Sau khi được nhà xuất bản hàng đầu của Pháp L’Hmarmattan chuyển ngữ và cho ra mắt bạn đọc Pháp, nghe nói “Ở đất kẻ thù” của chị lại rục rịch tìm tấm visa vào Mỹ?
Đúng vậy, sách của tôi hiện đang được nhà thơ - giáo sư ngôn ngữ và văn học Neal Dwyer cùng nhà văn - giáo sư về văn học Đông-Nam Á Wayne Karlin bắt tay dịch sang tiếng Anh. Cả hai giáo sư này đều đã quen thuộc với chúng ta, nhà văn Wayne Karlin là tác giả cuốn sách Những linh hồn phiêu bạt, xuất bản năm 2011 và nhiều tác phẩm khác viết về chiến tranh Việt Nam. Tôi được giới tinh hoa Mỹ để mắt tới cũng là nhờ duyên chắp nối của dịch giả Phan Thanh Hảo, người đầu tiên dịch Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh sang tiếng Anh. Chị Hảo xem sách của tôi, nói “xứng đáng lắm Lan Anh ạ” và đánh tiếng với hai vị kia. Lúc đầu họ từ chối, chị Hảo tác động mãi không xong, bèn mail một chương sách sang bên kia bờ Đại Tây Dương và nhắn “đọc đi”. Ở đất kẻ thù đã thuyết phục được hai dịch giả Mỹ bằng cách ấy.
Chị vốn là doanh nhân từng gặt hái nhiều thành công trên thương trường rồi đùng một cái chị bỏ hết, bỏ công việc làm ăn sang Mỹ học tiếng Anh, tìm hiểu văn hóa Mỹ rồi viết Ở đất kẻ thù. Phải chăng đã có một khoảng quá khứ xa xôi của chị từng liên quan đến văn chương?
Ngày đi học từng là học sinh giỏi văn toàn miền bắc. Sau này làm kinh tế nhưng lởn vởn trong đầu tôi lúc nào cũng là câu chuyện chiến tranh, luôn cảm giác khó chịu trong người vì không được tự do để viết, không viết không nhắm mắt được. Lúc ngoài 50 tuổi, tôi bỏ hết, giao hết công việc cho con trai rồi miệt mài đi tìm tư liệu. Mới đây một ê kíp truyền hình tới Thư viện Quân đội ghi hình, chị thủ thư ở đó nhìn thấy tôi nhận ra ngay: “Chị này sáu tháng liền không quạt, không máy lạnh, ngồi lì ở đây từ sáng đến lúc đóng cửa, hỏi làm gì không nói”. Tôi đọc, sao chép, chụp tư liệu, hồi đó thư viện còn không cho photocopy, tôi phải chụp lại bằng máy rồi về in tráng ra ảnh nghiền ngẫm nghiên cứu. Viết 30 trang về ông phi công Mỹ, tôi đã mất mấy năm ở Mỹ, vừa học vừa tìm hiểu văn hóa của họ.
Cuốn sách của chị được nhiều nhà phê bình đánh giá như một liều thuốc xoa dịu vết thương chiến tranh, làm cho hai dân tộc Việt-Mỹ xích lại gần nhau. Phải chăng chị đã truyền được thông điệp văn hóa Việt tới với độc giả thế giới, ít nhất là ở Pháp và sắp tới đây là Mỹ?
Tôi có lần mang sách tới gặp GS Trần Văn Khê nhờ bác đọc hộ. Bác nói “không cần đọc nữa đâu, cháu vào được L’Hmarmattan thì bác đủ hiểu cháu là ai rồi”. Bác tự hào lắm. Bác vẫn từng ao ước bao giờ đất nước mình có người vào được nhà xuất bản đó. Khi được mời dự cơm trưa với chủ nhà xuất bản ở Paris, tôi hỏi “Sao ông in sách của tôi trong khi tôi không có dòng nào nhắc tới nước Pháp”. Ông ấy trả lời “lâu lắm mới có một người viết sách cho chính mình”. Nếu văn là người thì Ở đất kẻ thù chính là con người tôi, là tấm lòng của tôi với Tổ quốc, với những người phụ nữ đã cưu mang chị em tôi trong những tháng năm sơ tán. Tôi đã mất 40 năm để nghĩ, sáu, bảy năm đi tìm tư liệu, ba tháng tắt điện thoại ngồi một mình trong phòng kín ở New York để viết và ba tháng nữa lại thuê buồng tự giam hãm tại Tam Đảo để sửa lại.
