Là tác giả của bộ tiểu thuyết "Harry Potter" thuộc loại ăn khách bậc nhất thế giới, dường như nữ văn sĩ người Anh J.K. Rowling đang muốn chứng minh tài năng của mình ở một lãnh địa vốn dĩ được xem là "khó nhằn" đối với các tác giả nữ: Đó là tiểu thuyết trinh thám. Sau cuộc "thăm dò" dư luận và thành công ngoài mong đợi với việc xuất bản cuốn tiểu thuyết trinh thám đầu tay hồi tháng tư năm ngoái (ký bút danh Robert Galbraith - một cái tên đàn ông), hiện Rowling đã lại có thể tự tin công bố với bàn dân thiên hạ, rằng cuốn tiểu thuyết trinh thám thứ hai mà bà đang hoàn tất sẽ được xuất bản vào ngày 19-6 tới. Với cái tựa "The Silkworm" (Con tằm), đây chính là phần tiếp theo của tiểu thuyết trinh thám đầu tay "The Cuckoo's Calling" (Tiếng gọi từ tổ chim cúc cu) của J.K Rowling.
Nếu như tập đầu tiên của bộ "Harry Potter" từng chịu số phận long đong - bị 12 nhà xuất bản từ chối - trước khi được xuất bản vào năm 1997 và trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại - ngay trong lần ra mắt đầu tiên với bút danh lạ lẫm Robert Galbraith, cuốn tiểu thuyết trinh thám đầu tiên của J.K. Rowling "The Cuckoo's Calling" cũng không mấy được độc giả đoái hoài. Trong vòng 3 tháng, lượng sách tiêu thụ chỉ vẻn vẹn chưa đầy 1.500 bản. Ấy thế rồi, khi danh tính thật của Robert Galbraith được tiết lộ, cuốn sách đã ngay lập tức lọt vào danh sách những ấn phẩm bán chạy nhất trong năm 2013. Sức mua đột biến đã khiến một lãnh đạo của nhà sách Amazon.co.uk phải thốt lên: "Đây là điều chưa từng xảy ra".
Để làm nên sự bứt phá ngoạn mục ấy không thể không nói tới uy tín nghề nghiệp của J.K. Rowling. Khi biết tác giả Robert Galbraith chính là J.K. Rowling, tác giả của "Harry Potter", độc giả như lên cơn sốt. Tuy nhiên, nói vậy không có nghĩa cuốn sách hoàn toàn ăn theo tên tuổi J.K. Rowling mà không hề có một chút giá trị tự thân. Bằng chứng là, vào ngày 28/5/2013, thời điểm việc J.K. Rowling là tác giả cuốn sách chưa bị tiết lộ, một bạn đọc có tên Nancy Rupertus ở bang Maryland (Mỹ), trên trang Amazon.com đã viết: "Ngay từ dòng đầu tiên ông ấy đã khiến bạn đọc cảm thấy vui sướng vì sự lựa chọn đúng đắn của mình. Tôi hy vọng đây là một tác giả sẽ còn đi xa trong nghề. Một cuốn sách thật hấp dẫn".
Một cách chuyên nghiệp hơn, nhà văn Owen Laukkanen - tác giả quyển "The Professionals" (Nhà nghề) đã đưa ra một nhận xét giàu khái quát: "Một tác phẩm đầu tay chững chạc khác thường. Thành phố London, qua sự miêu tả của Robert Galbraith hiện ra rất đẹp và thú vị. Các nhân vật của ông sinh động và thật đến mức có cảm tưởng bạn có thể ăn tối cùng họ, và cốt truyện giàu kịch tính, đầy ngoắt nghoéo, bất ngờ của ông đảm bảo sẽ khiến bạn phải thức trắng đêm mà đọc. Và bạn không thể đặt sách xuống".
|
Bìa cuốn tiểu thuyết trinh thám đầu tay "The Cuckoo's Calling" của Rowling với bút danh mang tên một người đàn ông. |
Về lý do tại sao lại phải dùng bút danh mới, mà lại là tên một người đàn ông, theo J.K Rowling cho biết, bà muốn được độc giả đón nhận một cách tự nhiên, không bị ràng buộc bởi vinh quang quá khứ, từ đó biết được những nhận xét thật của độc giả: "Tôi thật sự thấy thoải mái khi sách xuất bản mà không có sự thổi phồng hay kỳ vọng nào. Thú vị làm sao khi nhận được những phản hồi thẳng thắn, không kiêng nể từ các nhà xuất bản và độc giả với cái tên khác".
Tất nhiên, với những gì diễn ra, điều ước muốn được trải nghiệm "cảm giác mới" của tác giả "Harry Potter" đã không trọn vẹn. Đầu tháng 7/2013, một vị luật sư đã bất ngờ tiết lộ danh tính của J.K Rowling. Mặc dù việc tiết lộ này đã khiến doanh số của tiểu thuyết "The Cuckoo's Calling" tăng nhanh đến chóng mặt, song không vì thế mà vị luật sư nói trên không bị Rowling khởi kiện và buộc phải nộp phạt cho bà 1.670 USD vì lỗi vi phạm các nguyên tắc riêng tư trong nghề nghiệp.
