Nhà báo, nhà văn trào phúng Lê Văn Nghĩa: “Không viết những gì hạ thấp dân trí, trình độ người đọc…”

17:00:00 05/01/2014

Viết một cuốn sách đúng - là - mình, không hạ thấp dân trí, trình độ bạn đọc, được nhiều bạn đọc thích, chia sẻ; còn chính mình thi thoảng đọc lại cũng thấy khoái… Thế là hạnh phúc rồi”, “thằng hề” (lối nói thậm xưng Lê Văn Nghĩa thường dùng để gọi về mình) nói với chúng tôi trong cuộc trò chuyện đầu năm mới.

Lê Văn Nghĩa ký tặng sách cho bạn đọc đặc biệt - bác Dương Văn Ngộ - người viết thư thuê ở Bưu điện trung tâm Sài Gòn, cựu học sinh Petrus Ký. ẢNH T.L.T
Tôi sinh ra ở Hà Nội. Đọc “Mùa hè năm Petrus” - cuốn tiểu thuyết đầu tay anh viết, tôi hơi… bất ngờ, thấy mình được biết thêm nhiều điều thú vị về Sài Gòn những năm sáu, bảy mươi thế kỷ trước, nhất là chuyện học hành, giáo dục. Hiển nhiên, có nhiều sự khác biệt trong chuyện học thời đó và bây giờ - mỗi thời có ưu và nhược điểm riêng. Nhưng, như tôi thấy, trong những câu chuyện học hành thời bấy giờ của thế hệ các anh, có nhiều điều mà thời nay, cũng rất cần học hỏi…
- Một vài bạn viết của tôi, người Bắc, cũng có nói với tôi như vậy - họ đọc “Mùa hè năm Petrus”, và phát hiện được nhiều điều trước tới giờ họ không biết hay họ biết mà không chính xác về xã hội Sài Gòn trước giải phóng.
Tôi là người Sài Gòn toàn phần, sinh ra và lớn lên trong một xóm nghèo. Viết cuốn sách, là trước hết tôi muốn giữ lại một chút ký ức về Sài Gòn những năm tháng tuổi trẻ của mình - lời ăn tiếng nói, trang phục, lối sống...
Về chuyện học hành, giáo dục, tôi có thể kể thêm với bạn, thời đó, giáo dục tiểu học là cưỡng bách và miễn phí; ở cấp trung học, trường công ra công, trường tư ra tư; học trò nghèo, nếu học giỏi, thi đậu trường công, thì coi như đời nó có tương lai sáng sủa bởi phần lớn các trường công đều tử tế. Xã hội lúc đời, ngoài đời, có thể có sự phân biệt, phân cấp giữa một trò nghèo và giàu, nhưng khi vào trường, học chung một lớp, thì không có sự phân biệt; như trong sách tôi viết đó, lớp đệ thất của thằng Dũng có thằng cực nghèo, thằng giàu, thằng con tướng tá… Trên lớp, chúng là bạn bè với nhau, bình đẳng với nhau. Thầy cô đối xử với chúng rất bình đẳng, họ không quan tâm trò này con ai, gia đình trò kia giàu nghèo thế nào, cũng không có chuyện quà cáp cho thầy cô… Về cơ bản, cuộc sống của người làm nghề giáo thời đó ổn định, người thầy không có “cái gì đó” bị chi phối bởi vật chất. Tình thầy - trò không bị vật chất hóa, tiền bạc hóa…
Trường Petrus Ký (sau giải phóng đổi tên là trường Lê Hồng Phong - NV) tôi học là trường công lập, rất lớn và có tiếng, dành cho nam sinh. Giáo sư dạy ở đây đều tuyển lọc kỹ, nên, có thể nói, không có nhược điểm gì trong việc giảng dạy. Bạn đọc sách và thấy đấy, trường tạo (tập sự) cho học sinh sự dân chủ và tự cai trị từ nhỏ từ những chuyện để trò bán báo, tham gia các hoạt động văn nghệ, tự bầu bán, ứng cử vào ban đại diện của lớp…
Nếu nói đến nhược điểm trong hệ thống giáo dục, chuyện học hành thời đó, thì cũng có, chủ yếu ở hệ thống trường tư, như chuyện học phí, trình độ giáo sư, chuyện “từ chương, khoa bảng”… Tất nhiên, thời tôi đi học, cũng có những ngôi trường tư nổi tiếng, những ngôi trường được nhắc tới trong cuốn sách của tôi tương đối đàng hoàng.