Có cần phải kỳ công như thế, tốn kém tiền bạc sang tận… Mỹ để viết sách?
Tôi không biết mọi người thế nào nhưng với tôi văn chương trước hết là cảm xúc. Giống như tôi luôn viết bằng tay chứ không đánh máy vì sợ mất đi cảm xúc. Cảm xúc sẽ từ ngón tay tôi tiếp nối tới con tim, luôn liền mạch. Vì cảm xúc là quan trọng nhất. Cảm xúc thật mới đi đến được trái tim của con người, cảm xúc thật người đọc mới khóc được khi mở trang sách nên tôi đã cố tình viết ở New York. Phải sống xa Tổ quốc mới cảm nhận được nỗi nhớ quê hương, gia đình, người thân quặn lòng. Viết trong bối cảnh ấy các trang bản thảo luôn đẫm nước mắt của chính tôi. Viết về những người phụ nữ, những đứa trẻ ở nông thôn thời chiến tranh, tôi đã khóc ròng. Tất cả tình cảm của tôi đã dồn hết vào trang viết.
Chị thật sự là một nhà văn hiếm hoi khi đã mất nhiều thời gian, công sức như thế chỉ cho vài trăm trang sách?
Không, tôi không bao giờ nhận mình là nhà văn. Tôi chỉ là tác giả tiểu thuyết Ở đất kẻ thù thôi. Trong văn chương tôi chỉ là cái cây dại, các bác, các chú ngoài kia mới là những cây đa cây đề. Nhà văn - hai chữ ấy với tôi cao quý lắm.
Điều này, chị cũng giống nhà văn Nguyễn Đình Thi. Sinh thời có người gọi ông là nhạc sỹ, ông bảo “tôi không phải nhạc sỹ, tôi chỉ là tác giả bài hát Người Hà Nội. Nhưng chị có đọc sách của các nhà văn trong nước không?
Không, tôi hầu như không đọc ai.
Chị chơi với nhiều người trong giới văn chương chứ?
Tôi thậm chí còn không biết ai, chỉ quen biết mỗi nhà văn Di Li. Kể cả giới nghệ thuật những người tôi quen cũng chỉ vì là bạn của em trai tôi.
Những khen chê, thậm chí cả không ít xầm xì quanh cuốn sách có làm chị bận tâm, phân tán?
Không, tôi tồn tại được đến đây là do biết cân bằng, hài hòa. Tôi luôn tâm niệm con người phải có tự trọng trong cuộc sống, đặc biệt trong cầm bút. Viết ra một chữ cũng phải đụng tới được cái gốc của vấn đề, không ào ào lấy được. Khen giờ tôi không phấn khích, chê cũng không buồn. Mình mà giận người ta không chỉ cho mình những vết nhọ trên mặt nữa. Mặt mình nhọ mình đâu có nhìn thấy. Tôi từ lâu đã bình thản trước cuộc đời rồi.
Cảm ơn chị và chúc cho dự định về cuốn sách mới của chị, ghi lại hành trình vượt đại dương đi học của một phụ nữ đã tới tuổi ngoài 50 sẽ sớm được hiện thực hóa.
Tôi đã mất 40 năm để nghĩ, sáu, bảy năm đi tìm tư liệu, ba tháng tắt điện thoại ngồi một mình trong phòng kín ở New York để viết và ba tháng nữa lại thuê buồng tự giam hãm tại Tam Đảo để sửa lại. |