Mô hình "Tủ sách phụ huynh" ở Quỳnh Phụ

16:53:00 19/11/2014
NDĐT- Cứ ngỡ văn hóa đọc chỉ tồn tại và phát triển ở các thành phố lớn, nhưng ít ai ngờ rằng ở những miền thôn quê thuộc huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình) sách được trẻ nhỏ cũng như người lớn nâng niu, quí trọng như tài sản tinh thần không thể thiếu. Mô hình "Tủ sách phụ huynh" ra đời hơn bốn năm nay đã bén rễ, ăn sâu vào đời sống người dân nông thôn, trở thành nét văn hóa hồn hậu của người dân quê lúa.

NDĐT- Cứ ngỡ văn hóa đọc chỉ tồn tại và phát triển ở các thành phố lớn, nhưng ít ai ngờ rằng ở những miền thôn quê thuộc huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình) sách được trẻ nhỏ cũng như người lớn nâng niu, quí trọng như tài sản tinh thần không thể thiếu. Mô hình "Tủ sách phụ huynh" ra đời hơn bốn năm nay đã bén rễ, ăn sâu vào đời sống người dân nông thôn, trở thành nét văn hóa hồn hậu của người dân quê lúa.

Ý tưởng của chàng sinh viên Hà Tĩnh

Đến bây giờ, người dân ở Quỳnh Phụ vẫn nhớ tới công sức của anh Nguyễn Quang Thạch (SN 1975), quê xã Sơn Lễ, Hương Sơn (Hà Tĩnh) - người đầu tiên đưa ra ý tưởng "Sách hóa nông thôn Việt Nam" và có duyên khi chọn mảnh đất Quỳnh Phụ để ươm mầm khát vọng.

Thấy được sự thiệt thòi, thiếu thốn sách của học sinh nông thôn so với thành phố, ngay từ khi còn là sinh viên Đại học Giao thông vận tải, Thạch đã nung nấu và theo đuổi khát vọng đưa sách về vùng nông thôn nhằm giúp tất cả học sinh được tiếp cận và đọc được nhiều sách, góp phần bồi bổ vốn kiến thức còn thiếu trong nhà trường.

Chọn Quỳnh Phụ để thực hiện ý tưởng này, tháng 5-2010, Thạch xây dựng tủ sách đặt ngay tại các lớp học trường THCS An Dục. Những ngày đầu hoạt động tại đây, cô Dương Lệ Nga, Tổng phụ trách Đội của nhà trường thực sự bị cuốn hút bởi mô hình giàu tính nhân văn, khơi gợi tâm lý ham học hỏi, tìm hiểu của học trò ngay trong không gian học tập tại lớp.

Cô đã cùng Thạch huy động từ nhiều nguồn lực mua 70 đầu sách đặt tại lớp 6A2. Điều đáng nói, tất cả các đầu sách không phải là sách giáo khoa giảng dạy trong nhà trường mà là sách nâng cao, sách bổ trợ kiến thức các lĩnh vực, sách lịch sử, sách dạy về kỹ năng sống...

Điều ngạc nhiên là từ khi có tủ sách đã thu hút ngay các cô, cậu học trò tìm đọc vào đầu giờ học hay trong giờ nghỉ giải lao giữa các tiết. Sau đó, chỉ trong vòng bốn tháng sau, tất cả tám lớp còn lại của trường THCS An Dục đã đồng loạt hưởng ứng và xây dựng tủ sách thông qua việc xã hội hóa bằng hình thức tự nguyện đóng góp của các bậc phụ huynh và từ đây đã hình thành nên tên gọi "Tủ sách phụ huynh".

Hiện nay, tại chín lớp học trường THCS An Dục đã có hơn 2.400 đầu sách. Ở mỗi lớp, các em tự cử ra một tổ thủ thư để hằng ngày quản lý, có sổ theo dõi mượn, trả sách.

Khi chưa có "Tủ sách phụ huynh", năm học 2009-2010, thư viện trường THCS An Dục chỉ có 0,4 lượt sách được mượn/một học sinh, nhưng sau khi ra đời mô hình này, số sách mượn đọc tại lớp và về nhà đến nay đã tăng bình quân 41 cuốn sách/một học sinh, điều đó chứng tỏ sức đọc của các em là rất lớn.

