Một điểm chung giữa em bé bị nghi trộm sách trong siêu thị tại tỉnh Gia Lai, nhân vật chính của tiểu thuyết trên và vô số người trong số chúng ta, đó là sẵn sàng đánh đổi mồ hôi, tiền bạc, công sức, thời gian… và đôi khi là cả sự nguy hiểm chờ đợi, để được tận hưởng cái cảm giác cầm nắm, nghiêng đầu nghiền ngẫm trước sức nặng của những cuốn sách trong tay.
Sức nặng bài học từ sách
Thần chết cũng phải nghiêng mình là nội dung kì lạ mà “Kẻ trộm sách” truyền tải cho chúng ta. Tác phẩm phê phán tính khốc liệt, tàn bạo và phi nghĩa của chiến tranh thế giới thứ 2. Nhưng không phải những đay nghiến trong ngôn từ, những mảnh đời lầm than trước sự dày xéo của chế độ phát xít hay cái kết bi thương của những số phận nhỏ nhoi bất hạnh mang lại sức hấp dẫn của tác phẩm, mà lại từ vẻ đẹp của tâm hồn cô bé Liesel Meminger, thể hiện qua một hành vi vốn rất đáng lên án của cô bé là: Ăn trộm sách.
Đôi hốc mắt khô khốc Thần chết – người dẫn chuyện xuyên suốt tác phẩm đã bị ám ảnh khi chứng kiến sự “xấu xa vĩ đại” của loài người khi dõi theo cô bé say mê đọc từng con chữ dưới gian hầm nhà ẩm thấp, lạnh lẽo. Vẻ đẹp của cô bé có bề ngoài rụt rè nhưng lại dám lẻn trèo qua cửa sổ nhà của vợ chồng một viên tướng dưới trướng Hitler, lấy trộm những cuốn sách yêu thích về nhà đọc. Mỗi khi đọc xong cuốn nào, Liesel lại trèo vào nhà của ông tướng để trả lại cuốn đó. Dưới góc nhìn của một nhà đạo đức học, chắc chắn hành vi lẻn vào nhà người khác để lấy bất cứ một món đồ gì đều có thể bị gọi là hành vi trộm cắp. Nhưng cô bé khẳng định mình không "ăn cắp" mà chỉ là "mượn" những cuốn sách đó. Liesel tìm thấy niềm an ủi ở những trang sách và sẵn sàng chia sẻ cho những người khác.
Vậy còn những nhân viên siêu thị khi chứng kiến cô học trò lấy hai cuốn sách Trạng Quỳnh của siêu thị tại tỉnh Gia Lai, đôi mắt họ đã thấy điều gì khi quyết định trói giang hai tay em với tấm bảng “Tôi là người ăn trộm” gắn trước ngực? Có lẽ chỉ là những điều không mấy sáng sủa. Sự vẩn đục của cửa sổ tâm hồn ấy sau này được các nhân viên lý giải một phần là bởi sức ảnh hưởng của đồng tiền: Trước đây, đã nhiều lần siêu thị này xảy ra việc mất trộm sách và GĐ đã từng nói sẽ phạt nặng đến mức trừ cả tháng lương của họ nếu để tình trạng này tái diễn?
Người Việt Nam chúng ta luôn tự hào là một đất nước nhân văn, trọng đạo lý, có truyền thống hiếu học lâu đời. Chính vì lẽ đó, chúng ta thường nói chữ "sách", dù đôi khi chỉ là cuốn truyện tranh, với hàm ý trân trọng, tự hào. Chúng ta có những Hội sách, Đường sách, và sắp tới là Ngày sách Việt Nam 21- 4, ngày mà cả nước được cổ động cùng nhau đọc sách, tôn vinh văn hóa đọc. Vậy thì việc một em bé bị nghi ngờ ăn trộm hai cuốn sách truyện có đáng để bị mang ra rêu rao? Nếu đặt hình ảnh em, một cô bé mê đọc sách, ham muốn được là người hiểu biết, nhưng hành động tiếp cận tri thức còn non nớt trước một tấm gương, trong đó phản chiếu hình ảnh những người lớn tự cho mình cái quyền không cần biết đến kiến thức, chẳng mong muốn hiểu đến pháp luật, tự gắn cho mình cái quyền trừng phạt một đứa trẻ thay cho pháp luật… không biết đâu mới là bóng, đâu mới hình để những người ngay nhìn vào?
Đương nhiên hành vi ăn trộm là không thể chấp nhận và cần có biện pháp giáo dục. Điều kì diệu là, đã có những người quan tâm kêu gọi quyên góp sách cho em nhỏ trong vụ việc. Tôi dám chắc, những người này đều là người yêu sách. Không phải vì họ có sách cũ để đem cho đi, mà bởi chỉ có sách mới là người thầy đạo đức đủ tốt khiến ánh mắt họ nhìn ra vẻ đẹp thiên thần trong hành vi ác quỷ của câu chuyện ám màu sắc buồn kia. Nếu lúc đó, các nhân viên siêu thị không trói, đeo biển thị chúng đối với em nhỏ mà có cùng góc nhìn với những người-mà-tôi-dám-chắc-là-yêu-sách trên, họ chắc chắn sẽ khuyên nhủ và răn đe với em như với con cái mình. Chữ “nếu” lúc ấy lại là điều đáng viết sách. Một vấn đề xã hội được viết thành sách không phải hành vi tiểu thuyết hóa cuộc sống mà là cuộc sống vốn đã có những bài học sâu sắc hơn tưởng tượng. Chỉ là khi được chuyển tải thành sách, bài học đó sẽ có sức nặng, khiến tâm hồn độc giả không thể không trùng lại một chút, để vấn vương chút suy tư, xúc cảm riêng...
