Hàng ngày, đảo qua một vòng các trang tin game Việt Nam, game thủ có thể bắt gặp vô số những thông tin khi cụ thể, khi nửa vời, khi chỉ là tin đồn về những sản phẩm "bom tấn", "game khủng" đã đang và sắp về Việt Nam theo cả hai con đường "chính ngạch" và "tiểu ngạch". Tuy nhiên, dường như đối ngược lại với ma trận các thông tin vốn từ lâu đã xây dựng Việt Nam như một "thiên đường game online" trên mạng Internet, nhìn ra thị trường với các sản phẩm hiện có, nhiều người chơi chắc chắn sẽ thất vọng khôn cùng. Hãy cùng Game Thủ.net nhìn nhận lại từng khái niệm game "khủng" đang được sử dụng hiện nay. Khủng về giá thành mua về Giá tiền mua một sản phẩm game được xây dựng trên thỏa thuận giữa người mua và người bán. Trước đây, nó phụ thuộc phần lớn vào chất lượng sản phẩm và danh tiếng của đơn vị phát triển. Tuy nhiên trong xã hội đang ngày càng thay đổi cùng cơ chế thị trường "linh hoạt", nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng tới vấn đề này. Một trò chơi được mua về với giá vài chục ngàn USD hay hàng trăm ngàn USD, vài tỷ hay vài chục tỷ nhiều khi cũng chỉ là kết quả của việc thỏa thuận giữa các đối tác kinh doanh, thậm chỉ chỉ là món hàng "mua hớ" của không ít doanh nghiệp Việt Nam. | FIFA Online 3 là một trong các game "hiếm hoi" mà giá trị giao dịch, mua về (450 tỷ) được cả đơn vị phát hành và "đối thủ cạnh tranh" xác nhận. | Đôi khi, một vài sản phẩm game nhỏ khi giá trị tính bằng "Mỹ kim" không thật sự lớn, đã nhanh lẹ đổi đơn vị sang tiền Việt để nâng tầm thương hiệu và sản phẩm. Không chỉ vậy, các con số được các nhà phát hành, đặc biệt là các đơn vị "lần đầu tiên xuất hiện trên thị trường", "mới nổi" hay "công ty có tuổi đời còn rất trẻ"... đưa ra thường không được hoặc không thể xác minh. Khủng về đồ họa Trên thực tế, những gì người chơi trông thấy đầu tiên về game qua ảnh chụp màn hình long lanh, trailer ấn tượng đều không bao giờ giống như thực tế. Tất cả mọi thông tin hay dữ liệu được công bố ra ngoài hoặc được đơn vị phát hành quảng bá phần lớn đều đã qua chỉnh sửa, thay đổi, thêm hiệu ứng... Tạo hình nhân vật, ảnh hoặc video tạo nhân vật đầu game, trailer trên thực tế đều là những thứ được tạo ra để mang lại cảm giác an tâm về chất lượng cho người chơi. Đặc biệt là với các sản phẩm thuộc dạng webgame hay gMO. | Đừng bao giờ đặt trọn niềm tin vào trailer, artwork hay screenshot. | Trong khi đó, đối với các bom tấn đã được khẳng định chất lượng bởi engine đồ họa cao cấp và video gameplay đẹp mắt như Đấu Phá Thương Khung, Tinh Thần Biến hay sắp tới là Tiếu Ngạo Giang Hồ, mọi thứ chỉ thật sự chính xác khi game thủ được trải nghiệm trên chính chiếc PC đã được sử dụng để ghi hình. Vấn đề đồ họa và cấu hình từ lâu đã được nhắc tới trong cộng đồng game thủ Việt. Với mặt bằng chung thấp, game thủ sẽ khó khăn trong việc chơi game ở chế độ đồ họa cao nhất, trung bình hoặc tồi tệ hơn là không thể cài game. Điều đó giải thích cho việc game "bom tấn" càng khủng bao nhiêu, phát hành tại Việt Nam lại là một game khó chơi bấy nhiêu. Khủng về fan hâm mộ Các game kiếm hiệp, tiên hiệp dựa trên các tiểu thuyết đình đám (chủ yếu ở Trung Quốc) có rất nhiều fan hâm mộ. Nhưng phải nói thẳng rằng không phải tất cả họ đều chơi game, càng ít các fan hâm mộ đang ở độ tuổi chơi game hoặc có thời gian để "cày cuốc" với game online. Cũng giống như việc nhiều người cảm thấy thất vọng khi xem các bộ phim được phóng tác từ tiểu thuyết nổi tiếng, nhiều fan hâm mộ cũng chẳng bao giờ đoái hoài gì tới một trò chơi được phát triển dựa theo cuốn truyện mà họ yêu thích bởi vì với họ, cuốn tiểu thuyết hàng trăm ngàn chương kia đã quá hoàn hảo rồi. | Thực trạng chung của các game "nhiều bình luận", "nhiều người khen", "nhiều fan hâm mộ"... | "Fan hâm mộ" cũng là một lớp vỏ bọc hoàn hảo