30 năm lặn lội thân cò nuôi mẹ già và 4 người em bị bại liệt

13:58:00 03/02/2014

Cuộc đời của người phụ nữ đó như một cuốn tiểu thuyết đẫm nước mắt. Bước sang tuổi ngũ tuần, chị đã hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình để chăm sóc người mẹ già yếu và 4 người em mắc bệnh bại liệt.

Đó là một câu chuyện cảm động, thấm đẫm tình người về cuộc đời của chị Lê Thị Ninh, 52 tuổi, thôn 11, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

Một ngày đầu tháng 12, chúng tôi tìm đến nơi phát tích của câu chuyện đậm tính nhân văn ấy. Căn nhà tồi tàn của bà Huỳnh Thị Chanh (mẹ chị Ninh, 76 tuổi) nằm sâu hun hút trong những con đường nhỏ nhiều cong quẹo. Trước mặt chúng tôi lúc này là một cụ già đang phải cố hết sức để đứng dậy xem ai vào nhà mình, đôi tay gầy đét, quăm quắp trông rất yếu ớt và vô cùng khó khăn để nâng cơ thể già nua đứng dậy. Sau khi được chúng tôi dìu đến bên giường, cụ thều thào: “Người tôi bây giờ chủ yếu là nằm, đi đứng rất khó khăn, đó là kết quả sau hai lần bị tai biến. Toàn thân bây giờ hễ động tí là đau nhức, ê ẩm khắp”. Chúng tôi như chết lặng khi cụ hỏi lại: “Nẫu (họ-PV) là ai?” sau khi nghe chúng tôi đề nghị cụ kể lại tuổi thơ của mình.
Chị Ninh đang phả lại củ kiệu.
Nẫu là ai?

Nhìn xa xăm một lát, cụ chậm rãi kể chồng mất sớm khi cả 2 có với nhau 10 người con nhưng có 3 đứa chết từ nhỏ. Bốn trong bảy người con còn lại của bà không hiểu sao mà bị liệt tứ chi. Người con trai thứ 5 tên Lê Văn Dư là người đầu tiên bị liệt khi mới 14 tuổi. Vào một buổi sáng năm đó, tự nhiên người con này kêu tay chân mỏi rồi bị teo tóp lại và mất hết khả năng làm việc dù là nhẹ nhất như cầm chổi quét nhà. “Trong nhà cái gì có giá trị, kể cả heo qué gà vịt gì cũng bán sạch để chữa trị cho nó. Nhà tuy nghèo nhưng hễ nghe trong Nam ngoài Bắc có chỗ nào chữa được bệnh là tôi đều cố gắng đưa nó đi. Vậy mà bệnh tình của nó càng nặng thêm chứ có giảm được tí nào đâu? Đau đớn hơn, khi thằng này chưa đỡ bệnh thì 3 đứa em của nó cũng lần lượt mắc căn bệnh quái ác này”, bà Chanh nói trong nước mắt.

Chị Lê Thị Kiều Oanh, 30 tuổi, nghẹn ngào: “Vào năm em 16 tuổi, chứng kiến các anh chị của mình bị bệnh như thế này nên em rất sợ, nên mỗi khi ngủ dậy em thường cử động tay chân thử có còn cục cựa được không. Nỗi lo sợ ấy kéo dài được hơn 1 năm thì trở thành sự thật, em còn nhớ đó là một buổi sáng tháng 5, ngủ dậy em thấy người mình mệt mỏi rồi tay chân cứ teo dần lại và em trở thành người tàn tật”.

Chị Oanh bảo rằng trong nhà mình chẳng ai có tuổi thanh xuân, mà chính xác hơn là mấy chục năm rồi trong căn nhà này không hề có mùa xuân. Bà Chanh thì chua chát hơn: “Nhà đã khổ thế này mà còn có người nói rằng do tôi nợ kiếp trước, mắc phải lời nguyền gì đấy nên bây giờ mới ra nông nỗi này”. Rồi bà “trách” người bạn đời của mình: “Ổng đi sớm thật khỏe cái thân ổng, nhìn con cái đang lành lặn bỗng chốc bị thế này tôi đau đớn và khổ sở lắm. Nhiều lần định mua thuốc độc về cả nhà cùng uống để thoát kiếp sống lay lắt nhưng nghĩ đời cho mình cuộc sống nên thôi”.

Người lành lặn duy nhất còn trong căn nhà này là chị Ninh. Khi chúng tôi đến thì chị đang thu hoạch sắn thuê cho người ta, nghe lời mẹ chị, chúng tôi đợi đến trưa để được gặp và trò chuyện với người phụ nữ chịu thương, chịu khó này. Chị bảo năm mình 20 tuổi, khi anh Dư mới bị bệnh thì mình có tình cảm với một người xã bên, cả hai hẹn nhau sẽ cưới khi anh Dư khỏi bệnh. Đám cưới ấy đến nay vẫn chưa đến vì người em của chị vẫn chưa khỏi và chị vẫn phải ngày ngày làm thuê làm mướn để lo cho mẹ và 4 em tàn tật. Chị bảo: “May là có 2 đứa em trai không bị mắc bệnh và đã lập gia đình, nhưng chúng nó cũng nghèo khổ quá, lại đông con nữa nên cũng chẳng giúp ích được nhiều”.

