Nguyên Hồng - Trên chuyến tàu đời

14:59:00 28/01/2014

Đọc Nguyên Hồng (1918 - 1982) từ niên thiếu, mà tới Đông 2011, trên tàu điện ngầm Paris, tôi mới gặp ông. Đúng, tôi đã gặp Nguyên Hồng ở Pháp, trong lòng đất Kinh đô ánh sáng.

Tôi đã mong cuộc gặp này trên hàng trăm lượt tàu hỏa những lần về Hải Phòng quê ngoại, tuyến đường 105 km chạy đường ray sắt từ thời Pháp thuộc, hết 2 tiếng rưỡi.

Ghế gỗ toa thường, ghế đệm toa điều hòa có màn hình treo phát video ca nhạc, toa nào cũng cửa kính an toàn từ lâu, hàng rong không được lên tàu. Nhưng tôi vẫn nhớ những chuyến tàu hỏa, ô tô, tàu thủy, gia đình tôi đi 20 năm trước và xa hơn. Gà, lợn chen chúc cùng người. Gà ỉa, lợn kêu, người nôn, trẻ con khóc inh ỏi...

Thời gian về Hải Phòng, tàu hỏa bằng ô tô. Dù có lâu hơn, tôi vẫn chọn hỏa xa, để thiên nhiên, con người gần lại.

Gần lại, trong nhịp - sống - chậm. Tàu đã sạch sẽ, an toàn hơn xưa nhiều, vẫn còn "Tám Bính, Năm Sài Gòn" trà trộn hoặc chính là... hành khách thời buổi đương độ khó khăn. Và, đi tàu hỏa, để được gặp Nguyên Hồng, nhà văn của những người cùng khổ, lam lũ.

Tôi nhớ những câu thơ Ý Nhi viết về "cha đẻ Tám Bính": "Nhà văn Nguyên Hồng đi trên các chuyến tàu/ Trán đẫm mồ hôi/Một lão nông về quê sau chuyến đi xa/ Một kẻ lang thang tìm đất mới/ Một vài giọt lệ lớn nằm dưới đáy đôi mắt đang nheo cười".

Không kiểu cách bao giờ, ông tình cảm, bình dân, gần gũi nhân quần từ lối ăn mặc tuềnh toàng, có khi bị coi là "nhếch nhác". Sinh thời, ông từng sang Nam Ninh (Trung Quốc) chữa bệnh 1954, đến Moskva (Nga) năm 1957 và 1979, đến CHDC Đức 1969, tới Praha - Paris của Trung Âu năm 1978.

Song chưa hề tới Paris.

Vậy mà tôi đã thấy Nguyên Hồng trên những chuyến tàu điện ngầm từ trung tâm ra ngoại ô thủ đô nước Pháp. Ở kinh đô hoa lệ ấy, thiếu gì dân nghèo khổ, 200 năm trước có Fantine, cô thợ chăm chỉ bị đuổi vô lý khỏi xưởng, phải làm gái mại dâm nuôi con, bán răng và tóc, chết vì lao mà không được gặp con Cosette, thì giờ đây vẫn còn những người đáng thương như mẹ con Fantine, những gã lưu manh như gia đình Thénardier.

Nguyên Hồng đã nhìn thấy những chú bé bán lạc rang ở Tràng Thi, Hà Nội những năm 1960 như chú bé Gavroche trên đường phố Paris. Paris có 5 vành đai, càng xa trung tâm (Ile de France) càng bớt lộng lẫy, kèm theo tệ nạn nếu đi tàu khuya. Người thạo métro, có thể biết ngay, tàu tuyến nào có đối tượng khách thường xuyên của tuyến ấy. Tuyến ra xa, rất đông dân nhập cư: da đen, Ảrập... và đây là nỗi khiếp đảm cho ai đi đêm.

Tàu cứ chạy, mỗi toa đều không nhân viên, chỉ có lái tàu, có khi không người lái, nên chuyện móc túi, cướp đồ, thậm chí quấy rối, xâm hại tình dục nguy cơ thường trực. Paris đầy "Tám Bính, Năm Sài Gòn", dân vô gia cư nằm ngay ghế bê - tông cho khách ngồi chờ tàu, ngủ bơ phờ trên nền đá lối đi, ngồi tại chỗ hoặc lên toa tàu ăn xin, một số kẻ còn lôi theo con chó giơ xương uể oải.

Nhà ga, bến tàu luôn là nơi tụ tập phức tạp. Bên bến tàu du ngoạn sông Seine (bateau mouche), nhất là đoạn gần chân tháp Eiffel, tụ tập dân bụi đời, những cô gái di gan từ Romania chào mời xem bói, toán giang hồ da đen táo tợn còn dám gây sự hành hung khách nếu cầm xem mà không mua đồ lưu niệm của chúng, gồm tháp Eiffel, móc khóa sắt mạ bày bán trên đồi Montmartre, vô gia cư, nhập cư trái phép, bụi đời, cướp giật vạ vật sống, hành nghề dưới gầm cầu, bến tàu - tầng lớp dưới đáy.

