Ông Quang Văn Thỉnh, Bí thư Đảng ủy xã bận tiếp một đoàn cán bộ ngành nông nghiệp nên Phó Bí thư Thường trực Nguyễn Thanh Hài và Giám đốc Quỹ Bảo hiểm và Phúc lợi nông dân Đỗ Văn Chiến, tiếp tôi tại trụ sở UBND xã, các ông trao đổi công việc chân tình, vui vẻ. Tôi nói mục đích về xã Thanh Văn là muốn tìm hiểu về chương trình xây dựng nông thôn mới, Quỹ Bảo hiểm và Phúc lợi nông dân đem lại cho người dân lợi ích thật sự, là mô hình đầu tiên trong cả nước, góp phần làm cho xã Thanh Văn đổi mới và phát triển toàn diện.
Hỏi về tình hình văn hóa xã hội, giáo dục… các ông cho hay: Những vấn đề anh đề cập thì dân của chúng tôi tiến bộ nhiều. Bây giờ nhà nào cũng có con, cháu đi học, có nhiều gia đình có đến hai, ba cháu đỗ đại học, cao học ấy chứ. Chuyện học sinh đỗ vào đại học mươi, mười lăm năm trước thì rất ít nhưng hơn mười năm lại đây, các cháu thi đỗ đại học ngày càng nhiều. Xã có chính sách động viên khích lệ về vật chất thỏa đáng, động viên con em càng học giỏi phần thưởng càng nhiều, cháu nào thi đỗ vào đại học được thưởng 500.000 đồng/cháu, đỗ thủ khoa và tốt nghiệp cũng đạt thủ khoa thì được thưởng gấp đôi. Tôi thấy chuyện gì các ông cho biết đều hay, khiến tôi bị cuốn hút vào các câu chuyện ở một vùng ven đô, bởi nội dung không mới nhưng cách làm ở đây rất mới.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy do Bí thư Quang Văn Thỉnh đứng đầu, cả 4/4 thôn đều có nhà văn hóa; sân vận động; các công trình văn hóa hoạt động sôi nổi, phục vụ tâm linh, tín ngưỡng của nhân dân, để mọi người tập thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe. Thư viện xã cũng do ông “đẻ” ra. Các ông đưa tôi đến thư viện cạnh trụ sở, một thư viện rất ngăn nắp, sạch sẽ vừa khai trương ngày 10/10/2013, còn tươi nguyên mùi sơn màu hoàng yến. Căn nhà chỉ 50m2, sân rộng thoáng mát, nhiều cây xanh trồng xung quanh, có 4 bộ bàn ghế, bàn ngồi uống nước… đủ cho khoảng hơn 20 người ngồi đọc một lúc. Mới khai trương nên mới có hơn 2.000 đầu sách, rất nhiều báo chí được xếp trên các giá đỡ thiết kế mĩ thuật chắc, đẹp bằng i-nốc. Sách, báo bày ngay ngắn, khoa học. Các anh cho biết: Mặc dù thư viện vừa đưa vào hoạt động, nhưng hằng ngày lượng người đến đọc rất nhiều. Các cụ cao tuổi tấm tắc khen: “Thư viện xã Thanh Văn phong phú, đẹp và tha hồ mà đọc sách, báo…”. Thư viện quy định: Mọi người đến đọc, đọc xong yêu cầu trả lại vị trí ban đầu. Hiện thư viện có hai nữ thủ thư, bảo quản và hướng dẫn mọi người đến đọc, được hưởng phụ cấp trách nhiệm hằng tháng.
Ông Quang Văn Thỉnh – Bí thư Đảng ủy xã Thanh Văn.
Buổi trưa, tôi được dự bữa cơm “cây nhà lá vườn” (Phó Bí thư Nguyễn Thanh Hài cười vui nói). Mâm cơm được bày trên bàn hội trường. Ông Quang Văn Thỉnh bước vào bắt tay tôi và nói: – Chào nhà báo, anh thông cảm, tôi được biết anh đến sáng nay, vì có một số anh em bên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến (có kế hoạch từ trước) nên Phó Bí thư Thường trực tiếp thay tôi. Vả lại, anh em tôi ai tiếp cũng vậy mà, nào mời mọi người xơi cơm. Hóa ra bữa cơm này Bí thư cũng quan tâm, tôi thích chí: Từ việc lớn đến việc nhỏ Bí thư đều có mặt và chỉ đạo thì… xã Thanh Văn kém làm sao được. Ông Thỉnh hồ hởi: – Chuyện thường ngày ở xã mà! (cười), nào mời anh em ta dùng bữa…
Trong bữa ăn, tôi nghe Bí thư Quang Văn Thỉnh thổ lộ nhiều về cung cách xây dựng nông thôn mới, nhất là Quỹ Bảo hiểm và Phúc lợi hưu nông dân, thành lập tổ chức thư viện, về văn hóa đọc. Ông bảo: – Nhà báo đến xã Thanh Văn chúng tôi có nhiều nét mới, bà con nông dân trước kia chỉ biết ruộng đồng, chân lấm tay bùn, làm quần quật mà vẫn đói, vẫn nghèo bởi cung cách làm ăn lạc hậu, nhà nào biết nhà đó. Bây giờ các cháu học hành đỗ đạt nhiều, nạn cờ bạc, các tệ nạn xã hội hầu như không có, rảnh rỗi các cụ ra nhà văn hóa sinh hoạt, bây giờ có thêm thư viện xã, ai cũng có điều kiện đọc sách, báo. đúng là qua sách báo sự nhận thức, hiểu biết được nâng lên, văn minh lên nhiều. Chúng tôi là người dân có gì nói thế, mộc mạc chân chất vậy. Chúng tôi đang cố gắng đầu tư nhiều cho thư viện tạo phong trào yêu thích đọc sách, báo, làm theo báo hay lắm anh ạ. Từ Văn hóa đọc sẽ lan tỏa ra nhiều việc làm hay.
Dù mới đến Thanh Văn một lần, một xã thuần nông ở ngoại ô của thành phố Hà Nội, nhưng những điều tai nghe, mắt thấy đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng thật đẹp, trong đó có Văn hóa đọc đang khởi sắc, là “món ăn” tinh thần không thể thiếu được trong cuộc sống hằng ngày nơi đây. Giá như cả nước đều có cách làm, biết đặt lợi ích của người dân lên trên hết như ở xã Thanh Văn, tạo được sự đồng thuận giữa Đảng bộ, chính quyền và người dân, chắc chắn sự phát triển bền vững, trong đó Văn hóa đọc là một mắt xích quan trọng không thể thiếu bởi nó vừa là mục tiêu, vừa tạo nguồn động lực, cần được nhân rộng.
Nguyễn Chí Tiến