World Cup 1978: Bi kịch một giải đấu

02:49:00 24/01/2014

Ba mươi năm sau ngày Argentina nâng cao vinh quang, đứng trên tuyệt đỉnh thành công với chức vô địch World Cup 1978, thế giới mới có thể kể ra hết những câu chuyện về phía sau tấm màn nhung hào nhoáng về giải đấu ngày đó. Mỗi ngày là mỗi chi tiết được đưa ra ánh sáng. Và đến nay, câu chuyện của 36 năm về trước vẫn được nghiên cứu như một cuộc khai quật quá khứ không có điểm dừng. Và khi xâu chuỗi lại, đó thực sự là cuốn tiểu thuyết kinh dị, chứa đầy những bi kịch…

Cách đây vài số báo, chúng tôi đã đề cập đến câu chuyện về Johan Cruyff vắng mặt tại World Cup 1978. Đó là một lí do đã bị giấu kín hàng chục năm dưới lớp vỏ bọc là sự đả phá chế độ độc tài Videla thống trị ở Argentina . Nhưng thực chất, Cruyff chỉ là nạn nhân trong cuộc dàn xếp có ý đồ, làm mọi cách, kể cả đe dọa tính mạng để ngôi sao lớn nhất của đội Hà Lan không có mặt thi đấu tại Argentina. Và câu chuyện đó bắt đầu cho một vở kịch còn lớn hơn phía sau hậu trường.

1. World Cup 1978 đã bị so sánh với giải đấu Olympic mùa hè 1936 tại Đức, giải đấu của những đế chế phát xít. Tuy nhiên, World Cup 1978 khác hơn ở một điểm, chế độ nhúng tay vào mọi hoạt động bóng đá, từ công tác truyền thông, các trại tập trung, những hồ sơ tra tấn, sử dụng ma túy, âm mưu ám sát, những cuộc đàn áp dân chúng nhằm vẽ lên một bức tranh đẹp đầy giả tạo. Hay nói cách khác, đó là đỉnh cao của cái gọi là "thuyết âm mưu" trong bóng đá.

Argentina vô địch World Cup 1978 với nhiều chuyện phía sau hậu trường.

Thời điểm đó, Argentina chìm trong khủng hoảng, bất ổn với lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Chế độ độc tài quân sự điều hành đất nước, sau khi lật đổ và thay thế chế độ Peron trước đó bằng những cuộc đảo chính, và một điều thần kì đã đến khi Argentina lại giành được quyền đăng cai World Cup. Videla cầm đầu chế độ độc tài quân sự, chỉ đạo những cuộc bắt giữ bất hợp pháp, tra tấn, giết hại hàng ngàn người Argentina như một phần của "Cuộc chiến bẩn thỉu" nổi tiếng (Dirty War). Khi đó, World Cup 1978 chính là thứ để chế độ lúc đó nắm lấy với hi vọng sẽ tạo ra sự đoàn kết, nâng cao vị thế và làm im lặng những sự chống đối trong và ngoài nước.

Videla bắt đầu bằng việc thuê hẳn một công ty chuyên tổ chức và quan hệ công chúng của Mỹ có tên Burson-Marsteller để khởi động hệ thống tuyên truyền. Ở trong nước, tại Rosario , một bức tường dài được xây dựng dọc theo con đường chính dẫn vào trung tâm thành phố, nhằm che giấu hàng chục ngàn căn nhà ổ chuột. Tất cả những người dân tầng lớp lao động nghèo gần như bị "nhốt" biệt lập với World Cup. Hàng trăm ngàn người dân "biến mất" cùng tuyên bố của Videla: "Họ là những thực thể khác. Họ không còn sống cũng chẳng chết. Họ chỉ biến mất!".

Cuộc tấn công dữ dội, triệt để của Videla tạo ra sự phẫn nộ ở châu Âu. Tổ chức Ân xá quốc tế kêu gọi tẩy chay World Cup. Nhiều ngôi sao cũng tham gia chương trình này, như: Paul Breitner, Sepp Meier (Đức), Paolo Rossi (Italia), Jonny Rep (Hà Lan)… nhưng rút cuộc chỉ có Breitner quyết định không dự giải. Tuy nhiên, nhiều công ty lớn đã rút khỏi World Cup 1978 bất chấp thiệt hại rất nhiều thu nhập từ quảng cáo, tài trợ, như: Siemens, Mercedez-Benz, Telfunken…

2. Với sức ép của Tổ chức Ân xá quốc tế, Chủ tịch FIFA lúc đó là ông Joao Havelange đã cử đại diện đến điều tra. Đó là Chủ tịch Ủy ban tổ chức World Cup 1978, Omar Actis, người nổi tiếng thẳng thắn. Actis phanh phui những tồn tại ở Argentina, phản đối kế hoạch xây dựng sân vận động đắt giá Mar del Plata, thiết lập một hệ thống truyền hình mới phục vụ giải đấu và những hoạt động xa hoa, trong khi xã hội vẫn vô cùng nghèo đói.

Một ngày trước khi đưa ra kết luận, Actis bị sát hại. Chỉ 1 ngày sau, Actis được thay thế bởi Carlos Lacoste, một người đàn ông thép trong chế độ Videla. Chỉ trong 1 năm trước khi World Cup bắt đầu, Lacoste đầu tư tới 700 triệu USD cho kế hoạch tổ chức giải đấu, thay vì 100 triệu USD như dự tính. World Cup được trang bị truyền hình trực tiếp màu, xây sân vận động mới, các hệ thống cơ sở vật chất sang trọng một cách mù quáng.

Giá trị của chiếc cúp này vẫn là điều tranh cãi.

Dưới quyền lực của Lacoste, một cơ quan được mang tên Ente Autuartico Mundian (EAM'78) được ra đời và giao nhiệm vụ tổ chức, chuẩn bị cho giải đấu. Rất nhiều sai lầm, lỗi nghiêm trọng xuất phát từ tổ chức này, trong đó đỉnh điểm là cái sân mới xây Mar del Plata được tưới bằng… nước biển khiến cỏ chết sạch.

Tất cả những hoạt động của EAM'78 đều nằm dưới quyền chỉ đạo của Lacoste. Và đương nhiên, Lacoste lấy đó làm công cụ để trục lợi. Mãi đến năm 1990, Lacoste mới bị điều tra và kết án đã biển thủ công quỹ, thu lợi nhuận bất chính từ World Cup 1978 số tiền lên tới 4 triệu USD. Thậm chí, có một số nghi ngờ rằng, Lacoste còn mua chuộc cả Chủ tịch FIFA Joao Havelange.

Và cuối cùng thì World Cup cũng diễn ra.

Trong trận mở màn giữa Tây Đức và Ba Lan ngày 1-6, Videla đã nói về sự "hài hòa và hữu nghị" giữa các nước tham dự. Nó được xác nhận bởi vị khách mời là Ngoại trưởng Mỹ H.Kissinger, với lời hứa về một World Cup của hòa bình, một giải đấu mà những người Argentina yêu nước đoàn kết phía sau ngọn cờ quốc gia. Nhưng thực tế không phải vậy

Sau trận đấu mở màn thắng Hungary 2-1, các cầu thủ Argentina đã nhận được thông điệp không lấy gì làm tử tế từ chế độ rằng, họ sẽ phải trả giá đắt nếu không vượt qua được vòng bảng. Đó là điều rất dễ xảy ra khi ngoài Hungary ra Argentina còn gặp Pháp và Italia, những đối thủ rất mạnh. Bằng chứng được đưa ra chỉ 1 ngày sau: anh trai của người bạn thân của một tuyển thủ mất tích và 2 ngày sau được tìm thấy ở bờ sông Plate với xi măng bị đúc liền vào chân. Tiếp đó là một số người bị đưa lên máy bay và ném xuống biển.

3. Trận đấu tiếp theo của Argentina gặp Pháp là trận đấu nặng nề và căng thẳng. Pháp sở hữu cầu thủ hào hoa, tài năng bậc nhất thế giới: Michel Platini. Mặc dù Argentina lại thắng 2-1, nhưng mãi về sau này đã có những bằng chứng cáo buộc rằng, trận đấu đó đã được dàn xếp, gian lận.

Ngoài những quyết định tên sân của trọng tài, một quả penalty cuối hiệp 1 dành cho chủ nhà, còn có một câu chuyện đã được giấu kín trong hàng chục năm. Một đài phát thanh của Pháp lần đầu công bố kết quả điều tra về trận đấu này và nó gây sốc. Một cầu thủ Pháp tham dự trận đấu đó đã bị đe dọa để bóp nghẹt mọi thông tin, nhưng cuối cùng ông cũng tiết lộ và dĩ nhiên là danh tính được giữ kín.

Ông nó rằng, trước khi trận đấu diễn ra, ông đã thấy các cầu thủ trụ cột của Argentina uống nhiều viên thuốc màu xanh. Nó được cho là thuốc kích thích. Dù đó chỉ là suy đoán nhưng hoàn toàn có cơ sở khi phòng thay đồ của Argentina tràn ngập tiếng la hét inh ỏi của những kẻ say thuốc đến phát điên. Theo luật, sau trận đấu, một số cầu thủ sẽ phải đi thử nước tiểu.

Trận chung kết Argentina - Hà Lan.

Một cầu thủ rất nổi tiếng của Argentina đã đi cùng một số cầu thủ Pháp vào thử nước tiểu, nhưng khi họ gặp quan chức FIFA, một người của đội Argentina đã nhét vào tay quan chức FIFA phong bì và không quên chỉ đường cho ông ta đi ra ngoài. Khi hai cầu thủ Pháp phản đối, người đưa phong bì còn nói: "Thôi nào các bạn, các bạn biết những gì đang diễn ra phải không!".

Tiếp đó, một nhân vật nữa xuất hiện, đó là Okambo, người trực tiếp tham gia công việc bàn giao mẫu nước tiểu tại World Cup 1978. Ông kể lại rằng, sự việc còn tồi tệ đến mức, đại diện của FIFA đã rất kinh ngạc khi phát hiện ra rằng, một trong những cầu thủ của Argentina được thử nước tiểu đã… mang thai. Dĩ nhiên, mọi thứ bị giấu nhẹm đi và nó chỉ được đưa ra ánh sáng sau vài chục năm. Nhưng ngay từ thời điểm đó, tất cả đều đã hiểu, Argentina đăng quang là điều không thể tránh khỏi.

Sự thật về đội tuyển Hà Lan

Wim van Hanegem.

Những thông tin cho biết, Tổ chức Ân xá quốc tế đã gửi lời kêu gọi đến các quốc gia châu Âu để tẩy chay World Cup 1978. Ban đầu, rất nhiều cầu thủ ngôi sao ủng hộ, nhưng về sau hầu như tất cả vẫn tham dự. Johan Cruyff không ủng hộ kế hoạch tẩy chay, nhưng cuối cùng vẫn vắng mặt vì bị đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, có một người phản đối một cách quyết liệt, đó là Win van Hanegem. Cầu thủ này đã từ chối đứng trong đội tuyển Hà Lan tham dự World Cup 1978 vì lí do nhân đạo.

Ông còn tuyên chiến với Tổ chức nhân đạo Hà Lan SKAN vì những hoạt động bí ẩn, không rõ ràng. Mãi về sau này, nhà báo người Argentina, Ezequiel Moores mới làm sáng tỏ những vụ việc này, rằng trong quá trình diễn ra World Cup 1978, Chính phủ Hà Lan đã gửi cho chính phủ độc tài Argentina hàng chục triệu USD thông qua tài khoản tín dụng của Ngân hàng ABN, thậm chí còn có hoạt động bán vũ khí, cũng như máy bay Fokker…

Chính vì thế mà kể cả Hà Lan có lực lượng hùng hậu, có lọt vào trận chung kết (thua chính Argentina 1-3 sau thời gian hiệp phụ) thì họ vẫn bị nghi ngờ về sức mạnh thực sự. Và không chỉ chức vô địch của Argentina , mà cả vị trí của Hà Lan năm đó cũng bắt đầu bị đặt dấu hỏi


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1