Giới thiệu văn học và hình ảnh Việt Nam ra thế giới: Cần đi bằng cửa chính, chứ không phải lối thoát hiểm sau nhà

12:30:00 28/08/2014

Đề cập tới câu chuyện giới thiệu văn học và hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Tổng thư ký thứ nhất Hội Nhà văn Á - Phi, Giám đốc Trung tâm dịch văn học Việt Nam cho rằng, chúng ta không nên tiếp tục đi bằng cửa phụ, bằng lối thoát hiểm sau nhà mà cần đàng hoàng đi trên đại lộ, bằng cửa sảnh chính để hãnh diện bước ra với thế giới.


Trung tâm dịch Văn học sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm giới thiệu, kết nối đưa các tác phẩm văn học Việt Nam ra nước ngoài

Hãy bền bỉ như người đi gieo hạt ít nhất trong 5 đến 10 năm

PV: Thưa ông, khi thấy Trung tâm dịch văn học Việt Nam được thành lập và ông được bổ nhiệm là Giám đốc, nhiều người mừng nhưng cũng không ít người thở dài bảo bây giờ mới bắt đầu thì quá muộn?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Đúng vậy. Phải nói thật, tôi nhận nhiệm vụ kiêm nhiệm làm Giám đốc Trung tâm này nhưng chính tôi cũng nhận thấy không biết dựa vào đâu. Chúng ta đều biết, nền văn học Việt Nam không phải là nền văn học để cho các nhà xuất bản nước ngoài săn lùng.

Có phải bởi vì chúng ta không có tác giả đoạt giải Nobel văn chương, thưa ông?

- Đúng là nếu chúng ta có một tác giả đoạt giải Nobel văn chương thì nó sẽ lập tức làm thay đổi bộ mặt của văn học Việt Nam với thế giới. Nền văn học của ta có những tác phẩm ngang tầm, nhưng chúng ta phải quảng bá. Thế giới không tìm đến ta như họ đã từng tìm đến những nền văn học của Mỹ, Nga, Pháp, Colompia, hay Trung Quốc. Mà chúng ta phải tìm đến họ, để một ngày họ nhận ra ở đó có những tác phẩm rất xứng đáng cho bạn đọc của họ cần phải đọc.

Tôi lấy ví dụ như Hàn Quốc, một xứ sở chưa có tác giả nào đoạt giải Nobel, nhưng họ đã làm với sự nỗ lực lớn để thế giới thấy diện mạo của văn học Hàn Quốc. Tất nhiên, họ cũng có những tác giả lớn như Ko Un. Ông là một tên tuổi có những cá cược rất cao trong mỗi kỳ trao giải Nobel và đã xuất bản sách ở Việt Nam, ông đã sang Việt Nam và trò chuyện với chúng tôi. Ông Ko Un có nhiệm vụ chỉ sáng tác và đi vòng quanh thế giới để nói về thi ca, văn hóa và văn học Hàn Quốc. Sứ mệnh của ông là như thế. Và cứ mỗi lần ông đến một nước thì ít nhất có vài trăm người biết điều đó. Cứ bền bỉ như thế. Ta cũng cần làm điều tương tự một cách bền bỉ giống như người đi gieo hạt. Chúng ta đến đó, chúng ta khai hoang, cày cuốc, dọn dẹp cỏ dại, gieo từng hạt một rồi chăm sóc nó, tưới tắm cho nó thì dần dần mới thu được kết quả. Chứ cứ như hiện nay, vẫn thấy những cuốn sách Việt Nam dịch ở các nước nhưng chỉ mang những dấu ấn cá nhân. Tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Hồ Anh Thái… được dịch thì vẫn chỉ mang tính đơn lẻ. Nếu các nhà văn, nhà quản lý có thắc mắc rằng tại sao các tác giả đó được dịch thì lỗi không thuộc về các tác giả đó, mà là lỗi của chúng ta. Chúng ta không có một chiến lược dịch văn học Việt Nam.

