Sách và tôi

07:00:00 20/04/2014

(PetroTimes) - Viết nhân ngày Sách Việt Nam 21/4.

1 - Cho đến bây giờ, mặc dù đã 54 năm trôi qua, nhưng tôi vẫn nhớ như in cuốn sách đầu tiên mà tôi được đọc vào cuối năm học vỡ lòng, đó là "Lá cờ thêu sáu chữ vàng" của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Rồi tiếp theo là "cuốn Con ngựa của tôi" của nhà văn Trần Công Tấn.

Truyện "Con ngựa của tôi" chỉ khoảng hơn ba chục trang đánh máy. Nhưng chả hiểu sao, tôi đọc thuộc lòng. Và nhân ngày 1/6, văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức cho con các nhà văn đến vui chơi tại 65 phố Nguyễn Du, trong đó, có thi đọc thơ, kể chuyện. Tôi lên đọc một mạch truyện ngắn "Con ngựa của tôi" và được thưởng một gói kẹo.

Mấy năm sau, tại Trường Bồi dưỡng Viết văn trẻ của Hội Nhà văn trên Quảng Bá, tôi được gặp chú Trần Công Tấn về dự học. Nghe bố tôi nói là tôi đã đọc thuộc truyện ngắn "Con ngựa của tôi", và đã đọc "Thần voi và Voi thần", chú bế tôi lên, cà hàm râu quai nón và cười khà khà.

Nhà tôi ở khu 1A Hoàng Văn Thụ (bây giờ là khu di tích Hoàng Thành Thăng Long ), nhưng tôi theo bố lên ở Trường Bồi dưỡng Viết văn trẻ. Ở đấy chỉ có tôi và Vũ Huy, con trai nhà văn Vũ Tú Nam là học lớp 4. Buồng bố tôi ở nằm cạnh thư viện của trường. Và chẳng hiểu sao tôi như bị hút vào thư viện đó. Tôi đọc một cách miệt mài và đọc rất nhanh những bộ tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc như Tam Quốc Diễn Nghĩa, Tây du ký, Thủy Hử…

Và kể cũng lạ là tôi có một trí nhớ cực kỳ tốt. Riêng tác phẩm Tam Quốc, thì tôi thuộc lòng những bài như Khổng Minh tế Chu Du và rất nhiều chương hồi khác. Còn Thủy Hử, tôi thuộc tên của gần hết 108 anh hùng Lương Sơn Bạc.

Tôi không thể nào quên được thỉnh thoảng vào những buổi chiều, bác Nguyên Hồng lại gọi tôi sang phòng. Bác uống rượu trắng với hai hào lạc rang húng lìu. Bác nhón cho tôi mấy hột lạc rồi bảo: “Cháu đọc cho bác nghe đoạn “Khổng Minh tế Chu Du”. Thế là tôi đứng ở góc phòng, gân cổ lên đọc: “Than ôi Công Cẩn, chẳng may trời hại…”.

Rồi tôi đọc một cách miệt mài những tác phẩm như: Không gia đình, Con đường sấm sét, Những chặng đường đói khát, rồi Thép đã tôi thế đấy, Suối thép, Tarat Bunba hay Sư trưởng Chapaep…

Thậm chí nhiều tác phẩm văn học rất khó đọc như: Hội chợ phù hoa, Hồng lâu mộng, Chiến tranh và hòa bình… tôi cũng đọc miệt mài nhưng chẳng hiểu gì cả.

Thấy tôi đọc sách như vậy, nhà văn Lê Lựu – lúc ấy mới là học viên ở trường, rất ngạc nhiên.

Đọc nhiều như thế nhưng không phải tác phẩm nào tôi cũng nhớ, thậm chí có những tác phẩm chỉ nhớ tên 1-2 nhân vật hoặc một vài đoạn. Lớn lên một chút, trong những năm chiến tranh chống Mỹ, tôi phải đi sơ tán về quê và Hội nhà văn cũng sơ tán về quê tôi. Thật may mắn, tôi được biết nhiều nhà văn danh tiếng bậc nhất nước Nam ngày ấy.

Có thế nói, chính sách là nguồn cung cấp kiến thức cho tôi một cách toàn diện nhất. Kiến thức ở trong nhà trường tôi học được – nếu như bây giờ nói lại là nhớ được cái gì, thì có lẽ chỉ là mấy phép tính cộng trừ nhân chia. Còn những gì tôi có được ở trong đầu, đều từ sách và từ những bài học văn, lịch sử ngày ấy.

***

2 - Thời cuộc đã thay đổi. Văn hóa đọc bây giờ cũng đã khác xưa nhiều. Bây giờ, người ta đọc sách điện tử, người ta đua nhau cho con cái xem truyện tranh, rồi người ta coi trọng văn hóa @. Số lượng người đọc sách, mê sách có lẽ ngày một ít.

Nhưng sách bây giờ thì cũng sợ quá.

Sách được in rất nhiều, mẫu mã, trình bày đẹp, nhưng dịch thuật kém, biên tập cẩu thả và đặc biệt là lỗi chính tả.

