Ngày sách bắt đầu từ... trong "nhà"

04:58:00 18/04/2015
Năm nay là năm thứ hai, Việt Nam chính thức có "Ngày sách" của riêng mình (theo Quyết định số 284/QĐ-TTg ngày 24-2-2014 của Thủ tướng Chính phủ, lấy ngày 21-4 hằng năm làm "Ngày sách Việt Nam"). Sở dĩ nói "của riêng" bởi ngày 23-4 hằng năm đã được nhiều nước chọn là "Ngày sách và bản quyền thế giới". Đặt ra một ngày sách, có lẽ ở các nước văn minh, người ta đã sớm nhìn thấy sự suy giảm của văn hóa đọc trước sức tiến công quyết liệt của các phương tiện nghe nhìn, cùng tốc độ chóng mặt của cuộc sống hiện đại.

Năm nay là năm thứ hai, Việt Nam chính thức có "Ngày sách" của riêng mình (theo Quyết định số 284/QĐ-TTg ngày 24-2-2014 của Thủ tướng Chính phủ, lấy ngày 21-4 hằng năm làm "Ngày sách Việt Nam"). Sở dĩ nói "của riêng" bởi ngày 23-4 hằng năm đã được nhiều nước chọn là "Ngày sách và bản quyền thế giới". Đặt ra một ngày sách, có lẽ ở các nước văn minh, người ta đã sớm nhìn thấy sự suy giảm của văn hóa đọc trước sức tiến công quyết liệt của các phương tiện nghe nhìn, cùng tốc độ chóng mặt của cuộc sống hiện đại.

Những năm gần đây, truyền thông và các học giả trong nước từng liên tục cảnh báo về sự xuống cấp của văn hóa đọc, thậm chí cho rằng những hành vi vô luân xảy ra trong cộng đồng có nguyên nhân sâu xa từ việc lười đọc sách. Có mặt tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội) sáng 17-4 trong lễ Khai mạc "Ngày sách Việt Nam" 2015, chúng tôi thấy người vào ra nườm nượp, trên trời dưới sách.

Khách đến với sách đông đảo như vậy, sao bảo văn hóa đọc ở nước ta đang trong tình trạng báo động?

Cách đây đúng một năm, dịp tổ chức "Ngày sách Việt Nam" lần thứ nhất, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa ra con số gây "sốc": trung bình một năm, mỗi người Việt chỉ đọc... 0,8 cuốn sách.

Tuy đây mới là thống kê của các thư viện gửi về Bộ nhưng phần nào nói lên cái sự đọc ở nước ta đang thấp lắm! Cuộc sống vốn được vận hành theo quy luật tự nhiên; nhu cầu học tập, làm việc, thưởng thức các giá trị văn hóa ngày càng cao hơn, trong khi thời gian vẫn là một đại lượng không đổi. Nếu độc giả không thấy được lợi ích từ việc đọc sách thì sẽ dần dần xa lánh sách. Để "Ngày sách" phát huy được hiệu quả như kỳ vọng của cộng đồng, theo chúng tôi, nó cần phải được bắt đầu từ... trong "nhà".

Trong "nhà" ở đây, đầu tiên cần được hiểu là "nhà mình". Cha mẹ cần xây dựng cho con cái thói quen yêu thích đọc sách từ nhỏ. Trước hết, tự mình phải gương mẫu đọc sách; rồi khuyến khích, cổ vũ con cái đến với sách như với những người bạn uyên bác, hấp dẫn và thú vị.

Trong "nhà" còn là "nhà trường". Thay vì những bài tập làm văn khô cứng, những quy tắc ngữ pháp hóc búa, người thầy cần chỉ ra những cuốn sách hay, hướng dẫn các em học sinh cách đọc, cách tiếp cận với những giá trị tri thức và thẩm mỹ mà sách mang lại. Tóm lại là trang bị cho các em kỹ năng tự học thông qua việc đọc sách.

Và cuối cùng, trong "nhà" có nghĩa là "nhà xuất bản". Thời gian gần đây, giới truyền thông tốn khá nhiều giấy mực vì những cuốn sách rác, sách nhảm, được ra đời một cách cẩu thả; đôi khi chỉ nhằm thu lợi từ việc thỏa mãn những nhu cầu tầm thường của một bộ phận độc giả. Các nhà xuất bản phải là nơi mang đến những "món ăn sách" giá trị, sạch sẽ, trong lành, như đang thực hiện thiên chức và trách nhiệm thiêng liêng với cộng đồng. Các cơ quan quản lý xuất bản phải là những người "gác đền" trí tuệ, cẩn trọng và nghiêm khắc, không để lọt những sản phẩm kém chất lượng gây ô nhiễm môi trường đọc sách.

Với việc bắt đầu từ trong "nhà" theo cách đó, có thể hy vọng Ngày sách hằng năm sẽ là ngày hội của tri thức và cái đẹp. Ngày nào trong năm cũng là ngày đọc sách. Không chỉ có nhiều người ham đọc sách mà chúng ta sẽ có cả một dân tộc đọc sách.

HỮU VIỆT

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1