Vì mẹ vì em gác lại niềm riêng

Viện cớ chê nhà người thương nghèo, chị nuốt nước mắt vào trong để chôn chặt tình yêu đôi lứa, chôn chặt tuổi thanh xuân của mình và thầm lặng chăm lo cho mẹ và các em tật nguyền. Nhà có 7 sào ruộng, sau ngày bố mất thì một mình chị không kham hết nên đành cho người khác thuê lại 2 sào với giá rẻ mạt. 5 sào ruộng còn lại, mặc mưa nắng gió sương, chị phải nai lưng ra làm. Những khi công việc ruộng rảnh tay là chị chạy khắp làng trong xóm ngoài để làm thuê nhằm kiếm thêm ít tiền. Thậm chí, khi Tây nguyên vào mùa cà phê thì chị cũng cắn răng tạm thời xa mẹ và các em để lên cao nguyên làm thuê. Chị bảo, xa mẹ và các em đang bệnh tật là điều không muốn, nhưng phận con cò yếu đuối thì chỉ có mùa cà phê là mùa kiếm được nhiều tiền nhất nên phải nén đau mà đi.

“Mọi việc có thể bước lần từng bữa được, nhưng cách đây 7 năm, khi mẹ tôi phải bị tai biến đến hai lần thì tôi gần như kiệt sức. Chạy vạy khắp nơi cũng đủ tiền để kiếm vài toa thuốc cho mẹ chứ không thể điều trị được, thấy nhà mình thế này thì ai mà dám cho vay, cho mượn nhiều”, chị Ninh kể. Khi ấy, sáng thì chị lóc cóc xe đạp cà tàng hàng chục cây số lên bệnh viện chăm sóc mẹ, trưa lại phải về lo cơm nước cho các em. Xong đâu đấy là tất tả tìm việc vặt để kiếm thêm dăm đồng.
Chị Ninh (đứng) bên mẹ và các em tàn tật.

Nghĩ rằng trời thương hoàn cảnh khốn khó mà cho chị có sức khỏe để bươn chải lo bữa cơm cho gia đình, nhưng sau một hồi trò chuyện mới biết chị chẳng hề mạnh khỏe. Khoảng 4 năm trước giọng nói chị yếu dần rồi có những lúc nói không được, đi nhiều bệnh viện khám chị mới biết mình bị viêm dây thanh quản. Mang bệnh trong người nhưng chị đành phải giấu mẹ giấu em. Bà Chanh cho biết: “Lúc đi khám về nó giấu không cho tôi biết, tôi và mấy đứa em gặng hỏi mãi nó mới chiu nói, lúc đó 6 mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc”.

Do không được chữa trị kịp thời, cũng như thiếu tiền để chữa trị nên bệnh chị càng nặng thêm, chị bị nổi u bướu ở cổ, rồi đau lan sang tai. Đến giờ chị vẫn chưa phẫu thuật cắt dây thanh quản. Để ngăn ngừa căn bệnh không trầm trọng thêm, mỗi ngày chị Ninh phải dùng 2 liều thuốc. Chị nghẹn ngào khi nghe chúng tôi nói chuyện chữa bệnh: “Tiền đâu mà chữa trị, giờ phải ráng chịu được đến đâu hay đến đó, mình nằm viện vừa tốn tiền, lại không có ai lo cho mẹ và các em, rồi mấy đám ruộng nữa. Nhiều lúc cơn đau tái phát là tôi phải cắn răng chịu đựng mà không hề cho mẹ và 4 em tôi biết”.

Đây là thời gian gần Tết nên chị làm rất nhiều việc, chị bảo, nếu không về để lo cơm nước cho mẹ và em thì buổi trưa chị cũng không về mà sẽ tranh thủ làm thêm. Bảo chúng tôi chờ một tí, chị chạy vào trong góc nhà, lát sau chị trở ra cùng với cây đèn pin nhỏ trên tay, chị thành thật: “Tranh thủ lúc nói chuyện với nhà báo, tôi coi lại cây đèn pin có trục trặc gì không sửa lại để tối còn có cái soi đường bắt ốc”. Thì ra dạo này, sau một ngày làm việc vất vả, tối đến chị vẫn phải xách đèn pin để đi bắt ốc bươu. Những lúc ấy chị chỉ kịp lùa vội miếng cơm nguội vừa khô vừa cứng là tất tả ra ruộng để soi. “Buổi tối không làm gì, đợt này có ốc bươu nhiều nên tôi phải cố gắng để kiếm thêm ít đồng, nhiều khi đến gần sáng mới về, thường thì những lúc ấy kiếm được khoảng 40 - 50 ngàn”, chị Ninh cho biết thêm.

Nhìn đứa con gái của mình, bà Chanh không giấu được nước mắt: “Từng này tuổi người ta đã gia đình đầy đủ, cháu nội cháu ngoại đông vui. Còn con Ninh nhà tôi thì phải chịu khổ đến thế này đây. Chúng tôi bị bệnh, chúng tôi khổ cũng được, chỉ thấy thương cho nó. Nhớ lại hồi đó nó thường hay khóc cho tôi, cho các em và khóc cho chính nó nữa. Bây giờ không còn thấy nó khóc, không biết là nó khóc lén, hay là hết nước mắt, hay là không thể khóc được nữa”. Trước sân nhà, chị Ninh đang phả lại ít cây kiệu để làm kiệu tết cho cả nhà, trông chị thật khắc khổ!


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1