Như trên đã nói, việc nữ văn sĩ J. K. Rowling dùng bút danh Robert Galbraith ký trên bìa cuốn tiểu thuyết trinh thám đầu tay của mình hoàn toàn chỉ với ý muốn được tự do đón nhận ý kiến bình luận của người đọc trong tư cách một tác giả mới xuất hiện. Tuy nhiên, việc "gái giả trai" của bà cũng đã ít nhiều gây nên sự dị nghị ở một bộ phận công chúng nữ. Cụ thể, đã có người cho rằng, J. K. Rowling hoàn toàn có quyền đổi bút danh, song đổi bút danh từ nữ sang nam như thế là "phản bội nữ giới", là góp phần làm cho vấn đề "nữ quyền" đi thụt lùi. Như để minh chứng việc này, tờ New Statesman đã cho in kèm ý kiến phê phán việc đổi bút danh từ nữ sang nam của J. K. Rowling một số liệu thống kê, qua đó có thể thấy, mặc dù có tới 80% độc giả của dòng sách trinh thám là nữ, song hầu hết đều cho biết họ ít hứng thú với những cuốn sách mà tác giả là nữ.
Mặc dù có ý kiến phê phán việc J. K. Rowling dùng bút danh nam, song, với cuốn tiểu thuyết trinh thám "The Silkworm" sắp in, J.K Rowling tiếp tục ký bút danh Robert Galbraith. Những ai từng đọc "The Cuckoo's Calling" hẳn đều nhớ, nội dung của cuốn tiểu thuyết chủ yếu xoay quanh câu chuyện về một cuộc điều tra của thám tử tư Cormoran Strike, vốn là một cựu chiến binh người Anh trở về từ chiến trường Afghanistan với một chân bị cụt. Truyện mở đầu với tình huống một người khách tên là John Bristow tìm đến thám tử Strike nhờ điều tra cái chết của em gái mình, một siêu mẫu có biệt danh là chim Cúc Cu. Dù cảnh sát kết luận cô gái đã tự tử, nhưng John Bristow tin rằng em gái mình bị giết. Và cuộc điều tra của Strike đưa ông vào thế giới của những mỹ nhân giàu có, những ngôi sao nhạc rock trẻ tuổi, những nhà thiết kế có cuộc sống dữ dội…
Trong cuốn tiểu thuyết trinh thám thứ hai của J.K Rowling - cuốn "The Silkworm", bạn đọc vẫn sẽ tiếp tục bắt gặp thám tử Cormoran Strike. Ông cùng với người phụ tá đắc lực của mình là Robin Ellacott tiến hành cuộc điều tra mới nhằm làm sáng tỏ cái chết của nhà văn Owen Quine. Cuộc điều tra này sẽ dẫn tới việc Strike phát hiện ra một bản thảo mà nội dung của nó đề cập tới những bí mật động trời của nhiều nhân vật nổi tiếng. Hiển nhiên, nếu bản thảo này được in ra, nó sẽ làm đảo lộn cuộc sống của các nhân vật nổi tiếng nói trên và đó chính là lý do mà có ai đó muốn nhà văn Owen Quine mãi mãi "im lặng".
Nếu như với tiểu thuyết "The Cuckoo's Calling", nhà xuất bản Sphere - một nhà xuất bản thuộc Tập đoàn Little, Brown - (đơn vị xuất bản cuốn sách) đã cho in ở phần lời giới thiệu "đôi nét tiểu sử" của tác giả Robert Galbraith: "Ông rời quân ngũ năm 2003 và từ đó, làm việc trong ngành an ninh dân sự. Ý tưởng về nhân vật chính Cormoran Strike đã được chưng cất từ chính những trải nghiệm trong đời thực của tác giả và những bạn bè thời quân ngũ với ông - những người sau này cũng đã chuyển đổi công việc. Robert Galbraith là bút danh" thì với cuốn tiểu thuyết mới của J.K Rowling, trên một trang web, cũng nhà xuất bản này đã hé lộ cho bạn đọc biết: "Khi nhà văn Owen Quine mất tích, vợ ông đã gọi điện cho thám tử tư Cormoran Strike. Thoạt đầu, bà chỉ nghĩ chồng mình sẽ đi vài ngày (như ông từng làm trước đó), và bà muốn Strike tìm và đưa ông Quine về nhà. Nhưng phải tới khi Strike bước vào điều tra, sự mất tích của ông Quine dần dần được làm sáng tỏ".
Hiện J. K. Rowling đang nằm trong tốp 20 phụ nữ giàu nhất nước Anh. Với số liệu mà tờ Sunday Times công bố, tài sản của bà hiện đã lên tới 560 triệu bảng Anh (khoảng 935 triệu USD). Không biết có phải vì mức thu nhập khủng ấy mà không ít cây bút nữ đã không giấu được sự tị nạnh đối với Rowling. Một ví dụ dễ thấy nhất là vừa qua, trên tờ Huffington Post, nữ nhà văn Lynn Shepherd đã công khai chỉ trích tác giả của "Harry Potter" đã "hút hết oxy trong bầu không khí xuất bản".
Theo lời "nhắn" của Lynn Shepherd, J. K. Rowling nên thôi viết cho đối tượng bạn đọc đã trưởng thành (như việc viết mấy cuốn tiểu thuyết trinh thám nói trên) mà tập trung vào viết cho đối tượng bạn đọc thiếu nhi (như với bộ truyện "Harry Potter" trước đây). "Bà hãy tận hưởng sự giàu có của mình, cứ việc tắm trong tình yêu của người hâm mộ, chúc bà may mắn. Nhưng đã đến lúc bà cho các nhà văn khác, những tác phẩm khác, một khoảng trống để thở" - Nữ nhà văn này không giấu được sự ấm ức