Thử nghĩ rốt ráo về ý nghĩa của tình yêu, ta sẽ thấy đề tài ấy luôn tươi mới mỗi khi ta chất vấn về một chọn lựa, dẫu đôi khi chỉ là chọn lựa trong cách nghĩ nhưng lại là cách ta chân nhận cuộc đời: liệu chết vì yêu là cái chết hẩm hiu hay một sự xa hoa êm ái?
Mãi đến thế kỷ 19, những cảm xúc tình ái mạnh mẽ vẫn hiếm khi được bộc lộ công khai trong văn học, chưa nói gì đến ý nghĩ khát dục hay báng bổ tôn giáo. Một số tiểu thuyết xuất phát từ truyện đăng nhiều kỳ trên báo, nơi các biên tập viên có quyền “gạn đục khơi trong” để giữ chuẩn mực đạo đức thời đó và không gây tai tiếng.
Tác giả cũng ý thức làm sao để cuốn sách của mình có thể được đọc to trong phòng khách lớn (hoạt động thường thấy ở thời kỳ Victoria) mà không phiền hà gì. Bởi thế, khi Bà Bovary của Gustave Flaubert được đăng dài kỳ (feuilleton) trên tờ La Revue de Paris năm 1856 và in thành sách một năm sau đó, tác phẩm bị chỉ trích công khai, thậm chí còn bị đưa ra tòa vì “gợi dục” và “tục tĩu”.
Nhưng hóa ra Flaubert lại là một nhà văn hiện đại, tạo nên một chuyển biến lớn về nữ quyền, khi để cho nhân vật Bovary bộc lộ những khao khát sâu thẳm nhất, thể hiện cả bằng hành động, trong một xã hội nơi thành kiến và miệng lưỡi của những người đàn bà có thể vùi dập cả cuộc đời một người đàn bà khác.
Ông tôn vinh phụ nữ một cách nhẹ nhàng và đầy ý bảo bọc. Bà Bovary thành thực, ủy mị, bản năng, bồng bột, nhưng cũng là một trong những nhân vật đáng mến nhất trong lịch sử văn học.
1. Sáu năm sau Bà Bovary, Flaubert cho ra mắt tiểu thuyết lịch sử Salammbô (Thắm Trần dịch, NXB Hội Nhà Văn) viết về mối tình bất khả giữa Salammbô - con gái pháp quan Hamilcar Barca của Carthage, và Matho - thủ lĩnh đội quân đánh thuê. Chịu nhiều áp lực từ kiểm duyệt, Flaubert chuyển hướng sang một tiểu thuyết lịch sử, tìm cách pha trộn các biến cố cá nhân và biến cố thời đại để giấu đi hàm ý chính trị.
|
Salammbô - NXB Hội Nhà Văn |
Ngay cả tình yêu cháy bỏng cũng ẩn dưới vỏ bọc của những ví von, biểu tượng, nói tránh, như cảnh Salammbô đến lều Matho lấy lại tấm voan thần: chàng ban đầu hung tợn vì nhớ, “run lên như cây đàn hạc mà dây cung sắp sửa đứt”, rồi sợ mất đi người tình, anh nói “anh đê tiện hơn cả loài bò cạp, nhơ nhớp hơn bùn, hèn hạ hơn bụi cát!” (tr.313).
Dù đối thoại thẳm sâu và bay bướm như vậy, cả hai vẫn không đến được với nhau vì một lý do đã trở thành “kinh điển”: chàng và nàng ở hai bờ chiến tuyến. Thế kỷ 3 trước Công nguyên, Carthage là một nhà nước phát triển về kinh tế và chính trị (Aristotle hâm mộ hệ thống của họ), không ngừng kèn cựa với Cộng hòa La Mã và người Hi Lạp ở đảo Sicily.
Về quân sự, họ thuê quân lính ở Bắc Phi (một hình thức “tư hữu hóa” quân đội thời cổ đại). Thế nhưng trong mắt kẻ thù, người Carthage độc ác và gian trá, họ còn giữ hủ tục hiến tế trẻ em cho thần linh. (Hannibal, con trai út của Hamilcar, may mắn thoát khỏi hủ tục này, về sau trở thành tướng lĩnh tài ba).
Sau chiến tranh Carthage lần thứ nhất chống lại quân La Mã, quân đánh thuê nổi dậy vì không nhận đủ tiền lương. Matho trở thành thủ lĩnh của họ, nhưng chàng ngây thơ và si tình đến mức nhiều lần toan chạy thẳng vào thành đối phương chỉ để... xin ở bên nàng mãi mãi!
|
Poster một bộ phim dựa trên cuốn Salammbô sản xuất thập niên 1960 |
Viết về thời kỳ khuyết tư liệu này, ngoài dựa vào hệ thống niên đại của sử gia Hi Lạp Polybius, Flaubert còn đến tận Carthage để khảo sát. Cách ông xây dựng nhân vật dựa trên quan niệm thời cổ đại, rằng lịch sử đơn giản là hành động của các cá nhân tiêu biểu, cứ đến thế hệ sau lại tái xuất hiện và lặp lại vai trò của họ trong quá khứ.
Spendius mưu mô như tổng trưởng cảnh sát Joseph Fouché; Hannon tương tự vị vua thất sủng Louis XVIII; Matho bạo liệt như Napoléon III; còn Hamilcar tương đồng với Napoléon I ở giấc mơ mở rộng đế chế. Flaubert dùng hình ảnh Carthage để ám chỉ nước Pháp đầy bạo động, giai đoạn xảy ra thảm sát đẫm máu ở Rouen năm 1848 và việc khai sinh nền Đế chế thứ hai.
