Những câu chuyện trong nhà bếp

11:01:00 15/03/2014

“Bất cứ điều gì xảy ra trong nhà bếp đều không kém quan trọng so với những gì xảy ra trên biển, trong cung điện hay trên chiến trường, đều là một phần của cuộc diễu hành vĩ đại: lịch sử”.

Nữ nhà văn Mỹ Kyle Minor viết câu đó trên trang The Atlantic trong một bài bình về văn Alice Munro, tác gia Nobel đầy “nữ tính” của văn học thế giới đương đại. Nói một cách hình tượng, văn Munro chính là những câu chuyện “trong nhà bếp” (hiểu nôm na là chuyện tình cảm, hôn nhân, gia đình), trong khi các nhà văn khác, đặc biệt là nam giới, hướng tới những câu chuyện “trên biển, trong cung điện hay trên chiến trường”.

Minor khẳng định thêm, đối với những người trong cuộc (tức các nhân vật trong câu chuyện “nhà bếp” hay câu chuyện “trên biển”, thì điều xảy ra với họ vẫn là “quan trọng nhất thế giới”. “Và cũng nên thế, vì mỗi chúng ta đều chỉ có mỗi một cuộc đời để sống câu chuyện của riêng mình”.

Viết về những người phụ nữ bé mọn

Năm ngoái, Munro đoạt Nobel Văn chương. Người đàn bà này chẳng xa lạ gì, luôn được mệnh danh là “bậc thầy” truyện ngắn thế giới, một tác giả lớn chuyên viết về chủ đề nhỏ, một phụ nữ luôn viết về phụ nữ.

Trong thâm tâm, nhiều đàn ông cho rằng Munro bé nhỏ, không phải thân thể, mà là văn chương. Văn bà là thứ văn chỉ xoáy vào tâm tư của những người đàn bà, quẩn quanh trong tổ ấm của những người lao động bình thường tại những thị trấn nhỏ ở Canada (cũng chính là quê của Munro, vùng Ontario).


Lisbeth Salander do Rooney Mara đóng (trái) và Katniss Everdeen do Jennifer Lawrence đóng, khi từ trang sách bước lên màn ảnh Hollywood

Vậy những người đàn ông còn lại? Họ không đọc Munro, đơn giản vì cho rằng đề tài phụ nữ, hôn nhân, gia đình… là những đề tài văn chương bé mọn. Họ bận rộn với những đề tài quốc gia dân tộc lớn lao hơn, hoặc truyện khoa học viễn tưởng dù hơi trẻ con nhưng vẫn còn khá nam tính, lại có vẻ tri thức. Đề tài loanh quanh căn bếp, mái nhà và người chồng là đề tài kiểu đàn bà, không đáng để họ đụng tay đụng mắt tới.

Còn nữa, thể loại mà Munro chọn lại còn là truyện ngắn, vốn bị coi là bé nhỏ khi đặt cạnh tiểu thuyết to lớn. Một quan niệm cũ cho rằng phải tiểu thuyết thì mới xứng tầm người khổng lồ trong văn học. Chính việc Munro được trao giải Nobel (bà là tác gia truyện ngắn đầu tiên nhận được vinh quang này) như một “cú tát” vào mặt những ai vẫn ôm khư khư quan niệm này.

Bởi, cuối cùng thì, thể loại hay đề tài, dường như không có gì là bé mọn, nếu như văn chương vẫn đủ tầm vóc. Nhà văn chân chính không nên coi thường bất cứ đề tài hay thể loại nào, nếu trót coi thường, đó chắc hẳn là một sai lầm.

Alice Munro có viết một tiểu thuyết, duy nhất tới nay, Lives of Girls and Women (Cuộc đời của con gái và đàn bà, năm 1971). Nhân vật chính của cuốn sách, cô gái trẻ Del Jordan, cảm thấy lạc lõng, không thỏa mãn với cuộc sống bình thường ở một thị trấn nhỏ thuộc vùng Ontario, Canada. Cô muốn tìm hiểu sâu hơn về chính mình và sự tương đồng giữa cô và người mẹ, cũng là người vốn không hài lòng với những trải nghiệm sống nhỏ hẹp ở thị trấn.

Tiểu thuyết duy nhất trong sự nghiệp của Munro không nổi danh bằng các tập truyện ngắn của bà, nhưng có chung một chủ đề lớn. Hầu hết các câu chuyện của Munro có mô típ như vậy, phụ nữ và những mâu thuẫn tâm tư của phụ nữ, trong đó đàn ông thường đóng vai trò nhỏ. Thật đáng ngạc nhiên khi một nhà văn có thể theo đuổi một chủ đề lâu dài, bền bỉ như vậy suốt sự nghiệp văn học của mình, viết về những người nữ bé mọn.

Khi bé mọn trở thành vĩ đại

Khó có thể lờ đi một thực tế rằng đàn ông nhiều khi coi thường phụ nữ và những đề tài “vặt vãnh đàn bà”. Sách do nữ giới viết về chuyện đàn bà bị xếp vào loại sách thương mại, sách bán chạy tầm thường, sách lá cải… điều đó xảy ra không ít, ngay cả ở Việt Nam. Ngay cả khi, phụ nữ chiếm phần lớn trong số độc giả của văn học, lấn át hẳn so với đàn ông.

