Văn học Trung Quốc từ lâu đã chiếm vị trí quan trọng trong nền văn học dịch Việt Nam, nhất là trong những năm gần đây, sự xuất hiện của nhiều cây bút nữ trẻ Trung Quốc thành danh ở trong nước hoặc đang sống và làm việc ở nước ngoài đã gây được tiếng vang nhất định. Nhiều tác phẩm văn học Trung Quốc đã được chọn dịch ở Việt Nam và gây được sự chú ý của bạn đọc: Đỗ quyên đỏ, Nữ Hoàng Phong lan của nhà văn, dịch giả Nguyễn Bản; tuyển tập các truyện ngắn trong tác phẩm Mẹ điên của Trang Hạ dịch; Thạch Thôn, Từ điển Trung Anh cho người đang yêu của Quách Tiểu Lộ…
Quyền sống của con người từ trong tiểu thuyếtAnchee Min sinh ra ở Thượng Hải, vừa là một nhà văn, họa sĩ và là một đạo diễn, chị đã từng vinh dự nhận giải thưởng sách Quốc gia Mỹ cho tác phẩm đầu tay Đỗ quyên đỏ. Đây là một cuốn hồi ký ấn tượng và có những cái nhìn riêng của nữ tác giả đã ra đi từ đất nước Trung Quốc và thành danh ở Mỹ khẳng định bằng những tác phẩm viết về lịch sử Trung Quốc. Chính Anchee Min đã kể lại lịch sử Trung Quốc cho phương Tây nghe và giải thích cho phương Tây hiểu thế nào là lịch sử, là nền văn hóa và con người Trung Quốc vốn mang tính sâu xa, thần bí. Bên cạnh cuốn tiểu thuyết Đỗ quyên đỏ, nữ nhà văn tiếp tục cho ra mắt độc giả thế giới tiểu thuyết Nữ Hoàng Phong lan kể về cuộc đời và nước mắt của một người đàn bà đã từng làm nên lịch sử của Trung Hoa, đó là Từ Hy Thái Hậu. Và đó cũng là 2 tác phẩm thành công nhất của Anchee Min cho đến nay.
Trong 2 cuốn tiểu thuyết được dịch sang tiếng Việt của Anchee Min là Đỗ quyên đỏ và Nữ Hoàng Phong lan đều không khó để nhận thấy đó là xu hướng tính nữ rõ nét trong những cuốn tiểu thuyết của nữ nhà văn. Nói đến tính nữ không phải chỉ vì trong Đỗ quyên đỏ Anchee Min đã đề cập đến tình yêu đồng tính giữa hai người đàn bà. Và đọc tiểu thuyết của Anchee Min bạn đọc như đang xâm nhập vào thế giới của những người phụ nữ phi thường luôn muốn tìm cách khẳng định số phận của mình. Tiểu thuyết đề cập đến nhiều vấn đề về quyền sống của con người, sự đầy ải của lương tri và nhân cách một cách tập trung nhất về số phận những người phụ nữ trong giai đoạn lịch sử ấy. Cùng với Đỗ quyên đỏ và Nữ Hoàng Phong lan, Anchee Min đã dựng nên một xã hội của những người phụ nữ, trong xã hội thu nhỏ đó những người đàn bà ứng xử với nhau bằng tình yêu, dục vọng và những âm mưu chiếm đoạt lật đổ lẫn nhau.
Trong tiểu thuyết Đỗ quyên đỏ, từ nông trường Lửa Đỏ cho đến xưởng phim, ở đâu nhân vật “tôi” cũng sống trong một môi trường toàn nữ, phải đối diện và đấu tranh với chính những người đàn bà, những người cùng giới với mình. Nữ Hoàng Phong lan cũng vậy, đây là một cuốn tiểu thuyết về Từ Hy Thái Hậu, một nữ hoàng trong lịch sử Trung Hoa. Cuốn tiểu thuyết kể về một người phụ nữ tìm đường đến với số phận và học cách thích nghi với số phận của chính bản thân mình. Song hành cùng với nó không tránh khỏi là cuộc nội chiến hậu cung giữa những người đàn bà tranh giành ân sủng từ một người đàn ông. Và tình yêu của những người phụ nữ trong Đỗ quyên đỏ và Nữ Hoàng Phong lan là một thứ tình yêu bất toàn, một tình yêu luôn trộn lẫn giữa yêu thương và tội lỗi; giữa yêu thương, sợ hãi và đầy những mưu mô, toan tính. Đó là tình yêu của những người phụ nữ đoan chắc được kết cục bởi những cuộc tình. Dù là tác phẩm tự truyện hay là tiểu thuyết lịch sử, cả 2 tác phẩm của Anchee Min đã thể hiện những nhân vật phụ nữ với tính cách mạnh mẽ, quyết liệt, dám bước qua số phận của cuộc đời để cuốn theo một con đường mới đầy phiêu lưu mạo hiểm, đòi hỏi sự đốt cháy mình không chỉ cho khát khao của một cá nhân mà là khát khao của cả thời đại. Tác phẩm của Min là tác phẩm của một phụ nữ trong thế kỷ XXI, cụ thể hơn là tác phẩm của một nhà văn đã tiến hành một cuộc hành trình “di trú” từ Đông sang Tây. Hiện thực của đất nước Trung Quốc, dù là của thời Từ Hy Thái Hậu hay của thời cách mạng văn hóa, nhưng đã được nhìn nhận từ bên ngoài đất nước Trung Hoa, vì vậy nó mang tính khách quan và có thể với một tầm nhìn rộng hơn, khái quát hơn.
