Tiểu thuyết 18+ tồn tại trên thị trường sách, thậm chí “đắt như tôm tươi” cũng không phải chuyện lạ. Thường thì người làm sách sẽ quan tâm nhiều đến chuyện họ bán được bao nhiêu chứ ít để ý đến chuyện độc giả của họ đón nhận sách nhằm mục đích gì. Những đầu sách xuất xứ từ nước ngoài thì càng khó kiểm soát, thấy gắn mác “best seller” thì các nhà xuất bản lập tức nhập về. Tuy nhiên, đây mới là điều đáng lo ngại đối với thị trường tiểu thuyết dành cho tuổi mới lớn.
Tiểu thuyết Chuỗi hạt Azoth của Phan Hồn Nhiên phần nào thay đổi thói quen và văn hóa đọc của tuổi mới lớn.
Nhiều người phàn nàn tiểu thuyết dành cho tuổi mới lớn bây giờ “táo bạo” quá, nhưng không biết đổ lỗi cho ai, bởi tác giả được quyền viết những gì họ muốn, nhà xuất bản thì đã làm tròn trách nhiệm của họ, đó là việc gắn mác 18+, vậy thì vấn đề nằm ở đâu? Phải chăng lại là sự nhầm lẫn khái niệm? Thực tế thì sách dành cho “người lớn” và “tuổi mới lớn” không thể đánh đồng làm một. Các chuyên gia tâm lý cho rằng, dù là tuổi mới lớn thì các em cũng chưa sẵn sàng đón nhận những sự thật về con người và cuộc sống quá “trần trụi” mà chúng ta thường gặp trong tiểu thuyết.
Khi đặt bút, người viết thường quan tâm đến cảm xúc của họ trước tiên, bất kỳ sự tác động nào từ ngoại cảnh cũng có thể làm hỏng tác phẩm của họ. Việc buộc phải quan tâm đến đối tượng độc giả có lẽ cũng là một kiểu can thiệp thô bạo đối với người cầm bút, thế nên khi tác phẩm hoàn thành thì việc định hướng và phân loại độc giả thuộc về nhà xuất bản. Tất nhiên, công việc phân loại vô cùng khó khăn bởi ranh giới mong manh giữa khái niệm “người lớn” và “tuổi mới lớn”. Có những tiểu thuyết nếu gắn mác “người lớn” thì “hơi quá”, nhưng nếu dành cho tuổi mới lớn thì cũng... không đành. Vì thế, việc gắn mác chính xác hay chưa cũng chỉ dừng ở mức độ tương đối. Dẫu sao những cuốn tiểu thuyết được gắn mác cũng là một nỗ lực đáng khen của các nhà xuất bản. Vấn đề còn lại phụ thuộc vào ý thức của người chọn sách.
Hiếu chữ hay hiếu kỳ?
Cơn sốt tiểu thuyết “ướt át” đang lan tỏa khắp thế giới, với sự xuất hiện tại Anh của cuốn sách đang gây tranh cãi Irresistible, được đề cử giải National Book thì cuộc chiến về việc gắn mác cho sách càng trở nên căng thẳng hơn. Irresistible là “con đẻ” của tác giả Liz Bankes, thuộc loại truyện “khi gái gặp trai”. Nhà xuất bản Piccadilly Press thừa nhận, Irresistible có tham vọng giành được thành công tương tự như Fifty Shades of Grey trên thị trường sách dành cho tuổi mới lớn. Fifty Shades of Grey là bộ ba tác phẩm của nhà văn EL James. Bộ sách kể về mối quan hệ giữa một nữ sinh viên ngây thơ và nhà tỷ phú ưa bạo dâm. Tác phẩm trở thành hiện tượng của làng xuất bản thế giới khi được tiêu thụ với con số khổng lồ - hàng trăm triệu bản trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Thành thật mà nói, những cuốn sách “có tiếng” như vậy sẽ khiến bất kỳ người đọc nào cũng phải tò mò.