cho những nhân viên seeder của các nhà phát hành thỏa sức tung hoành trên các diễn đàn hay khu vực thảo luận chung. Chỉ cần tự xưng là fan của bộ truyện, tiểu thuyết, người viết có thể tự tung tự tác khen hay, chém gió, vùi dập các ý kiến trái ngược mà không phải lăn tăn bất cứ chuyện gì. Các fan thật sự thường không nói, nhưng một khi đã quyết định phát biểu sẽ phân tích cặn cẽ, chia sẻ kiến thức chứ không "hời hợt" như thế này. Khủng về gameplay Game thủ Việt không giống với game thủ nước ngoài, thậm chỉ không hề tương đồng với "người hàng xóm" cận kề biên giới từ suy nghĩ, cách chơi và thói quen. Một trò chơi với cả bộ sưu tập các hệ thống kỹ năng, nhân vật, tính năng, võ thuật, vũ khí, bang phái môn hộ hoặc hỗn tạp các thể loại nội dung... chưa chắc đã là một trò chơi hấp dẫn. Ở Việt Nam, gameplay giờ đây còn bao hàm rộng hơn tới các sự kiện, trò chơi, hoạt động nhóm, nhiệm vụ hàng ngày... mà nhà phát hành tổ chức thường xuyên cho người chơi cả trong game và ngoài đời. | Gameplay của Cửu Âm Chân Kinh được đánh giá rất cao trên thế giới, nhưng lại không hợp với nhiều game thủ Việt Nam. | Auto cũng là một vấn đề nan giải bởi các trò chơi bom tấn trên thế giới hầu hết đều không có hoặc rất hạn chế tính năng này. Một sản phẩm game được đánh giá là có lối chơi hay, hấp dẫn, hệ thỗng tính năng phong phú... có thể ngay lập tức "chết sặc" từ ngày đầu phát hành bởi thói quen khác người của cộng đồng game thủ Việt. Khủng về danh tiếng Nói một cách "trắng trợn", danh tiếng tốt (đông người chơi, không có hack, cashshop không ảnh hưởng gameplay...) của một trò chơi được xây dựng từ chất lượng quản lý nội dung, sản phẩm của cả đơn vị phát triển và phát hành ở nước ngoài. Và game thủ Việt nên xác định trước rằng nó hoàn toàn vô nghĩa khi được đưa về Việt Nam, trong tay các đơn vị phát triển thiếu kinh nghiệm hoặc có quá nhiều kinh nghiệm "hút máu" cộng đồng. | Theo chân lý của các NPH Việt, phải "có tiền trước" rồi mới đủ lực để "xây dựng đội ngũ quản trị game vững mạnh". | Chẳng phải vô cớ mà phần đông cộng đồng game thủ Việt Nam luôn mong các game bắn súng FPS "đừng rơi vào tay VTC" hay game kiếm hiệp "nên để VNG mua về", eSports thì "chỉ mong Garena có được bản quyền". Danh tiếng tốt của một trò chơi đình đám thế giới có thể bị phá hủy trong thời gian siêu ngắn bởi tay các nhà phát hành vô tâm, vô tình và vô "đạo đức" ở thị trường trong nước hiện nay. Khủng vì nó sẽ không được phát hành Có rất nhiều lý do để giải thích cho một trò chơi tưởng chừng như đã chín muồi nhưng lại không thể ra mắt cộng đồng game thủ ở Việt Nam. Nhiều trò chơi những tưởng sắp được tung ra rồi bỗng dưng... biến mất, nhiều thông tin về các game bom tấn sắp được mang về, đã mua về, đang đàm phán nhưng cuối cùng cũng chẳng đi tới đâu vì nhiều lý do trên trời dưới biển. Điều đó chẳng khác gì việc chúng rất khủng, nhưng chỉ khủng trên giấy tờ và khủng trong khâu "truyền miệng". Ngoài ra, game thủ cũng có thể bắt gặp nhiều thể loại trò chơi sử dụng cách mượn danh các bom tấn đình đám ở nước ngoài, từ việc "mượn 1 góc" như đồ họa, gameplay, nhân vật, cốt truyện... (Naruto, OnePiece, Fairy Tail..) cho tới "mượn hoàn toàn", chỉ có điều khác với game gốc ở... đơn vị phát triển. | Giờ "game khủng" này đang lưu lạc phương trời nào? | Nhìn chung, game thủ hiện nay nên tự cân nhắc và xem xét trước các thông tin đa chiều từ các trang tin trôi nổi. Không quá hồ hởi khi trông thấy tin game "khủng" sắp về, không quá hi vọng và tin tưởng vào một gameplay "đặc sắc của đặc sắc", không bị cám dỗ bởi những bức ảnh chụp màn hình long lanh, không choáng váng trước giá tiền mua game về mà các nhà phát hành chia sẻ... những điều này sẽ giúp người chơi bình tĩnh và có một cái nhìn đúng về thị trường game trong nước hiện nay. Tâm An |