Về cơ bản mà nói, nền giáo dục thời đó tạo điệu kiện cho người nghèo được đi học. Như gia đình tôi, một gia đình nghèo của Sài Gòn, tôi thi đậu vào trường công lập nên ba má tôi chỉ phải lo tiền ăn. Suốt những năm tháng đi học của mình, chúng tôi không bao giờ biết tới chuyện đóng học phí. Những trò nào học giỏi, thậm chí còn có học bổng…
v Anh kể về “Mùa hè năm Petrus” với giọng điệu hết sức bình thường, không “xài” kỹ xảo trong hành văn, không “dụng công” trong ngôn từ, không sắp đặt có “lớp lang”. Anh viết về ký ức nhưng không dùng “thủ pháp” dòng ký ức…
- Điều chị nói hoàn toàn đúng và chính điều này cũng là cái làm ngạc nhiên nhiều bạn viết của tôi. Có người bảo, nếu ông dụng công thủ pháp viết này nọ thì sách của ông lại không cuốn tôi đọc. Đọc tiểu thuyết của ông, tôi có cảm giác trôi tuồn tuột, bị kéo vào một câu chuyện đơn giản, hồn nhiên…
Về cách viết, tôi thấy mình là tay viết cũng bình thường. Tôi nói thật, tôi thấy cái giọng văn của mình cứ trơn tuột đi. Tôi luôn cố gắng viết đơn giản dễ hiểu, không làm câu văn phức tạp. Tôi học lối viết giản dị như mấy nhà văn người Nam như Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc…
Tôi không phải là tạng người viết văn mượt mà, nhưng có “dụng công” sự mượt mà khi viết những đoạn về tấm chân tình vụng dại của thằng Dũng với cô bạn gái, về sự lãng mạn của họ... Những đoạn văn ấy tôi viết rất mơ mộng, rất… văn chương đấy chứ!
Tôi được biết, trong vòng chưa tới một năm, “Mùa hè năm Petrus” - được tái bản 3 lần với hơn 6.000 bản sách - “một thành công chữ nghĩa”, giữa thời buổi này!
- Viết tiểu thuyết về trường Petrus Ký là tôi hoàn toàn… độc quyền. Gần 40 năm sau giải phóng, chưa có một cuốn tiểu thuyết nào do người Sài Gòn viết về trường Petrus Ký. Bắt tay viết cuốn sách, tôi nghiên cứu lại lịch sử của trường, sợ có những điều mình cũng quên trấc đi, gặp lại bạn bè cũ, hỏi thăm ngôn ngữ thời đó, xem lại tư liệu thời đó. Sợ nhất là bị sai. Tiểu thuyết đầu tay bị sai, ai còn tin mình nữa. May, khi ra sách, bạn đọc ủng hộ.
Viết tiểu thuyết, nhiều khi người viết “mài” một chút mình và có thể công khai và có thể len lén đưa “cái mình” đó vào sách, và điều này dễ làm hơn là khi viết một tiểu phẩm trào phúng, châm biếm bởi người ta thường hay và thích châm biếm người khác? Viết giễu người khác, nhiều khi viết là phải lách vì châm biếm trào phúng thường là nói về người khác, hẳng ai “dại” gì tự cười, chê bai, chế giễu mình? Viết một cuốn tiểu thuyết như “Mùa hè năm Petrus Ký” - thì anh không phải “lách”; viết một tiểu phẩm trào phúng thì phải “lách”?
- Thể trào phúng mang lại cho người đọc sự vui vẻ. Viết tiểu phẩm trào phúng cũng có cái khó riêng của nó; đúng là tôi cũng nhiều khi phải lách khi viết dạng văn này - viết làm sao cho người ta thấy nói chuyện đáng phải phê phán bằng cái cười, nhưng người ta vui. Chuyện trào phúng mình kể, nội dung thì ai cũng biết, nhưng viết làm sao để người ta cười được, mới khó; làm sao người ta cười nhưng lại nghĩ thằng viết không đụng chạm mình, không phải nó nói mình…
