Sách: Vẫn là món thanh cảnh

08:12:00 18/04/2014

Sach: Van la mon thanh canh

Hội sách TP HCM, hội sách quy mô nhất cả nước được tổ chức hai năm một lần, vừa kết thúc cuối tháng trước với kết quả trong bảy ngày thu hút gần một triệu lượt người đến, thu về doanh số 36 tỷ đồng, vượt dự kiến đến 20%. Nghe thì có vẻ nhiều, nhưng so sánh với sự kiện Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao năm ngoái diễn ra ở thành phố tỉnh lẻ Long Xuyên trong sáu ngày thu hút 250 nghìn lượt khách, thu về 32 tỷ, thì lại không phải là nhiều. Hội sách có hai ngày cuối cùng bán giảm giá mạnh, nhiều nhà sách giảm tới 80% giá bìa. Sách bán tống bán tháo, “dọn kho” - đa phần là những cuốn còn ế, chẳng nhà sách nào chịu đặt hàng, giờ mới có dịp phơi nắng. Của đáng tội, nhiều cuốn cũng tử tế, nhưng “vợ mình tử tế, vợ người lại đẹp, khốn nạn thế”. Nói tổng quát thì sách vở ở Việt Nam vẫn chỉ là cái gì đó thanh cảnh, thôi thì đổi cái lợi lấy chút danh cho người làm sách, hay ai đấy mưu cầu chút kiến thức văn hóa ở con chữ.

Giao lưu: lắm nỗi phân vân

Hội sách mà chỉ để bán sách thì cũng không có vẻ chưa có tầm triết lý cho lắm. Vì thế các Hội sách nào cũng có dăm bảy cuộc giao lưu, đơn giản thì ra mắt tác phẩm mới, cầu kỳ thì tọa đàm về giá trị nội dung hay văn chương của sách, sang trọng thì có các sao showbiz hay lãnh đạo ngành, lãnh đạo địa phương hoặc giới phê bình đến cho vài lời nhận xét. Cũng có kiểu đơn giản vô cùng là bày một cái bàn ra, tác giả đợi bạn đọc đến xin chữ ký, và ăn khách thì sẽ có hàng dài khách đứng đợi, sau đấy là chụp ảnh kỷ niệm.

Bất cứ ai muốn ký tặng cũng được, bên cạnh các buổi đăng ký đủ lệ bộ với ban tổ chức thì nhiều khi đơn giản như hẹn một nhóm người hâm mộ hoặc bạn bè trên mạng, ngày đó giờ đó nhà văn X sẽ có buổi ký tặng ở Hội sách. Ở Việt Nam lâu nay quen với những buổi giao lưu rầm rộ, nên các tác giả cũng chưa có vẻ thích nghi với những buổi có vẻ sơ sài. Lắm khi tác giả thuộc lứa người cũ, bạn đọc cùng tầm tuổi thì đã chậm chạp, bọn trẻ thạo truyền thông mạng lại không đọc họ, rút cục buổi ký tặng rất êm ả như văn của khổ chủ.

Không phải nhà văn nào cũng thích giao lưu, và có giao lưu rồi mới biết là rơi vào tình thế no-win. Trước khi diễn ra sự kiện, nếu may nhờ nhà xuất bản giỏi truyền thông mời mọc khắp nơi, số người đăng ký dự nhộn nhịp, khiến tác giả cũng tự trấn an rằng sự xuất hiện của mình là hợp lý. Ngay với các tác giả ăn khách, nhà xuất bản vẫn hồi hộp đến phút chót: bao nhiêu nhà báo trong danh sách xuất hiện, sao đã quá một tiếng rồi mà cô Y ở báo T chưa đến? Sắp hết người xếp hàng rồi à, gọi ngay con em bà bạn làm giáo viên văn cấp 3 điều động cả lớp đến. Sếp lớn chắp tay sau đít, lừ lừ đi đi lại lại, hoặc hỉ hả vui mừng hoặc gườm gườm nhìn nhân viên phụ trách truyền thông. Tác giả vặn vẹo người, mỏi tay quá. Lập tức sếp lớn sếp bé lao đến, nào nước suối, nào cà phê, nào bánh ngọt tea-break, xin phép các bạn đọc cho tác giả giải lao tí chút. May mà được thế.

Còn lại thì cuộc giao lưu đa phần sượng sùng, tác giả ngồi vêu mặt cùng MC trên salon sau một cái bàn, cố gắng nghĩ những câu hỏi liên quan đến tác phẩm và cố gắng lái cử tọa vào tấn công nhân vật chính. Khổ nỗi các cú ném không mấy đủ mạnh, có lẽ vì văn của ông/bà nhà văn chưa đủ dồn các bạn đọc đến chân tường. Ừ thì cái từ “hit” là best-seller, bán chạy, khi ở thể động từ thì cũng là “đâm chém, tấn công” mà.