"Đáy" của thành phố lộng lẫy, còn một tầng nữa: dưới cống ngầm. Tôi đã xuống cống ngầm Paris, nơi Hugo đã đứng quan sát, để mô tả cảnh Jean Valjean chạy trốn cảnh sát Javert và ở lòng đất Paris, tôi thấy Nguyên Hồng, nhà văn Việt Nam có mối tương đồng đại văn hào Pháp Victor Hugo (1802 - 1885), ở trái tim bác ái, thương xót phận kiếp nhỏ nhoi, bị khinh rẻ, thuộc tầng xã hội bị phân biệt khỏi xã hội được thừa nhận, có quyền lợi.



Nhà văn Nguyên Hồng (ảnh tư liệu do bà Nguyễn Thanh Thư con gái nhà văn cung cấp)

Vậy nên, những thế hệ độc giả thấy V.Hugo nơi Sỹ Tiến- ông tổ cải lương miền Bắc, Nguyên Hồng - những nhà văn lớn đã thành danh trước cách mạng, tham gia sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957, thì đó là bởi sức mạnh của nghệ thuật không giới hạn.

Đọc sâu về Nguyên Hồng, tôi nhận ra ông có nét của Jean Valjean. V.Hugo trước và sau khi viết "Les Misérables" (Những người khốn khổ, 1862), chưa bao giờ bị túng quẫn, khổ sở như Nguyên Hồng. Tựa nhân vật chính của V.Hugo, Nguyên Hồng vào đời vướng lao lý vô lý.

Tiểu thuyết tự sự "Những ngày thơ ấu" được ông cho đăng nhiều kỳ trên báo "Ngày nay" (từ 29/10/1938) - tờ báo của Tự Lực văn đoàn (TLVĐ), nhóm văn chương mạnh nhất thế kỷ XX, gồm nhiều nhà văn lừng lẫy. TLVĐ đã trao giải Nhì cho tiểu thuyết "Bỉ vỏ" của Nguyên Hồng năm 1937, đây là cuốn sách nổi tiếng nhất trong văn nghiệp của ông, đã được dịch ra tiếng Nga, Pháp, Đức.

Nguyên Hồng sinh ra mùa Đông 1918 ở phố Hàng Cau, nội thành Nam Định. "Thầy tôi làm cai ngục, mẹ tôi con một nhà buôn bán rau đậu, trầu cau lần hồi ở các chợ và trên đường sông Nam Định - Hải Phòng". Lời đầu tiên của "Những ngày thơ ấu", Nguyên Hồng viết thành thực thế. Tuổi thanh niên trung niên ở TP Cảng, sau nhà văn có về Hà Nội và 23 năm cuối đời ở Bắc Giang, vẫn có thể khẳng định Nguyên Hồng là nhà văn Hải Phòng.

Ông về Yên Thế (nay là xã Quang Tiến, huyện Tân Yên) từ 1959, vẫn được bầu là Chủ tịch Chi hội Văn nghệ Hải Phòng thành lập từ 1964 đến khi mất, bởi đất và người Hải Phòng gần gũi ông như máu thịt. Thành phố ấy nhận ông là công dân mãi mãi đâu chỉ bằng con đường Nguyên Hồng bên sông, ông vẫn sống cùng nhân vật, những người ông cảm thương, xa xót.

Năm 2011, tôi đã cùng họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, con gái cả nhà văn Kim Lân, về Đồi Cháy, ấp cầu Đen, ở đó, con trai thứ hai nhà văn Nguyễn Vũ Giang đang ở. Sân vườn rộng, cây khế cao trĩu quả do mẹ nhà văn trồng, tượng toàn thân sơn trắng của nhà thơ Anh Vũ tặng, bàn thờ bày chân dung nhà văn bằng tranh sơn dầu Nguyễn Thị Hiền vẽ 1968.

Tôi xem phim tài liệu về nhà văn Kim Lân, có cảnh ông Lân ngồi bên mộ Nguyên Hồng, nâng chén mời "ông anh", đổ rượu xuống mộ.

Thơ ấu viết về Nam Định, lúc già có tiểu thuyết "Núi rừng Yên Thế", nhưng tác phẩm bất hủ của Nguyên Hồng là viết ở Hải Phòng, về Hải Phòng, nơi "Cửa biển" (tên bộ tiểu thuyết đồ sộ hơn 2.000 trang của ông). Thành Nam, kinh đô một thời, là đất học, cũng có đường tàu, ô tô, đường sông. Hoàn cảnh không cho Nguyên Hồng được học trên đất học. Bố cai ngục nghiện hút và chết vì lao phổi khi Hồng 12 tuổi, mẹ đi tha phương cầu thực, chú bé ở với bà nội, vì bênh vực cô ruột bị áp chế bất công mà phải vào tù.