Dù được gắn mác nhưng phản hồi từ phía độc giả về những cuốn sách như thế này không “thiện chí” chút nào, có lẽ là vì sự khác biệt, những xung đột về bản sắc, tập tục và văn hóa Âu - Á. Việc quản lý thị trường sách thật đã rất khó khăn, huống chi ngày nay, chỉ cần vài cú “click”, giới trẻ đã có cả một thị trường sách ảo đủ các thể loại, không ngoại trừ ngôn tình, một thể loại tiềm ẩn nhiều nguy hại đối với tuổi mới lớn. Ngôn tình được chia làm nhiều thể loại, hình thức, có khoảng từ 30 đến 50 nhãn phân loại. Ví dụ: đam mỹ nói về tình yêu đồng giới của những người đàn ông có ngoại hình đẹp, còn hủ nữ nói về những cô gái thích đọc truyện, xem phim... về đề tài tình yêu đồng tính nam (đam mỹ). Sư đồ luyến là chuyện tình cảm luyến ái của thầy giáo... Rất nhiều khái niệm “lạ tai” mà người lớn không biết thì người trẻ lại có thể kể tên “vanh vách” và tỏ ra “am hiểu” về thể loại này.
Không nói thì ai cũng biết, ở Việt Nam hiện nay, làm sách ngôn tình dễ bán, dễ có lãi hơn dòng văn học kinh điển. Chính vì thế mà không ít công ty sách tư nhân mở màn ra quân bằng sách ngôn tình. Dù chưa bị “liệt vào” thể loại sách “đen” nhưng thể loại ngôn tình cũng đã “nhuốm màu”. Mê mải đọc ngôn tình với những lời lẽ bay bướm ru ngủ cũng khiến các em bỏ rất nhiều thời gian ngồi đọc. Có nhiều trường hợp cho biết họ lưu trữ rất nhiều truyện trong máy tính và thức rất khuya để đọc. Sự phát triển ào ạt của sách ngôn tình cũng ảnh hưởng nhiều đến ngôn ngữ, văn hóa Việt. Những từ như “hủ nữ”, “sắc nữ”,... được giới trẻ dùng làm ngôn ngữ trò chuyện qua mạng vô cùng thản nhiên!
Ảnh hưởng nhiều từ văn hóa đọc nước ngoài nhưng không phải tất cả độc giả đang quay lưng với thị trường sách Việt. Hiện nay, một số tác giả đã bắt đầu quan tâm đến mảng dành cho độc giả mới lớn. Họ cũng thể hiện rõ thái độ và một cách nhìn văn minh về giới trẻ hiện nay, vấn đề tuổi mới lớn quan tâm không phải lúc nào cũng là chuyện giới tính. Có lẽ đây cũng là một sự phát hiện thú vị!
Thêm lựa chọn
Chuỗi hạt Azoth, tác phẩm văn học kỳ ảo của Phan Hồn Nhiên kể về hành trình hồi hộp, đầy bí ẩn, rùng rợn nhưng ý nghĩa của các bạn trẻ đã được đông đảo độc giả đón nhận. Trong hành trình đi tìm chuỗi hạt quyền lực Azoth, các nhân vật phải đấu tranh quyết liệt để chiếm đoạt sức mạnh tối thượng của nó. Nhưng khi đi tới đích hành trình, cái mà các bạn trẻ nhận được không phải là một chuỗi hạt vật chất cụ thể, mà chính những ẩn ý về cuộc sống, tình bạn và tình yêu.
Xen kẽ giữa các chi tiết hồi hộp, rùng rợn là những khoảnh khắc rung động đầy tinh tế của mối tình đầu.
Tuy Chuỗi hạt Azoth chưa đạt tới độ hấp dẫn của một tiểu thuyết kỳ ảo nhưng ý tưởng và hướng đi của cuốn sách đã phần nào thay đổi thói quen và văn hóa đọc của tuổi mới lớn. Bên cạnh đó, thể loại tiểu thuyết kỳ ảo còn giúp người trẻ nhận ra rằng, cuộc sống này có quá nhiều màu sắc thú vị hơn cả những yêu đương bi lụy, những đắm chìm không lối thoát. Đây cũng là một vấn đề đáng phải suy ngẫm về những gì mà lâu nay người ta vẫn “áp đặt” cho thị trường tiểu thuyết tuổi mới lớn.