Chết vì tình: Liệu có nên?
Những cái chết vì tình trong những thiên tình sử của thế giới luôn được dệt nên bằng hình tượng mỹ miều. Cái chết được nói đến như sự thăng hoa và minh chứng cho tình yêu bất diệt, sự hy sinh vĩ đại của con người để trọn chữ tình. Họ được ca ngợi như những mối tình đẹp nhất và vô hình chung đã tạo cho chúng ta suy nghĩ rằng cái chết có thể giữ trọn tình yêu chứ không thừa nhận rằng đó chỉ là một lỗi thoát khi con người không dám đối mặt với sự đổ vỡ của chữ tình. Liệu các bạn trẻ sẽ nghĩ gì về điều này, tự tử vì yêu có thực sự vĩ đại như một số bạn tưởng?
Những người thông minh thường nói: “Không phải cứ là tình yêu thì phải vĩnh cửu, phải sống chết ở bên nhau, người ta yêu nhau là để được hạnh phúc bên nhau, chứ không phải để chết bên nhau, nếu chết vì yêu thì không những kẻ đó thật bất hạnh mà còn là kẻ ngu ngốc nhất trên đời”. Kẻ ngu ngốc nào đó lại nói: “Không phải mọi tình yêu đều vĩnh cửu, nhưng không phải không có tình yêu vĩnh cửu, không ai muốn vì tình yêu mà chết, nhưng nếu chết là cách duy nhất để bảo vệ người mình yêu thì sẽ sẵn sàng làm như vậy”....
Chết vì tình liệu có đáng? Ảnh minh họa Những người yêu nhau, luôn muốn được mãi ở bên một nửa “trời sinh” của mình, muốn giữ tình yêu được trọn vẹn. Họ đặt rất nhiều hy vọng vào người yêu, và vào chuyện tình của mình nên khi gặp phải những mâu thuẫn trong tình cảm, họ hay thất vọng, chán chường và mất thăng bằng trong cuộc sống, dẫn tới những hành động không thể kiểm soát được như rạch tay, tự tử. Với họ yêu sống yêu chết một người, để cho người đó trở thành thế giới của mình. Bạn bè không cần, gia đình không cần. Đó là những hành động ích kỷ và vô tác dụng, vừa làm hại bản thân, vừa làm các bậc sinh thành đau lòng.
Còn với những ai bị người mình yêu từ chối, không muốn đối mặt với thực tế rằng mình không thể có được người ấy, họ cũng chọn cách tự kết thúc cuộc sống, huyễn hoặc rằng ta đã chết vì yêu, là một cái chết đẹp, nhưng đó thật sự chỉ là một cách trốn chạy do thiếu suy nghĩ, chưa nhận thức đúng đắn về tình yêu đích thực.
Những câu chuyện thực tế đau lòng
Kết tinh từ tình yêu, rồi 9 tháng mang nặng đẻ đau, rồi mười mấy năm nuôi dưỡng, chăm bẵm với biết bao yêu thương, hy vọng. Bỗng chốc, đứa con bé bỏng tìm đến cái chết chỉ vì thất vọng trong tình cảm, hoặc trở thành nạn nhân của những kẻ thất tình. Đây là nỗi đau quá lớn mà nhiều bậc cha mẹ đang phải gánh chịu.
Ở các thôn làng xa xôi, những vụ tự tử của các cặp đôi khi tình yêu không được gia đình cho phép thường xuyên xảy ra. Thậm chí, ở bản Mường, Sơn La, người ta còn truyền miệng nhau về một thứ “bùa yêu” có thể khiến tình nhân sống chết cùng nhau, một người chết thì người kia không thể sống. Đáng sợ là người ở đây lại tin vào điều đó chứ không hề nghĩ tới căn bản những người trẻ không thể sống thiếu tình yêu đó đã tự hành hạ bản thân đến chết.
Chuyện tự tử vì yêu ở thành thị cũng không phải là hiếm gặp. Hàng ngày đập vào mắt chúng ta với ngàn hàng ngàn tin tức những vụ tử tử xôn xao vì một nam sinh giết bạn gái rồi nhảy lầu tự tử để cô gái và tình yêu của anh ta được trọn vẹn mãi mãi. Hay những chàng trai, cô gái, tỏ tình thất bại rồi uống thuốc ngủ đòi chết. Có thể họ muốn chết thật, cũng có khi họ muốn “dọa” để đối phương đổi ý nhưng tất cả đều xuất phát từ sự hèn nhát, ấu trĩ.
Rồi còn không biết bao nhiêu chuyện tày đình xảy ra với suy nghĩ “chết cạnh người mình yêu”. Người chết, người vào tù… để lại bao nỗi đau cho gia đình và xã hội. Thử hỏi, nếu cứ nhân danh tình yêu mà lại có những hành động tàn nhẫn và độc ác như thế thì có khác gì loài cầm thú đội lốt hình hài đẹp đẽ.
Cái chết vì tình để lại sau lưng biết bao nỗi đau. Ảnh minh họa Phụ huynh hãy “xỏ chân vào chiếc giày” của con trẻ!