Ở Salammbô (ở Việt Nam từng có bản dịch của Hoàng Hữu Đản xuất bản năm 1990), Flaubert mô tả sự đồng hiện của dòng lịch sử nhỏ (chuyện tình bi đát) bên trong dòng lịch sử lớn (các cuộc chiến tranh và cách mạng). Qua các tín ngưỡng cổ xưa, nguyên tắc chỉ đạo của người cầm quyền, lý tưởng của nhà nước, người đọc thấy được nghị lực và đạo đức thời cổ đại, từ đó thâm nhập sâu hơn vào chính nhận thức tâm lý và bản thân con người đương đại.
2. Cùng thời văn chương Victoria với Salammbô và Bà Bovary, Xa đám đông điên loạn (Hà Linh dịch, NXB Văn Hóa Thông Tin) được đăng feuilleton lần đầu trên nguyệt san Cornhill Magazine năm 1874. Câu chuyện diễn ra ở vùng đất Wessex, một miền quê nửa thực, nửa hư cấu ở bờ biển tây nam nước Anh.
Với địa danh này, tác giả Thomas Hardy từng bước hình thành một “dòng” riêng: tiểu thuyết Wessex, chiếm 12 trong số 14 tiểu thuyết của ông. “Tiểu vũ trụ” Wessex không chỉ là bối cảnh đồng quê, mà còn mang đến một hệ hình mẫu cho những xung đột, sự chia cắt và vật lộn của con người.
Dù khung cảnh tự nhiên đẹp đẽ tượng trưng cho thời vàng son của nông thôn nước Anh, Wessex vẫn là nơi hiện diện của sự xa lìa và những mối tình trắc trở. Nằm chính giữa làng là ngôi nhà thờ Saxon cổ; thị trấn hạt là Casterbridge, nơi cô gái hầu phòng Fanny Robin tìm đường đến nhà tế bần rồi bỏ mạng; và chốn đô hội gần nhất là Bath, nơi Bathsheba Everdene phi ngựa trong đêm đến gặp trung sĩ Troy.
Wessex không chỉ là yếu tố không gian, mà còn là địa hạt tâm lý trong cuộc truy tìm không ngơi nghỉ tâm hồn của con người. Một lần nữa ta gặp dòng chảy nhỏ bên trong dòng chảy lớn.
|
Xa đám đông điên loạn |
Bathsheba là cô gái trẻ trung lưu, có học thức, bất chợt được thừa hưởng điền trang của người cậu và trở thành cô chủ. Trong thế giới thuộc về đàn ông, Bathsheba không ngừng gặp những ánh mắt soi mói và đánh giá, nhưng điều đó gây cho cô ý muốn tự chủ - đó là sự tự tin, lòng kiêu hãnh với những người làm công lẫn tính ưa phiêu lưu, thách thức trong tình ái với ba người đàn ông ve vãn.
Anh chăn cừu Gabriel Oak mẫn cán, nhẫn nại, yêu như kiểu Pushkin mô tả “cầu em được người tình như tôi đã yêu em”; Boldwood, người quý tộc nhất ở xứ khỉ ho cò gáy, thì quỵ lụy, ám ảnh với tình yêu; còn Troy là tay lính sở khanh, bẻm mép, đạt được mục đích rồi quất ngựa truy phong. Dàn nhân vật đầy đặn dưới ngòi bút của Thomas Hardy, một tác giả ưa cốt truyện éo le bậc nhất, đủ đảm bảo cho người đọc những bài học tình ái hợp với mọi thời.
Đề tài “phụ nữ trẻ đang trưởng thành” khá phổ biến thời Victoria, khi xã hội chứng kiến sự vươn lên của phụ nữ cùng những khó khăn vô định trong cuộc đấu tranh của họ. Ở Xa đám đông điên loạn, Hardy gán thêm bản năng lý trí trong những vùng vằng chọn lựa của nhân vật nữ: “bản tính của Bathsheba là bồng bột nhưng có cân nhắc” (tr.154).
Khác với bà Bovary theo đuổi cảm xúc đến tận cùng, Bathsheba dựng một vỏ bọc bảo vệ mình trước nỗi xót xa của thực tế, tự tạo một hiện thực mới gần gũi hơn, được bào chữa và làm cho phù hợp với những gì cô mộng tưởng.
Nhưng cũng giống như bà Bovary, kết quả cho sự bồng bột, ngẫu hứng trong tình yêu dẫn đến một kết cục không thể tránh khỏi. Bathsheba cô đơn giữa những người đàn ông theo đuổi, cô gây bi kịch cho mình và cho họ bằng cách đáp lại những cợt nhả của cảm xúc mà không lường trước được một ngày số phận lại đem tất cả cảm xúc ấy quy hồi, văng vật, xâu xé tâm hồn cô.
Con người không bao giờ ngừng yêu, và điểm yếu lớn nhất là không biết khi nào sự yếu đuối quay trở lại họ. Đến chàng Matho dũng mãnh còn như thế! Sau khi dọa giết người trong mộng, chàng quay sang yêu chiều chỉ trong vòng ba nốt nhạc. Giữa hai thái cực yêu, chàng đã chọn sự xa hoa êm ái.
TRẦN QUỐC TÂN