Với tổng mức đầu tư của dự án hơn 7.527 tỷ đồng (vốn ngân sách Trung ương 1.840 tỷ đồng, vốn của TP Hà Nội 5.687 tỷ đồng), tuyến đường cao tốc Đại lộ Thăng Long có chiều dài 29,8 km, được xây dựng, hoàn thành và bàn giao cho Hà Nội quản lý từ tháng 10/2010.
Trước đó, UBND TP Hà Nội đã có văn bản xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ cho phép thu phí sử dụng đường bộ trên tuyến cao tốc Đại lộ Thăng Long. Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, mục đích của việc thu phí nhằm giải quyết khó khăn về vốn, đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng của TP Hà Nội.
Hiện Hà Nội phải bố trí vốn quản lý, duy trì Đại lộ Thăng Long cũng như các tuyến đường khác và đầu tư các tuyến đường mới. Tuy nhiên ngân sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của Hà Nội hằng năm vẫn thiếu khoảng 5.000 tỉ đồng.
Ngay sau đề xuất thu phí được đưa ra đã vấp phải sự phản ứng gay gắt của người dân, Hiệp hội vận tải cũng như các chuyên gia giao thông. Đa số các ý kiến đều cho rằng, việc thu phí Đại lộ Thăng Long là bất cập, thiếu minh bạch, và dẫn đến phí chồng phí, tạo thêm gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp vận tải.
Liên quan đến vấn đề thu phí trên đại lộ Thăng Long, chiều 18/2, tại cuộc họp giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội, đã khẳng định sau này tất cả các đại lộ cao tốc đều cần phải được trang bị thiết bị quản lý giao thông thông minh nhằm ngăn chặn, phòng ngừa, giảm thiểu TNGT.
Ông Tân cũng cho biết thêm, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 9141/VPCP-KTN ngày 26/12/2011 về việc thu phí đường cao tốc Đại lộ Thăng Long và để tổ chức quản lý, khai thác tốt tuyến đường theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở GTVT nghiên cứu xây dựng đề án thu phí Đại lộ Thăng Long (phần đường cao tốc).
Tuy nhiên, từ tháng 11/2012, Bộ GTVT lại hình thành quỹ bảo trì đường bộ.
Trong bối cảnh đã có quy định về thu phí sử dụng đường bộ nếu triển khai theo hình thức xã hội hóa và thu phí theo Thông tư 197/TT-BTC của Bộ Tài chính thì phải xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng trước khi thực hiện việc thu phí.
Ngày 24/1, UBND TP.Hà Nội đã có văn bản số 687/UBND-KT báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép thu phí sử dụng đường bộ trên Đại lộ Thăng Long (phần đường cao tốc) nhưng cho đến nay vẫn chưa có văn bản trả lời.
Về vấn đề trạm thu phí, ông Tân cho biết, hiện nay, trên địa bàn Hà Nội chỉ còn duy nhất một trạm thu phí trên đường Bắc Thăng Long-Nội Bài để hoàn vốn cho chủ đầu tư. Còn việc đầu tư xây dựng hệ thống quản lý giao thông thông minh trên các đại lộ là một xu hướng tất yếu tuy nhiên việc có thực hiện việc thu phí trên đại lộ hay không phải tùy theo hình thức đầu tư.
Theo khái toán, tổng kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống giao thông thông minh trên đại lộ Thăng Long khoảng trên 209 tỷ đồng.
Tuy nhiên, vấn đề huy động nguồn kinh phí nào để đầu tư lại tùy thuộc thẩm quyền quyết định của Chính Phủ hoặc thành phố.
Nếu đầu tư theo hình thức xã hội hóa và thực hiện thu phí trên đại lộ Thăng Long nhằm hỗ trợ hoàn vốn đầu tư hệ thống quản lý giao thông thông minh được trang bị trên đại lộ này cho chủ đầu tư, thì việc có thực hiện thu phí trên đại lộ Thăng Long hay không phải được Chính Phủ cho phép.
P.V