Văn hóa đọc: Đậm giải trí, ít tinh hoa

06:46:00 18/03/2014

TP - Việt Nam chính thức có Ngày sách vào 21/4, nhưng nhiều người làm sách cho rằng hoạt động này chỉ là một yếu tố nhỏ kích thích hứng thú đọc, mua sách, chứ chưa thể thay đổi ngay thói quen đọc sách dễ dãi của người Việt.

Ngày Sách VN được kỳ vọng kích thích văn hóa đọc. Ảnh: Toan Toan

Đáng báo động

Nhà sử học Lê Văn Lan phát biểu trong hội thảo bàn về Ngày sách Việt Nam: “Phải cứu nền văn minh đọc-nghĩ của Việt Nam”. Ông dẫn chứng, mỗi năm người Việt đọc trung bình 0,8 cuốn sách.

“Nói văn hóa đọc lâm nguy cũng hơi quá, nhưng đáng báo động. Thể hiện ở chỗ ham mê đọc sách của các tầng lớp từ lãnh đạo, phụ huynh cho đến học sinh không còn nhiều nữa. Mình có rất nhiều NXB, phương tiện thông tin đại chúng, nhưng nội dung để người ta đọc không hẳn thích hợp và phong phú. Nhiều giá trị không đáng được tôn vinh thì sách vở rất nhiều, những giá trị đáng tôn vinh thì có sách vở cũng không được động viên để đọc. Sách hay cũng rất ít”, GS. Chu Hảo nói.

GS. Chu Hảo, Giám đốc NXB Tri thức lý giải thêm, nền giáo dục của chúng ta từ sau 1975 đến nay không khuyến khích học sinh đọc sách, nặng về nhồi nhét kiến thức, cho nên học sinh sinh viên chỉ đủ thời gian, chăm chăm đọc giáo trình để thi cho trót lọt. Không còn thời gian và hứng thú trau dồi kiến thức khác.

Ở các nước tiên tiến, học sinh được hướng dẫn đọc sách từ bé. Đặc biệt là những lớp cuối năm phổ thông, những tác phẩm kinh điển, tác giả lớn của thế giới, của đất nước họ, họ đều giao cho học sinh đọc, không hẳn toàn tác phẩm, có thể đọc một phần, đọc giới thiệu rồi trao đổi nhóm. Các thế hệ ông bà, bố mẹ không được hướng dẫn đọc sách, không có thói quen thì con cái cũng không có. Văn hóa đọc đang lâm nguy là lâm nguy ở nghĩa này.

“Chúng ta xuất phát từ nền giáo dục còn nhiều khiếm khuyết, mà lại mất đi văn hóa đọc thì còn nguy hiểm hơn những nước khác. Pháp, Nga chẳng hạn, nền văn hóa hùng mạnh, nền giáo dục tốt, nhưng thói quen đọc sách cách đây 20 năm hơn bây giờ nhiều. Bởi phương tiện nghe nhìn lấn át sách giấy. Nếu chỉ để biết thông tin thì thông tin nghe nhìn rất tốt. Nhưng để nghiên cứu, đọc thưởng thức thì đến bây giờ người ta thừa nhận giá trị rất lớn của sách giấy”, ông nói.

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 21/4 hàng năm là Ngày sách Việt Nam, một cách nhanh bất ngờ. Trước khi có ngày này, ngành xuất bản đều đặn tổ chức nhiều ngày hội sách và văn hóa đọc, hội chợ sách để kêu gọi nâng cao văn hóa đọc, mua sách. Trong số người đến hội sách, ngồi nghe giao lưu, nói chuyện phần đông lại có sắc áo tình nguyện, chưa hẳn xuất phát từ nhu cầu, hay yêu thích.

“Hiện nay một phần lớn bạn đọc đến với sách thông qua báo chí truyền thông. Thực tế người ta xem sách như là món hàng giải trí hơn là hình thức học từ sách. Phải khi nào mà người đọc sách tin tưởng sách là bộ phận tất yếu của mình để nâng cao tri thức thì ngày sách VN mới thực sự có giá trị. Còn hiện nay hô hào đọc sách, mua sách nhưng vẫn mang tính chất phong trào, người ta nhớ những cuốn sách được giới thiệu hơn là việc đi tìm căn nguyên nội dung sách thực sự có giá trị”, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, Trợ lý Giám đốc NXB Trẻ chia sẻ.

Thiên lệch

Nhà báo Phan Quang-nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo VN- trong hội thảo bàn cho rằng, chúng ta chưa khai thác sức mạnh báo chí trong quảng bá sách. Dễ nhận thấy, những mục giới thiệu sách trên các phương tiện truyền thông chủ yếu thuộc dòng văn học.

Độc giả Việt đa phần chỉ thích đọc sách giải trí, ít đọc sách bổ sung kiến thức, kỹ năng vì không có thói quen, vì đọc dạng sách này mệt đầu, bắt họ phải suy nghĩ nhiều- nhận định của ông Nguyễn Cảnh Bình, Giám đốc Alpha Books. “Chúng ta nói nhiều về văn hóa đọc, nhưng theo tôi cần làm rõ hơn, sâu hơn: Phải xây dựng thói quen đọc sách kiến thức, công cụ cho người Việt, đặc biệt là các bạn trẻ”, ông nói.

Dù độc giả hiện vẫn nghiêng về dòng sách giải trí, nhưng theo đánh giá của Alpha Books (giới thiệu khá nhiều sách kỹ năng, khoa học) một bộ phận độc giả Việt Nam trưởng thành hơn rất nhiều so với chục năm trước. Không hiếm độc giả trực tiếp phản hồi, đề nghị các NXB dịch một số cuốn sách hay của thế giới.

“Sách văn học có vẻ đang được giới thiệu nhiều hơn, trong khi bỏ qua sách khoa học, sách công cụ, nghiên cứu, sách nâng cao văn hóa chung- các tác giả lớn của thế giới, những cuốn sách kinh điển có giá trị nhân loại- đáng lẽ phải được phổ cập”, GS. Chu Hảo nhấn mạnh. Ông cũng cho rằng, có một số tác giả lớn, chung cho thế giới có thể học trong trường, nhưng muốn hướng đến giá trị nhân bản, tinh hoa đúc kết của loại người, tri thức mới đang xuất hiện thì phải được hướng dẫn, giới thiệu.

Ngoài một số công ty sách và NXB chuyên theo dòng sách văn học, nhiều NXB có uy tín theo đuổi dòng sách cung cấp tri thức, tạo được chỗ đứng. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng những Tủ sách Tinh hoa (NXB Tri thức), Tủ sách Cánh cửa mở rộng (NXB Trẻ) ngày càng thu hút bạn đọc, dù đây không nhằm phổ cập ở trình độ phổ thông.

Loay hoay bàn cách tổ chức Ngày sách VN

Sáng 17/3, Bộ Thông tin và Truyền thông hội thảo bàn cách tổ chức Ngày sách VN đầu tiên trên toàn quốc, lấy ý kiến các nhà khoa học.

Chỉ còn một tháng để chuẩn bị, nhưng vẫn còn tranh cãi xem nên tổ chức hai ngày hay kéo dài cả tuần, tổ chức ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, hay Thư viện Quốc gia, có nên làm hẳn phố sách ở Tràng Tiền-Hàng Khay không.

Tuy vậy, các đại biểu đều nhất trí, phần lễ công bố Ngày sách VN nên ngắn gọn, theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả”. Cần có nhiều hoạt động đột phá, thu hút công chúng: triển lãm, trưng bày sách, giao lưu, bán sách ưu đãi.


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1