Một hướng tiếp cận mới tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng

17:46:00 13/03/2014

QĐND - Vũ Trọng Phụng là một trường hợp đặc biệt, nếu không muốn nói là đặc biệt nhất trong nền văn xuôi hiện đại Việt Nam. Vậy là, “nhà văn trẻ” mà vỏn vẹn sự nghiệp chỉ dừng lại ở tuổi 27 ấy (1912-1939) đã vĩnh biệt chúng ta được 74 năm, một khoảng thời gian có lẽ đủ để làm lắng đọng, kết tủa hay chiêu tuyết cho những giá trị từng bị xem là bấp bênh. Nhưng lạ thay, dường như những tranh luận về ông vẫn chưa thôi sôi nổi, và có vẻ câu chuyện lại càng trở nên thú vị hơn theo năm tháng.

Chuyên luận “Thi pháp tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng” (NXB Văn học, 2013) của TS Nguyễn Thành ra đời vừa là tiếng nói nhằm đối thoại lại lối nghiên cứu ngữ văn học theo tư duy tiền hiện đại, lại vừa là sự hợp lưu vào lối nghiên cứu theo tư duy hiện đại, tức dựa vào hình thức tác phẩm, thông qua lý thuyết về thi pháp học.

Tác giả lại dành riêng chương 1 nhằm tổng quan nhìn lại lịch sử tiếp nhận Vũ Trọng Phụng. Trong chương này, tác giả đã không bị nô lệ, phụ thuộc vào những năm tháng, sự kiện tiếp nhận vốn vô cùng sôi động, phức tạp, mà đã xác lập nên một “cấu trúc tiếp nhận” rõ ràng, mạch lạc.

Chương 2 của chuyên luận, tác giả Nguyễn Thành dành riêng để khảo sát quan niệm về tiểu thuyết của các nhà văn đầu thế kỷ XX và của cá nhân Vũ Trọng Phụng. Với Nguyễn Thành, tiểu thuyết là một thành tựu lớn trong công cuộc hiện đại hóa văn học Việt Nam, chuyển dịch từ mô hình tiền hiện đại kiểu phương Đông, sang mô hình hiện đại theo kiểu phương Tây. Đi từ quang phổ rộng rãi của quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam nói chung và văn xuôi nói riêng, tác giả đã chỉ ra các tiêu chí phân biệt tiểu thuyết với các thể loại khác (tính hư cấu, tính văn xuôi, tính tự sự, nhân vật và cốt truyện). Trong đó, theo chúng tôi, tính văn xuôi và tính tự sự có lẽ nên gộp vào với nhau, gọi là tính tự sự (vì đa phần tiểu thuyết trong thời hiện đại đều viết bằng văn xuôi, không cần nêu ra nữa), còn phần nghiên cứu về nhân vật và cốt truyện là đóng góp đặc sắc đáng ghi nhận của tác giả. Nguyễn Thành đã chỉ ra được nhân vật trong quan niệm tiểu thuyết Việt Nam hiện đại là mang tính đa diện, có cả vô thức, có chiều sâu tâm lý. Cốt truyện trong tư duy tiểu thuyết hiện đại vừa có loại “có cốt truyện”, lại vừa có loại “không có cốt truyện”. Ngoài ra, tiểu thuyết hiện đại còn mang đặc trưng kết cấu mở, có người kể chuyện hướng về phía trước, người kể chuyện cũng là một nhân vật… những đặc điểm đều được thể hiện trong những sáng tác của Vũ Trọng Phụng cũng như tư duy tiểu thuyết của nhà văn. Quan niệm tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng đã được Nguyễn Thành chỉ ra xác đáng, đó là quan niệm về tả chân xã hội. Tả chân ở đây vừa là chủ nghĩa hiện thực, lại vừa là chủ nghĩa tự nhiên, chứ không có sự phân biệt rõ ràng như ngày nay. Tả chân như thế là quan điểm xuyên suốt và bao trùm thế giới nghệ thuật của nhà văn. Trong phần này, theo chúng tôi, nếu tác giả nghiên cứu sâu hơn về quan niệm mỹ học xuyên suốt trong tư duy tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng đó là cái hài, chủ yếu được xây dựng dựa trên thủ pháp nghịch dị (grotesque) thì sẽ đầy đủ, hoàn thiện hơn.

Bất cứ một nghiên cứu thi pháp học nào ở nước ta, cũng gần như phải đề cập đến quan niệm nghệ thuật về con người, không-thời gian nghệ thuật và kết cấu. Chuyên luận của Nguyễn Thành cũng triển khai nghiên cứu theo ba hướng trên, lần lượt trong các chương 3, 4, 5. Riêng trong chương 3, dành riêng để khảo cứu con người và xã hội trong quan niệm nghệ thuật của Vũ Trọng Phụng. Tác giả đã chỉ ra được đặc trưng trong quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn, đó là con người phi lý, con người vô nghĩa lý, vì nó được sinh ra, lớn lên trong một xã hội suy đồi, đảo lộn các giá trị. Nguyễn Thành đưa ra nhận định Vũ Trọng Phụng là “người đầu tiên thể hiện cái nhìn phi lý trong văn học Việt Nam hiện đại”. Tuy nhiên, Nguyễn Thành không quá cả tin về sự hình thành nhân cách con người chỉ phụ thuộc vào mặt xã hội, mà nhà nghiên cứu đã tính đến sự chi phối mạnh mẽ của bản năng, bởi vì con người trước tiên là một động vật. Chính cách nhìn nhận các nhân vật trên cả phương diện ý thức lẫn vô thức, đạo đức lẫn dục vọng, đã giúp quan niệm nghệ thuật về con người của Vũ Trọng Phụng trở nên toàn diện, đặc sắc và có tính khiêu khích với những cách đọc qua từng giai đoạn phê bình.

Các chương còn lại (6, 7) Nguyễn Thành tiến hành nghiên cứu đặc trưng dung hợp thể loại và điểm nhìn trần thuật cùng ngôn ngữ tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng. Trong phần nghiên cứu về sự dung hợp thể loại (chương 6), tác giả đặc biệt nhấn mạnh đến sự hỗn dung giữa tiểu thuyết và phóng sự, bên cạnh đặc trưng kết hợp bi-hài và việc áp dụng các kỹ thuật của các bộ môn nghệ thuật khác, mà đặc biệt là điện ảnh. Chúng tôi chú ý đến việc Nguyễn Thành đã nhấn mạnh tính phóng sự trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, và đồng thời xem nhà văn họ Vũ là đỉnh cao của tiểu thuyết hiện đại Việt Nam.

Nguyễn Thành là người “đi trước, về sau” trong đối tượng nghiên cứu mà ông quan tâm: Tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng. Hơn 18 năm qua, khởi đi từ bài viết đầu tiên về Vũ Trọng Phụng năm 1995, hoặc 11 năm kể từ khi Nguyễn Thành bảo vệ xong luận án về Vũ Trọng Phụng, tác giả mới hoàn thiện cách đọc của mình về tiểu thuyết nhà văn họ Vũ. Đó là một sự trận trọng, nghiêm túc trong khoa học đáng ghi nhận, thậm chí, quá thận trọng đến “đáng tiếc”. Nhưng sự thiếu “tức thời” của Nguyễn Thành lại càng chứng minh cho giá trị khoa học của chuyên luận, bởi sau khi những người bộ hành đã giẫm chi chít các “vết chân chữ” trên giấy về Vũ Trọng Phụng, nhà nghiên cứu vẫn tìm thấy cho mình lối về và ngõ riêng.

Thạc sĩ YẾN THANH


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1