Một cách nhìn chiến tranh

08:57:00 24/12/2013

Chiến tranh đã lùi xa gần bốn mươi năm, nhưng dấu vết và những dư chấn của nó thì vẫn như còn lẩn quất đâu đây: Hàng triệu nạn nhân chất dộc da cam đang kiên nhẫn đấu tranh đòi công lý, hàng ngàn người vẫn thiệt mạng vì bom mìn mỗi năm, bao nhiêu hài cốt liệt sĩ vẫn còn chưa tìm thấy, cả một thế hệ tài năng và đẹp đẽ còn rất ít người trở về sau chiến tranh, họ "mãi mãi tuổi hai mươi".

Chiến tranh đã lùi xa gần bốn mươi năm, nhưng dấu vết và những dư chấn của nó thì vẫn như còn lẩn quất đâu đây: Hàng triệu nạn nhân chất dộc da cam đang kiên nhẫn đấu tranh đòi công lý, hàng ngàn người vẫn thiệt mạng vì bom mìn mỗi năm, bao nhiêu hài cốt liệt sĩ vẫn còn chưa tìm thấy, cả một thế hệ tài năng và đẹp đẽ còn rất ít người trở về sau chiến tranh, họ "mãi mãi tuổi hai mươi".

Trong trang mở đầu tiểu thuyết Những bức tường lửa (2004), nhà văn Khuất Quang Thụy đã viết: "Và chiến tranh thì vẫn hiện diện như thể nó chưa bao giờ chấm dứt". Nếu ai đó nghĩ rằng, trong đời sống hiện tại, không cần và không nên nhắc đến chiến tranh dưới bất kỳ hình thức nào, thì cũng nên một lần nghĩ lại "máu người không phải là nước lã". Có nhà văn "thế hệ trung úy" đã viết "Chiến tranh là một siêu đề tài". Chúng tôi nghĩ điều ấy đã, đang và sẽ luôn luôn đúng. Tất cả những điều ấy cắt nghĩa vì sao, ngay ngày hôm nay, chiến tranh vẫn "ngự trị" trong văn chương và vẫn có thể "hớp hồn" người đọc, nếu tác phẩm của nhà văn là một tiếng nói nghệ thuật mới mẻ, giàu tính nhân văn và có sức lay động tâm hồn con người thời đại đang sống trong hòa bình, trong một xã hội tiêu dùng và hưởng thụ.

Tiểu thuyết Cát trọc đầu của Nguyễn Quang Vinh (Nxb Trẻ, 2013) theo chúng tôi nghĩ, là một bất ngờ của văn chương đương đại trong đề tài chiến tranh tưởng như đã "cũ mèm" với ai đó, nay bỗng phát sáng và mời gọi độc giả ngày nay vốn rất thông minh và cũng rất khó tính, nếu không nói đôi lúc cũng rất đỏng đảnh. Hai mươi lăm chương của tiểu thuyết tập trung kể về một câu chuyện trong chiến tranh, không hẳn chỉ độc chuyện tình yêu (dù cho là phần lớn), mà là câu chuyện về sự sống không bao giờ chán nản của những con người ở một đất nước có lịch sử hàng nghìn năm "lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa". Nhân vật không nhiều (nếu có thể kể ra là Nụ, Bá, An, Xuân, Kim Anh, Hà). Trong số các nhân vật trên thì chỉ có Bá là nam, còn lại là nữ. Tác giả có ngụ ý gì đây? Chúng tôi nghĩ là có. Cuộc chiến tranh ác liệt đã đổ xuống đầu bất kỳ ai trên dải đất hình chữ S này, trong mấy chục năm trời, nhưng có lẽ với người phụ nữ thì nó khốc liệt hơn, đau đớn hơn, và cũng có thể ám ảnh dai dẳng hơn chăng?

Trong cuốn tiểu thuyết mới này, Nguyễn Quang Vinh không chú mục miêu tả chiến tranh ác liệt qua tiếng bom gào, đạn nổ, máu xương khủng khiếp như thế nào (dĩ nhiên là vẫn cần thiết đối với một tác phẩm văn học viết về chiến tranh sau chiến tranh). Tác giả chú tâm miêu tả sự hình thành nhân cách và quá trình tha hóa trở nên "phi nhân cách" của những con người tham gia cuộc chiến. Hai nhân vật đại diện cho quá trình kép này là Bá và Nụ. Mỗi người một hoàn cảnh, số phận, tính cách và kết cục không giống nhau. Qua họ, độc giả nhận biết được các giá trị cao cả đối lập với thấp hèn đã va chạm nhau như thế nào trong chiến tranh vốn được coi như là một thứ "thuốc thử", như "lửa thử vàng".