Chưa trở thành nhu cầu thường nhật

Hội sách TP HCM lần 8 tung ra 200.000 tựa sách với hai triệu bản, bày tại 500 gian hàng. Xem thế đủ biết các nhà sách đau đầu nhấn cuốn nào, bày cuốn nào ra trước hay cuốn nào lùi ra sau, nơi chỉ những người chịu khó đứng trong cái nóng gần 40 độ C để lục lọi. Để đẩy các cuốn sách lên, bên cạnh sức hấp dẫn nội dung thì phải cậy đến truyền thông, thứ tạo sóng trước và suốt thời gian diễn ra Hội sách.

Đúng như đã dự báo, giới showbiz cũng đã biến thị trường xuất bản thành một kênh quảng bá tên tuổi của họ. Không ai lo các người đẹp hay hot boy, hot girl lấy mất chỗ của các nhà văn, nhưng việc họ chiếm lĩnh bảng xếp hạng Top 10 sách bán chạy Hội sách một lần nữa khẳng định, nếu bạn muốn chinh phục quảng đại quần chúng bằng văn chương thì quả thực là vô cùng phiêu lưu.

Một người bạn dạy văn ở đại học của tôi từng hi vọng tìm mua sách của một số nhà xuất bản nhỏ trong Nam khi có hội sách ở Hà Nội, những cuốn sách có tính khảo cứu, được in với một nhiệt tình hiếm hoi của những người làm sách không theo thị trường. Sở dĩ anh bạn cần tìm là vì những cuốn sách này có khả năng cung cấp kiến thức và gợi mở những ý tưởng nghiên cứu độc lập. Nhưng cái kho sách ấy luôn ít ỏi và bị chìm lấp với số lượng in không quá 1.000 bản, chưa bằng 1/100 số lượng của các sách ăn khách và sẽ còn rất lâu mới có thể tái bản.

Văn học dịch, hay những mảng văn học nội địa “cứng” như tiểu thuyết, truyện ngắn - những thể loại vẫn được xem như gương mặt của văn chương - vẫn ở mức tiêu thụ trung bình khá, và thế cũng là tốt rồi, chứ đừng mong hàng vạn bản như các cuốn ăn khách hàng đầu. Mà cho dù in được 100.000 bản đi chăng nữa cũng chỉ tương đương 1/1.000 dân số Việt Nam. Người Việt chưa tiếp cận với sách như một nhu cầu trong đời sống tinh thần thường nhật của họ. Nói tổng quát thì sách vở ở Việt Nam vẫn chỉ là cái gì đó thanh cảnh.

Kết thúc các Hội sách, sách về mỗi giá sách cá nhân, độc giả hoặc nhanh hoặc chậm, cố gắng đọc hết trước khi có hội sách khác diễn ra chỉ một-hai tháng sau. Việc tổ chức hội sách đã trở thành một công việc kinh doanh khá hấp dẫn, kích thích nhu cầu người đọc và hâm nóng sự quan tâm đại chúng. Doanh số mỗi kỳ không quá cao nhưng cũng là thứ khiến các đơn vị xuất bản suy nghĩ về sự tồn tại của mình, thay vì xin nộp đơn giải thể như bảy nhà xuất bản ở Hà Nội vừa qua.

Hội sách dự kiến được tổ chức tại Hà Nội trong tháng Tư này nhằm hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam đầu tiên đến nay vẫn chưa được xác định. Nguyên nhân của việc này không khó hiểu: các nhà sách vừa dồn sức cho Hội sách TP HCM xong, thời gian chuẩn bị quá cập rập, ý tưởng của sự kiện mơ hồ, không xác định rõ đối tượng người sẽ đến dự, dẫn đến khả năng thành công không cao. Lực lượng tham gia chính của Hội sách - các nhà sách, các nhà xuất bản - không mặn mà bởi nhà tổ chức vẫn có vẻ chưa biết nên xác định Hội để bán sách hay để tuyên truyền một ý tưởng.

Cuối tháng Hai vừa qua, Thủ tướng đã ký quyết định lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Từ ngày 19 đến 23 tháng này, nhiều loạt động sẽ được tổ chức tại Hà Nội nhằm hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam đầu tiên.
Trong khi đó, hai nhà sách lớn nhất trên mạng là Vinabook và Tiki đã gây một cuộc chiến giá cả thông qua hai cuốn sách đinh của Nhà xuất bản Trẻ - Chúc một ngày tốt lành của Nguyễn Nhật Ánh và Đảo của Nguyễn Ngọc Tư. Thay vì ra phố Đinh Lễ mua với chiết khấu 20% giá bìa thì chỉ cần ngồi nhà, người mua cũng có sách với chiết khấu 46%, một mức “điên rồ” thay đổi từng giờ giữa hai đối thủ. Cuối cùng cuộc chiến cũng giảm nhiệt, mức chiết khấu đã về 30%, nhưng dự báo người ta sẽ mua sách qua mạng nhiều hơn, và Hội sách lần sau chắc hẳn sẽ là cuộc chiến của các ý tưởng truyền thông và tương tác với ấn bản, trong đó có sách điện tử. Chúng ta hãy chờ xem sao.

Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1