Tạo sức hút cho văn hóa đọc

19:31:00 20/04/2015
Thời gian gần đây, nhiều hoạt động nhằm khuyến khích văn hóa đọc được tổ chức như các hội sách cũ, hội chợ sách, tọa đàm về sách… Mới đây nhất là hội sách với chủ đề “Sách xưa và nay”. Những hoạt động này thu hút đông đảo bạn đọc tham gia, nhất là các bạn trẻ, góp phần giúp văn hóa đọc hồi sinh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra khi những tiểu thuyết ngôn tình, những cuốn sách mang nặng tính giải trí vẫn xuất hiện tại những “sân chơi” trên.
Đông đảo bạn trẻ đến với Hội sách “Sách Xưa và nay”.

Giúp văn hóa đọc hồi sinh

Với 150 gian hàng và sự tham gia của hơn 100 nhà xuất bản, nhà sách giới thiệu hàng chục nghìn đầu sách, hội sách với chủ đề “Sách xưa và nay” tại Công viên Thống Nhất là một trong những hội sách lớn nhất từ trước đến nay. Ngoài hoạt động trưng bày, giới thiệu, hội sách còn có nhiều hoạt động bên lề thu hút đông đảo độc giả. Đó là buổi nói chuyện giới thiệu về cuốn sách “Hồ Chí Minh và năm bảo vật quốc gia” của GS Hoàng Chí Bảo, cuộc giao lưu với các nhà báo, nhà nhiếp ảnh về cuốn sách ảnh “Đến với Trường Sa”, hay cuộc trò chuyện với nhà thơ Trần Đăng Khoa… Điều thú vị với những người ham mê sách là cơ hội để mua nhiều cuốn sách giá trị với giá hợp lý. Hầu hết sách bán tại hội chợ được giảm từ 10% đến 30% so với giá bìa; thậm chí nhiều cuốn sách được giảm giá 50% hoặc bán đồng giá 10 nghìn đồng hay 20 nghìn đồng. Đây là cơ hội để độc giả tiếp cận với nhiều loại sách nghiên cứu khoa học - công nghệ, khoa học xã hội, văn hóa, lịch sử… thường ít xuất hiện trên kệ của các hiệu sách - vốn chủ yếu là các đầu sách được thị trường ưa chuộng. Dịp cuối tuần qua, hội sách thu hút hàng chục nghìn lượt người đến tham quan và mua sách. Em Nguyễn Thanh Hà, sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho biết: “Chúng em coi những hội sách là cơ hội để “săn” sách giá rẻ cũng như những cuốn sách mình cần. Bình thường phải mất rất nhiều thời gian mới tìm được đầu sách mình ưng ý. Còn tại đây hội tụ nhiều đầu sách có ích cho việc học tập, nghiên cứu của chúng em”.

Đã có một thời gian, nhiều người e ngại về sự xuống cấp của văn hóa đọc khi các phương tiện nghe - nhìn ngày một phát triển. Ngoài ti vi, máy tính thì chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, giới trẻ có thể “chìm đắm” trong thế giới của những thông tin, của những mạng xã hội, của những trò chơi hấp dẫn. Nói không ngoa, phương tiện giải trí hiện đại có thể “giết chết” văn hóa đọc sách. Tuy nhiên, thời gian qua, văn hóa đọc xuất hiện nhiều tín hiệu vui. Trong tháng 3-2015, liên tục diễn ra những sự kiện quan trọng như: Đại hội sách cũ lần thứ 2, sau thành công của Đại hội sách cũ cuối năm 2014 (tại 176 phố Thái Hà); Hội sách Xuân 2015 (tại Bảo tàng Hà Nội). Trước đó, dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10), hội sách Hà Nội diễn ra tưng bừng tại Hoàng thành Thăng Long cũng thu hút đông đảo độc giả. Những hội sách này cho thấy sự quan tâm của nhà quản lý đối với văn hóa đọc. Mặt khác, những sự kiện này đều thu hút rất đông độc giả, điều đó nói lên rằng vẫn còn nhiều độc giả nặng lòng với sách, với văn hóa đọc. Trong lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn khẳng định: Trong xã hội ngày càng phát triển, con người có thể tìm kiếm, khai thác thông tin, kiến thức qua thư viện điện tử hay mạng in-tơ-nét, nhưng sách vẫn không mất đi giá trị vốn có của nó. Sách vẫn là “món ăn” không thể thiếu trong đời sống tinh thần của con người. Những hoạt động như hội sách nhằm phát triển phong trào đọc sách, hướng tới một xã hội học tập, tôn vinh giá trị của sách, góp phần xây dựng văn hóa đọc trong cộng đồng. Nhiều độc giả tham quan hội sách cũng cho rằng, việc đưa sách tìm độc giả như hội sách là việc làm thiết thực, có ý nghĩa, góp phần giúp văn hóa đọc hồi sinh.

Còn những hạt sạn

Điều đáng mừng ở hội sách “Sách xưa và nay” là giới trẻ chiếm phần lớn trong số khách tham quan. Không những thế, rất nhiều độc giả nhí cũng được bố mẹ đưa đến tham quan, mua sách. Tuy nhiên, một trong những “điểm đến” của giới trẻ lại là những giá sách bày tiểu thuyết... ngôn tình trong một số gian hàng. Tiểu thuyết ngôn tình mới du nhập vào Việt Nam thời gian qua và đã tạo nên những “cơn sốt” trong lớp trẻ. Phần lớn loại tiểu thuyết này có lối viết ủy mị, chủ yếu xoay quanh những cuộc tình giông bão của giới trẻ, có pha lẫn những yếu tố giả tưởng. Một số cuốn sách mô tả đời sống tình dục một cách trần trụi. Lối viết ủy mị, “ru ngủ” có tác hại rất lớn đối với giới trẻ. Loại sách này khiến giới trẻ dễ rơi vào thế giới ảo tưởng của tiểu thuyết ngôn tình vẽ ra mà xa rời thực tế. Đồng thời nó cũng khiến giới trẻ xa rời những tác phẩm văn học mang giá trị chân - thiện - mỹ, kể cả các tác phẩm văn học kinh điển của Việt Nam cũng như nước ngoài. Rất nhiều người cho rằng, tại những hội sách lớn, nên hạn chế những loại sách này bởi lẽ đây là sự kiện mang tính định hướng văn hóa đọc cho lớp trẻ. Ngoài ra, cũng không khó để tìm ra một số cuốn sách có nội dung “người lớn”, nhưng không được dán mác khuyến cáo dành cho người lớn ở bìa. Ở mảng sách dành cho thiếu nhi, số lượng truyện tranh Nhật Bản cũng vượt xa số lượng các truyện tranh Việt Nam. Những cuốn truyện tranh Việt Nam về các danh nhân, về những câu chuyện lịch sử vừa ít về số lượng, vừa không được nhiều người quan tâm.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, việc liên tục tổ chức các hội sách với phương thức na ná giống nhau cũng dễ gây nhàm chán đối với độc giả. Để thu hút độc giả quay lại với sách, là một chặng đường dài, các nhà quản lý cần tìm tòi thêm những phương pháp mới, và điều quan trọng là công tác xuất bản cần có những sách hay, giảm tần suất xuất hiện của những món “hàng chợ”, những loại “rác” trong văn hóa đọc.

Giang Nam

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1