Đọc "Cửa hiệu giặt là", chúng ta dễ dàng chạm vào một Hà Nội rất quen, có thể nhận ra ở bất kỳ góc phố nào.
Cuốn tiểu thuyết như những trang nhật ký chụp lại vài lát cắt trong cuộc sống của những người dân nơi góc phố nhỏ, nó tự nhiên diễn ra mà không chọn lựa thời điểm.
Mọi người cứ sống và va chạm với nhau, yêu thương, dối lừa và chia sẻ cùng nhau...
Mỗi người tạo thành một mảnh ghép không thể thiếu trong bức tranh cuộc sống Hà thành hôm nay.
Bằng những mảnh ghép cuộc đời tưởng như rời rạc đó, tác giả đã hoàn chỉnh bức tranh về một góc phố Hà Nội mà cũng là bức tiểu họa về xã hội Việt Nam thời đô thị hóa, ở đó không phân biệt tầng lớp, địa vị, tuổi tác, con người cứ sống với nhau bằng chính tâm hồn và sự yêu thương, chia sẻ của mình.
Đọc những trang viết của Đỗ Bích Thúy, độc giả như được sống chậm lại để phát hiện một Hà Nội rất quen và rung động trước những cảm xúc giản dị mà chân thật. Ai từng lắng nghe bản nhạc Sad Angel của Iqor Krutoi thì sẽ thấy trong Cửa hiệu giặt là một góc nhìn về cuộc đời thanh thản và đầy nhân văn như thế.
Buổi ra mắt cuốn sách diễn ra vào 15h - 16h30 ngày 24/3 sắp tới tại cà phê Văn Việt, 36 Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
“Đỗ Bích Thúy rất mạnh về chi tiết khi cấu dựng những trang văn xuôi dù ở bất cứ thể loại nào từ tạp văn tới truyện ngắn và lần này, ưu điểm đó thêm một lần bộc lộ rất rõ trong cuốn tiểu thuyết thứ ba: Cửa hiệu giặt là.
Những trang sách được viết từ sự quan sát tinh tế, giàu trực cảm đã làm nên bức tranh chữ hấp dẫn bạn đọc có khi là những điều lặt vặt, có khi là tiếng cười giễu cợt… tạo nên một tiểu thuyết khá sinh động về đời sống đô thị hôm nay”, nhà văn Nguyễn Văn Thọ chia sẻ.