Nhưng điều đáng nói là, viết về chiến tranh sau chiến tranh, nên nhà văn đã có cái nhìn nghệ thuật biện chứng hơn về con người và chiến tranh. Không có mô hình con người tốt - xấu hoàn toàn, không có chuyện "ta thắng địch thua", không có chuyện chỉ có hoan ca, hùng tráng mà có cả bi ai, đau thương, uất hận. Nghĩa là màu sắc, đường nét của chiến tranh đã trở nên đa sắc hơn. Con người trong chiến tranh được miêu tả cả trên tầm cao vàmức thấp của nó trước những thử thách khắc nghiệt nhất. Xuân không chỉ có những nét đáng yêu, đáng kính trọng mà vẫn có những nét đáng có thể chê trách (quá ư tin người, có lúc thiếu tiết chế), Bá cũng không phải hoàn toàn xấu xa, đê hèn mà cũng có lúc cũng biết sám hối, muốn hoàn lương.

Đi suốt tác phẩm là hai nhân vật chính: Nụ và Bá. Nụ là một thôn nữ, có nhan sắc, yêu đời, tin người, sống hết mình. Và hơn thế, là cô gái dũng cảm trong chiến tranh. Tình đầu Nụ đã trao cho Bá (con nuôi chủ tịch huyện). Nhưng bao nhiêu là ký thác, kỳ vọng của Nụ trao cho Bá đã đổ xuống sông xuống biển vì sau đó cô phát hiện ra cái chất hèn đớn, háo danh, lật lọng của Bá. Rồi cả hai cũng đều ra mặt trận theo những con đường khác nhau, mục đích cũng rất khác nhau. Nụ không hề tiếc tuổi thanh xuân của mình khi xông ra trận tiền, Nụ coi chiến tranh là cơ hội "lửa thử vàng gian nan thử sức", và nếu "dấn thân" thì với Nụ là một sự trải nghiệm cần thiết để hình thành nhân cách. Bá ngược 180 độ với Nụ. Ra trận, với anh ta là cơ hội "lập công chuộc tội", là cơ hội tiến thân nếu sống sót trở về, đặc biệt nguy hại hơn là anh ta ỷ vào và lợi dụng sự kinh qua chiến tranh, biến nó thành một vỏ bọc để toan tính, mưu cầu danh lợi trong hòa bình. Có thể nói, cảm hứng anh hùng - lãng mạn, mà ai đó coi là "cũ rích", thì trong Cát trọc đầu, vẫn phát lộ ưu điểm của mình, khi nhà văn tựa vào đó để viết tác phẩm ca tụng nhân dân trong những hy sinh vô bờ bến vì nền độc lập dân tộc.

Sử thi hòa quyện với tâm lý là đặc điểm nghệ thuật nổi bật trong tiểu thuyết Cát trọc đầu. Có thể nói, đây là một cuốn tiểu thuyết đọc hấp dẫn vì chiều sâu tâm lý của tính cách nhân vật. Toàn cảnh và cận cảnh, nội tâm và ngoại cảnh phối hợp, đan xen khiến cho tiểu thuyết có được cái linh hoạt, uyển chuyển, mềm dẻo của cấu trúc. Đặc biệt sự ngắn gọn, cô đúc (chỉ có 284 trang) như một ưu điểm làm cho tiểu thuyết có sức mạnh của một "cú đấm nghệ thuật" nhiều hiệu quả. Chúng tôi nghĩ, trong cơ chế đọc văn chương hiện nay, nhà văn có ý thức tôn trọng độc giả khi không làm mất nhiều thời gian của họ. Phải nói thêm cái duyên văn của Nguyễn Quang Vinh trong Cát trọc đâùlà nương theo "thi pháp của sự thành thực".

Cát trọc đầu không phải là một cuốn tiểu thuyết hoàn toàn chỉ có ưu điểm, đây đó bạn đọc vẫn có thể nhận biết những chuệch choạc không đáng có và gây sự đáng tiếc (chẳng hạn nhân vật thường "cương" quá, đôi chỗ văn viết lẫn vào văn nói). Nhưng rốt cuộc, chúng tôi nghĩ, cái tạo nên sự hấp dẫn của Cát trọc đầu chính là khả năng "gây hấn cảm xúc" của tác phẩm đối với độc giả và tâm thế xã hội, nó thôi thúc mỗi người phải suy nghĩ lại, phải biết sám hối, phải biết lật lại vấn đề. Nói cách khác, là cần thiết phản biện đời sống bằng nghệ thuật. Cát trọc đâùmột lần nữa cung cấp thêm cho chúng ta bằng chứng về sức sống của tiểu thuyết, để có thể tin tưởng nói rằng "tiểu thuyết chưa chết".

BÙI VIỆT THẮNG

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1