| Nhà văn Murakami và cuốn sách mới nhất in ở Việt Nam. | Tập đầu và tập 2 lần lượt ra mắt cuối năm 2012. Tập 3 đến 4/12 năm nay bản tiếng Việt mới phát hành, khiến người hâm mộ phải đợi đúng 1 năm. Được mệnh danh “siêu tiểu thuyết” hay “bom tấn”, mỗi tập xấp xỉ 400-500 trang. Tổng cộng bộ tiểu thuyết dày gần 1.400 trang. Nhưng những danh xưng hoành tráng không đến từ độ dày của bộ sách, dù độ dày đó cũng đáng nể trong thời đại này. Bởi, Murakami thường vẫn nhận được lời khen cho đủ các tác phẩm từ mỏng nhẹ đến đồ sộ. Cần nhắc lại cốt truyện chính của bộ tiểu thuyết, 1Q84 có thể coi là kể về chuyện tình yêu – mối tình giữa một chàng trai (Tengo) và một cô gái (Aomame) vốn là bạn học từ năm 10 tuổi, bị chia cắt 20 năm. Và vẫn yêu nhau, vẫn giữ nguyên ý định tìm nhau. Tengo là “học sinh xuất sắc nhất lớp, được mọi người yêu mến”, còn Aomame “bị cô lập, bị cả lớp coi như không khí” vì gia đình theo một giáo phái bí mật. Cả hai đều cô đơn - như mọi nhân vật chính khác của Murakami, theo cách chỉ riêng họ mới hiểu. Gặp gỡ - chia cắt - đoàn tụ, còn có mô típ nào đơn giản hơn mô típ này? Nhưng như Murakami từng nói, với bộ tiểu thuyết này, ông quyết tâm kể cốt truyện đơn giản nhất theo cách phức tạp nhất. Và nhiều yếu tố phụ đã được thêm vào khiến câu chuyện rẽ sang nhiều nhánh, trở nên vô cùng phức tạp. Cốt truyện chính như xương sống của một cơ thể, xung quanh mọc ra nhiều cơ quan và tế bào khác cực kỳ phức tạp. Ở nhánh của Aomame, cô trở thành nữ sát thủ chuyên làm việc cho một phụ nữ giàu có, thường giết những người đàn ông là thủ phạm bạo hành phụ nữ và trẻ em. Vụ ám sát một lãnh tụ tôn giáo đã khiến cô phải bỏ trốn. Ở nhánh của Tengo, anh đứng ra viết lại một cuốn sách đứng tên tác giả khác, vụ việc khiến anh liên quan đến một tổ chức bí ẩn và cũng bị điều tra. Tập 1 và tập 2 đều đầy ắp tình huống kỳ quặc, thậm chí quái dị: Việc xuất hiện 2 mặt trăng trên bầu trời, việc lãnh tụ tôn giáo đích thân yêu cầu Aomame ám sát mình, cảnh Tengo giao hợp (phải dùng đúng từ này) với một nhân vật nữ mà không hề có dục vọng và tình yêu… Sang đến tập 3, vẫn tiếp tục theo hướng này. Tại nơi trú ẩn, Aomame phát hiện mình có thai mà trước đó không hề quan hệ tình dục trong một thời gian. Việc Aomame thụ thai được lý giải theo lối siêu thực, một cuộc thụ tinh kỳ lạ nhất từng thấy, không hề theo phương thức thông thường. Nhưng tất nhiên, nếu đã tìm đến với tập 3 này, độc giả mong đợi câu trả lời cho một câu hỏi cơ bản nhất: Hai nhân vật chính có tìm lại được nhau hay không? Điều đó chẳng có gì khó, lật trang cuối cuốn sách là biết ngay. Câu trả lời là “có”, và đó cũng chẳng phải là một chi tiết cực kỳ quan trọng, cần giữ kín. Nếu đã đọc văn Murakami, người ta sẽ có kinh nghiệm là kết cục thực ra không quan trọng bằng những gì đã xảy ra ở giữa. Sang tập 3, tác giả chuyển từ cách kể chuyện từ 2 góc nhìn của Tengo và Aomame sang 3 góc nhìn, thêm vào góc nhìn của Ushikawa, kẻ được thuê để điều tra và truy tìm cả 2 người. Ushikawa là con người có diện mạo và tính cách khó ưa, nhưng từ những câu nói và chi tiết tinh tế của Murakami, người đọc nhận ra con người này cũng rất cô độc. Không thể viết về 1Q84 mà không nhắc đến Đi tìm thời gian đã mất – bộ tiểu thuyết còn đồ sộ hơn của Marcel Proust. Aomame đã đọc bộ sách này trong thời gian trú ẩn hoàn toàn một mình. Bộ sách mà Murakami viết là nếu “chưa có thời gian vào tù, cũng chưa từng lẩn trốn ở đâu đó một thời gian dài” thì “không có cơ hội đọc hết cả bộ sách này”. Đi tìm thời gian đã mất (gần đây có bản dịch tiếng Việt tên là Tìm lại thời gian đã mất), là kiệt tác viết về thời gian. 1Q84 cũng viết về thời gian, theo cách riêng. Bản thân “1Q84” là mốc thời gian hư cấu do Murakami sáng tạo ra, thay vì năm “1984” như thời điểm các nhân vật trong sách sống. Chữ “Q” viết tắt của từ “question” (câu hỏi), 1Q84 là niên đại ở một thế giới khác. Bộ tiểu thuyết 1Q84, bản tiếng Việt do Lục Hương dịch. Lục Hương cũng là dịch giả duy nhất ở Việt Nam từ trước đến nay từng được trực tiếp gặp gỡ Haruki Murakami để nghe chỉ dẫn của ông về việc dịch thuật. | HẠ MI |