Nỗi niềm của dịch giả Nguyễn BảnNăm 1996, dịch giả Nguyễn Bản chuyển ngữ thành công cuốn tiểu thuyết Đỗ quyên đỏ. Và một thời gian sau, ông tiếp tục cho ra mắt bạn đọc cuốn Nữ Hoàng Phong lan gây sự chú ý của đông đảo độc giả. Đây là 2 tác phẩm mà ông tâm huyết, dành nhiều thời gian và công sức với một tâm trạng thăng hoa, đồng hành cùng tác giả để cho ra đời đứa con tinh thần mà ông cảm thấy ưng ý nhất. Trong lao động dịch thuật, quan điểm của ông rất rõ ràng: “Tôi là nhà văn, công việc dịch thuật thực chất là sự hợp tác với tác giả chứ không chỉ để chuyển nghĩa đơn thuần mà còn tham gia vào công việc sáng tác cùng tác giả”. Và trong tổng số 15 đầu sách đã được dịch, cuốn Đỗ quyên đỏ là cuốn tiểu thuyết được ông chuyển nghĩa bằng tất cả niềm đam mê, sự khao khát và bằng chính cái tâm của mình để cho ra đời cuốn tiểu thuyết gây ấn tượng đối với bạn đọc-nhất là bạn đọc nữ. Cho đến nay, cuốn tiểu thuyết Đỗ quyên đỏ đã được tái bản nhiều lần với số lượng in hàng nghìn bản.
Dịch giả Nguyễn Bản tâm sự: “Lần đầu tiên đọc tiểu thuyết của Min, tôi không được biết các chi tiết trong tiểu sử của nhà văn, nhưng tôi tin rằng còn những chi tiết khác nữa từ tiểu sử nhà văn đã được đưa vào tác phẩm. Ông lý giải: Văn học dịch thuộc thể loại rất khó, mỗi tác phẩm dịch đều có đối tượng bạn đọc riêng mang tính đặc thù. Chứ người dịch không nên đặt ra mục tiêu là mình dịch cuốn nào ra đều thu hút đông đảo bạn đọc. Nhưng ngược lại, người dịch có khi cho ra mắt bạn đọc một tác phẩm phục vụ một nhóm người nhất định và được trân trọng cũng là niềm vui rồi! Trên thực tế, văn học dịch thường kén người đọc, có những tác phẩm có chất lượng cao chỉ dành cho số ít bạn đọc (mang tính nghiên cứu và học thuật cao) nhưng sức sống của tác phẩm ấy được giới nghiên cứu coi trọng. Và người dịch thông minh thường chọn tác phẩm dịch của mình theo hương tuân thủ theo quy luật thắt nút đồng thời mở ra nhiều lối (3-4 cửa để bạn đọc suy đoán tình huống và đi ra bằng nhiều lối) nhằm mục đích để độc giả đồng hành cùng sáng tác với anh, tham gia vào câu chuyện mới thực sự sinh động.
Tuy nhiên, dịch giả Nguyễn Bản lo lắng: Trong xu thế thị trường hiện nay, có không ít những dịch giả “hăng say” chạy theo cơ chế thị trường, chỉ nghĩ đến việc dịch để kiếm tiền nên đã có không ít những tác phẩm dịch non nớt về kỹ năng chuyên môn, dịch chưa hết và sát nghĩa, dịch ẩu... gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động văn học dịch nước nhà.
Ông cho rằng: Ngày nay, công nghệ thông tin, internet phát triển mạnh mẽ đã tạo cho thế hệ dịch giả trẻ ở Việt Nam rất nhiều cơ hội để tiếp cận và chuyển thể. Họ là những người được tiếp cận rất nhiều luồng thông tin khác nhau, nhiều cuốn sách có giá trị cao trên khắp thế giới mà chỉ cần một số thao tác sơ đẳng trên mạng internet là cả một thế giới văn chương hiện ra trước mắt các bạn. Vì vậy, ông hy vọng đội ngũ dịch giả trẻ nên chọn lựa thật kỹ những tác phẩm có chất lượng, hợp với thuần phong mỹ tục của đất nước để dịch nhằm góp phần làm phong phú thêm các tác phẩm văn học và song hành cùng sự phát triển của nền văn học nước nhà chứ không nên coi văn học dịch đơn thuần chỉ để kiếm tiền. Và suy cho cùng, đã dấn thân vào nghiệp dịch thuật trước hết anh phải có cái tâm, lòng đam mê thì mới mong được thành công và có chỗ đứng trong lòng bạn đọc. Do xác định rõ mục đích nên ông đã chọn cho mình một phương châm dịch: Mỗi nhà văn, dịch giả chỉ cần để lại một tập sách, thậm chí một trang sách có giá trị và ý nghĩa với độc giả cũng là quý lắm rồi!.
Nhà văn, dịch giả Nguyễn Bản, SN 1931, tại Bắc Ninh. Ông tốt nghiệp khoa Văn, ĐH Sư phạm Văn năm 1976. Truyện ngắn đầu tiên được in năm 1960 và được dịch ngay sang tiếng Anh, tiếng Pháp. Và ông cũng là người thông thạo 2 ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Pháp. Năm 1964, ông thôi viết và chuyển sang lĩnh vực công tác mới. Đến năm 1989, ông mới cầm bút trở lại, chủ yếu là viết truyện ngắn và dịch văn.
|
Thủy Liên