Trong tọa đàm 30 năm báo Tuổi trẻ cười, ngày 5.12, tôi nghe nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, một người nhiều năm nghiên cứu báo chí, văn học Việt Nam cận đại, đặt ra một câu hỏi khá “hóc”: “Báo Tuổi trẻ cười tồn tại, hoạt động liên tục trong trong 30 năm và chắc chắn sẽ còn tiếp tục. Đây là một kỷ lục về độ dài sự có mặt và hoạt động mà chưa một tờ báo nào thuộc loại hình báo chí châm biếm hài hước từng xuất hiện ở nước ta có thể sánh được. Song, sự tồn tại 30 năm như vậy, là có phải chăng vì chúng ta cũng đã biết đưa tiếng cười vào trong một giới hạn nhất định nào đó? Tiếng cười của báo chí chúng ta nhiều năm qua đều được quy phạm hóa theo hướng: Đối với địch (kẻ thù bên ngoài thì đả kích (qua tranh); đấu tranh nội bộ thì là chỉ dùng tranh vui…”. Phải chăng, quy phạm hóa này tới giờ vẫn còn tồn tại?
- Anh Lại Nguyên Ân nhận xét như thế là chính xác. Lúc đầu, báo Tuổi trẻ cười chỉ nói về những tệ nạn xã hội, chuyện của thời quan liêu bao cấp. Bằng tiếng cười, báo giúp chế độ nhìn ra và sửa chữa những khiếm khuyết, những tồn tại, hạn chế của mình. Dưới một góc độ nào đó, Tuổi trẻ cười cũng có nét giống tờ “Phong hóa” ngày xưa. Tuổi trẻ cười không phải là tiếng cười đối kháng,...
Bao nhiêu phần trăm các vấn đề của xã hội ta hiện nay được “bị” cười trên Tuổi trẻ cười?
- 80 - 90%.
10% còn lại là do các anh không muốn viết hay không được viết, thấy viết ra cũng không giải quyết được vấn đề gì?
- Trong xã hội còn cái gì xấu, chúng tôi còn cười cái đó. Bạn thấy đó, xã hội bây giờ nhiều người làm giàu bằng cách ăn xổi ở thì; nhiều người quên đi giá trị tinh thần, sống bằng vẻ hào nhoáng, nhiều những trọc phú, khoe hàng hiệu. Xã hội còn những điều lố bịch, thì sứ mạng của Báo Tuổi trẻ cười vẫn còn.
Tôi thấy trên trang web anh lập có treo một status “Cười ra tiếng cười là tiếng cười ở mức thấp nhất”. Người Việt mình có câu như là một… “lời răn đe”, là “cười người hôm trước hôm sau người cười” - có tác dụng và cả phản tác dụng, nó làm cho con người ta nhiều khi thành “một vừa hai phải”, và điều này cũng có cái mặt tốt lẫn không tốt, vì như thế khiến con người ta nhu nhược, không dám nói, trở nên yếm thế, không còn dũng khí. Ngồi ở ghế Tổng thư ký tòa soạn Tuổi trẻ cười nhiều năm, anh có bị ức chế vì điều này?
- Tôi nghĩ, câu “cười người hôm trước hôm sau người cười” áp dụng vào ngữ cảnh, hoàn cảnh khác, là khi mình cũng có khuyết điểm đó, thói hợm hĩnh đó, mình lại đi cười người ta, thì bị cười lại, là cũng đúng thôi. Nói thật, tiếng cười cảnh tỉnh của chúng tôi chưa chắc được những đối tượng chúng tôi nhắm tới, biết tới. Nhưng dù sao, chúng tôi vẫn cười, cười như một tiếng nói góp phần giải quyết một số bức bối của xã hội. Vấn đề là cười thế nào. Cười có văn hóa, không mạt sát, mạt lỵ, không nói chuyện dung tục. Chúng tôi tránh đi vào vết xe đổ của những tờ báo cười đi trước… Nếu chúng tôi cười sai là sẽ không được sự ủng hộ của bạn đọc trong 30 năm đâu!

Xin cảm ơn anh!


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1