Gặp lại những nguyên mẫu nhân vật

22:32:00 12/04/2014

Sau khi tiểu thuyết Tháng không ngày của tôi được giải Mekong lần thứ tư, bỗng nhận được cuộc điện thoại của hai người: một người là nguyên mẫu trong tiểu thuyết in 1998 và Người đẹp Đông Dương (truyện ngắn in 1996); hai là thầy giáo Nguyễn Khắc Hiền - thành viên tổ tam tam cùng nhân vật Phan Thị Xuân. Các anh chị sau khi đọc xong hai tác phẩm trên từ lâu đã muốn tìm gặp tác giả.

Cô Phan Thị Xuân và thầy giáo Nguyễn Khắc Hiền. Ảnh: Ngọc Thùy

Chuyện là thế này, vào tháng 3-1969, nhà giáo Nguyễn Khắc Hiền đang trên đường hành quân thì bị sốt rét ác tính, y sĩ Phan Thị Xuân và Nguyễn Tùng đưa anh vào bệnh viện giải phóng của ta ở Carache. Khi trở ra, họ bị rơi vào ổ phục kích, Phan Thị Xuân bị thương ở tay và bị bắt ngày 6-3-1969, anh Tùng bị bắn chết. Bắt đầu từ đây người con gái đẹp người, đẹp cả lý tưởng gặp bao gian truân chỉ vì chị quá đẹp. Ngày ấy, vợ của những người lính Lonnol đổ xô đi xem mặt nữ tù nhân ở Xa nua (Carache). Bí thư chi bộ trong tù lúc đó là Nguyễn Văn Trù phải ra chỉ thị: bảo vệ nữ đồng đội Phan Thị Xuân. Tiếng truyền từ phía bên kia sang bên ta, ta truyền tai nhau về “người đẹp Đông Dương” bị bắt. Mặt trận Giải phóng đứng ra thương thuyết đổi chị bằng 150 cây vàng. Ra tù, chị làm việc ở Bệnh viện Ban Tuyên huấn Trung ương Cục Miền Nam. Năm 1971, tôi và nhà thơ Hà Phương bị sốt nặng nằm viện và được y sĩ Xuân chăm sóc, nên tôi có nguyên mẫu nhân vật để viết nên truyện ngắn và tiểu thuyết trên. Sau khi bị bắt rồi được thả, Xuân còn phải chịu bao nghi ngờ, cơ quan phải tìm lại biên bản trao trả Phan Thị Xuân của Đồn 93. Sau nhiều lần xác minh, đến 1976 chị mới được kết nạp vào Đảng. Giải phóng Sài Gòn 30-4-1975, chị cùng chồng về công tác tại Bệnh viện Củ Chi, nuôi bốn con ăn học đại học. Hiện các cháu đang làm việc ở Sài Gòn. Năm 1993, con đông, đang tuổi ăn tuổi học, cả hai vợ chồng lại nghỉ hưu, nên chị làm thuê đủ nghề: nấu ăn, cắt cỏ thuê, nhặt phân bò để bán… miễn sao có tiền cho các con ăn học. Khi các con tạm ổn, chị lại hăng hái tham gia công tác khu phố (khu phố 1, thị trấn Củ Chi), 10 năm làm Bí thư chi bộ (1995 - 2005), trưởng ban bảo vệ khu phố suốt bao năm qua. Có lần đi xe đạp ngã gãy cả tay, chị nhờ chồng chở đi giải quyết những mâu thuẫn trong dân.

Vợ chồng chị Xuân còn đưa tôi sang thăm nhà anh Nguyễn Khắc Hiền (tổ tam tam cùng Phan Thị Xuân khi hành quân vào Nam) ở số nhà 34 đường Nguyễn Văn Hoài, ấp Bầu Tre 2 xã Tân An Hội (Củ Chi). Năm 1971, tôi gặp thầy giáo Hiền ở Ban tổ chức Thành ủy Sài Gòn - Gia Định (đóng ở Chor, Campuchia), anh kể rất nhiều về Xuân cho tôi nghe. Lúc đó tôi có ý định viết tiểu thuyết về người con gái đẹp ra đi từ miền Bắc bị bắt, thoát khỏi tay giặc lại tham gia kháng chiến đến 30-4-1975. Sau đó tôi bặt tin hai người, đến nay gặp lại đã là 42 năm. Sau giải phóng, thầy Nguyễn Khắc Hiền 18 năm làm Hiệu trưởng Trường THPT Củ Chi kiêm Trưởng phòng Giáo dục huyện. Về hưu, anh tham gia Hội người cao tuổi, Hội khuyến học, Chủ nhiệm Câu lạc bộ kháng chiến từ năm 2000 đến nay. Anh ít nói về mình trong những năm kháng chiến mà anh say sưa nói về ngày hôm nay: “Mình là đảng viên thì phải tham gia giúp dân, giúp nước cũng là giúp chính mình vượt lên trăm ngàn khó khăn. Tôi ngồi nghe chuyện, ngắm nhìn Phan Thị Xuân cùng nhà giáo Nguyễn Khắc Hiền trên đất Củ Chi, họï ôn lại thời chiến là nhắc lại thời bình. Thành phố chúng ta có bao người ngày đêm vẫn đang xả thân để giữ yên cho thành phố bình yên, đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, giữ văn hóa làng xã ổn định và phát triển. Cảm ơn những nhân vật của tôi, họ vẫn đang đóng góp cho thành phố một cách thầm lặng.

TRẦN THỊ THẮNG


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1