Người đàn ông ở thung lũng Cô Sầu

07:06:00 18/12/2013

ANTĐ - Nhắc tới nhà văn Cao Duy Sơn, người yêu văn chương sẽ nhớ tới cuốn “Ngôi nhà xưa bên suối” từng được giải thưởng văn học ASEAN. Năm rồi nhà văn Cao Duy Sơn xuất bản cuốn tiểu thuyết “Đàn trời” được dựng thành phim, một dạo “gây sốt” trên VTV.

Nhà văn Cao Duy Sơn trong một lần về thăm quê

Ngàn trang sách về một vùng đất

Biết nhà văn Cao Duy Sơn đã lâu, tính ông vốn trầm, ít nói. Ông cũng không thuộc tuýp người thích xuất hiện trong các sự kiện ra mắt sách của giới văn chương. Dù sống ở Hà Nội đã nhiều năm nay, nhưng bóng dáng ông như ẩn sau màn sương mờ ảo của đất quê hương Cao Bằng.

Đó cũng là cái nôi văn hóa nuôi dưỡng tâm hồn Cao Duy Sơn, để ông cho ra đời hàng loạt trang viết về vùng đất này. Tôi nhận ra một điều, Cao Duy Sơn có thể chậm, có thể rề rà trong nhiều thứ, nhưng khi nói về mảnh đất Cô Sầu của mình, ông nói say sưa và đầy ắp chuyện. Đã rời Cô Sầu gần 40 năm, nhưng Cao Duy Sơn rất chăm về thăm quê. Ở đó, có gia đình, có bạn bè. Và về đó, ông lại được nghe những câu chuyện sống động của người dân quê ông. Cao Duy Sơn đã viết hàng ngàn trang sách về vùng đất này. Nhưng ông bảo, lịch sử vùng đất cả ngàn năm, mình chỉ hiểu được một phần rất nhỏ trong cái quá khứ chất chồng ấy. Vì vậy, viết mãi vẫn chưa thể chạm sâu vào Cô Sầu. Có lẽ đến chết vẫn chưa thể khai thác hết được. Ông cũng nhận, có thể đó là do ông chưa đủ tài năng để thể hiện.

Nhưng lại có người đã “tư vấn” ông nên chuyển sang viết về một đề tài khác, như Hà Nội chẳng hạn. Viết mãi về vùng đất của mình, với những phận người ít người biết tới cũng dễ thành nhàm. Điều đó khiến Cao Duy Sơn phải suy nghĩ. Trong ông xuất hiện một cảm giác như là sự hẫng hụt. Trong khi trò chuyện với tôi, dường như ông vẫn còn nguyên sự hoang mang đó. Ông đã hỏi lại tôi rằng, có nên chuyển hẳn sang một đề tài mới? Câu hỏi đầy vẻ nghiêm túc đó của ông khiến tôi bất ngờ. Nhưng tôi cũng đã nói với Cao Duy Sơn rằng, vùng đất Cô Sầu đó của ông là nơi một người như ông đã hiểu, đã có quá nhiều trải nghiệm, vậy thì tại sao lại phải cố tìm cố hiểu một vùng đất khác, trong khi thời gian sống của một người thì có hạn. Mỗi người viết, nếu tạo ra được một cái “đặc sản” của riêng mình, thì đã là điều quý cho văn học.

Bài học “đầu đời”

Sinh năm 1956, tên thật là Nguyễn Cao Sơn, nhưng để tránh trùng tên với những người viết đi trước, ông phải chọn bút danh Cao Duy Sơn khi bước vào “trường văn”. Bây giờ thì cái tên Cao Duy Sơn đã trở nên quen thuộc. Và “người đàn ông ở lũng Cô Sầu” đã là tác giả của hơn chục đầu sách, cả truyện ngắn và tiểu thuyết. Nhưng ông vẫn khắc nhớ trong lòng bước đầu đến với nghề viết cũng không dễ dàng gì.

