Xây dựng phong trào đọc rộng rãi
Theo bà Phan Thị Kim Dung, Giám đốc Thư viện Quốc gia: “Năm nay, Ngày sách Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức một cách rộng rãi trong cả nước có ý nghĩa rất lớn đối với việc cổ động tinh thần đọc trong toàn dân. Đây là một chương trình mang rất nhiều thông điệp có ý nghĩa, là ngày để tôn vinh sách, tôn vinh những người làm ra sách và tôn vinh người đọc sách mà tôi chắc chắn sẽ được sự ủng hộ rất lớn, nhất là trong giới trẻ”.
Ngày sách được tổ chức rộng rãi sẽ nâng cao văn hóa đọc. |
Thực tế từ 8 năm nay, Thư viện Quốc gia đã có tổ chức ngày hội sách mỗi năm một lần và đạt kết quả rất tốt, thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người. Việc tiếp cận với sách nhiều khi không chỉ là ngồi cầm quyển sách đọc từng chữ mà ngày nay người ta có thể tiếp cận với sách qua nhiều phương tiện, nhất là hệ thống sách điện tử cũng khá phong phú, nhiều khi đơn giản là có người chỉ thích tới thư viện để ngắm nghía, để thưởng thức không gian đọc, có thể là thưởng thức trong không gian cà phê sách, hay ngồi ở sân thư viện...”.
Cũng theo bà Phan Thị Kim Dung, để xây dựng được phong trào đọc trong toàn dân, những sự kiện mang ý nghĩa tôn vinh như Ngày sách Việt Nam vẫn chưa đủ, mà mỗi người đều phải có trách nhiệm với việc xây dựng văn hóa đọc. Bản thân người viết sách phải có trách nhiệm với sản phẩm của mình, viết ra những gì phù hợp với quy chuẩn, với xu hướng phát triển lành mạnh của xã hội, gây ra những trào lưu văn hóa ảnh hưởng không tốt đến giới trẻ. Không chỉ tác giả, ngay cả các NXB cũng phải biết chọn lọc các đầu sách có chất lượng, không in ấn tràn lan dẫn đến giảm chất lượng sách, tránh tình trạng các đầu sách quá nhiều mà nội dung không hay dẫn đến tình trạng người đọc hoang mang không biết lựa chọn như thế nào. Nhiều người cho biết họ ngại đọc sách một phần cũng vì hiện nay có quá nhiều đầu sách khiến mỗi lần muốn tìm đến loại sách gì là lại lúng túng.
Gần đây, phong trào đọc sách online phát triển, các thể loại văn học phổ biến rộng rãi qua các trang mạng xã hội cũng là một phương tiện tiếp cận với việc đọc của giới trẻ. Tuy nhiên, điều này cũng có hai mặt khi chất lượng các đầu sách trên mạng rất khó kiểm duyệt và quá trình chuyển sang văn bản điện tử cũng có những sai lệch về nội dung cũng là những yếu tố ảnh hưởng không tốt đến văn hóa đọc.
Theo nhà văn trẻ Nguyễn Văn Học: “Trách nhiệm của người cầm bút trong nước, cũng như các gia đình, nhà trường cần định hướng “gu” đọc cho con cái, đó cũng là định hướng “gu” thẩm mỹ, định hình cho con trẻ một lối sống lành mạnh. Tránh để giới trẻ tiếp xúc quá nhiều với thế giới ảo, nay lại sống trong sự bủa vây của sách “sến”, để rồi nhụt chí, không sống như lẽ thường, không còn khát vọng”.
Cần có tủ sách gia đình
Người Việt Nam đọc 0,8 cuốn sách/người/năm theo công bố mới đây của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch là con số đáng buồn, đấy là chưa kể trong con số này còn có cả sự bù trừ giữa những người dành nhiều thời gian đọc sách và những người cả năm không đọc cuốn nào.
Theo ông Trần Đoàn Lâm, Giám đốc Nhà xuất bản Thế giới: “Thực tế, phần lớn trong các gia đình hiện nay, rất ít bố mẹ, ông bà đọc sách để làm gương cho con cháu, họ chủ yếu chỉ đọc báo chứ rất ít đọc sách, trừ những người làm công tác nghiên cứu, các nhà khoa học. Cách sống cũng như thói quen trong gia đình ảnh hưởng rất nhiều tới suy nghĩ của con trẻ cũng như ý thức phát triển sau này. Tôi nghĩ cách xây dựng văn hóa đọc tốt nhất là cổ động cho việc mỗi gia đình hãy xây dựng được một tủ sách với nhiều loại sách thì chắc chắn những đứa trẻ sẽ sớm hình thành thói quen đọc và biết quý trọng sách”.
Thực tế, môi trường giáo dục của chúng ta cũng chưa khuyến khích được việc đọc sách cho học sinh, các em còn phụ thuộc quá nhiều vào sách giáo khoa. Không chỉ vậy bố mẹ cũng thường ép con chạy đua với bài vở, thành tích nhiều quá cũng ít có cơ hội cho con tham khảo các loại sách khác. Hầu hết các em học sinh đều “than” rằng cha mẹ cứ thấy con đọc bất kể sách gì ngoài sách giáo khoa ra là bị cấm, đấy cũng là một rào cản để các em khó lòng phát huy ý thức đọc.
Cũng theo ông Trần Đoàn Lâm, “không chỉ trong gia đình, việc khuyến khích, rèn luyện các em tác phong và thói quen đọc sách từ trong nhà trường cũng là một biện pháp rất tốt. Ở nước Anh họ có cả chương trình đưa văn hóa đọc vào trường học, các nhóm hoạt động chuyên biệt sẽ xin phép các trường học để đọc sách cho học sinh nghe. Ví dụ như khi đọc cuốn Nghìn lẻ một đêm, họ không đọc hết mà chỉ đọc một vài truyện nhỏ để các em tiếp cận dần dần, và gây hứng thú cho học sinh để các em tự mày mò tìm đọc hết một cách tự nguyện và hăng say. Đấy là một cách làm rất hay mà ta hoàn toàn có thể học tập được”.
Không chỉ trong gia đình mà ở nhà trường, học sinh cũng cần phải được định hướng về thói quen đọc sách, hằng ngày. Rèn luyện cho các em thói quen đọc sách để tích lũy kiến thức trong cuộc sống, đó là cách xây dựng nền tảng đạo đức một cách tự nhiên và giúp thế hệ trẻ hiểu được ý nghĩa cuộc sống và có những bước đi vững chắc trong tương lai.
Bài và ảnh: Tạ Nguyên