“Đại gia” thể hiện sự sụt lở về đạo đức

13:31:00 20/01/2014

Tác giả cuốn sách từng bị cấm xuất bản cho rằng "Đại gia" phản ánh những sự sụt lở về đạo đức trong một xã hội mà luân lý con người không còn được coi trọng.

Được xem như một cây bút có sức viết bền bỉ với gần chục đầu sách và tiểu thuyết đã xuất bản, đã gây ra cơn sốt trong làng xuất bản với bộ tiểu thuyết "Đại gia" từng bị cấm phát hành nhưng tác giả Thiên Sơn cho rằng đó là minh chứng cho sự thành công.
Phóng viên đã có cuộc trò chuyện ngắn với nhà văn Thiên Sơn xung quanh câu chuyện này.
Ở những cuốn sách đã viết, anh quan tâm đến mảng đề tài nào?
Nhà văn Thiên Sơn: Như bất kỳ một người tuổi trẻ mới cầm bút nào, thưở đầu tiên bước vào nghiệp văn chương, tôi thường viết những câu chuyện ám ảnh từ tuổi thơ mình, từ những khát khao tuổi trẻ. Nhưng càng về sau, xu hướng sáng tác văn xuôi mạnh dần lên. Ý thức nghề nghiệp càng cao, tôi càng có nhu cầu khám phá và tái hiện những vấn đề có tính nhân bản và tính thời đại.
Trong những năm gần đây, tôi chủ trương văn học phải đi thẳng vào những vấn đề trung tâm của đời sống. Nhà văn phải có trách nhiệm trước đời sống và phải nói được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ đang chi phối đến đời sống của hàng triệu con người.
Mảng đề tài mà tôi chú ý gần đây là sự đánh mất những ký ức lịch sử, sự phi lý của quyền lực, những nghịch lý trong xã hội hiện đại… Mỗi khi phát hiện ra một vấn đề, hình dung được nhân vật và câu chuyện chuyển tải được nội dung nào đó thì tôi mới viết. Việc viết của tôi thường nặng nhọc vì bao giờ cũng gắn liền với một quá trình khám phá không ít khó khăn.

Nhà văn Thiên Sơn được người đọc chú ý khi xuất bản cuốn tiểu thuyết "Đại gia".
Hiện nay “tự truyện lên ngôi”, Anh đánh giá như thế nào về xu hướng sáng tác này?
Tự truyện không phải là một loại thể mới trong văn học. Ở Việt Nam trong mấy năm gần đây có những tự truyện gây chú ý, cuốn “Lê Vân yêu và sống” là một ví dụ khá điển hình. Một số sáng tác của các nhà văn trẻ Trung Quốc dịch vào nước ta, trong đó có “Điên cuồng như Vệ Tuệ”… là một ví dụ khác đáng được quan tâm.
Tự truyện hấp dẫn công chúng trước hết khả năng phản ánh sự thật. Nếu sự thật ấy xuất phát từ những người nổi tiếng, từ những vấn đề hóc búa mà xã hội quan tâm thì tính hấp dẫn càng cao. Đó không phải là một loại thể dễ dàng và nếu như tác giả của nó không phải là một trường hợp tạo được sức hút từ số đông thì câu chuyện cũng sẽ không mấy được lưu tâm.
Lý do nào khiến anh bắt tay vào viết cuốn sách "Đại gia" gây nhiều tranh cãi?
Tháng 8.2008 tôi bắt tay vào viết cuốn sách này, lúc đó bức tranh nền kinh tế đang còn mờ mịt. Tôi là một người trẻ nên tôi không né tránh thực tại, tôi nhận thấy vấn đề về luân lý con người không còn được coi trọng, sự sụt lở về đạo đức. Cuộc sống lúc này không còn là một câu chuyện của xã hội nữa. Và tôi nhận thấy, tác phẩm "Đại gia" của tôi đã gây ra tranh cãi, nhưng tranh cãi đó là minh chứng của sự thành công.
Khi bắt đầu viết cuốn sách, tôi đã phải thu thập cho đủ tư liệu, đủ hiểu biết để đưa vào trong cốt truyện, tôi nói về thực tại của cuộc sống hiện nay, câu chuyện phản ánh đời sống một cách khái quát. Đó là lý do tại sao tập 1 tôi nói về đất đai, tập 2 tôi viết về khoáng sản. Đó là hai vấn đề quan trọng mà đất nước ta đang quan tâm và đầu tư.

Bìa cuốn sách của nhà văn Thiên Sơn.
Sau "Đại gia" anh có tiếp tục viết lên những câu chuyện như thế?
Nếu lịch sử cho phép, tôi sẽ tiếp tục viết tiếp câu chuyện của mình vì tôi tin vào sự sáng suốt của người đọc.
Anh lựa chọn xu hướng viết nào cho các tác phẩm của anh hiện nay?
Văn học tham gia và phản ánh những vấn đề thiết yếu của đời sống. Nó phản ảnh một cách chân thực các vấn đề luân lý, đạo đứ, thời cuộc, kinh tế, xã hội... Tôi đã có một chọn lựa nghiêm túc trước những ưu tư thực tế rộng lớn, cái khó của người viết chính là nhận diện cuốn sách một cách khoa học. Bên cạnh đó, tôi có nhu cầu khám phá và tái hiện những vấn đề có tính nhân bản và tính thời đại vì thế, tôi sẽ cố gắng để lại cho mình những tác phẩm có giá trị lâu dài.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Tác giả Thiên Sơn, tên thật Nguyễn Xuân Hoàng, sinh năm 1972 tại Diễn Kim, Diễn Châu, Nghệ An, là hội viên Hội nhà văn VN, hiện công tác tại Tạp chí Điện Ảnh Việt Nam. Trước tiểu thuyết Đại gia, anh đã có 2 tập thơ, 2 tập truyện ngắn và 4 tiểu thuyết đã được xuất bản như Người bên lề Dòng sông chết. Trong đó, Dòng sông chết đã giành giải C cuộc thi tiểu thuyết của Hội nhà văn VN (2006-2010).

Dạ Thảo - Nguyễn Nhàn

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1