cho trẻ từ bậc tiểu học. TS Nguyễn Ngọc Minh, một trong những người tham gia phong trào gây dựng sự hào hứng đọc sách ở trẻ nói: “Văn hóa đọc không chỉ là trang bị sách, mà quan trọng hơn là kỹ năng, sự hứng thú đọc sách”. Chị dẫn chứng nước Mỹ đưa kỹ năng đọc vào sách giáo khoa văn học, chiếm tới 1/3 dung lượng sách. Đọc không nên hiểu là theo nghĩa hẹp là đọc văn chương. Sách dạy kỹ năng của Mỹ dạy trẻ con đọc bản đồ, ký hiệu thông tin, đọc các phương tiện nghe nhìn. Nhìn sang các nước có nền giáo dục phát triển như Úc, Phần Lan đều có chính sách giáo dục kỹ năng đọc cho trẻ từ sớm. Đại biểu này cũng đề xuất Vụ Thư viện biên soạn bộ sách dạy trẻ con thói quen, kỹ năng đọc sách, và tài liệu khác cho giáo viên, phụ huynh khơi gợi sự hứng thú đọc sách ở trẻ.

Nguyễn Quang Thạch, người “cõng sách về nông thôn” khoe, ở Thái Bình hiện nhiều học sinh đọc trung bình từ 10-30 đầu sách mỗi năm, thậm chí có cả tiết mục học sinh giới thiệu sách tại lễ chào cờ, giờ sinh hoạt lớp. Nhưng một trong những bất cập mà anh chỉ ra là học sinh ở nông thôn khó có điều kiện mua sách hơn, lại không được mượn sách mang về nhà. Anh nói nhiều phụ huynh, thầy cô còn ngăn cấm con đọc sách, chỉ muốn đọc sách giáo khoa để lấy thành tích học gạo.


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1