Sự trung thực

01:20:00 16/02/2014

Năm nay, TP.HCM tổ chức Ngày thơ Việt Nam tại trụ sở Hội Văn học Nghệ thuật vừa khánh thành khá hoành tráng, số 81 Trần Quốc Thảo, quận 3.

Hội Thơ tổ chức hai đêm một ngày: Đêm rằm tháng Giêng - tết Nguyên Tiêu - là đêm thơ truyền thống dành cho các nhà thơ tên tuổi diễn đọc diễn ngâm, trình bày thơ. Còn suốt ngày và đêm16 tháng Giêng, sân thơ dành cho các câu lạc bộ thơ và thơ trẻ tung hứng. Cùng thời gian này, cách địa điểm tổ chức đêm thơ ngày thơ mấy trăm mét là Nhà Tang lễ 25 Lê Quý Đôn, nơi đang quàn thi hài nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM, vừa mất trước đó một ngày, đông đảo người thân quen và độc giả yêu văn ông đến viếng.

Nguyễn Quang Sáng là một trong những nhà văn tiêu biểu Nam Bộ trong thời chống Mỹ và cả sau khi hòa bình lập lại, với nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch bản phim nổi tiếng như Cánh Đồng Hoang, Mùa Gió Chướng… đậm chất Nam Bộ, chuyển thể từ chính tiểu thuyết của ông. Đã có nhiều bài viết, phim ảnh phóng sự về cuộc đời và tác phẩm Nguyễn Quang Sáng.

Lúc này, bỗng nhiên tôi lại nhớ tới truyện ngắn Bài văn bị điểm không của ông được trích in trong sách giáo khoa lớp 4 mà tôi đã đọc ké các con tôi vài chục năm trước. Hình như Nguyễn Quang Sáng viết truyện này năm 1985, trước thời kỳ đổi mới một năm. Bấy giờ đời sống còn khó khăn, con người ít bị tha hóa như sau này khi nhiều người đã khá lên nhờ nhanh tay lẹ mắt ăn nên làm ra. Tôi nhớ đại ý nội dung truyện như sau: Trong một lớp học, cô giáo ra đề bài yêu cầu mỗi học sinh tả cha mình đang đọc báo. Có em cha không hề đọc báo nhưng đã bịa cách cha đọc báo như thế nào, bài được cô cho sáu điểm. Còn một em nộp giấy trắng, cô giận quá cho điểm không. Sau đó cô hỏi tại sao em không làm bài. Nó làm thinh. Cô gặng hỏi mãi, nó mới lí nhí: “Em không có ba”. Thì ra cha nó chết từ hồi nó mới sinh ra! Đó là một bài học quý về lòng trung thực. Không có cha thì làm sao tả cảnh cha mình đọc báo? Trong cuộc sống hôm nay, sự trung thực như thế thật quý hiếm. Bởi cả trong những lĩnh vực lâu nay mặc nhiên được mọi người kính trọng như y tế, giáo dục, văn hóa… bây giờ cũng đã bị vẩn đục. Chuyện lót tay phong bì cho thầy thuốc là nỗi đau đối với những người tâm huyết ngành y; chuyện mua bằng bán cấp “học giả bằng thật” là nỗi nhục đối với ngành giáo dục... Đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật bây giờ lắm chuyện lộng giả thành chân. Cả trong lĩnh vực sáng tác thi ca, âm nhạc, hội họa cũng có chuyện có vẻ như làm mới mà thật ra là làm dáng rất buồn cười! Đến cả đọc thơ mà cũng có múa minh họa,giống như nhiều bài hát của các nhạc sĩ trẻ bây giờ ca sĩ hát phải có múa may minh họa chokhán giả xem là chính chứ đâu cần nghe! Mà nếu có nghe rồi nó cũng trôi tuột đâu mất chứ chẳng đọng lại chút gì trong lòng.

Trong một cuộc rượu hồi cuối năm rồi tại nhà một người bạn, đám bạn tôi thay nhau hát nghêu ngao những bài tình ca của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Lê Uyên Phương, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên… rồi chuyển sang hát mấy bài boléro của Trúc Phương, những bài hát mà thời trẻ bọn chúng tôi từng coi là nhạc sến. Nhưng bây giờ ngồi nghe lại những Tàu đêm năm cũ, Nửa đêm ngoài phố, Bóng nhỏ đường chiều, Mưa nửa đêm… trong chếnh choáng hơi men, cả đám bạn có tuổi hình như ai cũng thấy nao nao… Có lẽ vì những lời ca tiếng nhạc ấy được viết từ trái tim của người nhạc sĩ có số phận khá hẩm hiu nên nó đến với những trái tim đồng cảm rất dễ dàng và tự nhiên như không!

PHẠM CHU SA


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1