Ông vua của Thế hệ Beat (Thế hệ mỏi mệt) vốn nổi tiếng vì thú vui thích ngao du sơn thủy. Năm 1951, trong trạng thái mê mải cuồng nhiệt, Jack Kerouac đã đắm chìm trong bản thảo On The Road, vốn tích lũy nhiều năm kinh nghiệm và các chuyến đi. Ông viết tay không ngừng trên các trang giấy dán liền với nhau thành một tập bản thảo đồ sộ mà không hề ngừng nghỉ để đánh máy. Nhà văn Mỹ có cuộc đời lênh đênh, cô độc dường như đã không dám ngừng tay vì sợ rằng tốc độ viết của mình sẽ bị chững lại. Cuối cùng, sau khi mãn nguyện với tập bản thảo dày dặn trong tay, Jack Kerouac mang tới nhà xuất bản danh giá Robert Giroux và sung sướng tự tay tách từng trang ra trên sàn nhà.
Không muốn Jack Kerouac cụt hứng, chủ biên Robert Giroux làm như mình chú ý tới tập bản thảo luộm thuộm của ông. Tuy nhiên, ông cũng không quên nhắc nhở: “Nhưng mà Jach, làm sao có thể biên tập một bản thảo như thế này. Cậu phải cắt bớt đi, bản thảo phải được chỉnh sửa đàng hoàng chứ?”. Không nói không rằng, thần tượng văn chương của giới trẻ Mỹ đùng đùng rời khỏi văn phòng của Robert Giroux. Phải mất vài năm sau đó, Jack Kerouac mới tìm được chốn “dung dưỡng” cho kiệt tác của mình - Nhà xuất bản Viking Press.
Bộ quần áo màu trắng James Joyce thường mặc khi viết lách vào ban đêm James Joyce (1882 - 1941) tác giả của Ulysses (1922), Poems Pennyeach (Thơ một xu một bài - 1927) không chỉ nổi tiếng với các kiệt tác thách thức sự kiên nhẫn của giới dịch thuật mà còn gây ấn tượng với thói quen nằm sấp sáng tác. Với một cây bút chì lớn màu xanh dương, bận chiếc áo khoác màu trắng, ông thản nhiên viết lách trên giấy bìa cứng.
Tuy nhiên, đây không phải là một sở thích tự tác, một thói mê tín hay phong cách riêng độc đáo nào. Nguyên do là nhà văn người Ireland có thị giác rất kém. Ông bị cận thị từ lúc mới chỉ là một cậu bé và đến tuổi đôi mươi thì gần như đôi mắt chỉ còn trông thấy lờ mờ. Một cơn sốt thấp khớp ở tuổi 25 tiếp tục gây ra chứng viêm mống mắt mắt đau đớn. Đến năm 1930, James Joyce đã trải qua tới 25 ca phẫu thuật mắt nhưng không thể cải thiện được thị giác. Vì thế, những cây bút chì màu lớn cho phép ông nhìn rõ những gì mình viết ra và chiếc áo trắng giúp phản chiếu ánh sáng vào các trang viết nhiều hơn vào ban đêm.
Virginia Woolf thiết kế ra một miếng gỗ dán để bút, mực gắn vào trang viết dở từ đêm hôm trước để có thể bắt đầu công việc đang gián đoạn ngay vào sáng hôm sau Nổi tiếng với câu châm ngôn: “A woman must have money and a room of her own if she is to write fiction” (Một phụ nữ phải có tiền và một căn phòng riêng nếu cô ta muốn viết tiểu thuyết) trong tiểu luận A Room of One’s Own (Một căn phòng riêng - 1929), Virginia Woolf đã luôn khăng khăng rằng cần phải có tư thế viết để có thể đọc được những gì mình viết ra. Ở tuổi 20, nữ văn sĩ người Anh đã dành hai tiếng rưỡi mỗi buổi sáng để đứng luyện viết trên một chiếc bàn cho phép bà từ gần hay xa đều có thể nhìn thấy thành quả công việc của mình. Đây là một hình ảnh khá thời thượng thời bấy giờ. Trước đó, em gái của Virginia Woolf, nữ họa sĩ Vanessa Bell cũng đã rất nổi tiếng với hình ảnh đứng vẽ hết sức quyến rũ.
