Vào hội sách, kể chuyện viết

20:11:00 28/03/2014

TTO - Đến giao lưu với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Italia tại Việt Nam, ngài Lorenzo Angeloni (chiều 27-3) trong khuôn khổ Hội sách TPHCM lần 8, người đọc nhận được nhiều hơn những gì NXB Trẻ thông tin.

Người dân TP tham quan hội sách - Ảnh: Hoàng Thạch Vân Ngài Lorenzo Angeloni tại buổi giao lưu- Ảnh: Lam Điền Đại sứ Lorenzo Angeloni giao lưu tại hội sách - Ảnh: Lam Điền Ông Nguyễn Văn Mỹ - Ảnh: Lam Điền Nhà báo Trung Nghĩa ký tặng bạn đọc trên cuốn Sài Gòn Úm ba la tại hội sách - Ảnh: Quang Định Nhà báo Phạm Công Luận - Ảnh: Hoàng Thạch Vân Độc giả xin chữ ký của nhà văn trẻ Anh Khang - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Ấy là vì ban tổ chức hứa hẹn sẽ có một buổi nói chuyện về quyển Phía sau mỗi người tiểu thuyết mới của ngài đại sứ, và rằng sẽ có đề cập đến dòng văn học châu Âu. Tuy nhiên, cuộc nói chuyện đã làm lộ ra ngoài dáng vẻ lịch lãm đáng yêu của nhà ngoại giao đến từ một quốc gia quê hương của nhiều tác phẩm văn chương lãng mạn, ngài Lorenzo Angeloni xem văn chương như một phần quan trọng tha thiết của đời mình.

Một bạn đọc Việt Nam tại Hội sách đã hỏi rằng ông đại sứ học về bút pháp tiểu thuyết từ đâu để sáng tác văn chương - điều khó có thể hình dung đối với một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, và với một quốc gia có truyền thống văn chương với những tác gia đồ sộ từ Dante đến Italo Calvino, Alessandro Baricco của thời hiện đại, làm sao ông lại dám viết văn?

Hóa ra, điều này đối với ngài Lorenzo Angeloni lại đơn giản như… một tình yêu. Ông chia sẻ: Viết truyện là tình yêu của tôi từ bé. Tình yêu này được nuôi dưỡng từ những người xung quanh: thầy cô, bè bạn, và cả những cô bạn gái - người luôn ủng hộ tôi viết văn…

Nhưng rồi tình yêu viết văn của ông gặp trắc trở khi sống đời ngoại giao. “Tôi phải viết nhiều, nhưng là viết các báo cáo ngắn dài đủ kiểu”, ông nói một cách dí dỏm. Dù vậy, tình yêu viết văn vẫn có cơ hội thể hiện, bởi vì theo ông Lorenzo Angeloni, kết hợp nhãn quan của một nhà ngoại giao với tình yêu viết lách bước đầu giúp ông viết các luận đề về xã hội.

Ông nhớ lại vào năm 2007, khi kết thúc nhiệm kỳ ngoại giao ở Sudan, trong một báo cáo dài, ông phải thuật lại nhiều hoàn cảnh thương tâm của người dân bản địa.

“Khi viết đến những mảnh đời thương tâm ở Sudan, bỗng trong tôi trào lên một ý tưởng là mang những trang viết này đến cho một nhà xuất bản. Và lúc đó tôi cũng nghĩ rằng từ nay, mình sẽ viết về những con người, những cảnh đời như vậy, để chia sẻ cho nhiều người cùng biết. Nhưng từ những trang báo cáo, để chuyển thành tiểu thuyết tôi đã viết đi viết lại đến 6 lần. Lần nào biên tập viên nhà xuất bản cũng bảo: ngài ơi, đây là một bản báo cáo! Thế nhưng tôi còn có những người bạn viết văn, họ góp ý giúp đỡ tôi, cho đến một ngày tác phẩm được tạm gọi là tiểu thuyết”, ông nói.

