Nhà văn, đừng vong bản

14:53:00 25/12/2013

Đầu tháng 11 vừa qua, Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc, nữ sĩ Thiết Ngưng dẫn đầu đoàn nhà văn thăm Việt Nam. Đoàn gồm có các cây bút tiểu thuyết nổi tiếng: Ngụy Vi (nữ), Cách Phi, Akbar Majit (dân tộc Cadắc, Tổng Biên tập tạp chí Nhà văn Trung Quốc), Tsijen Luobu (dân tộc Tạng) và Trương Đào, Phó Trưởng ban đối ngoại. Đây là lần đầu tiên người lãnh đạo cao nhất Hội Nhà văn Trung Quốc thăm Việt Nam. Tuy nhiên Thiết Ngưng lại khá quen thuộc với bạn đọc Việt bởi những tác phẩm quan trọng nhất của chị đều đã được dịch ra tiếng Việt.

Thiết Ngưng, họ Khuất, con gái của một họa sĩ, sinh tháng 9-1957 ở Bắc Kinh. Năm 2006, Thiết Ngưng được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc. Cũng từ năm đó chị được bầu là Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc dự khuyết rồi chính thức cho đến nay.

Đoàn nhà văn Trung Quốc thăm Việt Nam vỏn vẹn có ba ngày, thật khó tìm được thời gian hỏi chuyện riêng vị trưởng đoàn. May là nhà thơ Hữu Thỉnh giao cho tôi tháp tùng nhà văn Nguyễn Trí Huân tiễn đoàn ra sân bay, tôi có dịp ngồi cùng xe và trò chuyện riêng với chị. Vì thế cuộc trao đổi này có thể xem như cuộc phỏng vấn độc quyền.

Nhà văn Hà Phạm Phú (HPP): Thưa chị, theo như tôi được biết, vì lòng yêu văn chương, do tình nguyện chọn sáng tác làm nghiệp cho nên chị đã không ghi danh thi vào đại học mà chọn con đường thâm nhập đời sống nông dân, nông thôn để viết văn. Nhưng mấy chục năm lại đây, chị luôn đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng, nay là Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc; con người nhà văn và con người quan chức trong chị liệu có hòa thuận, nếu có mâu thuẫn chị giải quyết ra sao?

Nhà văn Thiết Ngưng (TN): Nói thật lòng, một ngày tôi chỉ có 24 giờ, làm sao để vừa làm việc, vừa sáng tác, vừa nghỉ ngơi, vừa làm thiên chức một người phụ nữ. Thật là hai ba cái khó. Mà có phải lúc nào cũng có cảm hứng sáng tác đâu. Vì vậy đầu tiên phải có dũng khí. Tôi vẫn còn say đắm văn chương, sáng tác là sự nghiệp cả đời tôi theo đuổi, tôi vẫn yêu bạn đọc và không muốn làm cho họ thất vọng về tôi. Vì thế phải biết dung hòa. Chủ tịch Hội nhà văn là một chức quan, nhưng tôi không nghĩ nó là dấu hiệu quyền lực. Tôi nhớ một nhà văn đàn anh nói với tôi, tôi ngẫm đó là những lời rất chí tình, rất đúng. Ông nói, một là chớ có nghĩ mình làm quan, chủ tịch là một chức quan, nhưng nếu lấy nó làm quan thì trở thành quan khí, trở thành nô lệ quyền lực. Hai là đảm nhiệm cương vị do các nhà văn tín nhiệm mà có thì phải tận lực, nhưng đừng vong bản, bản ở đây là sáng tác. Ba là chớ lìa bỏ vùng đất quen thuộc của mình. Vùng đất quen thuộc của tôi chính là Hà Bắc. Mang danh nhà văn mà không sáng tác thì là “nhà văn chết”. Tôi luôn tự bảo mình, sáng tác là sự nghiệp, là lẽ sống.

HPP: Tác phẩm của chị đầy nữ tính và đẫm chất thơ. Theo dõi trên văn đàn Trung Quốc, người ta mệnh danh chị là nhà văn nữ tính chủ nghĩa. Chị nghĩ gì về cách mệnh danh này?

TN: Đấy là ý kiến của các nhà nghiên cứu, các nhà lý luận phê bình.

Trước hết ta thử bàn, thế nào là văn học, là nhà văn nữ tính chủ nghĩa?

Có mấy cách nhìn nhận vấn đề này.

Một là coi tất cả các tác phẩm văn học của các nhà văn nữ sáng tác đều là văn học nữ tính chủ nghĩa. Hai là tất cả các tác phẩm văn học do các nhà văn nữ sáng tác có miêu tả đến ý thức nữ quyền, đến đời sống tinh thần và cuộc sống của người phụ nữ.