Đó là lời khuyên của thạc sĩ tâm lý, giảng viên – PGĐ Trung tâm Ý tưởng Việt - Đào Lê Hòa An khi được hỏi nên làm gì để tránh những cái chết đáng tiếc của nhiều thanh thiếu niên thời gian qua. Thạc sỹ An nhận định: “Ở lứa tuổi dậy thì, con tim đã bắt đầu biết rung động, xuất hiện những xúc cảm về giới tính khiến ta thường nhớ nhớ, thương thương. Tuy nhiên, có nhiều bạn đã ngộ nhận đó là tình yêu. Việc có những tình cảm trên mức tình bạn có thể chấp nhận nhưng nếu yêu nhau một cách đắm đuối và quên cả đường đi lối về thì rất nguy hiểm”.
Tuy nhiên, vị thạc sỹ trẻ này cũng cho rằng, không chỉ bản thân các bạn trẻ mà gia đình, nhà trường cũng có tác động không nhỏ tới hành động của con trẻ.
“Nhiều phụ huynh đã sai lầm khi cứ ngỡ có thể kiểm soát con 100% bằng việc cấm đoán, đưa đi đón về, tuyệt đối không cho chơi chung với bạn khác giới. Đó là trái quy luật tự nhiên và trong thời buổi ngày nay, teen có thể nghĩ ra hàng trăm ngàn lý do “chính đáng” để có thể “sánh bước bên nhau”! Vấn đề là phụ huynh cần xỏ chân vào chiếc giày của con trẻ để hiểu và đồng cảm với những suy nghĩ của con, là người bạn đồng hành với con thì có thể dễ dàng định hướng và chia sẻ với con những kỹ năng cần thiết để có thể tự bảo vệ mình” – thạc sỹ An phân tích.
Đừng nghĩ chết là hết bạn nhé!
Tuổi trẻ yêu cuồng nhiệt, sẵn sàng bỏ ra tất cả vì yêu. Nhưng có bao giờ bạn nghĩ: Bạn đâu phải yêu một lần rồi thôi. Bạn sẽ sống chết vì yêu được bao nhiêu lần trong đời nếu lỡ như bạn… bỏ mạng thật vì tình yêu đầu. Cái lối yêu đương quên mình có làm bạn được tôn trọng và yêu thương y như vậy hay không? Những người “được” trở thành thế giới, liệu họ có thấy hạnh phúc không? Trong các trường hợp trên, câu trả lời là không! Sự thật là bạn đánh đổi sự sống vì một người bạn yêu như thế giới cũng đồng nghĩa với việc bạn mất cả thế giới thật sự của mình.
Cuộc sống vẫn còn nhiều điều tươi đẹp. Ảnh minh họa Chết không giải quyết được vấn đề, nhất là khi bạn muốn chết vì yêu. Có thể cái chết của bạn sẽ để lại nỗi dằn vặt to lớn trong lòng người đó nhưng nó không thay đổi được sự thật là tình đã cạn. Chưa kể, nó còn để lại nỗi đau không gì bù đắp được trong lòng gia đình và những người thật sự quan tâm đến bạn. “Tình cảm không như ý mình là điều hết sức bình thường và có thể xảy ra với bất cứ ai. Vậy, sao bạn không xem việc thất tình, bị bỏ rơi giống như là một bài học nhỉ?
- Bạn tự đặt ra cho mình nguyên tắc: không để mình nghĩ đến người ấy quá 10 phút. Nếu qua thời gian đó, bạn hãy đứng dậy, làm việc gì đó, gặp bạn bè hay ai đó để làm đầu óc bận rộn hơn.
- Chia sẻ những suy nghĩ tiêu cực của mình với người thân, bạn bè hay chuyên gia tâm lý.
- Hăng hái tham gia các hoạt động thiện nguyện hay một câu lạc bộ mà bạn yêu thích.
Những bí kíp trên chắc chắn không làm cho nỗi đau trong lòng bạn tan biến ngay lập tức. Dù vậy, nó sẽ giúp bạn có thời gian để “tạm nguôi” những cảm xúc tiêu cực chất chứa trong lòng, giúp bạn bình tĩnh hơn. Sau khi đã “tỉnh”, bạn sẽ nhận thấy cuộc sống của mình còn rất nhiều điều ý nghĩa, tươi vui và đẹp đẽ hơn mấy viên thuốc ngủ rất nhiều.
Cái chết không thể níu kéo tình yêu Trao đổi về vấn đề này, các chuyên gia tâm lý tại Trung tâm Hướng nghiệp Việt, TP HCM đưa ra quan điểm: "Phần lớn các vụ tự tử vì tình yêu lại xảy ra ở những người trẻ. Cái tôi quá mạnh mẽ đã thúc đẩy họ, khiến họ không còn đủ lý trí để nghĩ đến một chân lý cao thượng trong tình yêu là: "Chỉ cần người mình yêu hạnh phúc đã là hạnh phúc". Điều duy nhất mà họ cho rằng cần thiết phải làm là chứng minh tình yêu, hoặc giả khiến người yêu phải ân hận suốt đời. Nhưng không, khi còn sống họ đã bất lực, thì một cái xác không hồn lại càng không thể níu kéo tình yêu. Hoặc giả vì lý do không thiết sống nữa thì càng ngu muội hơn, vì bản thân bạn không phải sống cho một mình bạn, xung quanh bạn luôn còn cha mẹ, gia đình, bạn bè thân thuộc. Ruột thịt luôn là những người thật sự yêu thương bạn". |
Thủy Anh tổng hợp