Tuy vậy, theo thời gian, Virginia Woolf đã có những điều chỉnh phù hợp. Khi chuyển sang ngồi viết, bà thiết kế ra một miếng gỗ dán để bút, mực gắn vào trang viết dở từ đêm hôm trước để có thể bắt đầu công việc đang gián đoạn ngay vào sáng hôm sau. Cũng tương tự, nhà văn John Steinbeck, tác giả The Grapes of Wrath (Chùm nho phẫn nộ - 1939) thích viết lách bằng bút chì và luôn cẩn thận để sẵn chính xác 12 cây bút chì đã gọt sẵn trên bàn làm việc. Luôn nắm chặt những cây bút chì, tay của John Steinbec hình thành những vết chai hình lục lăng và một biên tập viên đã phải gửi cho nhà văn nổi tiếng loại bút chì tròn những mong hạn chế tổn thương bàn tay của ông.
Truman Capote luôn không bắt đầu và kết thúc một công việc vào ngày thứ 6, đổi phòng khách sạn nếu số điện thoại phòng liên quan tới con số 13, không bao giờ để lại hơn 3 mẩu thuốc lá trong gạt tàn Bên cạnh những thói quen thuận tiện để viết lách theo sở thích và điều kiện cá nhân, một số cây bút nổi tiếng cũng thể hiện sự mê tín vào trong sáng tạo. Đó là nhà văn Mỹ lừng danh, tác giả nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản phim được coi là kinh điển, trong đó có truyện vừa Breakfast at Tiffany’s (Bữa sáng ở Tiffany) và tiểu thuyết In cold blood (Máu lạnh), Truman Capote. Ông luôn không bắt đầu và kết thúc một công việc vào ngày thứ 6, đổi phòng khách sạn nếu số điện thoại phòng liên quan tới con số 13, không bao giờ để lại hơn 3 mẩu thuốc lá trong gạt tàn của mình bằng cách nhét các mẩu thuốc thừa vào túi áo khoác.
Jack London viết 1.000 từ mỗi ngày trong suốt sự nghiệp Một số tác giả lừng danh khác tự đặt ra kỷ luật viết lách cho bản thân mình. Tác giả của The Call of the Wild (Tiếng gọi nơi hoang dã), Jack London viết 1.000 từ mỗi ngày trong suốt sự nghiệp. Khủng khiếp hơn, chủ nhân giải Nobel văn học năm 1963, William Golding từng tuyên bố trong một bữa tiệc rằng ông viết 3.000 từ mỗi ngày. Norman Mailer và Arthur Conan Doyle cũng lao động chữ nghĩa với con số tương tự. Raymond Chandler, tiểu thuyết gia trinh thám nổi tiếng người Mỹ nổi tiếng là viết khỏe, mặc dù không đề ra hạn mức nhưng ông đã viết tới 5.000 từ mỗi ngày. Không chịu kém tài, tiểu thuyết gia vĩ đại người Anh, Anthony Trollope, tác giả của Ayala's Angel hàng ngày thức dậy lúc 5 rưỡi sáng, bắt buộc bản thân viết 250 từ/phút với chiếc đồng hồ đo giờ bên cạnh. Cây bút kinh dị nổi tiếng nhất thế giới hiện nay, Stephen King làm bất cứ điều gì để đạt được định mức 2.000 từ mỗi ngày. Không hề kém cạnh, Thomas Wolfe, thần tượng của Tổng thống Mỹ, Barack Obama không cho phép mình dừng lại nếu chưa viết đủ 1.800 từ mỗi ngày.
Trái ngược với các đồng nghiệp lắm chữ, nhà văn James Joyce luôn thể hiện sự tự hào vì có thể hoàn thành hai câu hoàn chỉnh trong một ngày làm việc. Còn “đại lãn” hơn, nữ nhà văn Dorothy Parker, một trong những phụ nữ có ảnh hưởng nhất mọi thời đại một lần than thở: “Tôi không thể viết 5 từ mỗi ngày, thay vào đó là 7 từ”.
