1. Phục trang sành điệu, vóc dáng gọn gàng, Lê Lan Anh xuất hiện ở chỗ đông người, lập tức gây sự ồn ào chú ý của chung quanh. Nói năng rổn rảng, cử chỉ khoan thai, chị xua tay lắc đầu trước những mỹ từ bủa vây săn đón: “Không, tôi không phải nhà văn. Tôi chỉ là tác giả của cuốn sách Ở đất kẻ thù. Họa sỹ Hoàng Phượng Vỹ, bạn và cũng là đồng nghiệp với em trai chị đứng kề đó tiếp lời, đúng kiểu hóm hỉnh bông lơn đã thành bản sắc riêng: “Thì giống như ông Nguyễn Đình Thi, lúc người ta gọi là nhạc sỹ đã kiên định từ chối: Tôi không phải nhạc sỹ, tôi chỉ là tác giả bài hát Người Hà Nội. Kiêu đến thế là cùng”. Lê Lan Anh cũng cười, bốc đồng và sảng khoái. Đủ hiểu đời, hiểu người, hiểu rành rẽ các khúc quanh số phận để biết mình là ai, mình từ đâu đến. Chị cũng gắng kiềm chế những hứng khởi mơn trớn đến từ sự vồ vập của thời cuộc để lại trở về bình thản, đĩnh đạc, đúng vị thế một bà nội lâu năm, một mẹ chồng, mẹ đẻ, chỗ dựa tin cậy của đại gia đình đang bình an yên ổn. Thuận miệng khoe ngôi biệt thự Pháp cổ ở quận 1 trung tâm TP Hồ Chí Minh từng đứng vào hạng đẹp nhất nước, đến nỗi nhiếp ảnh gia Trần Huy Hoan lần đầu bước chân qua cổng phải chếnh choáng thốt lên tiếng chửi thề: “Nhà thế này mới là nhà chứ”. Nhưng rồi ngày ấy, tháng ấy, năm ấy, không can cớ gì, Lê Lan Anh đùng đùng bỏ hết, giao lại cơ ngơi tài sản công việc làm ăn toàn bộ cho con trai, khăn gói hành trang lên đường sang Mỹ du học.
Nhiều năm tháng liền tung hoành trên thương trường, nhúng tay vào đủ mọi lĩnh vực của làm ăn, đụng đâu… thành công đấy, có thể cái cười mỉm của số phận đã khiến đàn bà đa đoan thấy nhạt duyên, rồi chăm chắm để thoát ra khỏi những ngày thường quan thuộc. Chị đi như người bị “giời đầy”, như kẻ có “căn” có “nghiệp” không thoát khỏi phận duyên tiền định. Đi mà mẹ chị khóc ròng và người thân hoang mang lo lắng không cách chi lí giải, chỉ duy cậu con trai là săm sắn động viên mẹ bước ra biển lớn, nhìn thấy đại dương thỏa nỗi khát khao giày vò nhiều đêm ròng rã. Câu chuyện “xách ba lô lên và đi”, vượt nửa vòng trái đất cắp cặp đi học tiếng Anh ở tuổi ngoài 50 của chị đã khiến dịch giả Phan Thanh Hảo bây giờ ra sức thuyết phục: “Lan Anh viết đi, viết thêm cuốn sách kể hành trình bà nội đi học. Viết để động viên chị em nhà mình, để mọi người thấy rằng, không phải phụ nữ cứ đến độ đó là đã xong cuộc đời, là chỉ cần biết có con, có cháu, có bếp núc, áo cơm, chợ búa”.
