Tác giả của “Thang máy Sài Gòn” giao lưu với độc giả thủ đô

06:00:00 19/12/2013

Với Thuận, thang máy Sài Gòn là hình ảnh thân thuộc khi nghĩ về VN. Và từng câu chuyện viết ra lại thêm những điều thú vị, có VN ở đó.

Chiều 15/12, tại Hà Nội đã diễn ra buổi giao lưu với tác giả Thuận của "Thang máy Sài Gòn”, nhân dịp chị về thăm Việt Nam. Với 6 cuốn tiểu thuyết trong tay, đặc biệt là bản tiếng Pháp của "Thang máy Sài Gòn” được trao tặng Giải Sáng tạo (Bourse de Creátion) năm 2013, tên tuổi nữ văn sĩ này đã được độc giả khắp Việt Nam và nước Pháp biết đến.

1.
Những người yêu văn học Việt Nam và Pháp, chắc hẳn không còn xa lạ với cái tên Thuận. Chị là tác giả của một loạt những tác phẩm đã để lại dấu ấn sâu đậm như "T mất tích”, "Vân Vy”, "Chinatown”, "Made in Vietnam”, "Paris 11 tháng 8”. Thuận rời Việt Nam từ năm 17 tuổi để du học tại Nga rồi lấy bằng thạc sĩ văn học Anh cổ điển tại Đại học Paris 7 và bằng thạc sĩ văn học Nga đương đại tại Đại học Sorbonne, sau đó chị định cư tại Pháp.

Cuộc gặp gỡ giúp độc giả hiểu hơn những câu chuyện trong Thang máy Sài Gòn

Hai mươi năm xa quê, ngòi bút của chị vẫn gắn chặt với mảnh đất quê hương. Văn chương Thuận dữ dội và day dứt, ám ảnh thân phận xa xứ. Đầu tháng 9 năm 2013, Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam đã cho ra mắt cuốn sách "Thang máy Sài Gòn”, tiểu thuyết ly kỳ nhưng vẫn mang đậm sự hài hước, bướng bỉnh của ngòi bút Thuận. Ngay từ khi ra mắt, cuốn sách đã nhận được nhiều sự quan tâm từ phía độc giả. Buổi giao lưu cũng là cơ hội đặc biệt để bạn đọc được trò chuyện trực tiếp với tác giả nhân dịp chị về Việt Nam, cũng qua đó hiểu hơn về những câu chuyện Thuận viết trong "Thang máy Sài Gòn”.

Lên ý tưởng và thực hiện "Thang máy Sài Gòn”, với tác giả rất tình cờ. Chị chia sẻ, đối với bất kỳ tiểu thuyết nào tôi cũng không hề xác định cốt truyện. Tôi muốn đến với câu chuyện một cách bất ngờ, cũng như đến với khán giả bất ngờ. Và chuyện về "Thang máy Sài Gòn” cũng tình cờ như thế, chỉ đơn giản được nhen nhóm khi chị nghe chuyện có thực của một gia đình giàu có ở Sài Gòn. Điều chị suy nghĩ là "người ta nghèo hơn, không có thang máy thì sẽ không bao giờ gây ra cái chết”, và "tại sao giàu có lại đem đến sự bất hạnh đó?”. Tác giả bắt đầu lên ý tưởng với mỗi dòng chữ viết ra như đứa bé cứ lớn dần lên...”.

2. "Thang máy Sài Gòn” là một câu chuyện kể đầy ly kỳ và cũng thú vị trong sự dẫn dắt của Thuận. Tai nạn bất ngờ và phi lý của bà mẹ kéo đứa con gái xa quê trở về cùng cậu con trai nhỏ của cô. Thang máy là nguyên nhân của vụ tai nạn thảm khốc ấy. Toàn thân bà nát hết, trừ khuôn mặt vẫn lành lặn đẹp đẽ mà bà đã cố dùng tay che chắn trong cơn nguy kịch. Chỉ có cô con gái băn khoăn về chi tiết này. Vậy là đã đủ yếu tố cho một vụ án ly kì, hấp dẫn. Nhưng tác giả không viết tiểu thuyết trinh thám, nên Thuận không để cô con gái kia đi tìm hung thủ, mà chỉ đi tìm một người tình - người tình của mẹ. Paul Polotski - người mà mẹ cô đã từng gặp gỡ và yêu trong nhà tù Hỏa Lò vào đêm trước chiến dịch Điện Biên. Giữa Hà Nội và Sài Gòn, Paris và Bình Nhưỡng - hành trình tìm kiếm của người thiếu phụ ấy là những tuyệt vọng của một nửa "thế kỷ bị lãng quên”. Thế nhưng, dù là câu chuyện quá khứ hay hiện tại, thì cái chất "tưng tửng”, giễu nhại trong ngòi bút Thuận vẫn thế, khiến người đọc phải day dứt nghĩ về đời, nghĩ về người… 40 chương không sắp xếp theo một trật tự nào là cách mà Thuận kéo độc giả đến với tác phẩm của chị, tìm nhịp điệu riêng cho tiểu thuyết của mình.


Văn của Thuận, cái giễu cợt lúc ẩn lúc hiện, lúc bâng quơ nhưng đầy ẩn ý. Giễu cả sự giàu sang, giễu cả những giá trị tưởng bất di bất dịch của quá khứ. Tác giả chọn một gia đình Việt Nam mà sự rạn vỡ rời rạc đạt đến mức khiến mỗi người đều là một ẩn số với những người còn lại. Họ sống tách biệt nhau, hiểu về nhau còn chẳng bằng người dưng nhưng ở gần để đến chết người mẹ vẫn để lại cho con mình những dấu hỏi lớn. Quá khứ vẫn ở đó, những người đã biết có thể quên hoặc cố tình quên, còn những người chưa biết chỉ có thể chọn: Đi tìm hay không?

3. Tiến sĩ văn học Đoàn Cầm Thi đã từng nhận xét, "trong Thang máy Sài Gòn, chính trị và tình cảm được xử lý như những chất liệu nghệ thuật độc đáo. Điện Biên Phủ, Đông Dương hay tình yêu đã mất chỉ là những ảo ảnh của một cuộc thử nghiệm văn chương khó nhọc và vô cùng cá nhân”, thế nên câu chuyện của Thuận có sức lôi cuốn đặc biệt.

Nước Pháp là nơi mà Thuận ở lâu nhất, nơi mà chị quyết định trở thành nhà văn. Tuy nhiên, dù ở Nga, ở Pháp hay ở Việt Nam thì cũng đều quan trọng, và đánh những dấu mốc trong cuộc đời chị. "Nếu nói ở nơi nào quan trọng với tôi thì rất là khó, vì không thể đặt lên bàn cân để nói nơi nào hơn nơi nào”. Với Thuận, thang máy Sài Gòn là hình ảnh thân thuộc khi nghĩ về Việt Nam. Và từng câu chuyện Thuận viết ra lại thêm những điều thú vị, những trăn trở về cuộc sống, về con người, về tình người, có Việt Nam ở đó!

Theo Thu Trang/ Đại đoàn kết


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1