Victor Hugo tự quản thú tại gia nhiều tháng để viết Nhà thờ Đức Bà Paris Nổi tiếng bậc nhất trong việc “tự xử” bản thân có lẽ là Đại văn hào người Pháp, Victor Hugo. Mùa thu năm 1930, cảm thấy khó lòng hoàn thành The Hunchback of Notre Dame (Nhà thờ Đức Bà Paris) đúng hạn vào tháng 2/1831, Victor Hugo đã mua rất nhiều lọ mực, tự quản thúc tại gia bằng cách khóa chặt tủ quần áo của mình để tránh sự cám dỗ rời khỏi nhà. Ông chỉ để lại cho bản thân một chiếc khăn choàng màu xám lớn, mua vài bộ đồ dệt kim mặc nhà dài thượt và dùng chúng như một đồng phục trong nhiều tháng ngồi nhà chăm chỉ bên bàn viết. Kết quả là Đại văn hào người Pháp hoàn thành cuốn tiểu thuyết vài tuần lễ trước hạn định và sử dụng hết sạch số mực viết dự trữ.
Flannery O'Connor và những con công yêu thích Một thói quen trong khi viết mà nhiều cây bút đã và đang thực hành là luôn giữ loài vật nuôi yêu thích bên cạnh. Đó là Edgar Allan Poe, ông tổ của thể loại truyện trinh thám và hình sự, người đã luôn coi con mèo khoang yêu dấu tên là Catterina như một người giám hộ các tác phẩm của mình, con vật đã “kêu nho nhỏ như phê duyệt tiến độ công việc mà nó giám sát”. Một nữ nhà văn khác, vốn nổi tiếng với phong cách Gothic, Flannery O'Connor đã yêu quý các loài gia cầm, đặc biệt là gà từ thời thơ ấu. Theo đó, bộ sưu tập gia cầm của bà ngày càng phong phú với gà lôi, vịt, gà tây và chim cút... Nổi tiếng nhất trong số đó là một con công mái, một nhân vật trong tiểu thuyết của Flannery O'Connor. Không kém phần quái dị là nữ sĩ Colette, một tài năng độc nhất vô nhị, người đã luôn quan sát bộ lông của chú chó đực giống Pháp, Souci với đôi mắt sành sỏi, sau đó bắt bọ chét cho chú cho tới khi sẵn sàng ngồi vào bàn viết.
Friedrich Schiller không thể sống hoặc làm việc nếu thiếu mùi táo thối Kịch tác gia huyền thoại, Friedrich Schiller từng xuất hiện trong hồi tưởng của bạn thân, nhà viết kịch thiên tài Goethe khi ghé thăm tư gia của người bạn. Vì Friedrich Schiller vắng nhà, Goethe đã ngồi xuống bàn để biên thư lại, nhưng đúng lúc đó, ông ngửi thấy một mùi thối lan ra khắp phòng và xuất phát từ chính ngăn kéo của ông bạn quý hóa. Goethe cúi xuống, mở ngăn kéo, và tìm thấy một đống táo thối. Lý giải về điều này, vợ của Friedrich Schiller, Charlotte cho hay ông chồng thường cố tình để cho những quả táo thối rữa vì mùi táo thối tạo cảm hứng cho ông, giống như một bạn kề vai sát cánh và Friedrich Schiller “không thể sống hoặc làm việc mà không có nó”. Nhiều giả thuyết đã được đặt ra, và người ta đã thống nhất rằng có thể khí mêtan trong mùi táo thối gây choáng váng, một cảm giác ngà ngà say kèm chóng mặt nhẹ giúp kích thích sáng tạo cho kịch tác gia nổi tiếng.
Ẩm thực là một trong những nhân tố đóng vai trò quan trọng trong việc nối dài cảm hứng viết lách cho một số nhà văn tên tuổi. Nữ nhà văn trinh thám người Anh, Agatha Christie thích gặm táo trong bồn tắm trong khi suy nghĩ về những vụ giết người man rợ trong các tác phẩm của mình, Flannery O'Connor xơi bánh xốp vani giòn tan và Vladimir Nabokov bước ra thời kỳ rực rỡ trong sự nghiệp trong khi đang thưởng thức mật mía.
