|
Văn Miếu thu vé độc giả đến với ngày hội sách. Ảnh: T.G |
Giải phóng “sách tồn kho”?
Tại Hà Nội có khá nhiều địa điểm tổ chức các hoạt động giới thiệu sách đến người đọc. Ngoài hai địa điểm chính là Văn miếu Quốc Tử Giám và Thư viện Quốc gia còn có các địa điểm khác như: khu vực Ngô Quyền - Đinh Lễ tổ chức “Đường sách”, giới thiệu sách của các nhà xuất bản theo các chủ đề Chiến thắng Điện Biên Phủ, Biển đảo quê hương, Kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô; tại Đại học KHXH&NV để phục vụ chính đối tượng là sinh viên. Tuy nhiên, theo đánh giá của các đơn vị tham gia sự kiện này thì Ngày Sách tại Hà Nội kém sôi nổi hơn so với TP HCM khá nhiều.
Cụ thể, tại TP HCM, hoạt động này đã được tổ chức trong suốt 8 năm qua. Chính vì vậy mà thành phố này cũng được đánh giá là tổ chức ngày hội sách thành công nhất, cả về chất lượng lẫn tính chuyên nghiệp với gần 1 triệu lượt độc giả. Theo ước tính, có khoảng 70% học sinh, sinh viên đã đến với hội sách, thậm chí rất đông bạn đọc từ các tỉnh - thành lân cận cũng đã có mặt tại hội sách này.
Tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, lễ khai mạc Ngày Sách Việt Nam đã được tổ chức sáng 20/4 với nhiều hoạt động tôn vinh và quảng bá sách. Tuy nhiên, theo cảm nhận của chúng tôi, là Ngày Sách nhưng các đơn vị tham gia giới thiệu sách tại đây lại kém sôi nổi và ít hơn nhiều so với Ngày Thơ, đồng thời, các hoạt động tổ chức lại na ná như Ngày Thơ. Bên cạnh hoạt động chính là giới thiệu sách, bán sách, BTC còn tổ chức trình diễn thơ, văn xuôi cho độc giả thưởng thức- một hoạt động khá phổ biến ở Ngày Thơ. Là Ngày Sách, nhưng lại thiếu các chương trình quảng bá, giao lưu, đối thoại giữa người làm sách, viết sách với độc giả mà chủ yếu tận dụng cơ hội này để bán sách. Một nhà sách còn “nhanh nhạy” đến mức kết hợp với một hãng sữa của nước ngoài để phục vụ các bà mẹ nếu chẳng may không chọn được quyển sách nào ưng ý.
Đại diện của nhà Sách Nhã Nam cho hay lượng khách đến tham quan, mua sách năm nay cũng ít hơn nhiều so với năm ngoái. Cũng theo Nhã Nam, trong ngày khai mạc, sách bán chạy nhất vẫn thuộc về dòng văn học, đặc biệt là văn học Nhật.
Theo quan sát của chúng tôi, đắt hàng nhất là sách giảm giá hoặc đồng giá từ 10-30 nghìn đồng/cuốn. Những cuốn sách này được mua chỉ vì rẻ chứ không hẳn là vì thích hoặc cần. Với những sách văn học, bình thường các hiệu sách vẫn chiết khấu cho người mua 30%. Còn ở Ngày Sách, mức chiết khấu được ưu đãi hơn nhưng cũng chỉ thêm 5% nên những cuốn sách mới hoặc vẫn giữ được sự yêu thích lâu dài của bạn đọc dù đã được giảm nhưng vẫn giá giao động từ 70.000 đến hơn 100.000 đồng. Thế nên, Ngày Sách được coi là cơ hội để các nhà sách “giải phóng” lượng sách tồn kho hơn là việc giới thiệu các ấn phẩm mới trên thị trường.
Ngày hội sách cũng phải mua vé vào cửa
Trong khi tất cả các địa điểm tổ chức Ngày Sách đều mở cửa tự do cho độc giả đến tham quan, giao lưu thì riêng Văn Miếu Quốc Tử Giám lại tổ chức bán vé vào cửa. Vào lúc 8h30 khi chúng tôi có mặt, rất nhiều độc giả đều vào cửa mà không cần vé, cũng không bị nhân viên soát vé yêu cầu trình vé. Nhưng khi chúng tôi quay trở ra vào lúc 10h thì thấy khá nhiều độc giả đang xếp hàng mua vé. Giá vé ở đây được bán với 2 mức: 20.000 đồng cho người lớn và 10.000 đồng cho người trên 60 tuổi và sinh viên.
Theo chị Thủy Anna- Phó Giám đốc Công ty sách Limbook, mỗi nhà sách khi tham gia Ngày Sách tại Văn Miếu Quốc Tử Giám phải thuê địa điểm với giá 3 triệu đồng/ngày. Thu tiền vé gửi xe (5.000đồng/xe) nữa là có lời rồi, nếu thu cả tiền vé của khách nữa thì rất khó chấp nhận. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chủ trương khích lệ độc giả đến với Ngày Sách của Thủ tưởng Chính phủ cũng như đơn vị đăng cai là Bộ Thông tin&Truyền thông.
Cũng theo chị Thủy Anna, ngoài việc “thu hai mang” từ cả nhà sách lẫn người xem sách, một lý do nữa khiến cho Ngày Sách tại Hà Nội thiếu hẳn sự chuyên nghiệp so với TP Hồ Chí Minh là thời gian mở cửa khá ngắn: “Ngày Sách ở Sài Gòn được mở cửa từ 8h sáng đến 22h đêm để phục vụ tối đa cho độc giả. Trong khi đó, tại Hà Nội chỉ mở đến 18h chiều. Điều này gây bất cập không nhỏ bởi với nhiều học sinh, ngày thứ Bảy và Chủ nhật còn bận học thêm, sinh viên phải đi làm thêm thì thời gian buổi tối mới chính là “giờ vàng” để họ thư giãn và đến với ngày hội sách, thì họ lại không có cơ hội”.
Ngày Sách Việt Nam tiếp tục được mở cửa cho độc giả tại Văn Miếu Quốc Tử Giám đến hết ngày 21/4; Thư viện Quốc gia đến hết ngày 26/4.
Theo thống kê của Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ Thông tin&Truyền thông), nếu chia đều cho 90 triệu dân thì tỷ lệ sách/đầu người của Việt Nam trung bình là 2,8 quyển - quá thấp so với nhiều nước trên thế giới. Còn theo tổng hợp của hệ thống thư viện, năm 2013 mỗi người Việt Nam chỉ đọc 0,8 cuốn/năm, tỷ lệ đọc ở các thư viện công cộng còn thấp hơn nữa (0,38 cuốn/năm). Đó là con số đáng buồn ở một đất nước vốn có truyền thống hiếu học và ham đọc sách. |
Thảo Nguyên