Nhân rộng mô hình "Tủ sách phụ huynh"

Từ hiệu quả rõ nét tại trường THCS An Dục, phòng Giáo dục và đào tạo huyện Quỳnh Phụ đã tổ chức sơ kết mô hình có sự tham dự của lãnh đạo các nhà trường và đội ngũ thủ thư, đến đầu năm 2012 nhân rộng ra địa bàn toàn huyện vì mục tiêu giáo dục bình đẳng và toàn diện.

Thày Lại Cao Hạnh, Trưởng phòng giáo dục và đạo tạo huyện Quỳnh Phụ cho biết: "Hiện nay, tại tất cả 77 trường thuộc khối Tiểu học và THCS gồm 900 lớp đều đã có "Tủ sách phụ huynh". Thời gian đầu, giáo viên toàn huyện góp hơn 80 triệu đồng vào quĩ xây dựng tủ sách, anh Thạch cũng vận động Việt kiều, các nhà hảo tâm góp quĩ rồi đầu tư cho mỗi trường từ một đến hai tủ sách, còn sau đó việc phát triển mô hình trên diện rộng hoàn toàn do phụ huynh học sinh góp kinh phí đóng tủ và mua sách".

Cũng như mô hình đầu tiên tại trường THCS An Dục, tủ sách ở các trường phổ thông trong toàn huyện đều là sách phục vụ học tập cho học sinh, sách tham khảo của các Nhà xuất bản có uy tín được nhà trường kiểm duyệt nội dung chặt chẽ.

Em Trần Minh Châu, học sinh lớp 9B, trường THCS Quỳnh Hồng nói với chúng tôi: "Từ khi có tủ sách ngay tại lớp, em luôn thích đọc những cuốn sách dạy về nhân cách, kỹ năng sống. Em thường mượn về đọc tại nhà và ba mẹ em cũng thích những cuốn sách này. Đọc sách giúp em mở mang kiến thức, giao tiếp tốt hơn, tự tin hơn".

Ông Nguyễn Xuân Hồi, Hội trưởng Hội phụ huynh học sinh trường THCS An Dục hồ hởi cho biết: "Mô hình mới nhưng thiết thực, mỗi phụ huynh chỉ đóng vài chục nghìn đồng một năm nhưng con em chúng tôi lại có hàng chục đầu sách để luân phiên đọc. Có những cuốn sách người lớn cũng muốn tìm đọc vì bản thân người dân nông thôn trước đây ít được tiếp cận với những kiến thức mới".

Còn theo suy nghĩ của thày Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng trường THCS Quỳnh Hồng: Để kích thích văn hóa đọc cho học sinh, nhà trường thường tổ chức cho các em thi giới thiệu sách, kể chuyện sách, đọc sách và sân khấu hóa vào giờ chào cờ đầu tuần, trong giờ sinh hoạt lớp. Ở đây, bộ phận thủ thư, tổng phụ trách và giáo viên chủ nhiệm chỉ đóng vai trò quan sát, tổng hợp thi đua, còn học sinh là chủ thể, tự quản lý tủ sách theo qui trình đã được tập huấn. Đọc sách được nhà trường coi là một tiêu chí đánh giá đạo đức học sinh.

Hiện nay, trường THCS Quỳnh Hồng là đơn vị có số đầu sách lớn nhất huyện với hơn 4.300 cuốn. Số sách này đều được bổ sung mới vào đầu năm, khi nhập sách về đều có phụ huynh học sinh chứng kiến và kiểm tra ngẫu nhiên.

Từ mô hình "Tủ sách phụ huynh", đến nay trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ còn xây dựng và phát triển thêm nhiều loại hình văn hóa đọc đa dạng khác như "Tủ sách dòng họ", "Tủ sách gia đình", "Tủ sách hậu phương chiến sĩ"...

Điều làm nên sự lan tỏa rộng khắp của mô hình là giúp học sinh cũng như người dân tiếp cận gần hơn với sách, tức là với tri thức; thúc đẩy việc tự học, tự nghiên cứu; xây dựng thói quen đọc sách ngay từ nhỏ. Ngoài ra, đây là một hình thức kết nối giữa nhà trường và phụ huynh trong quản lý, giáo dục đạo đức học sinh.

Với hiệu quả thiết thực kể trên, ngay đầu năm nay, Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Thái Bình đã có công văn đề nghị các phòng giáo dục huyện, thành phố, các trường THPT trên địa bàn toàn tỉnh tổ chức phát động xây dựng "Tủ sách phụ huynh" ở tất cả các nhà trường, các lớp học. Đây là nền tảng ban đầu để từng bước nâng cao văn hóa đọc cho thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của quê hương, đất nước.

MAI LUẬN

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1