Trong nhiều thập kỷ, Alexandre Dumas viết tiểu thuyết trên giấy màu xanh, thơ trên giấy màu vàng và các bài báo trên giấy màu hồng Những nghi lễ cá nhân thiêng liêng và nên thơ mà các nhà văn nổi tiếng đã thực hành trong suốt sự nghiệp cũng hấp dẫn không kém. Alexandre Dumas không chỉ yêu đương bạt mạng mà còn là một nhà mỹ học trong sáng tạo. Trong nhiều thập kỷ, ông viết tiểu thuyết trên giấy màu xanh, thơ trên giấy màu vàng và các bài báo trên giấy màu hồng. Một lần, khi đi du lịch ở châu Âu, ông đánh mất những tập giấy xanh quý giá, buộc phải viết trên giấy màu kem và cứ bị dằn vặt mãi vì cho rằng điều đó đã làm giảm chất lượng tác phẩm.
Lewis Carroll vốn ưa màu mực tím Charles Dickens vốn ưa chuộng màu mực xanh, không phải vì mê tín mà bởi mực xanh dương khô nhanh hơn các màu mực khác, cho phép ông sang trang mà không lo ngại mực thấm qua làm trở ngại. Virginia Woolf, trái lại, ưa sử dụng nhiều màu mực: xanh dương, xanh lá và màu tím. Trong đó, nữ văn sĩ đặc biệt thích màu tím. Bà thường viết sách bằng màu mực này, đồng thời viết cả những bức thư tình bằng mực tím. Lewis Carroll, tác giả của Alice's Adventure in Wonderland (Cuộc phiêu lưu của Alice vào xứ sở thần tiên) cũng ưa màu mực tím, nhưng với một lý do rất lý trí: Những năm theo học tại Oxford, các giáo viên của Lewis Carroll thường sửa bài thi của sinh viên bằng màu mực này và thói quen ấy đã ảnh hưởng tới nhà văn người Anh.
Vladimir Nabokov viết trong lúc đỗ xe Có những tác giả tài năng đã tận dụng bất cứ giây phút rảnh rỗi nào để lao vào viết lách. Đó là trường hợp của Alexandre Dumas. Đại văn hào người Pháp tận dụng từng khoảng thời gian rỗi khi làm việc vặt hoặc kể cả khi ăn uống để hí hoáy với các con chữ. Nếu thi sĩ người Mỹ, Wallace Stevens làm thơ trên một mảnh giấy cầm tay khi đi dạo, nghệ sĩ gốc Do Thái - Maira Kalman thường giao bản thảo cho thư ký đánh máy. Eudora Welty - “Bà lớn của văn học Mỹ” viết trong khi cho con bú, Sir Walter Scott - tiểu thuyết gia và đại thi hào lỗi lạc của Scotland làm thơ trên lưng ngựa. Tác giả của Lolita, Vladimir Nabokov thậm chí còn keo kiệt thời gian hơn khi viết trong lúc đỗ xe.
Thời thanh niên, Woody Allen “sản xuất” 40 - 50 câu chuyện cười mỗi ngày trong tình trạng đứng vật vạ lắc lư và tiếng la ó của các hành khách trên tàu điện ngầm
Rất nghiêm túc, nhà văn trào phúng người Mỹ, Joseph Heller nói rằng ý tưởng thường tràn đến khi ông đang ở trên xe bus, trong đó có cả ý tưởng của kiệt tác Catch-22. Khi mới 16 tuổi, nhà viết kịch bản cũng là “báu vật điện ảnh” Woody Allen đã dần hiện thực hóa tài năng có một không hai của mình trên các chuyến tàu điện ngầm đông đúc mà ông là một hành khách. Gã lập dị “mắn đẻ” tranh thủ đi tàu điện ngầm để làm thêm ở một công ty quảng cáo đã viết trong tình trạng đứng vật vạ lắc lư và tiếng la ó của các hành khách và “sản xuất” 40 - 50 câu chuyện cười mỗi ngày trong suốt nhiều năm.