“Vẫn có một số nhà văn còn đơn giản hóa vấn đề bản quyền, chưa tin vào việc sẽ bảo vệ được tác phẩm của mình, nên khá xuê xoa với các đơn vị vi phạm. Chúng tôi gặp đủ loại khó khăn, từ khách quan, tới chủ quan, nhưng không vì thế mà VLCC sẽ không làm gì. Từ nhiều năm nay, đặc biệt là năm 2014, VLCC đã có những bước tiến mạnh và nhanh hơn trong việc triển khai các hoạt động khai thác giá trị kinh tế của tác phẩm văn học. VLCC còn chú trọng đến việc bảo vệ quyền nhân thân của các tác giả, đặc biệt là đối với các tác phẩm đã hết thời hạn bảo hộ quyền tài sản. Trước tình hình tác phẩm văn học bị in sai, in ẩu dẫn đến phá tác phẩm gốc, chúng tôi mới thành lập Phòng Bảo vệ nguyên tác tác phẩm văn học và mong muốn các NXB hay các tổ chức, cá nhân khi cần xuất bản hoặc nghiên cứu sẽ lấy bản gốc từ đây để làm chuẩn”, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ nói.
* Hiện VLCC đang làm việc với NXB Giáo dục nhằm lấy lại quyền lợi cho các tác giả có tác phẩm được in trong SGK, điều này chắc không dễ, khi mà nó liên quan nhiều cơ quan “chủ quản”?
- VLCC đã làm việc với NXB Giáo dục nhiều tháng nay, tuy nhiên vẫn chưa đi đến thống nhất vì họ đưa ra cách tính rất “láu cá” và không có sự hài hòa lợi ích cho tác giả. Quan trọng hơn là NXB Giáo dục đang “đá quả bóng” về các bộ. Đá cho Bộ GD&ĐT khi họ thông báo rằng việc làm SGK - từ việc chọn tác giả, tác phẩm, tác giả biên soạn… - đều do bộ này quyết định. Chi phí cấu thành giá sách thì cũng Bộ Tài chính quyết... NXB Giáo dục chỉ là đơn vị in sách. Do vậy, chắc chắn chúng ta cần các bộ này lên tiếng.
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ. Ảnh: TL
* Thế còn vấn đề quyền tác giả đối với các sản phẩm xuất bản khác, ví dụ được phát trên VOV, thì sao?
- Cũng lại là vấn đề cơ chế chính sách đây. Đài cũng cho biết ngân sách của họ rất eo hẹp, không có chi phí nào dành cho tiền bản quyền tác phẩm văn học mà phải cắt từ nguồn khác để “bù” cho tác giả.
Suốt 4 tháng liên tục, VLCC cử một nhóm khảo sát các kênh phát sóng của VOV và thấy có nhiều tác phẩm văn, thơ của các tác giả được sử dụng, đặc biệt trong chuyên mục Đọc truyện đêm khuya và Tiếng thơ . Cho đến tháng 7/2014, VLCC bắt đầu gửi công văn đề nghị làm việc với đài và cho đến ngày 11/9/2014 thì VLCC mới có buổi làm việc đầu tiên với VOV. Tại buổi làm việc, hai bên cũng đã thống nhất được những nội dung cơ bản. Tuy nhiên suốt từ tháng 9 đến nay, VLCC đã chủ động liên lạc, gửi công văn đề nghị họ triển khai các nội dung tại cuộc họp hồi tháng 9 nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi.
* Trước tình hình nan giải như vậy, VLCC có đối sách nào để giải quyết triệt để?
- Để giải quyết triệt để một vấn đề khi nó chưa hội tụ đủ các yếu tố là điều không thể. Có thể nói là vấn đề quyền sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả nói riêng đang là vấn nạn của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trong những năm gần đây, hàng loạt các vấn đề về xâm phạm quyền tác giả được đưa ra mổ xẻ như: đạo nhạc, đạo văn, đạo thơ, xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, kiến trúc… Các vấn đề cứ “nóng lên” rồi lại “tự nguội” trong khi chưa được xử lý và giải quyết thấu đáo, đó là bởi vì chưa có sự phối hợp đồng bộ của nhiều phía: tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, cơ quan thực thi pháp luật, người sử dụng…, và cả công chúng hưởng thụ.