Nhưng thực tế đó tồn tại song song với một thực tế khác, ngày nay, rất ít sách viết về tâm tư tình cảm của đàn ông, đặc biệt là đàn ông trẻ tuổi và lứa đã trưởng thành - thành đạt. Kể cả tiểu thuyết hay truyện ngắn, các thể loại hư cấu, cũng ít theo đuổi chủ đề này. Tất nhiên, chủ đề tương tự về nữ giới ăn khách và phổ biến hơn nhiều. Đó cũng là một phần lý do khiến ở Anh, có một thống kê chỉ ra rằng đàn ông trẻ tuổi ở nước này dường như không còn đọc tiểu thuyết, theo tờ The Telegraph.

Vậy là, có vẻ như các chàng bị văn chương bỏ rơi, và ngược lại, các chàng cũng quay lưng bỏ rơi văn chương. Văn chương viết về các nàng, vốn đã đầy ắp tác phẩm, nay trở thành chủ đạo, trở thành thời thượng, dù chưa được xếp lên chiếu trên, trở thành một dòng văn học sang trọng, nhưng có thị trường rộng lớn và cũng giúp tác giả có được danh tiếng.

Thị trường xuất bản ở Việt Nam không nằm ngoài xu hướng này. Những nhà văn nữ như Di Li, Tâm Phan, Phương Mai, Nguyễn Quỳnh Trang… đều có những tác phẩm hư cấu hoặc phi hư cấu viết về nữ giới và các vấn đề rất đàn bà. Đó mới là điểm qua tên những tác giả được chú ý trên thị trường và truyền thông. Trở lại với Alice Munro. Viết về đàn bà, như Munro, vẫn là một đỉnh cao. Ngoài chuyện hay dở kỹ thuật, nội dung lôi cuốn, câu chuyện dễ đồng cảm, thì theo Kyle Minor, điểm đặc sắc của Munro là bà chạm đến những “chấn động xúc cảm vừa có tính toàn cầu, vừa có tính địa phương”.

Nói cách khác, đàn bà ở đâu cũng là đàn bà. Nếu giỏi, nhà văn có thể viết về một người đàn bà riêng lẻ, nhưng cũng là về tất cả đàn bà trên thế gian.

Những hình tượng phụ nữ mạnh mẽ trong văn học đương đại

Lisbeth Salander, bộ tiểu thuyết Thiên niên kỷ của Stieg Larsson

Nhân vật chính của Cô gái có hình xăm rồng, Cô gái đùa với lửa và Cô gái chọc tổ ong bầu, Salander là minh chứng rõ ràng cho tư tưởng ủng hộ nữ quyền của Larsson, một nhà văn nam giới. Salander được đánh giá là nhân vật nữ mạnh mẽ nhất trong văn chương đương đại. Một hacker tài năng, một nhà điều tra nhạy bén, nhưng phần nào mặc cảm và ít tiếp xúc xã hội, Salander cũng là nhân vật văn chương đầy mâu thuẫn và hấp dẫn.

Eowyn, bộ tiểu thuyết Chúa Nhẫn

Dù các nhân vật nữ trong sách của J.R.R.Tolkien mờ nhạt so với các nhân vật nam, thì Eowyn, một công chúa xinh đẹp kiêm nữ chiến binh uy dũng, vẫn để lại ấn tượng sâu đậm cho cả độc giả lẫn khán giả (của loạt phim chuyển thể). Eowyn mặc áo giáp, bí mật theo đoàn quân ra trận dù bị cha và các anh ngăn cản. Cuối cùng, lập công giết chết kẻ thù nguy hiểm nhất cũng là nàng. Cô còn là một phụ nữ giàu tình cảm.

Katniss Everdeen, bộ truyện Đấu trường sinh tử

Không thể không nhắc đến Katniss, một trong những nhân vật văn chương và điện ảnh nổi tiếng nhất hiện nay. Sức mạnh của Katniss không hẳn nằm ở trí tuệ, mà nằm ở khả năng săn bắn bậc thầy và trái tim quả cảm khiến cả đàn ông cũng phải thán phục. Trong tác phẩm, cô gái trở thành biểu tượng của một cả một cuộc chiến của người dân bị áp bức chống lại chính quyền. Với công chúng ngoài đời, Katniss là biểu tượng của nữ quyền ở những cô gái trẻ.

Hermione Granger, bộ truyện Harry Potter

Khác với Katniss, sức mạnh của Hermione chủ yếu tập trung ở trí tuệ hơn người. Cô gái, bạn thân của nhân vật chính Harry Potter, được mệnh danh là “phù thủy giỏi nhất ở thế hệ của mình” từ khi còn đi học và bắt đầu bộc lộ tài năng. Hermione đọc rất nhiều sách nhưng không phải là một con mọt sách, trái lại, cô rất thông minh, linh hoạt và cả tinh tế.

(Theo Flavor Wire)

My Ly
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1