Khi còn làm ở Báo An ninh thế giới, TBT Hữu Ước giao cho tôi việc mua sách, chọn sách cho thư viện và tôi đã phải cấm nhân viên mua sách của các nhà xuất bản như NXB Thông tin, NXB Thanh Niên, NXB Văn hóa… Có những cuốn sách mua về, đọc được mấy trang phải vội vàng ném bỏ, bởi lẽ trang nào cũng có vài lỗi chính tả và đọc sách cứ như bị ném cát vào mắt. Còn sách dịch cũng thật hãi hùng. Không thể hiểu nổi người ta dịch Tam Quốc theo kiểu gì mà ngôn từ ở trong đó thật chẳng giống ai. Nào là: "Ngươi hãy điều một quân đoàn đi phục kích…”, rồi thì “Ngươi hãy đưa bộ đội của mình đi chặn đường rút”…

Công bằng mà nói, sách của những năm 60, 70 của thế kỷ trước dịch hay hơn bây giờ rất nhiều và việc biên tập, sắp chữ cũng được thực hiện cực kỳ nghiêm cẩn. Một cuốn tiểu thuyết dày ba bốn trăm trang chỉ có chừng khoảng 15 – 20 lỗi và cuốn nào ở cuối cùng cũng có một trang đính chính. Bây giờ các nhà xuất bản coi thường độc giả đến mức không còn gì để nói nữa. Chính vì thế, đó chính là một trong những nguyên nhân để những người ưa đọc sách quay lưng lại với sách.

Gần đây, một số NXB đã in lại những bộ sách mà xuất bản từ những năm 60 – 70 của thế kỷ trước, in theo đúng bản gốc, không sửa một dấu phẩy, thậm chí cả cách trình bày. Và thật đáng ngạc nhiên, những bộ sách đó đã bán rất chạy.

Cũng phải nói thêm rằng, vào những năm đất nước khó khăn về kinh tế, thì sách và những người viết ra sách được nhà nước chăm sóc hết mực chu đáo.

Thời ấy các nhà văn được hưởng chế độ ưu đãi đặc biệt, thậm chí còn được những căn hộ riêng để có một khoảng không gian yên tĩnh để sáng tác. Tiêu chuẩn thuốc lá cho các nhà văn cũng cao hơn cán bộ bình thường. Còn về chế độ nhuận bút thì không biết… bao giờ cho đến ngày xưa.

Tôi nhớ năm 1969, bố tôi (nhà văn Hoài An) in được một tập truyện ký dày khoảng 150 trang, nhuận bút tính cho cuốn truyện ký đó là 2,3 đồng/100 chữ. Ngày ấy 2 đồng 3 là mua được gần 6 cân gạo hoặc mua được 1,5kg thịt chân giò hoặc mua được 5 bát phở mà mỗi bát tương đương với một bát 4 chục ngàn bây giờ. Ngày ấy, người ta tiêu tiền xu, tiền hào. Tôi đi học, nếu được mẹ cho 2 hào ăn sáng, thì có thể mua được 1 hào xôi lạc, 1 hào xôi đậu đen, và ăn no. Nghe nói nhuận bút của bố tôi cho cuốn sách đấy mua được khoảng 2 lạng vàng.

Còn bây giờ, tôi vừa in một cuốn tiểu thuyết dày gần 700 trang, nhưng nhuận bút thì không mua nổi 3 chỉ vàng.

Chưa bao giờ các nhà văn bị các NXB bóc lột tàn tệ như bây giờ.

Có giời mà biết 1 cuốn tiểu thuyết họ in bao nhiêu và bao nhiêu lần nối bản. Nhưng nhà văn chỉ được nhận nhuận bút cho 1 nghìn cuốn. Chính vì thế, các nhà văn bây giờ chẳng còn tâm huyết để mà cần mẫn “cày trên cánh đồng chữ”, để mà chau chuốt với từng ý từng lời… như ngày xưa.

Từ xửa, từ xưa đã có rất nhiều những câu châm ngôn hay về ý nghĩa của sách. Và đã có rất nhiều hoành phi, câu đối hay nói về sách.

“Độc thư hảo” – đọc sách là tốt; “Thư hương viễn” – sách tỏa hương bay xa; và “Hữu thư chân phú quý” – sách là cái gốc của sự giàu sang.

Văn hóa đọc bây giờ đúng là khác xưa rất nhiều.

Và đúng là thế hệ trẻ bây giờ ngày càng ít đọc sách.

Một nền giáo dục đang có quá nhiều vấn đề bất cập; một nền văn hóa đọc sách đang bị mai một; một làn sóng về sách nhảm, phim nhảm, văn hóa nhảm đang tràn ngập… Đó là cái lỗ hổng rất lớn trong việc xây dựng một con người văn hóa xã hội chủ nghĩa.

Và đau lòng làm sao, gần đây người ta hay nói tới một khái niệm: Chúng ta đang có những thế hệ “Có chữ nhưng thiếu văn hóa”.

Nhà văn Nguyễn Như Phong


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1