Văn hóa đọc: Không chỉ là Ngày Sách

11:39:00 19/04/2014

Nhân Ngày Sách Việt Nam lần đầu tiên (21-4), các hoạt động liên quan tới Ngày hội Sách và văn hóa đọc năm 2014 đã diễn ra trên cả nước từ hôm nay (19-4). Kỳ vọng về Ngày hội Sách để tôn vinh văn hóa đọc là mong muốn chính đáng. Nhưng, để sách và giá trị từ sách thực sự được trân trọng thì văn hóa đọc cần phải được xây dựng thành một thói quen tốt, chứ không chỉ là sự tôn vinh.


Ảnh: Hoàng Thu Phố

Độc giả trẻ là đối tượng hướng tới

Trước đó, từ năm 2011 Ngày hội Sách và Văn hóa đọc (hưởng ứng thông điệp của UNESCO về Ngày Sách và Bản quyền thế giới (23-4) đã được Bộ VHTT&DL tổ chức ở nhiều thành phố. Dẫu vậy, hoạt động này cũng mới chỉ dừng lại ở việc bán và mua sách là chủ yếu. Theo PGS. TS Nguyễn Thị Minh Thái, chúng ta đang bị đặt trước một thách thức lớn về sự đọc, bởi theo thống kê thì hiện mỗi năm mỗi người Việt Nam chưa đọc hết một đầu sách (0,8 cuốn). Sự thách thức ấy còn biểu hiện ở nghịch lý doanh thu bán sách, theo thống kê nghe có vẻ cao qua những Ngày hội Sách các năm, nhưng chiều sâu văn hóa đọc thì lại là khái niệm mơ hồ. Nếu chiểu theo các cấp độ về sự đọc mà các chuyên gia nghiên cứu đã chia ra, thì cái sự đọc hôm nay của người Việt đang chỉ dừng lại ở cấp độ 1 - thấp nhất: chỉ đọc lướt cho biết thông tin theo kiểu tiêu dùng chứ không đọc sâu để dò tìm lớp nghĩa ẩn chứa bên trong đáy chữ, hay còn gọi là "bóng chữ”, nhất là chữ văn chương trong các tác phẩm xuất sắc về ngôn từ.

Bà Minh Thái chính là người đã đề nghị, trong lần đầu tiên tổ chức Ngày Sách Việt Nam, ban tổ chức nên chú trọng đối tượng độc giả là sinh viên, từ đó tạo điểm nhấn thúc đẩy niềm yêu thích đọc sách đối với những lứa tuổi, thành phần độc giả khác. Theo đó, bà cũng chính là diễn giả tham dự tọa đàm về chủ đề "Sách công cụ và sách giải trí trong văn hóa đọc” với các bạn sinh viên tại Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây vào lúc 9h sáng nay (19-4). Và để hướng tới đối tượng độc giả trẻ, năm nay Thư viện Quốc gia cũng đổi mới việc tổ chức Ngày Sách Việt Nam so với những ngày hội đọc sách trước đây. Do đó, giới trẻ, đặc biệt là các em thanh, thiếu niên ở các trường phổ thông đều có thể đến tham dự Ngày Sách Việt Nam. Tại đây, các em không chỉ tham gia vào các sự kiện trong chuỗi hoạt động nhân ngày hội sách mà còn được tham dự tọa đàm, giao lưu với tác giả, tác phẩm mang hơi thở cuộc sống đương đại như "Chúc một ngày tốt lành”, "Đảo”… Học sinh, sinh viên còn có thể tham gia những cuộc thi nhận diện tác phẩm, thi kể chuyện sách thiếu nhi, thi vẽ tranh theo sách.



Bạn đọc trẻ nhiệt tình tham gia Ngày hội Sách
Ảnh: Hoàng Thu Phố

Hun đúc tình yêu sách

Kỳ vọng về việc tôn vinh và nâng tầm văn hóa đọc nhân Ngày Sách Việt Nam, nhưng kể cả những nhà quản lý cùng những người yêu sách vẫn không khỏi băn khoăn về việc tạo dựng nét đẹp, thói quen văn hóa đọc trong cộng đồng. Ông Chu Văn Hòa - Cục trưởng Cục Xuất bản đã bày tỏ lo lắng khi một số ban, ngành khác đã không nhiệt tình trong việc phối hợp tổ chức Ngày Sách Việt Nam. Theo ông, kết quả cuối cùng muốn đạt được trong ngày tôn vinh sách là tất cả chúng ta ai cũng yêu sách, đọc sách và coi đó là động lực phát triển của xã hội. Do vậy, Ngày hội Sách phải được nhận thức là ngày của toàn dân, nếu xây dựng và tổ chức tốt thì sẽ trở thành một ngày truyền thống của dân tộc.

Hân hoan trước thềm Ngày hội Sách, nhưng nhiều người đều biết rằng, để công chúng không quay lưng với sách, để tạo được thói quen đọc sách cho mọi người rõ ràng không đơn giản và một chốc, một lát nhìn thấy kết quả ngay. Như đã đề cập ở trên, trước khi có Ngày Sách Việt Nam 21-4, đã có nhiều sự kiện diễn ra để thúc đẩy xuất bản cũng như nhu cầu đọc của công chúng.

Song dường như các hoạt động tích cực dành cho sách đó chưa đủ để nhiều người thấy một sự thay đổi lớn cho văn hóa đọc ở tương lai gần. Cũng thật có lý khi người ta đã phân tích rằng: Các hoạt động dành cho sách chỉ là hoạt động mang tính bề nổi và theo tính định kỳ "đến hẹn lại lên”, không và chưa phải là căn nguyên để khơi dậy tình yêu sách của công chúng. Bởi nếu người ta yêu sách thực sự, mê đọc sách, thường xuyên đọc sách, thường xuyên cập nhật các thông tin về sách thì sẽ không cần đợi đến ngày hội sách, đến dịp giảm giá sách mới mua. Để cảm nhận được những giá trị của sách, rõ ràng người ta cần có thời gian để thẩm thấu và yêu sách. Do đó, những hoạt động nhân dịp này hi vọng sẽ góp phần vào việc tiếp lửa cho văn hóa đọc.

Trong năm đầu tiên tổ chức, các hoạt động trọng tâm của Ngày Sách diễn ra từ ngày 19 đến 23-4. Bộ Thông tin và Truyền thống phối hợp với các đơn vị sẽ thực hiện Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam một cách trọng thể tại quảng trường Lý Thái Tổ. Sự kiện được truyền hình trực tiếp trên VTV1 từ 20h tới 21h30 ngày 19-4.

Từ 19-4 Bộ VHTT&DL sẽ tổ chức Ngày hội Sách và Văn hóa Đọc lần thứ IV 2014 tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Thư viện Hà Nội. Tại Văn Miếu, sẽ có nhiều hoạt động như trưng bày, triển lãm sách đoạt giải Sách Hay, Sách Đẹp của Cục Xuất bản, các hoạt động văn nghệ, sân chơi cho người yêu sách. Thư viện Quốc gia Việt Nam cũng tổ chức chương trình đặc biệt với chủ đề "Ngày hội sách từ quá khứ tới đương đại”, diễn ra từ 20 đến 26-4.

Các hoạt động về Ngày Sách sẽ được tổ chức tại từng địa phương, thông qua hệ thống thư viện. Trong đó TP. HCM đang là đơn vị đi đầu trong các hoạt động hưởng ứng, và có kế hoạch tổ chức chi tiết, lâu dài cho Ngày Sách.

Minh Quang
Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1