Những thúc bách nội tại hay sự cuồng cẳng của người phụ nữ không chịu bó hẹp trong khuôn vàng thước ngọc, dù đời sống thường ngày luôn được trải thảm đỏ, luôn được bảo bọc bằng nhung lụa chiều chuộng khiến Lê Lan Anh khi đã yên tâm làm tròn bổn phận với con cháu, với em ún gia đình, cứng đầu vượt ra khỏi vòng cương tỏa của an toàn và bảo bọc, tự định hình số phận cho mình. Có người bạn gái tiễn chân ra sân bay, đứng lặng nhìn theo nhưng chị không một lần ngoái lại. Vài năm sau trở về gặp bạn, chị mới bộc bạch rằng: “Mình biết lúc đó cậu đang khóc. Cậu khóc cho mình, khóc vì lo cho mình và còn khóc cho cậu, khóc bởi cậu cũng muốn hành động như mình mà không dám”. Lê Lan Anh đã dám, đàn bà trung niên một mình thuê nhà ở New York, buổi sáng trở dậy việc đầu tiên là cắm nồi cơm điện, rồi vệ sinh cá nhân, rồi hai cặp lồng cơm đơm đầy lao đến trường ròng rã ngày hai buổi luyện tiếng Anh cùng các sinh viên trẻ khác. Không phải một hai tháng ngày, mà nhiều năm chị đã tự đày đọa mình như thế. Học tiếng Anh ở giữa “đất kẻ thù”, học đọc, học nghe, học nói rồi bắt đầu hành trình lăn lộn đến các thư viện, chôn chân ở bảo tàng khắp 40 bang nước Mỹ, chị muốn chiu chắt tích lũy tư liệu cho mình, muốn trải nghiệm và muốn hiểu “kẻ thù” như một người trong cuộc.
|
|
2.Lê Lan Anh tự thú rằng chị đã mất 40 năm để nghĩ, mất 3 năm đi tìm tư liệu, 3 tháng ngồi viết thêm 3 tháng nữa cấm cung ngồi sửa và thành quả một đời là tiểu thuyết Ở đất kẻ thù phát hành lần đầu năm 2007. “Nửa năm trời từ sáng tới giờ đóng cửa, ngày nào tôi cũng ngồi lì ở thư viện Quân đội. Chăm đến nỗi gần đây trở lại đó cùng một đoàn làm phim có chị Thủy thủ thư nhìn và nhận ra tôi ngay”. Lấy tài liệu trong nước, lấy tài liệu bên Mỹ, rồi trước khi đặt bút viết chữ đầu tiên chị điện thoại về Việt Nam cho mẹ: “Con vẫn bình thường, khỏe mạnh, con không sao đâu. Nhưng con sẽ tắt điện thoại, gọi cho con không được mẹ cũng đừng lo”. Lê Lan Anh tự nhủ phải viết ở bên ngoài Tổ quốc để cảm giác được nỗi nhớ quê hương đất nước cồn cào, thổn thức nỗi mong gia đình người thân, để dễ dàng quặn lòng khóc nức trên những trang bản thảo. Ở xa Tổ quốc mới thấu sự thiếu vắng Tổ quốc, mới thấm thía tình yêu Tổ quốc thực sự là máu thịt, mới cầm bút viết bằng đúng những rung cảm thẳm sâu của con tim mình.
Sau ba tháng cắm mặt vào trang giấy, Lê Lan Anh ôm tập bản thảo trở về nhà. Thêm ba tháng nữa, vừa đụng dịp Tết Nguyên đán, chị mang bản thảo lên Tam Đảo, đúng nghĩa đen giam mình trong phòng khách sạn sửa sang lại. Dấu câu cuối cùng buông xuống, chị thở phào, như trút được một gánh nặng khổng lồ mà không ai có thể san sẻ đỡ đần. Cuộc hành hạ trường kỳ bằng ngồi và nghĩ đã để lại di chứng khủng khiếp trên cơ thể chị. Căn bệnh đau lưng hoành hành, đi không nhấc nổi chân, ngồi không thẳng được lưng. Chị trở lại nước Mỹ chữa bệnh. Tìm đúng thầy đúng thuốc, như có phép mầu, bệnh tình tiêu tan. Không hổ danh là nữ doanh nhân năng động, một người đàn bà ít bỏ lỡ dịp may, không mấy khi để vuột cơ hội, chị mày mò đi học, tìm hiểu, đọc sách, rồi đem cả dây chuyền công nghệ tối ưu nhất của bệnh cơ xương khớp về Việt Nam, dựng lên tại Hà Nội một trung tâm điều trị để làm dịu nỗi đau của bao người bệnh giống mình. Lan Anh tự trào mình chẳng có ưu điểm gì, chỉ nhiều sự quyết tâm và tinh thần đã làm gì là làm tới cùng, làm tới nơi tới chốn, làm bằng niềm vui làm không bao giờ bỏ cuộc. Chị trong kinh doanh, trong viết văn, trong cả đời sống thường nhật, lúc nào cũng một thái độ chuyên nghiệp, tôn trọng trước hết là chính bản thân mình.