Ba là tất cả các tác phẩm của các tác giả (không phân biệt nam nữ) phản ánh ý thức của phụ nữ đấu tranh cho nữ quyền. Tôi nghĩ, nhìn ở bất cứ góc độ nào, cũng đúng, tôi là nhà văn nữ tính chủ nghĩa.

HPP: Mỗi người đến với văn chương một cách, và được đánh dấu bằng tác phẩm đầu tay. Tác phẩm đầu tay của chị là gì?

TN:Tôi yêu văn học từ nhỏ. Trời phú cho một chút năng khiếu. Tác phẩm đầu tay của tôi là một tác phẩm viết về nông thôn, là một bài tập ở trường, khi tôi đang học trung học. Đó là truyện ngắn Chiếc liềm biết bay. Năm 1975, bài tập làm văn này được NXB Bắc Kinh tuyển chọn vào tập truyện thiếu nhi. Nó được coi là sáng tác đầu tay của tôi. Tôi sinh ra ở thành phố, nhưng tư chất nông dân thấm sâu trong máu mình. Thời kì sống ở thôn quê, tôi đã viết nhiều truyện ngắn về nông dân in ở Văn nghệ Thượng Hải và Văn nghệ Hà Bắc.

HPP: Tôi đọc trên trang mạng của Hội Nhà văn Trung Quốc thấy học lực của chị chỉ ghi tốt nghiệp trung học phổ thông. Nhưng đọc tác phẩm của chị thấy vốn hiểu biết thật uyên thâm. Hiển nhiên chị phải tự học, phải đổ công sức ghê gớm.

TN: Thời kỳ tôi xuống nông thôn là thời kì vừa làm, vừa học, vừa viết.

Thời kì đó nhiều loại sách có cũng không thể đọc công khai, ngoại trừ Tư bảncủa Các Mác, Tuyển tập của Lênin. Tôi đọc đến thuộc lòng tác phẩm của họ. Thời kì ấy tôi rất thích đọc Liêu trai chí dị, tôi khâm phục sức tưởng tượng của nhà văn này.

HPP: Truyện của chị thật hàm súc, tư tưởng rất sâu sắc. Tôi thích những truyện ngắn nhưÔi! Hương Tuyết, Người đàn bà chửa và con bò, Tú Sắc... Chẳng hạn truyện Tú Sắc, khi mô tả những cô gái, được chính những người đàn ông của mình nhắm mắt làm ngơ, quyết dùng cái trinh tiết quý giá, hiến dâng cho những anh thợ đào giếng, để giữ họ lại tìm cho có nước mới thôi, thì nước là mạch sống, là cái quý giá nhất trên đời, những thứ khác đều là thứ yếu. Tuy nhiên sự phản ứng mãnh liệt của xã hội đối với truyện Tú Sắccũng là ở chỗ này?

TN: Ở Trung Quốc có một số người không hiểu. Tôi đã đến những vùng nông thôn xa xôi, hẻo lánh, tận mắt chứng kiến đời sống cùng khổ của người nông dân. Thực tế đời sống được miêu tả trong Tú Sắc, một thôn như trăm ngàn thôn ở vùng núi Thái Hàng, có ý nghĩa tượng trưng, nếu con người không vượt qua được những ràng buộc cũ thì làm sao vươn tới được cuộc sống tốt hơn.

HPP: Chị thuộc vào hàng ngũ những nhà văn khai sáng. Thành công cũng rất vang dội. Chị giành rất nhiều giải thưởng: Giải truyện ngắn hay toàn quốc các năm 1982 (truyện Ôi! Hương Tuyết), 1984 (truyện Đề tài tháng 6, truyện vừa Chiếc áo không có khuy cài), Giải thưởng văn học Lỗ Tấn lần I năm 1995- 1996 (truyện Đêm trắng đàn bà), Giải thưởng văn học Lão Xá lần thứ nhất và Giải thưởng Lỗ Tấn lần II năm 2002 (truyện vừa Tới vĩnh viễn còn bao xa)... Chị còn có kịch bản phim giành giải thưởng lớn Liên hoan phim Berlin (Phim truyện nhựa Ôi! Hương Tuyết), giành Giải Kim kê và Bách hoa (phim Ôi! Hương Tuyếtvà Cô gái mặc áo đỏ, phim sau chuyển thể từ truyện vừa Chiếc áo không có khuy cài). Vậy có khi nào chị gặp rắc rối không?