Tôi kể thêm một ví dụ, khi chị Điền Tiểu Hoa là người dịch văn học Việt Nam sang tiếng Trung Quốc, khi chị in 1 tuyển truyện ngắn gồm gần 30 truyện ngắn đương đại Việt Nam ở Trung Quốc thì một số nhà văn, giáo sư, những nhà nghiên cứu giảng dạy khi họ đọc xong nói với chị Điền Tiểu Hoa và chúng ta rằng, họ không nghĩ rằng văn học Việt Nam lại có những tác phẩm như thế này. Tôi nói với chị Điền Tiểu Hoa, trong số gần 30 truyện ngắn đó là những truyện ngắn hay nhưng chưa phải là tất cả những truyện ngắn xuất sắc nhất của Việt Nam. Cho nên qua đây chúng ta thấy ngay một lỗ hổng: nếu ta không chọn lựa, không dịch, không giới thiệu, không làm ngay thì thế giới sẽ không biết được nền văn học của Việt Nam. Tôi cho rằng, nghĩa vụ của chúng ta là phải bền bỉ ít nhất trong 5 đến 10 năm.

Khi văn học như một con thoi, văn học thế giới vào Việt Nam, văn học Việt Nam xuất hiện ở nước ngoài thì sự trao đổi, đối thoại, nghe ngóng sẽ được nhiều hơn. Nó mở dần vị thế của chúng ta với thế giới.

Trung tâm dịch của Hội Nhà văn Việt Nam ra đời, dù muộn nhưng cũng đã là một bước để cụ thể hóa chiến lược của Nhà nước về việc giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới, thưa ông?

- Nếu Nhà nước không bỏ tiền ra đầu tư một cách bài bản thì việc truyền bá văn học Việt Nam qua trung tâm này sẽ không đi xa được. Đây là việc làm không thể và không nên dựa dẫm vào một vài doanh nghiệp, doanh nhân mà phải là chiến lược lớn mang tính bền vững. Ví dụ như Ban Lan chẳng hạn, hàng năm họ có những hội nghị dịch giả rất lớn. Họ sẵn sàng bỏ tiền vào làm để tiếp tục truyền bá văn học Ba Lan, dù nền văn hóa, văn học Ba Lan đã quá lớn, ở đó có tới 4 tác giả đoạt giải Nobel. Nếu chúng ta có Trung tâm dịch của Hội Nhà văn Việt Nam, mà ta không có một đồng nào thì tôi cũng sẵn sàng nhận khuyết điểm rằng, tôi cũng không thể làm được.

Tìm tất cả con đường mà văn học Việt Nam có thể đến được với bạn đọc thế giới

Ở trên ông vừa nói, chúng ta có những tác phẩm hay nhưng lại thiếu chiến lược quảng bá, giới thiệu. Vậy nếu được đầu tư, chúng ta nên làm gì để văn chương và hình ảnh Việt Nam bước ra với thế giới bằng cửa chính, thưa ông?

- Tôi nghĩ trước mắt chúng ta phải dịch, phải có những người dịch thật tốt và bỏ tiền ra để in ấn, xuất bản, phát hành. Có thể in ấn ở trong nước hoặc ở nước ngoài nhưng ta phải chịu tất cả mọi chi phí, thuế má ở nước khác. Có như thế chúng ta mới có thể triển khai được dù sách in là một con đường khó khăn và hơi hẹp, vì nó đòi hỏi về tài chính khá nhiều nhưng vẫn rất cần làm. Ngoài ra, có hai con đường mà ngay từ buổi ra mắt Trung tâm dịch cách đây vài tháng tôi đã đề xuất. Một là, qua những tạp chí văn chương trên thế giới mà tôi có dịp quen biết. Chúng ta sẽ dịch những bản thảo văn học tốt và sẽ gửi giới thiệu trên những tạp chí đó. Khi họ chấp nhận in, chúng ta không phải bỏ ngân sách ra. Có thể chưa thật sự mỹ mãn nhưng đó là cách họ muốn dành những trang đó cho bạn đọc của họ về một nền văn học Việt Nam mà họ muốn giới thiệu. Từng bước như vậy.

Bên cạnh đó, tới đây chúng tôi cũng đề nghị ra một trang web văn học Việt Nam bằng tiếng Anh để thế giới có thể quan tâm và đọc những tác phẩm văn học Việt Nam. Một ngày vô tình họ đọc được một truyện ngắn rất hay, và nghĩ hình như nền văn học này có một điều gì đó cần khám phá. Lúc đó họ sẽ tập trung vào nghiên cứu, từ đó mới có thể bắt đầu dẫn đến việc giới thiệu, làm quen để cái tên văn học Việt Nam có thể trở thành cái tên không đến nỗi xa lạ, không quá đỗi dị biệt với lại các nhà nghiên cứu, các nhà xuất bản trên thế giới. Nghĩa là chúng ta phải tìm tất cả con đường mà văn học Việt Nam có thể đi được đến với bạn đọc thế giới.