Tháng 2 ngay sau Tết Giáp Ngọ, Ở đất kẻ thù của Lê Lan Anh có buổi ra mắt ấm cúng bản dịch tiếng Pháp do Nhà xuất bản L’Harmattan ấn hành ngay tại Trung tâm văn hóa Pháp L’Espace 24, Tràng Tiền (Hà Nội). Lan Anh mang cuốn sách của mình nhờ GS Trần Văn Khê phê cho vài lời. Ông nhạc sư già cầm bản chuyển dịch Pháp ngữ rồi lắc đầu từ tốn: Sách của cháu vào được L’Harmatan là tự hào lắm rồi, niềm ao ước lâu nay của bác đấy. Bác cũng thấy vinh dự lắm. Ngài Đại sứ Pháp thì đơn giản hơn, lý giải Ở đất kẻ thù được L’Harmattan để mắt đơn giản bởi Lê Lan Anh đã viết cho chính mình và tiếng nói của trái tim bao giờ cũng dễ được đón nhận đồng cảm. Còn chị, trong những dòng tự bạch, chỉ biết rút ruột rút gan để nói rất thật rằng: Ở đất kẻ thù - đó là một phần của cuộc đời tôi cũng như của những con người thuộc thế hệ tôi ở miền Bắc Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ.
Câu chuyện bắt đầu từ những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất của cuộc chiến. Khi đó tất cả trẻ em ở Hà Nội phải rời xa mái ấm của cha mẹ, theo các thầy cô giáo sơ tán về các miền quê để tránh bom đạn. Những cô bé, cậu bé Hà Nội đã học được ngay cách làm nhà, dựng lớp học, hầm trú ẩn tránh bom hình chữ A… cho chính mình từ ba loại vật liệu mà miền quê nào cũng có: bùn, rơm, tre. Chúng tôi ngồi học, chân để thõng trên các đường giao thông hào tự đào. Những giao thông hào này nối thẳng ra các hầm trú ẩn. Sau cơn mưa, giao thông hào đầy nước. Những con rắn nước bơi lội tung tăng, ngang dọc ngay dưới chân đám trò. Ngồi nghe thầy giảng, nhưng thỉnh thoảng tôi lại kinh hãi liếc đàn rắn nước đang tung hoành dưới chân mình. Nhưng nỗi khiếp sợ bom đạn Mỹ còn vượt xa cả lũ rắn nước kia. Chẳng thế mà khi tiếng kẻng báo động máy bay vừa vang lên, tất cả đều tụt ào xuống giao thông hào, chẳng quản ngập nước và rắn rết trong mùa đông giá lạnh, thoát ngay ra hầm trú ẩn! Nhưng điều dày vò lũ trẻ hơn mười tuổi nhất vẫn là nỗi “thèm” mẹ da diết! Những đêm đông, nằm trong các ổ rơm do chúng tôi tự bện, thay cho chăn, nệm, nghe gió rít từng cơn thổi xuyên qua bức tường làm bằng phên tre rồi tạt ào qua đầu, tôi lại thút thít khóc thầm nhớ mẹ… nhưng cũng biết lấy tay bịt miệng để cho những đứa bạn nằm bên không nghe thấy, sáng hôm sau khỏi bị chúng chế giễu!!
Sau này khi chiến tranh kết thúc, chúng tôi đã trưởng thành và gặp lại nhau, tất cả đều thú nhận rằng hồi đó chẳng đứa nào là không thút thít cả”. Ở đất kẻ thù, cuốn sách đang được hai nhà văn nhà thơ Mỹ dịch sang tiếng Anh để sớm phát hành tại chính nước Mỹ, không phải là tấm danh thiếp định vị tên tuổi một Lê Lan Anh nhà văn như chị vẫn tự nhận, mà là khúc tụng ca của người đàn bà thành đạt, yêu hơn ai hết đất đai Tổ quốc, nơi chôn rau cắt rốn của chính mình...