Tại buổi hội thảo, đại diện lãnh đạo Bộ VHTTDL, Bộ TTTT, Ban Tuyên giáo TƯ, các chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học, các nhà văn hóa… đều thống nhất việc tổ chức Ngày sách Việt Nam là việc làm cấp bách, nhằm khuyến khích người dân đọc sách và để cứu vớt văn hóa, đạo đức con người không bị “băng hoại”.
Theo GS sử học Lê Văn Lan, ngày nay chúng ta hay nói nhiều đến vấn đề đạo đức xuống cấp, rồi lối sống lệch lạc, nhiều người còn sử dụng từ “băng hoại” để nói về đạo đức của con người trong cuộc sống hiện đại. Con người ngày càng thiên về lối sống chạy theo vật chất, thích hưởng thụ và điều này đã giúp văn minh nghe - nhìn thống lĩnh, đồng nghĩa với việc văn minh đọc - nghĩ đang dần bị lãng quên.
|
Theo GS sử học Lê Văn Lan, tổ chức Ngày sách để cứu văn hóa đọc. |
Cũng theo ông, nền văn minh nghe - nhìn làm con người dần trở nên thụ động trong suy nghĩ, chỉ có việc đọc và nghĩ mới giúp tạo nên tri thức, giúp con người chủ động hơn để biến những kiến thức trong sách vở thành tri thức của mình.
Đồng tình với những ý kiến trên, ông Nguyễn Kiểm - Phó Chủ tịch thường trực Hội xuất bản Việt Nam – cũng cho rằng, việc tổ chức Ngày sách Việt Nam là cần thiết. Không phải ngẫu nhiên mà ngay khi Bộ TTTT có văn bản đề nghị tổ chức Ngày sách, Thủ tướng Chính phủ đã ký ngay quyết định đồng ý lấy ngày 21.4 hằng năm là Ngày sách Việt Nam.
|
Các đại biểu đều đồng tình việc tổ chức Ngày sách Việt Nam là cần thiết. |
Theo ông, văn minh nghe - nhìn đang kéo chúng ta theo văn hóa bầy đàn, đọc sách giúp kéo chúng ta về văn hóa đọc - nghĩ; chỉ có đọc và nghĩ mới giúp con người biến những cái trong sách thành cái của mình. Việc tổ chức Ngày sách Việt Nam nhằm khôi phục và phát triển văn hóa đọc, khuyến khích toàn dân đọc sách, nâng cao nhận thức người dân về ý nghĩa to lớn của sách đối với việc nghiên cứu, giáo dục và hình thành nhân cách con người.
Báo chí là cầu nối quảng bá sách đến toàn dân
Tại buổi hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng để Ngày sách Việt Nam thực sự là ngày hội, để hướng người dân vào văn hóa đọc, tôn vinh những cá nhân, tập thể làm trong các hoạt động phát hành, xuất bản... rất cần sự vào cuộc của báo chí. Báo chí đóng vai trò là cầu nối, quảng bá sách đến toàn dân. Việc báo chí đẩy mạnh công tác truyền thông, giới thiệu, phê bình, quảng bá những cuốn sách hay sẽ góp phần vào sự phát triển văn hóa đọc của nước nhà.
Nhiều người cũng đồng tình cho rằng, việc quảng bá sách của báo chí không chỉ dừng lại ở những bài giới thiệu sách, mà còn phải hướng người dân vào những cuốn sách hay, có giá trị.
Đa số các đại biểu cũng thống nhất chọn Thư viện Quốc gia là nơi tổ chức ngày hội đọc sách hằng năm; tổ chức Ngày sách Việt Nam vào thứ bảy, chủ nhật để người dân có cơ hội đến thưởng lãm và tiếp cận với những cuốn sách hay.