* Trên thực tế, chỉ cần thường đi các hiệu sách, có thể để ý nhiều tác phẩm của không ít nhà văn liên tục được bày bán trên kệ sách bán chạy, được khai thác liên tục từ ba đến năm năm, nhưng tiền nhuận bút họ nhận vẫn chỉ vài ngàn bản. Chị nghĩ sao về điều này?
- Khoan hãy nói về số tiền, bởi tôi nghĩ nhiều nhà văn khác cũng không thực sự quá quan tâm đến con số là đắt hay rẻ, nhiều hay ít (trừ những tác giả sáng tác theo đơn đặt hàng). Chúng tôi sáng tác bằng sự đam mê, do vậy cái cần trước tiên là sự tôn trọng đứa con tinh thần của mình. Người sử dụng tác phẩm của chúng tôi vào việc gì, sử dụng ở đâu, muốn sửa chữa hay thêm bớt tác phẩm cần phải tôn trọng và hỏi ý kiến chúng tôi. Các NXB nếu kinh doanh tác phẩm, hưởng lợi thì cũng phải biết chia sẻ với chúng tôi cho hài hòa. Còn nếu họ làm từ thiện, miễn phí, phát không thì chúng tôi cũng sẵn sàng chia sẻ, nhưng nguyên tắc đầu tiên họ phải nhớ đó là phải được sự đồng ý của tác giả, chứ không thể hồn nhiên mang tài sản của người khác đi làm tất cả những gì mình muốn.
* Phải chăng là bởi chúng ta chưa tìm được chứng cứ cho việc các tác giả bị các công ty sách lợi dụng, ví dụ như việc che giấu số bản in sách thật?
- Các công ty sách luôn có hàng nghìn cách để đối phó, không chỉ vì mục đích trốn tiền tác quyền mà còn vì nhiều mục đích khác. Còn đối với việc gian lận số lượng bản in ngay lần xuất bản, hay cả các lần tái bản, nối bản (nếu có) thì bạn thấy đấy, không chỉ tác giả không được hưởng đủ tiền nhuận bút mà Nhà nước cũng không thu được tiền thuế. Nó cũng cho thấy năng lực quản lý của ngành xuất bản còn hạn chế.
* Chị nghĩ sao khi hiện nay có một số công ty sách tự ý bán bản quyền sách điện tử vĩnh viễn chỉ với giá 2 triệu đồng cho một tác phẩm mà tác giả không hề biết việc này?
- Trước tiên, cần khẳng định việc sử dụng (bán) tác phẩm của tác giả dưới bất kỳ hình thức nào (xuất bản giấy, điện tử…) khi không được sự đồng ý của tác giả đều là hành vi xâm phạm quyền tác giả, cần bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Việc kinh doanh sách điện tử bắt đầu nở rộ trong vài năm gần đây. Nhiều tác giả khi ký hợp đồng với NXB, nhà sách có khi đã trao toàn quyền cho họ mà không biết vì không đọc kỹ hợp đồng. Còn nếu tác giả không cho phép bằng văn bản mà các công ty sách tự bán thì đó là hành vi xâm phạm quyền tác giả.
Tôi nghĩ các tác giả cần tập thói quen giao dịch bằng văn bản, cần đọc kỹ hoặc có luật sư tư vấn trước khi ký để tránh các rủi ro, nếu có. Hoặc các tác giả không tự làm việc đơn lẻ nữa mà thông qua tổ chức quản lý tập thể (ví dụ VLCC) để họ kiểm soát giúp. Còn phương thức thu tiền nhuận bút thì mỗi tác giả có thể chọn cho mình một phương thức khác nhau, tùy vào hình thức, thời gian sử dụng…
* Xin cảm ơn chị.
Việt Quỳnh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần