Tình tri kỷ của tướng cướp - nhà văn và vị tướng một mắt

14:53:00 27/01/2014

Từ trước đến nay đã có một số tư liệu khai thác về cuộc đời của tướng cướp - nhà văn, người tù thế kỷ Sơn Vương Trương Văn Thoại; tuy nhiên có một số tư liệu có góc nhìn hơi khác biệt, chưa thấu đáo về con người có nhiều giai thoại này.

Có một thực tế mà ít ai biết và không thể chối cãi là Sơn Vương đi cướp kiểu hảo hán Lương Sơn Bạc, cướp của người giàu chia cho người nghèo và chu cấp cho công cuộc cách mạng, giải phóng ách đô hộ mà ông ngày đêm đau đáu. Trong đó, chuyện Sơn Vương kề vai sát cánh, là bạn tri kỷ, giúp sức cho một con người, mà sau này chính là vị tướng huyền thoại Nguyễn Bình là một minh chứng điển hình.

Cuộc hội ngộ, kết nghĩa “huynh đệ” của hai con người đầy hoài bão giữa Sài Gòn

Trương Văn Thoại (1908 - 1987) quê ở huyện Tân Hòa, tỉnh Gò Công cũ, nay là huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang, là con thứ năm trong một gia đình điền chủ có học thức, có nghề bốc thuốc chữa bệnh cho người nghèo.

Sau này, trong tập hồi ký của mình có tên “Máu hòa nước mắt”, Thoại có lý giải rõ về biệt hiệu Sơn Vương; mà theo ông “cái tên cha sanh mẹ đẻ của tôi là Thoại, vốn sẵn ba chữ: Vương, Sơn, Nhi ráp lại (tức theo Hán tự), lúc tôi viết tiểu thuyết (vào khoảng năm 1928 - 1929), tôi chiết tự lấy hai chữ Sơn, và Vương ra làm biệt hiệu”.

Thế nhưng cái tên đó tạo ra sự lầm tưởng là ông có ý đồ tranh bá đồ vương, đặc biệt trong giai đoạn ông được giao tạm nắm quyền ở An ninh quần đảo, tức đảo Côn Lôn. Học hết lớp nhất tiểu học, Sơn Vương chuyển sang học võ, nghề thuốc; 16 tuổi, Sơn Vương còn ra tận Long Hải (tỉnh Bà Rịa) để tầm sư học đạo.

17 tuổi, quay về Sài Gòn gia nhập làng báo và sau đó là làm việc tại “Đông Pháp thời báo” sau, chuyển sang làm tờ “Tiếng Chuông rè” của chí sĩ Nguyễn An Ninh, kể từ giai đoạn này ông chính thức dùng bút hiệu Sơn Vương. Những năm sau đó, Sơn Vương có vài lần bị bốt Catinat bắt giam bởi tham gia các cuộc xuống đường của thanh niên yêu nước, như tham gia cuộc diễn thuyết ở xóm Lách, lễ truy điệu chí sĩ Lương Văn Can…

Rồi sau đó Sơn Vương trở thành nhà văn viết các trường thiên tiểu thuyết, đoản mệnh tiểu thuyết bán chạy như tôm tươi ở Sài Gòn, mà nhân vật là những kẻ cướp hào hoa, lái xe hơi điệu nghệ, bắn súng bằng hai tay, cướp của kẻ giàu chia cho người nghèo…

Thời đó, ít ai biết nhân vật tiểu thuyết của Sơn Vương chính là nguyên mẫu của ông ngoài đời thực. Đêm viết tiểu thuyết, ngày ngày ông ngồi các góc đường quận nhất, phần nhiều là đường Monlau (nay là Huỳnh Thúc Kháng) vừa bán sách của chính mình, vừa nghiên cứu những trọc phú rút tiền ở các nhà băng, chờ thời cơ thích hợp để đi cướp, mà thời đó ông gọi là “đi hát” hay “làm kinh tế mạo hiểm”.

Còn Nguyễn Bình tên thật là Nguyễn Phương Thảo, lớn hơn Sơn Vương 1 tuổi, quê ở huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Cũng nhiều hoài bão nên Thảo bị mật thám của Pháp đeo bám. Năm 16 tuổi, tức năm 1924, khi đang học bậc Thành Chung, Thảo xin làm chân thợ giặt ủi trên chuyến tàu Hải Phòng - Mác Xây (Pháp) để trốn vào Sài Gòn khi tàu quá cảnh ở đây.

Ở trọ với Thảo, có người bạn học nghề máy, mê tiểu thuyết, đặc biệt là tiểu thuyết của Sơn Vương. Từ người bạn, tình cờ Thảo được đọc cuốn trung thiên tiểu thuyết “Tướng cướp hào hoa” của Sơn Vương. Thấy quá hấp dẫn, Thảo hỏi người bạn về tác giả Sơn Vương.

Ngay hôm sau, người bạn dẫn Thảo ra đường Monlau diện kiến nhà văn đang mặc áo bà ba lụa Tân Châu, ngồi trên tấm vải kaki ở lề đường, trước mặt đặt chồng sách để bán. Chẳng khó khăn khi Thảo tiếp chuyện với Sơn Vương, ban đầu là về cuốn sách “Luật rừng xanh” rồi chuyện bút hiệu, sau đó đến thăm hỏi cuộc sống của nhau.


Vị trung tướng huyền thoại Nguyễn Bình, tức Nguyễn Phương Thảo.

Thấy hợp với người bạn gốc Bắc, Sơn Vương dọn sách, rủ Thảo và người bạn thợ máy sang quán ở đường Colonel Grimaud (nay là Phạm Ngũ Lão) làm ba tô hủ tiếu, vài chum rượu gọi là buổi tiệc sơ giao. Nói chuyện văn chương, chuyện nhân vật tướng cướp trong tiểu thuyết, cả Sơn Vương lẫn Thảo đều tâm đầu ý hợp.

Trước khi chia tay, Sơn Vương rút từ bao sách ra hai cuốn tiểu thuyết “Luật rừng xanh” ký tặng hai người bạn; trong đó cuốn của Thảo, Sơn Viết viết nét chữ bay bướm: “Mến tặng chú em kết nghĩa Nguyễn Phương Thảo. Ký tên Sơn Vương (Trương Văn Thoại)”.

Sơn Vương sống vì bạn bè, góp phần tạo dựng tên tuổi trung tướng Nguyễn Bình huyền thoại

Những ngày sau, Thảo một mình đi tìm Sơn Vương ở góc đường Monlau nhưng không gặp. Lang thang vô định, Thảo tình cờ gặp Sơn Vương ngồi bán sách ở vỉa hè đường Charner (nay là đường Nguyễn Huệ), trước trụ sở Tổng Ngân khố Nam kỳ. Sau đó, Sơn Vương mời Thảo về nhà ở góc đường Lefebvre - Guynemer (nay là Nguyễn Công Trứ - Hồ Tùng Mậu), là nhà may Nam Chấn Hưng của ông Tư Chiêu; và chẳng bao lâu sau, Thảo dọn về chung sống và chỉ sau một thời gian ngắn Thảo biết được bậc đàn anh mình mến mộ chính là tay giang hồ hảo hán thứ thiệt, là nhà văn - tướng cướp.

Trong thời gian ở chung, Sơn Vương, Thảo và nhiều người khác quy tụ thành nhóm thanh niên yêu nước có nhiều hoạt động thiết thực như: tham gia các hoạt động xuống đường, cuối tháng 3 hằng năm vận động bà con khắp nơi về Sài Gòn tham gia lễ truy điệu chí sĩ Phan Châu Trinh… Đặc biệt trong thời gian này, Sơn Vương tham gia đi làm “kinh tế mạo hiểm” để kiếm tiền trang trải cho các hoạt động của nhóm.

Đặc biệt, Sơn Vương gợi ý Thảo mở tiệm giặt ủi để kiếm đồng ra đồng vào nuôi chí lớn. Lần ấy, Sơn Vương bàn bạc đi làm “kinh tế mạo hiểm”, ban đầu Thảo cương quyết không dám nhưng bị chí hảo hớn của Sơn Vương khuất phục; đặc biệt nạn nhân mà Sơn Vương nhắm đến là René Gaillard - Phó giám đốc Hãng cao su Mimot ở biên giới tỉnh Tây Ninh, là kẻ đối xử hà khắc bằng đòn roi với lao động Việt Nam.

Lần ấy từ nhiều lần bán sách trước vỉa hè kho bạc Sài Gòn, Sơn Vương đã nghiên cứu kỹ hằng tuần Gaillard đều đến đây rút tiền trả công thầy thợ. Từ đó mà cuối cùng, Sơn Vương, Thảo và một trợ thủ tên Năm Đường đã dàn cảnh thực hiện thành công vụ cướp nhắm vào Gaillard khi gã này cùng vệ sĩ vừa nhận tiền xong, lái xe về đồn điền thì bị chặn cướp ở đoạn đường đá đỏ từ sân bay Tân Sơn Nhất về Tham Lương.

Từ số vốn 50 ngàn bạc cướp được, Thảo đã mở tiệm giặt ủi ở Đa Kao… Sau này Sơn Vương vẫn âm thầm đi làm “kinh tế mạo hiểm” kiếm tiền giúp cho hoạt động của Thảo lẫn tổ chức. Đáng nói là sau này, khi Sơn Vương bị bắt, thay vì trả thù, Gaillard vì mến phục tính cách hảo hớn của Sơn Vương mà trở thành bạn thân. Mãi đến năm 1933, khi Sơn Vương bị đày ra Côn Lôn chịu án tù 5 năm vì tội cướp nhà ông Kiệt vào năm 1930, thì chính vợ chồng Gaillard lại tiễn chân Sơn Vương.

Muốn giúp người anh em kết nghĩa nhưng lực bất tòng tâm, Thảo vẫn ở ngoài hoạt động, trong thời gian này theo nhà chí sĩ Trần Huy Liệu có nhiều hoạt động yêu nước đình đám. Cuối cùng, Thảo cùng Trần Huy Liệu cũng bị án tù 5 năm, bị đày ra Côn Lôn, hội ngộ cùng Sơn Vương.

Đến năm 1936, khi Mặt trận Bình dân ở Pháp thắng thế thì Thảo cùng những tù chính trị khác được phóng thích trước thời hạn, Sơn Vương vẫn chịu án. Mãn hạn, Thảo xuất ngoại. Được biết chuyến xuất ngoại của Thảo sang Pháp có nhiều điều kỳ lạ, trong đó công lớn là nhờ Sơn Vương.

Theo đó, trong thời gian chưa đi tù, cùng Thảo hoạt động yêu nước, cứu trợ đồng bào khắp nơi gặp nạn, Sơn Vương quen biết với Mạnh Thường Quân giấu mặt là ông Nguyễn Thanh Liêm - Giám đốc Ngân hàng Việt Nam. Chính Sơn Vương là người xin 12 ngàn đồng từ ông Liêm để lo cho Thảo đi Pháp, theo ý định nung nấu của Thảo. Chưa kịp đi thì Thảo bị bắt cùng ông Trần Huy Liệu.

Mãn hạn tù, Thảo mới thực hiện ý định và tại Pháp đã tiếp cận được với Bác Hồ. Về nước, Thảo về miền Bắc hoạt động, có tên là Nguyễn Bình, được học ở trường Võ bị Hoàng Phố và sau đó trở thành vị tướng huyền thoại, trung tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, đặc phái viên của Bác Hồ trong việc phu phục giang hồ Nam bộ, thống nhất về một mối trong công cuộc chống ngoại xâm.

Và đến cuối tháng 9/1959, vị tướng huyền thoại “một mắt” này đã ngã xuống trên đất Campuchia khi băng rừng từ Nam về Bắc công tác, bị lực lượng phòng Nhì của Pháp phục kích.

Riêng Sơn Vương suốt đời lặn ngụp trong vòng tù tội, hễ ra tù là ông lại đi làm “kinh tế mạo hiểm” và bị bắt trở lại, án chồng án, trở thành người tù thế kỷ với nhiều giai thoại kỳ lạ. Trong hồi ký, Sơn Vương viết: “Khi người bạn thân nhứt của tôi ra đi vĩnh viễn… báo chí miền Nam la ó rùm lên, khi đó tôi mới biết tướng Bình không ai xa lạ mà chính là anh Thảo”.

Có thể nói số phận của Sơn Vương Trương Văn Thoại và tướng Nguyễn Bình, tức Nguyễn Phương Thảo, có nhiều điều kỳ lạ. Nhưng chung quy, cả hai đều là những người yêu nước, tuy con đường đấu tranh có khác nhau dẫn đến những ngã rẽ khác biệt.

Ngày xuân nhắc chuyện cũ để thấy công cuộc cách mạng của dân tộc có những thân phận kỳ lạ. Đằng sau vị anh hùng, vị trung tướng đầu tiên của dân tộc Việt Nam có dấu ấn của một tay giang hồ có số phận khác người. Ở họ có tình bạn tri kỷ, có dấu ấn chồng lên nhau và chồng lên một giai đoạn đất nước thời ly loạn.

Theo Dòng Đời


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1