Cả khán phòng cười ồ lên cùng với ông đại sứ thân thiện, cùng với lời tâm sự rất đỗi văn chương của ông: “Tóm lại, tôi không học một trường viết văn nào, mà văn chương như là một hạt giống từ tuổi nhỏ, trải qua nhiều nhọc nhằn mà thành ngày hôm nay”.

Chia sẻ với ngài Lorenzo Angeloni, nhà văn Trần Thanh Hà cũng cho rằng nhà văn khi đối diện với trang viết thì chính mình là thầy của mình chứ không trông mong ai đó hướng dẫn cả.

Ông đồng ý với quan điểm này, và nói thêm rằng: "Chính những trang tiểu thuyết là hành trình, là cuộc lữ của nhà văn. Trong trang truyện có văn hóa, có tộc người, có dáng hình của đất nước tác giả… Nên trước khi nhận nhiệm vụ công tác ngoại giao đến nước nào, tôi thường tìm đọc tiểu thuyết của nước đó trước, để có những hiểu biết ban đầu. Đây là quả là một quan điểm vận dụng đan xen văn chương và ngoại giao thật độc đáo"

Trước đó, buổi sáng cùng ngày 27-3, buổi giao lưu với nhà lữ hành, tác giả Nguyễn Văn Mỹ xoay quanh hai tập của bộ sách Ngày đàng sàng khôn (NXB Văn hóa văn nghệ) cũng diễn ra đầy hứng khởi.

Trưởng thành từ phong trào Đoàn, ông Nguyễn Văn Mỹ sáng lập công ty lữ hành Lửa Việt với niềm mong muốn được tổ chức những chuyến đi, học tập và rèn luyện, mở mang tầm mắt cho nhiều người. Chuyện viết đối với ông không là mục tiêu chính. Ấy vậy mà không biết từ bao giờ ông trở thành cây bút quen thuộc trên các báo.

Trong cuộc gặp gỡ lần này, ông cho biết thật ra sau những tích tụ dồn nén từ những nghe thấy dọc đường, trong những sự kiện, những chuyến đi, thì chữ sẽ đầy lên, người ta muốn viết ra, như một lẽ tự nhiên. Không đơn thuần viết để giới thiệu điểm đến, để mọi người cảm nhận cái hay cái đẹp mà những tour tuyến lữ hành sẽ tổ chức. Viết vì thấy vô vàn thứ cần phải nói với nhau.

Như sau khi đi qua rất nhiều nước, ông Mỹ nhận ra Việt Nam ta không có một cách chào nào mang tính bản sắc cả. Và ông đề xuất cách chào vòng tay, cũng là điều nên suy nghĩ. Với ông, từ cách nhìn của một thủ lĩnh lữ hành, ông quan niệm chuyện viết chính là “chụp hình bằng chữ”. Tất nhiên đây là một cách nói hình tượng. Nhưng đồng thời đó cũng chính là một yêu cầu nghệ thuật nghiêm túc.

Chụp hình bằng chữ tức là khai thác tối đa hiệu quả ngôn từ cho mô tả. Hiệu ứng tất yếu là mức độ gợi cảm, và người đọc sẽ có những hình dung riêng, cảm xúc riêng khi tiếp cận những “hình ảnh bằng chữ” mà người viết mang lại.

Chụp hình bằng chữ, thật ra chính là một công việc của văn chương. Nó thu xếp để làm được một số việc tế nhị hơn, thâm thúy hơn chiếc ống kính máy hình hay camera quay phim. Như câu chuyện từ chuyến viếng đền nữ tướng Triệu Thị Trinh năm 1984, ông Nguyễn Văn Mỹ phát hiện ra rất nhiều đền thờ anh hùng dân tộc Việt Nam đều quay về hướng bắc.

