Ý nghĩ đó càng thôi thúc hơn trên chuyến tàu ra Bắc, khi ngắm những khung cảnh hiện ra trước mắt như lật qua những trang sách về một hành trình, với tất cả những gì đơn sơ, bình dị nhất nhưng vẫn mang tròn vẹn trong mình cái hồn cuộc sống, như nhành Xuyến Chi chập chờn theo cơn gió, những viên sỏi nhỏ nhẫn nại phủ lên mình từng lớp bụi thời gian, hay bóng dáng người đàn bà nhỏ bé bước về nơi thôn dã...
Bất giác, tôi nghĩ về chị.
|
Chị Hoàng Kim Dung (cầm hoa) tại buổi chia tay với Ban Phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng. Ảnh: N.A.Tuấn |
Từ lâu lắm, một cô gái Hà Nội có đầy đủ các phẩm chất, điều kiện để sinh sống ở Thủ đô, đã đưa ra quyết định từ đó thay đổi hẳn cuộc đời mình: chọn một mảnh đất miền Trung xa xôi, nghèo khó đủ bề làm quê hương thứ hai, chọn một người con trai duy nhất còn sống sau chiến tranh của gia đình cách mạng để gửi gắm đời mình... Gia đình, bạn bè, lý trí..., tất cả như đều chống lại chị. Nhưng chị đã đi theo tiếng gọi của trái tim.
Thêm một bước rẽ nữa trong cuộc đời chị: từ cán bộ an ninh, chị đến với bản tin nội bộ ngành. Khi bản tin trở thành tờ báo, phát hành công khai, chị được phân công làm phóng viên. Cùng với những người thuộc thế hệ đầu tiên, chị lao vào công việc. Ít ai biết rằng, đã có những tháng ngày chị ôm chồng báo bán dạo ở sân vận động Chi Lăng, lăn giấy, trực nhà in... Gì cũng làm, song ước mơ cháy bỏng của chị là được đi và viết, được kể những câu chuyện cuộc sống, đời người... Nhưng rồi, theo sự phân công của tổ chức, khi ý nguyện chưa thành, chị một lần nữa rẽ bước, gần như là dừng bước, chuyển sang công tác quản lý.
Với nhiều người, có thể, đó là bước tiến trong sự nghiệp, nhưng với người quen cầm bút, yêu cây bút và trang giấy, quen hòa mình vào sự kiện, vào cuộc sống nhân sinh, điều đó có lẽ chẳng phải lúc nào cũng là niềm vui quá lớn, đôi khi nó phải được diễn đạt bằng hai chữ hy sinh, mà sự hy sinh ấy hiếm khi nào được người đời thừa nhận.
Ngày tôi về cơ quan, chị ngồi đó, trong căn phòng nhỏ có cánh cửa ọp ẹp, mỗi lần kéo lại phát ra một tiếng rít nhẹ lan khắp dưới sàn nhà, nhưng hình như chẳng mấy khi cửa khép. Phía bên ngoài là phòng làm việc của ban phóng viên, có một chiếc bàn hình bầu dục rộng mênh mông và mấy chiếc máy vi tính thế hệ đầu tiên...
Cũng có những cuộc họp giao ban, những trao đổi công việc ở gian phòng lớn, nhưng hình như các phóng viên vẫn muốn (và luôn được chờ đón) trao đổi với chị trong căn phòng nhỏ, nơi chị lúc nào cũng sẵn sàng lắng nghe và chấp nhận tất cả. Ở đó, đôi lần, tôi đã tìm được không chỉ là những chỉ đạo của một người lãnh đạo, những lời khuyên hữu ích của một người đi trước, mà có một điều gì đó còn lớn hơn thế nhiều.
Đó là sự sẻ chia, đồng cảm, nhẫn nhịn, lắng nghe..., những điều chỉ có thể là của một người chị cả, thực sự dành cho đứa em, những đứa em có tất thảy “phẩm chất” của người trẻ tuổi mới va chạm với hỗn mang cuộc sống ở ngoài xã hội, nhiệt tình, xông xáo lẫn đôi chút láu cá, ngu ngơ... Và hình như, đó không chỉ là cảm nhận của riêng tôi... Nhưng còn điều khác nữa, hơn một lần, tôi vào phòng, thấy mắt chị đỏ hoe với xấp tin bài như chết lặng ở trên tay. Tôi không bao giờ hỏi chị vì sao. Nhưng tôi biết, đó phải là những tin bài về nỗi đau thương, oan trái cuộc đời hay những nỗ lực tột bậc, diệu kỳ của những mảnh đời vượt lên số phận...
Ngày chia tay cơ quan, chị nói trong nước mắt: “Cả đời tôi gắn với báo. Đây là gia đình của tôi. Và, tôi hạnh phúc vì điều này. Các bạn là những người tử tế. Chữ tử tế ở đây không phải dùng bừa bãi...”. Vâng, tử tế, giải nghĩa ra là những điều nhỏ nhất, những việc nhỏ nhất, giải nôm thì có nghĩa là cẩn thận từ những điều nhỏ nhất.
Trong mênh mông cuộc sống, biết đâu là điều lớn điều nhỏ, việc nhỏ, nhưng với chị, tôi tin rằng, chẳng có điều gì dù là nhỏ nhất bị lãng quên, bỏ mặc, nhất là những đóng góp của cán bộ, nhân viên cấp dưới. Và chính điều đó đã góp phần làm nên một điều rất lớn của cơ quan, của ngôi nhà chung của chúng tôi suốt nhiều năm qua - đoàn kết. Nếu có gì đó gọi là để lại sau 36 năm phục vụ trong ngành, 32 năm gắn bó với tờ báo, sau khi đã dành hết tuổi thanh xuân cho nhiệm vụ, tôi tin rằng, đó là một trong những điều quý giá chị để lại...
Trong câu chuyện dòng sông cuộc đời của Nancy Cato kể về cô gái Philadenphia, hình như, nó gợi nên hình ảnh về sự đè nén muôn thuở của hoàn cảnh lên mỗi số phận con người, nhưng chính từ đó mà phẩm chất con người, một cách âm thầm, bền bỉ, đã vượt lên, cho đến cuối hành trình, mỗi người chúng ta đều được sống với chính mình. Tôi không dám chắc Nancy Cato luôn đúng, nhưng vẫn cầu mong, điều đó là sự thật, với đời, với chị...
Thanh Hóa, 5-3-2014.
(Tặng chị Hoàng Kim Dung- Nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Công an TP Đà Nẵng)
nguyễn lê