Người mẹ đã đến cổng nhà giam đón con ngày ra trại. Rồi mẹ con ông dắt díu ra Hải Phòng. Đất Cảng dung nạp dân tứ chiếng. Mẹ con Nguyên Hồng ở xóm Cấm bên sông Cấm, ông dạy học cho trẻ con nhà nghèo và lăn vào đời sống. Không chỉ tiếp xúc, sống cùng lớp người mọn hèn dưới đáy, ông nhận thức về cách mạng và tham gia hoạt động.

Nguyên Hồng bị tù mùa Đông 1939, cùng đề lao với Tô Hiệu ở Hải Phòng. Lúc đó, ông đã nổi tiếng bởi "Bỉ vỏ". Trong nhà tù, ông viết tiếp 20 chương tiểu thuyết "Xóm Cháy", về dân lam lũ thợ thuyền đất Cảng, bị giặc Phát tiêu hủy. 22 năm sau, ông viết lại phần chính thành tập "Sóng gầm" trong bộ "Cửa biển".

Năm 1942, ông ra tù, bị quản thúc ở Nam Định gặp và kết hôn với cô gái đồng hương Vũ Thị Mùi, quê ở Vị Xuyên (Mỹ Lộc). Họ sinh được 7 con, 3 trai, 4 gái, nhà văn đặt tên con trai cả Hồng Hà, con trai thứ: Giang, Sơn, con gái Nhã Nam, Yên Thế - địa danh lưu đời.

Tháng 3/1945, Nguyên Hồng trong tổ chức văn hóa cứu quốc viết "Địa ngục", "Lò lửa" - các truyện ngắn mô tả cuộc sống ngột ngạt của dân nghèo thành thị.

Không đứng ngoài quan sát, Nguyên Hồng sống cùng nhân vật của ông. Chú bé sớm chịu trái ngang, mất mát, bị đẩy vào đời, già trước tuổi, sau này thành quá mẫn cảm, dễ cười nắc nẻ khi có niềm vui và bật khóc nức nở khi gặp cảnh thương tâm, mủi lòng.

Hoàn cảnh sống cùng đám người bần cùng xuất thân nông thôn về kiếm ăn đất Cảng, phu phen, thợ thuyền, gái điếm, trộm cắp, cờ bạc, đánh chửi vợ con, ngày càng chìm vào tội lỗi, khiến Nguyên Hồng ấn tượng, thâu tóm và viết nên "tấn trò đời" Hải Phòng, trong vai chứng nhân, bằng bổn phận của nhà văn chân chính.

Thế giới nhân vật của Nguyên Hồng là bốc vác, cu li, đám rách rưới buôn thúng bán mẹt làm thuê, trẻ lang thang đói rách. Tên nhân vật đã bộc lộ thân phận, đàn bà: Mũn, mụ Mão, Muống (chồng là cai Quýnh); đàn ông thì: Tư lập lơ, Nam Sài Gòn, Bảy Hựu, Chín Hiếc, Chín Huyền, bố con lão Đen... Hải Phòng có 1, 3 triệu dân thì hơn nửa sống ở ngoại thành, đô thị lại là chốn lắm giang hồ "khét tiếng".

Môi trường đất Cảng tập trung đủ hạng người, lừa lọc, chém giết, tứ xứ tụ về: cầu Carông, vườn hoa đưa người, xóm Cấm, Sáu Kho, Hạ Lý, chợ Sắt, chợ Con... Quãng đời sáng tác bùng nổ ở thành phố thợ, Nguyên Hồng vẫn da dành chia sẻ cho nông dân. "Chịu thương chịu khó, suốt đời cuốc bẫm cày sâu, thức khuya dậy sớm, cấy đến cùn đầu ngón tay, đổi bát mồ hôi đầy lấy bát cơm vơi, rét chết cá cũng phải đánh trâu xuống ruộng".

Ông đổi mới cách viết, dị ứng lối câu khách rẻ tiền, và viết gì, ông vẫn là nhà văn hiện thực nhân đạo và lãng mạn. Cuộc sống tăm tối, bế tắc, lầm than khắc nghiệt, éo le của những phận kiếp nhỏ nhoi mạt hạng vẫn được ông sẻ chia, hướng họ về tương lai, tìm lối thoát.