Tại sao lại như thế, câu trả lời này không đơn giản, cho mãi đến khi chính ông hỏi các cụ già ở đền Thánh Gióng tại Sóc Sơn. Các cụ già đã giải thích cho ông. Điều này được ông thuật lại bằng hình ảnh - là mấy câu thơ trên báo Văn nghệ: “Đứng trước đền Sóc Sơn tôi hỏi các cụ già/ ‘Sao những cổng đền lại quay về hướng bắc?/ Các cụ cười rung chòm râu thưa/ ‘Phía ấy - ngày xưa …thường có giặc’!”.

Những hình ảnh trải từ đền Bà Triệu ở Thanh Hóa đến Sóc Sơn ở Hà Nội, với bao ngụ ý của tiền nhân, thì chụp bằng ngôn từ như vậy hẳn là hiệu quả nhất.

LAM ĐIỀN

Ngẫu nhiên trong tối 27-3 tại gian hàng của Nhà sách Phương Nam, hai cuốn sách viết về Sài Gòn cùng được giới thiệu và giao lưu với bạn đọc. Điều thú vị là tuy “đụng” nhau về chủ đề, nhưng Sài Gòn trong Sài Gòn chuyện đời của phố của nhà báo Phạm Công Luận lại hoàn toàn khác biệt với Sài Gòn trong Sài Gòn Úm ba la của nhà báo Trung Nghĩa.

Đều được rèn giũa qua ngòi bút của những nhà báo, những người viết lách vừa chuyên nghiệp lại rất nhiều đam mê nên Sài Gòn ở góc nào trong hai tập sách trên cũng đều làm cho người đọc cảm thấy thương quý, nhớ nhung và trân trọng. Lần đầu tiên, sau khi Sài Gòn chuyện đời của phố được tái bản lần thứ hai, nhà văn, nhà báo Phạm Công Luận mới có dịp được quây quần quanh bạn đọc để chia sẻ về quá trình kì công sưu tầm và thực hiện tập sách đầy ắp kỉ niệm này.

Có những bạn đọc rất trẻ cầm sách trên tay đến hỏi “Cháu đọc sao không hiểu lắm những gì chú viết trong này”, anh Luận chỉ cười bảo: “Tại vì chú viết sách này cho những lứa tuổi lớn hơn. Cháu chưa cần phải hiểu ngay, vì đến một lúc nào đó mở ra đọc lại cháu sẽ tự hiểu”. Anh cùng người bạn đời, nhà văn Đặng Nguyên Đông Vy cũng dành thời gian lí giải về hiện tượng quay lại làm bạn với sách của những bạn trẻ trong thời gian qua, thay vì chọn “kết bạn” với Facebook, internet.

“Cái chính là các bạn cảm thấy sung sướng khi nghĩ mình đã bớt cô đơn, đã được chia sẻ trong từng nút like, nút comment trên mạng xã hội. Nhưng thực ra, khi đóng máy lại, bạn lại trở về với sự cô đơn của mình, thậm chí còn thấy lạc lõng hơn, và khi đó sách trở thành một người bạn thực sự”.

Riêng Sài Gòn Úm ba la lại là tuyển tập những phóng sự văn hóa chọn lọc trong hơn mười năm của nhà báo Trung Nghĩa. Từng là phóng viên chuyên sâu về mảng văn hóa- văn nghệ, nhà báo Trung Nghĩa có đầy đủ chất liệu về đời sống giải trí của Sài Gòn, về tinh thần hưởng thụ văn hóa, xu hướng chọn lựa và chặng đường gian nan để các nghệ sĩ từ “vịt con xấu xí” úm ba la trở thành thiên nga lộng lẫy ra sao đã tạo nên một Sài Gòn Úm ba la mở ra vô vàn hấp dẫn với người đọc.

Từ Solist múa Sài Gòn, Sài Gòn “em xi” (MC), Sài Gòn yểu điệu guitar đến Chợ nhạc công Sài Gòn, Ca sĩ đám cưới Sài Gòn, Xóm “Hollywood” Sài Gòn, Sài Gòn xi-ne-ma…đã gợi lên muôn mặt của một nơi hội tụ nhiều dòng chảy văn hóa nghệ thuật nhất cả nước mang tên Sài Gòn.

MINH TRANG


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1