Số là tháng 4-1984, lần đầu tiên Cao Duy Sơn được tham dự trại sáng tác tổ chức tại thị xã Tuyên Quang. Lúc đó, ông còn đang làm ở Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Cao Bằng. Yêu văn chương, nhưng văn chương là gì, truyện ngắn là thế nào Cao Duy Sơn vẫn còn mơ hồ lắm. Nhưng được đi trại thì cũng rất phấn khởi rồi. Hôm đầu, các trại viên đều phải trình bày đề cương sẽ viết gì. Một số người lên trình bày. Rồi cũng đến lượt Cao Duy Sơn. Ông nhớ lại: “Mình chợt nhìn thấy một người đàn ông nhỏ bé nhưng ánh mắt rất sáng. Đó là nhà văn Nguyễn Thành Long - người nổi danh với truyện “Lặng lẽ Sapa”. Mình cảm thấy run. Ông nhắc: “Cậu trình bày đi”, mình lại càng run hơn. Mình không có gì để trình bày cả, mình biết trình bày cái gì bây giờ. Nhưng rồi mình vẫn cố gắng để trình bày những gì đang nghĩ. Mình nói một lúc, thì “ông mắt sáng” bảo: “Cậu trình bày kịch bản điện ảnh đấy à? Thôi, ngay cả đề cương còn không viết được thì viết văn làm gì. Cậu về đi”.

“Chắc lúc đó Cao Duy Sơn rất sợ và “ghét” nhà văn Nguyễn Thành Long vì lời nhận xét đó?” - Tôi hỏi. Cao Duy Sơn nói, rất nhanh: “Mình cảm thấy bẽ bàng. Mình xấu hổ, ngượng ngùng. Mình đã định xách tay nải ngược về Cao Bằng, nhưng rồi có mấy người động viên và mình quyết định ở lại. Nhưng mình không ghét, không cay cú vì lời nhận xét đó. Mà đó thực sự đã trở thành một bài học cho mình”.

Văn chương - một chuyến đi dài

Bây giờ, mỗi khi đặt bút viết một truyện ngắn hay khởi đầu cho một tiểu thuyết, Cao Duy Sơn thường rất đắn đo. Sau mỗi cuốn sách ra đời, sau mỗi giải thưởng nhận được, Cao Duy Sơn lại càng thấy mình cần phải thận trọng hơn với trang viết. Có những đêm ông ngồi vào bàn viết, rồi lại đứng lên. Đứng lên rồi lại muốn ngồi vào bàn. Nhưng cuối cùng, ông buông bút. Bởi vì nếu có cố, cũng không viết được hơn những gì mình đã viết. Ông muốn, cứ mỗi cuốn sách mới lại là thử nghiệm của riêng ông. Nhưng ngay cả khi đã nghiêm khắc với bản thân, thì ông cũng đủ tỉnh táo để nhận ra rằng, tập sách ấy chưa phải là một ngôi sao sáng của làng văn Việt Nam, và đó cũng chưa phải là ngôi sao sáng nhất của chính mình. “Cái hay nhất vẫn là cái mình chưa viết ra được”.

Tôi nói với Cao Duy Sơn, điều ấy đã nhiều người nói, và cuối cùng, đó vẫn chỉ là một câu biện minh cho những trang sách nhợt nhạt, thậm chí là vô cảm. Ông lại cười hì hì, nói: “Mình không sớm bằng lòng với những trang viết của mình, mình cũng không sớm hài lòng với những giải thưởng mình đạt được”. Rồi ông tâm sự: “Văn chương đó là một chuyến đi dài. Chuyến đi ấy, chỉ khi nào người viết dừng lại, không còn sống nữa, thì mới biết đâu là tác phẩm hay nhất của đời người cầm bút ấy. Mình đã viết về vùng đất mình được sinh ra, lớn lên, gắn bó suốt mấy chục năm đầu đời đầy ắp những kỷ niệm. Bây giờ viết ra, mình thấy vui, vì qua đó, đã có nhiều người biết hơn, nhiều người tìm về cái lũng Cô Sầu heo hút của mình. Mình đã giới thiệu được vùng quê nghèo khó ấy, ghi danh nó trong văn học”.

Mai Hoàng


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1