TN: Có. Cây cao thì gió lớn. Tôi cũng gặp những rắc rối, cũng từng bị nghi ngờ vô căn cứ. Năm 2009, Hội Nhà văn Trung Quốc kết nạp nhà văn Kim Dung 85 tuổi và bầu ông làm Phó Chủ tịch danh dự. Dư luận phản đối rất mạnh. Có một trang mạng lớn tổ chức điều tra, 70% số người được hỏi phản đối. Có người nói Kim Dung đã bị chiêu an.

HPP: Kim Dung xin vào Hội hay Hội Nhà văn Trung Quốc mời?

TN: Từ cả hai phía. Tôi đã gặp nhiều nhà khoa học, nhiều viện sĩ.

Có viện sĩ nói với tôi, đọc tiểu thuyết của các chị sao tôi mệt quá. Tôi đọc Kim Dung, đọc Cổ Long... thấy thích thú, nhẹ nhàng. Đối với những bạn đọc phổ thông, ngoài giới văn học, họ có ảnh hưởng rất lớn. Đó là điều làm tôi suy nghĩ. Năm 1998 tôi đi Hương Cảng. Kim Dung mời chúng tôi đến nhà chơi, uống trà. Tôi đã tặng ông bộ tiểu thuyết Cửa hoa hồng. Hôm sau trong buổi gặp mặt, ông đã phát biểu rất chân thành.

Ông rất quan tâm với thiện ý đối với các nhà văn ở đại lục. Tôi nghĩ ông gia nhập Hội Nhà văn Trung Quốc cũng là lẽ đương nhiên. Còn có một chuyện rắc rối khác. Năm 2007 tôi kết hôn. Chồng tôi vốn là một nhà nghiên cứu kinh tế. Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày thành lập Trường đại học Đông Nam, nơi chồng tôi theo học thời sinh viên, chúng tôi có về dự lễ kỷ niệm và tặng nhà trường một tấm séc giá trị là 110 triệu tệ, để nhà trường lập quỹ học bổng, tài trợ cho các sinh viên nghèo. Dư luận đồn thổi tôi là chủ tài khoản của Hội nhà văn, tôi đã tham ô tiền của Hội để hùn với chồng.

HPP: Tôi có đọc một số thông tin về phu quân của chị, nhà kinh tế Hoa Sinh. Nhà lý luận kinh tế Tô Tiểu Hòa nói, ông là nhà nghiên cứu kinh tế giàu nhất Trung Quốc, tài sản có đến 1.000.000.000 tệ (một tỷ).

TN: Có một điều họ không hiểu, ở Hội nhà văn tôi không làm chủ tài khoản, tôi không ký tiêu một cắc nào của Hội.

HPP: Chị quan niệm như thế nào về tình yêu?

TN: Tình yêu là thứ không có ngôn từ nào diễn tả được. Cái gọi là tình yêu, khi nó đến thì tất cả mọi thứ khác đều tan tác hết. Tôi nhớ, một nhà văn Mỹ đã dùng mặt đá chiếc nhẫn khắc lên tấm kính ngôi nhà nhỏ giản dị của mình câu này: “Tất cả mọi thứ bất ngờ trong đời là đều do thượng đế cố ý xếp đặt nên”.

Năm 1991, một lần tôi đến thăm nữ sĩ Băng Tâm, người đã ngoài 90. Bà hỏi, đã có người yêu chưa? Tôi đáp, vẫn chưa tìm thấy. Bà bảo, không nên tìm, mà hãy đợi. Tôi đợi 16 năm mới gặp được người mà tôi mong đợi.

HPP: Đó là tình yêu sét đánh?

TN: Ở lứa tuổi như chúng tôi, đã trải nghiệm cuộc đời, thì tình yêu không ở dạng đó. Tôi biết Hoa Sinh đã lâu. Một lần chúng tôi cùng bạn bè đi du lịch Tô Châu, thăm phố cổ Sơn Đường cùng nghe bình đàn, những khúc như Đỗ Thập Nương, Thái Hồ đẹp, nghe ngâm thơ Lục Du khiến tâm hồn tràn ngập cảm xúc.

Chúng tôi phát hiện ra rất nhiều khía cạnh hợp nhau. Như vậy đó. Và đến năm 2007, tôi 50 tuổi, chúng tôi mới kết hôn.

HPP: Thật là tuyệt vời. Xin thành thật chúc mừng hạnh phúc của anh chị.

Sau khi làm xong các thủ tục bay, chúng tôi chụp ảnh kỷ niệm trước khi chia tay. Nhà văn Nguyễn Trí Huân nhắc lại lời nhà thơ Hữu Thỉnh, đây không phải là chia tay, chỉ là tạm biệt.

Chúng ta sẽ còn gặp lại, sự hợp tác giữa hai Hội nhà văn sẽ còn phát triển.

Nhà văn HÀ PHẠM PHÚ

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1