Tận hưởng sự “nặng nề” cần thiết
Con số 0,8 cuốn sách/đầu người/năm đó là tỉ lệ sách trung bình theo đầu người Việt Nam đọc hàng năm, kể cả sách giáo khoa! Nhìn vào đó, ai cũng tỏ vẻ quan ngại, nhưng họ liệu đã thấy rõ bản chất con số đó? Nếu nhìn vào những ngày triển khai ngày sách Việt Nam đầu tiên này, hình ảnh bạn đọc chen nhau để được mua những cuốn sách hạn chế ấn bản, rồi độc giả xếp hàng nhích từng bước để được xin chữ ký của nhà văn mình yêu thích… chắc họ sẽ phải nghĩ lại. Bản thân tôi khi nghe những lời phụ huynh kể, thời kì họ phải truyền tay nhau đọc những cuốn sách ít ỏi, tranh thủ xem trong bóng tối đèn dầu, không khó để hiểu, so với quá khứ, họ tự hào về kho tàng sách hiện thời đến mức nào.
Vậy những cụm từ “văn hóa đọc xuống cấp” hay “báo động văn hóa đọc” thường xuất hiện trên báo chí là dựa trên cơ sở nào? Thực chất con số 0,8 chỉ lấy thống kê của các thư viện. Điều đó thể hiện, không phải văn hóa đọc xuống cấp mà là thị hiếu của công chúng đang rời xa khuôn viên của những thư viện hiện thời. Sách không giảm sức nặng mà là các thư viện này chưa đáp ứng được nhu cầu đọc của độc giả. Tình yêu của các thế hệ người Việt với sách chỉ nhiều hơn chứ không giảm. Nhưng chúng ta đang tìm đến một xu hướng đơn giản, thuận tiện và tiết kiệm hơn: đọc sách điện tử.
Kẻ trộm sách-cuốn tiểu thuyết mang lại một bài học về cách nhìn nhận vẻ đẹp cuộc sống. Ảnh: TL
Đó là cái cảm giác thoải mái khi có thể đọc ở bất cứ đâu, bất cứ cuốn sách nào mà không cần tốn quá nhiều tiền bạc , được tự do tinh chỉnh cỡ chữ, màu sắc. Thậm chí, các trang còn được tự động trải ra trước mắt, lúc cần có thể trải nghiệm cảm giác lật giở từng trang với hiệu ứng hình ảnh, âm thanh trực quan, sống động. Điều đó thật tuyệt vời!
Nhưng vì vậy mà từ lâu, chúng ta lỡ quên đi cái cảm giác được tận hưởng một ngày mưa, bên bệ cửa sổ, được cầm cuốn sách ưa thích với một ít bánh và một ly sữa tỏa khói ấm nóng đi kèm…
Sách thật tốn tiền trong khi chỉ cần gõ vài từ khóa trên google là có thể đọc được. Sách thật khó bảo quản trong khi dữ liệu lại có thể nhân bản hàng trăm lần mà không sợ mất. Sách thật nặng nề trong khi chỉ cần một cái lắc tay, ấn ngón trỏ là chúng ta đã có thể lướt trên màn hình… Vô số cái cớ để quẳng cuốn sách đi và vớ lấy chiếc máy tính. Nhưng sách sẽ không bao giờ chỉ là vật để trưng bày trong tủ kính cho đẹp. Vì “người ta luôn trân trọng những điều khó có được hơn là những thứ đến quá dễ dàng”. Khi phải cầm trên tay, cảm nhận sức nặng của những tập giấy đóng, lật giở từng trang sách luồn qua những ngón tay, trải nghiệm và cảm hứng thú vị của chúng sẽ đọng lại sâu lắng hơn. Bạn có nhớ cái cảm giác của những giấc mơ thủa thơ ấu về các câu chuyện cổ tích? Liệu chúng có bao giờ xảy ra khi bạn cầm đọc những cuốn sách điện tử?
Tắt máy tính, tắt điện thoại, trong Ngày sách Việt Nam, hãy chìm vào không gian riêng của bạn, để chúng ta ai cũng được hỉ hả và sung sướng mang sách nặng trĩu tay về nhà.
Một vấn đề xã hội được viết thành sách không phải hành vi tiểu thuyết hóa cuộc sống mà cuộc sống vốn đã có những bài học sâu sắc hơn tưởng tượng. Chỉ là khi được chuyển tải thành sách, bài học đó sẽ có sức nặng, khiến tâm hồn độc giả không thể không trùng lại một chút, để vấn vương những suy tư, xúc cảm riêng... |
Anh Hùng