Nhà văn Nguyễn Đình Tú (trái) và đạo diễn Cường Ngô trong buổi ra mắt đoàn làm phim Hương ga |
* Khi được đạo diễn Cường Ngô chọn tác phẩm của anh để chuyển thể làm phim, cảm nghĩ của anh ra sao?
- Nguyễn Đình Tú: Quả thật tôi đã nghĩ rằng chuyện này xa xôi diệu vợi lắm, thời buổi khó khăn này, tiền đâu ra mà làm phim? Nhưng rồi thấy Cường Ngô và Công ty Media Village khẩn trương tiến hành các khâu như mua bản quyền, mời biên kịch chuyển thể, casting cho vai diễn… thì tôi thấy vui mừng vì tác phẩm của mình đã rơi được vào tay một đạo diễn tài năng và một nhà sản xuất tốt.
* Anh kỳ vọng gì vào bộ phim này?
- Thực ra thì việc của nhà văn là viết ra tiểu thuyết, còn làm phim là việc của đạo diễn và ê kíp sản xuất. Tôi đã kể xong câu chuyện của mình bằng ngôn ngữ văn chương, còn bây giờ đến lượt Cường Ngô kể lại câu chuyện này bằng ngôn ngữ điện ảnh. Hai lối kể khác nhau do đặc trưng thể loại, vì thế tôi chỉ biết “đứng dẹp sang một bên” để đoàn làm phim lên đường và chúc cho Cường Ngô cùng ê kíp của anh thành công khi thực hiện bộ phim này!
* Kịch bản phim có khác biệt nhiều so với tác phẩm văn học nguyên tác không?
- Có khác, nhưng tinh thần của tiểu thuyết thì còn giữ lại được nguyên vẹn.
* Nhà văn - nhà biên kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc có thường xuyên trao đổi với anh trong quá trình chuyển thể kịch bản không? Anh hài lòng về kịch bản mà chị đã hoàn tất?
- Không chỉ nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc, mà đạo diễn Cường Ngô, diễn viên Trương Ngọc Ánh cũng thường email hoặc gặp trực tiếp trao đổi với tôi trong quá trình xây dựng kịch bản. Họ cần điều gì thì tôi giúp họ điều đó, miễn là họ có thể hiểu cuốn tiểu thuyết của tôi một cách sâu sắc nhất. Tôi rất trân trọng thái độ làm việc của Cường Ngô. Kể cả việc chọn diễn viên anh cũng tham khảo tôi, thậm chí còn nhờ tôi xây dựng cả một list “đặc điểm nhận dạng nhân vật” để anh casting các vai diễn. Và đến hôm nay, tôi nghĩ là mọi thứ, từ kịch bản đến diễn viên, chỉ còn chờ thời gian để tỏa sáng…
Nhà văn Nguyễn Đình Tú và đạo diễn Cường Ngô đi tìm cảnh quay ở các tỉnh miền Bắc |
* Còn bộ phim Thung lũng tử thần của đạo diễn Trần Trung Dũng thì sao?
- Thung lũng tử thần là bộ phim được biên kịch Thu Dung chuyển thể từ truyện dài “Cánh rừng không yên ả” của tôi. Phim do Điện ảnh Quân đội thực hiện và Trần Trung Dũng làm đạo diễn. Anh vừa “dẫn quân” vào các tỉnh miền Trung để quay những cảnh đầu tiên. Đây là một trong những bộ phim hiếm hoi khai thác đề tài người lính công binh đang hằng ngày hằng giờ đối diện với hiểm họa bom mìn. Hy vọng phim sẽ gây được xúc động cho người xem, cất lên được tiếng nói tri ân với những người lính đang hy sinh thầm lặng trên các nẻo đường đất nước.
* “Phiên bản” đề cập thế giới giang hồ còn “Cánh rừng không yên ả” khai thác đời sống của những người lính công binh hôm qua và hôm nay. Dường như hai đề tài này quá xa nhau và cùng nhận được sự quan tâm của giới làm phim? Anh có vẻ như khá có duyên với điện ảnh?
- Vâng. Tôi có 7 cuốn tiểu thuyết, vài chục truyện dài, truyện vừa và truyện ngắn… với một biên độ đề tài rất rộng, đủ để các nhà làm phim khai thác dài dài (cười). Vấn đề là các đạo diễn của chúng ta có muốn thực hiện những bộ phim điện ảnh dựa trên chất liệu văn học không mà thôi.
* Cám ơn anh và mong rằng ngày càng nhiều tác phẩm văn học của anh nói riêng và tác phẩm văn học Việt nói chung có cơ hội bén duyên với điện ảnh hơn nữa.
Tiểu thuyết Phiên bản của nhà văn Nguyễn Đình Tú - tác phẩm đoạt giải B cuộc thi tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức - đã bán bản quyền chuyển thể kịch bản phim truyện nhựa với giá 50 triệu đồng trong vòng 10 năm cho Công ty TNHH Làng Truyền Thông. |
Ngọc Bi (thực hiện)
Ảnh: NVCC