Cụ thể hơn, sắp tới chúng ta nên giới thiệu văn học Việt Nam ra những khu vực nào, thưa ông?

- Theo tôi, có 2 khu vực rất đợi chờ được tiếp nhận văn học và hình ảnh Việt Nam. Đó là khu vực các nước nói tiếng Tây Ban Nha và các nước nói tiếng Ả Rập. Hai khu vực này rất ít được đọc tác phẩm văn học Việt Nam. Đây cũng là 2 khu vực có nhiều cảm tình với người Việt Nam. Từ 2 khu vực này, nếu một cuốn sách hay của chúng ta được đặt trên tay một trí thức lớn của những nước nói tiếng Tây Ban Nha, những trí thức lớn của những nước nói tiếng Ả Rập, thì họ sẽ tiếp tục truyền cho những trí thức lớn ở các khu vực khác. Và cứ thế lan tỏa, lan tỏa. Chúng ta nên tìm những nơi đang có nhu cầu tìm hiểu, như thế dễ hơn là những nơi chưa có nhu cầu.

Một dân tộc khác nói về dân tộc chúng ta sẽ tốt hơn chúng ta nói về chúng ta. Một nhân vật khác nhận xét văn học của chúng ta hay sẽ tốt hơn nhiều lần chúng ta giới thiệu, nhất là đó lại là nhân vật khổng lồ của khu vực đó. Nếu một nhà văn đoạt giải Nobel nói Tôi rất yêu văn học Việt Nam thì các nhà văn khác lập tức phải xem lại mình. Hay một Giáo sư lớn nhận xét văn học Việt Nam có nhiều tác phẩm bất ngờ thì mọi người sẽ phải chú ý.

Hình ảnh của một dân tộc qua văn chương là hình ảnh chân thực nhất

Chân dung, hình ảnh một dân tộc hiện diện qua văn chương sẽ có những điểm khác biệt gì, thưa ông?

- Nếu bạn đọc thế giới chỉ đọc báo chí Việt Nam thì họ sẽ hình dung dân tộc này có nhiều bất ổn như xe máy chạy như điên, xe cộ đâm nhau hàng ngày, rồi chuyện chém giết lẫn nhau... Chỉ có văn học mới bước được vào trong ngôi nhà, tâm hồn người Việt, tâm hồn người Việt và những suy tưởng, những dày vò, cả những ước mơ, khao khát thực sự của người Việt đang như thế nào với thời đại của họ, với dân tộc họ. Chỉ văn chương mới làm được điều đó. Những văn bản của văn học, văn bản của nghệ thuật – đó là những văn bản quan trọng nhất, chính xác nhất để xác lập được chân dung của dân tộc đó. Hình ảnh của một dân tộc qua văn chương là hình ảnh chân thực, không thể lừa dối được.

Chúng ta cần hiện diện trước thế giới bằng cửa sảnh chính, chứ không phải bằng cửa phụ sau nhà

Ngoài việc trông chờ Nhà nước thì có một lối thoát nào không, thưa ông?

- Chúng ta không nên tiếp tục đi bằng cửa phụ, bằng lối thoát hiểm. Như thế nó rất nhỏ bé mà cần đàng hoàng đi trên đại lộ. Vì thế rất cần một chiến lược của nhà nước. Còn các cá nhân họ vẫn có thể làm, nhưng rất đơn lẻ. Để muốn tạo dựng lên một cái gì đó thì cần chiến lược. Vì đây không phải là chiến lược riêng của văn học, mà nó là chiến lược của văn hóa và hình ảnh Việt Nam. Nó lớn hơn rất nhiều so với cụ thể một bài thơ, một cuốn sách, một cá nhân ông nhà văn này khác. Nó mang những điều lớn lao hơn, đó là dân tộc Việt, hình ảnh Việt, mang theo thông điệp Việt. Bây giờ tôi hoàn toàn có thể cùng với nhà thơ Mỹ, Tây Ban Nha hay nhiều nơi khác dịch tác phẩm của tôi. Tôi cũng có thể kêu gọi những doanh nghiệp tài trợ cho tôi in tác phẩm ở nước ngoài nhưng tôi không làm việc đó. Vì biết rằng có làm thế cũng chỉ là những gắng gượng rất vô ích, mang màu sắc cá nhân. Các nhà văn Việt Nam cần phải đi bằng cửa chính. Họ bước từ cửa chính ra thế giới, hiện diện trước thế giới bằng cửa sảnh chính chứ không phải bằng lối đi sau nhà.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Thanh Bình (thực hiện)
Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1