Có những cuốn sách rất lâu sau khi khởi đầu mới dần hé lộ sự hấp dẫn, nhưng cũng có những cuốn sách bộc lộ ngay từ đầu. Với Phật ở tầng áp mái, sự tò mò đến từ ngôi kể chuyện, “chúng tôi”. Ngôi kể ở số nhiều vốn đã ít, mà nhiều đến mức “hàng chục nghìn người” càng hiếm hơn.
Phật ở tầng áp mái (The Buddha in the Attic), bản dịch tiếng Việt của Nguyễn Bích Lan, NXB Phụ Nữ ấn hành. Ở đây, “chúng tôi” là hàng chục nghìn phụ nữ Nhật di cư đến Mỹ đầu thế kỷ 20 để theo đuổi giấc mơ Mỹ - tìm đến đất nước mà nghe rằng có đủ cơm ăn nước uống cho tất cả mọi người. Nhưng nước Mỹ, trái lại, đã đối xử tệ với họ hơn những gì họ có thể hình dung. Nhìn lại thế kỷ 20, đó vẫn là một nỗi xấu hổ đối với người Mỹ và là một nỗi đau với người Nhật.
Từ đầu đến cuối sách là một dàn đồng ca. “Chúng tôi” hầu như làm tất cả cùng nhau, từ khi ở chung khoang hạng bét trên con tàu vượt Thái Bình Dương đến Mỹ cho đến khi chia lìa mỗi người một ngả trên đất Mỹ.
“Chúng tôi” chia sẻ vui buồn trên con tàu, khoe với nhau ảnh của những người chồng sắp cưới mà không hề biết toàn là giả mạo; “chúng tôi” xuống tàu và nhận ra những người chồng không như mình mong muốn.
“Chúng tôi”, hàng chục nghìn phụ nữ, bị hàng chục nghìn người chồng chiếm đoạt trên khắp đất Mỹ trong đêm đầu tiên đặt chân đến miền đất hứa. Tác giả đã viết một chương văn “Đêm đầu tiên” đầy choáng váng tả lại đêm chiếm đoạt tập thể dường như không bao giờ kết thúc này.
Hiếm có một cuốn sách quyết liệt về nghệ thuật viết như Phật ở tầng áp mái. Tác giả Julie Otsuka, lặp rất nhiều, suốt cả cuốn sách là cảm giác trùng trùng điệp điệp của những câu văn cùng cấu trúc chồng lên nhau. Như những lớp sóng, hoặc một dàn đồng ca nhiều bè không nghỉ.
Cuốn sách không có nhân vật chính riêng lẻ, không có cốt truyện xuyên suốt. Chính vì quá quyết liệt bám vào điểm đặc trưng này, cuốn sách có thể khiến một phần độc giả rất thích, và phần còn lại không thể tiếp thu nổi.
Cách Otsuka viết hoàn toàn trái ngược với những nhà văn khác: điển hình hóa bi kịch tập thể bằng bi kịch của một cá nhân nổi bật. Ở chương “Sinh nở trên đất Mỹ”, chị đưa cảm giác choáng váng lại trở lại cho độc giả, khi hàng chục nghìn người phụ nữ trở dạ, tạo ra hàng chục nghìn số phận thiếu thốn đau lòng khác.
Nhưng dàn đồng ca vẫn hát tiếp. Những đứa con, một phần chết trong lúc sinh, một phần chết vì những tai nạn thời thơ ấu, lớn lên và bắt đầu hòa nhập với đời sống Mỹ. Vấn đề là, họ bắt đầu xấu hổ vì những người cha người mẹ Nhật của mình. Họ xấu hổ vì chính chủng tộc của mình, vì không có được “mũi cao, làn da trắng, đôi chân dài”. Từ bao giờ phương Tây trở thành chuẩn mực của cả thế giới này?
Một điều không nên nhầm lẫn, Phật ở tầng áp mái là tiểu thuyết, không phải một tài liệu lịch sử. Không nhất thiết mọi chi tiết trong sách đều bám chặt sự thật lịch sử. Nhà văn Julie Otsuka đã chọn được một chất liệu gốc tuyệt vời - số phận của hàng chục nghìn phụ nữ Nhật, câu chuyện quá ư lay động lòng người, nhưng hoàn toàn có thể trở thành một tác phẩm thông thường và vụng về nếu không có ngòi bút của chị.
Và cũng như những cuốn sách khác về người Nhật phát hành ở phương Tây, Phật ở tầng áp mái tiếp tục góp phần vun đắp “huyền thoại về người Nhật” trong mắt người phương Tây và thế giới. Cụ thể với cuốn sách này, là sức chịu đựng và nghị lực của phụ nữ Nhật. Tính cách Nhật luôn mang nét gì huyền bí, kể cả khi người Nhật tự kể về mình.