Tôi đã cùng NSND Hoàng Cúc, người thủ vai Tám Bính trong phim video gây sốt năm 1990. "Bỉ vỏ" (4 tập, đạo diễn Lương Đức, Vũ Lệ Mỹ) về dự hội thảo Nguyên Hồng ngày 2/11/2013, do Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng tổ chức, trước 3 ngày sinh nhật tuổi 95 của ông.

Khi đóng Tám Bính, Hoàng Cúc 32 tuổi, rộ nhan sắc - tài năng. Một Tám Bính như thế, có Tám Bính như thế thật thì hành khách sẽ chuyển hết sang đi tàu. Tàu hỏa luôn cần cho bất cứ đô thị nào. 57 năm sau khi ra đời, "Bỉ vỏ" lên màn ảnh và 75 năm sau ngày được "giải" TLVĐ, "Bỉ vỏ" tiếp tục nhận giải của các thế hệ độc giả yêu thích, đồng cảm.

Sức sống tác phẩm làm nên sức sống Nguyên Hồng, người đã ra tuyên ngôn nghệ thuật: "Tôi sẽ viết về những cảnh đời đau khổ, về sự áp bức, về những nỗi trái ngược bất công. Tôi sẽ đứng về những con người lầm than bị đày đọa, bị lăng nhục, tôi sẽ vạch trần ra những vết thương xã hội, những việc làm bạo ngược, lộng hành. Tôi sẽ gánh lấy mọi trách nhiệm, chống đối nào cũng như bào chữa, bảo vệ".

Ông không chỉ "sẽ" mà đã làm trọn vẹn, xuất sắc những gì ông tâm niệm, ông ở bên những người bị khinh rẻ, hạ lưu, viết những người trang văn bằng nước mắt tâm hồn và nhận về sự kính trọng, tôn quý của bạn nghề, công chúng.

Tiếng Việt không thuộc hệ ngôn ngữ phổ dụng trên thế giới, nếu Nguyên Hồng ở Pháp hay viết bằng tiếng Pháp, ông sẽ là một nhà văn tầm cỡ quốc tế. V.Hugo, là đại văn hào tiểu thuyết, còn làm thơ, viết kịch, phê bình văn học, với giải thưởng đầu tiên là giải nhất về thơ toàn nước Pháp khi 15 tuổi.

Hugo đã trải qua những biến động lớn của lịch sử nước Pháp: Cách mạng vô sản 1848, chiến tranh Pháp - Phổ 1870, Công xã Paris 1871, thì sau ông 2 thế kỷ, Nguyên Hồng trải qua thế kỷ 20 có mấy cuộc chiến tranh. Sự khác biệt là V.Hugo xuất thân từ gia đình thế lực và sống không thiếu thốn. Trước khi qua đời Hugo di chúc: "Tôi cho kẻ nghèo 50.000 quan (franc). Tôi ước mong được mang tới nghĩa trang trong quan tài của người nghèo khó. Tôi từ chối các lời cầu nguyện của tất cả các nhà thờ. Tôi tin vào Thượng đế".

Tôi đã đến điện Panthéon nơi đặt thi hài của những nghệ sĩ lớn, các nhà khoa học làm rạng danh nước Pháp. Ở đó, có V.Hugo, O. Balzac, A.Dumas, dĩ nhiên những bậc vĩ nhân này không nằm trong quan tài của người nghèo. Còn Nguyên Hồng yên nghỉ bên vợ, bà Vũ Thị Mùi (1919 - 1987) gần quả đồi nơi ông đã sống, hai mộ kề nhau bên suối dưới chân núi Án.

Cứ về Hải Phòng, tôi lại đi tàu hỏa. Dù một mình. Như ở Paris, tôi đã có thể tự tin đi métro chằng chịt trong lòng đất. Dùng tàu hỏa, tàu điện ngầm để nối nhịp mưu sinh, để sự lãng mạn, sáng tạo có nghĩa. Nguyên Hồng cũng thường về Hải Phòng bằng hỏa xa, rồi chúng tôi sẽ gặp nhau.

Văn Cao (1923 - 1996) cùng quê Nam Định, được sinh ra tại Hải Phòng, đã viết "Với Nguyên Hồng": "Riêng anh, niềm xúc động của tôi/ Nhìn anh, Hải Phòng chúng ta còn lại/ Một đường An Dương một con sông Cấm / Nhớ/ Con sông nhớ anh/ Hai người ơi ngày còn những phố lầy hai người suy nghĩ/ Một cửa biển tự do/Một biển đầy hàng hóa/ Và chúng ta không vắng những con tàu/ Nơi anh nơi tôi hai xóm nghèo được sống/ Anh Nguyên Hồng hy vọng".

Nguyên Hồng vẫn đi trên những chuyến tàu đời với hy vọng, ấm áp tốt lành cho nhân dân lao động.


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1