Văn Miếu Quốc Tử Giám từ sáng sớm đã đón nhận khá đông độc giả từ nhiều địa phương và Hà Nội tề tựu về để tham dự ngày hội sách. Nhiều đoàn khách ở xa đã phải đi từ rất sớm để có thời gian vào dâng hương làm lễ. Thầy Nghiêm Quý Bình, Hiệu trưởng trường THPT Đông Anh cho biết, hôm nay nhà trường đã phải xuất phát từ rất sớm để đoàn học sinh và giáo viên kịp đến làm lễ dâng hương tại Văn Miếu và tham gia ngày hội sách.
Thầy Bình chia sẻ: “Việc đưa học sinh cuối cấp và các cán bộ của trường đi thắp hương tại Văn Miếu Quốc Tử Giám và đền thờ Chu Văn An ở Hải Dương là một trong những hoạt động truyền thống của trường để củng cố niềm tin và tinh thần học tập cho học sinh trước kỳ thi tốt nghiệp. Năm nay, chúng tôi chọn đi lễ vào đúng ngày hội sách với mong muốn cho các em hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của sách, giáo dục các em tự rèn luyện thói quen đọc sách để trau dồi kiến thức cho bản thân. Ngoài ra, chúng tôi cũng mong muốn nhân ngày hội sách này, sẽ tìm được nhiều cuốn sách hay để bổ sung vào thư viện của nhà trường”.
Độc giả "bao vây" các quầy sách.
Ở gian hàng sách của các công ty, nhà xuất bản…, sách văn học, lịch sử, tiểu thuyết… thu hút đông đảo độc giả hơn cả.
Chị Lê Thị Hà, nhân viên của công ty sách truyền thông Hà Thế chia sẻ rất vui vì từ sáng tới trưa đã bán được hàng trăm cuốn sách: “Mấy năm nay kinh tế khó khăn nên sách bán rất chậm, nhân dịp hội sách, công ty cũng khuyến mại sâu cho khách, có những cuốn tới 50% nên độc giả mua rất nhiều”.
Trong ngày hội sách, góp mặt đông đảo hơn cả là các đối tượng độc giả ở lứa tuổi học sinh, sinh viên đến tranh thủ tìm mua các loại sách giảm giá.
Bạn Hoàng Lê (Hà Nội) chia sẻ: “Em rất thích đọc tiểu thuyết nhưng là học sinh nên không có nhiều tiền, mua chủ yếu là thuê để đọc, hôm nay ngày hội sách nên em tranh thủ đi mua để được giảm giá”.
Bạn Nguyễn Duy Phương, sinh viên năm thứ 3 Học viện Kỹ thuật quân sự, dù đã phải “vét” hết tiền trong túi để mua sách nhưng vẫn rất vui: “Em chỉ định mua mấy cuốn sách phục vụ cho ngành học của mình, nhưng thấy sách giảm giá nhiều quá không “kiềm chế” được nên em đã mua thêm mấy cuốn văn học Nhật Bản để đọc. Em ao ước mấy cuốn sách này từ rất lâu rồi nhưng chưa có điều kiện để mua”.
Không chỉ có các độc giả lớn tuổi quan tâm đến sách, khá nhiều độc giả nhí được bố mẹ cho đi tham gia ngày hội sách đều tỏ ra rất háo hức.
Quầy truyện tranh thu hút độc giả nhí.
Khi được hỏi, bé Phan Minh Trang, 7 tuổi trả lời rất hồn nhiên “Con rất thích đọc sách về hoàng tử và công chúa để ru mẹ ngủ mỗi tối”. Giải thích về câu trả lời ngây thơ của bé, chị Đào Thị Tuyết, mẹ bé Trang cho biết khi bé còn nhỏ chưa biết chữ, chị thường đọc truyện cho bé mỗi tối để ru bé ngủ. Bây giờ bé đã biết chữ, chị hướng cho bé đọc truyện và tóm tắt lại cho mẹ nghe để khơi dậy niềm đam mê sách cho con ngay từ nhỏ.
Chia sẻ về ý nghĩa ngày hội sách, chị Tuyết cho biết: “Đây là một sân chơi hết sức bổ ích cho mọi người đặc biệt là với trẻ nhỏ. Mỗi dịp hội sách như thế này là cơ hội để các bậc phụ huynh giáo dục con em mình yêu sách hơn, kích thích các con khơi dậy niềm đam mê đọc sách, từ đó các cháu hình thành nên thói quen đọc sách mỗi ngày. Như vậy sẽ rất tốt cho tư duy của trẻ. Tôi tin tưởng rằng sẽ ngày càng nhiều độc giả thích, đam mê đọc sách hơn”.
Không chỉ chị Tuyết mà rất nhiều độc giả là các bậc phụ huynh tham gia trong ngày hội cũng đều lạc quan về một văn hóa đọc của Việt Nam trong tương lai gần.
Ông Chu Văn Hùng (Ba Đình, Hà Nội), một độc giả rất thích đọc sách bày tỏ quan điểm: “Lâu nay cứ thấy người ta nói nhiều về văn hóa đọc ở Việt Nam hiện nay đang rất đáng báo động. Tuy nhiên, qua ngày hội sách này tôi thấy nhận định đó chưa hoàn toàn chính xác. Có thể thấy ở đây có rất nhiều người đam mê sách với đủ mọi tầng lớp, lứa tuổi. Tôi vẫn tin tưởng rằng văn hóa đọc ở Việt Nam sẽ vẫn được duy trì và phát triển chứ không mất đi như một số người nhận định”.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng nhận định: “Thông qua các hoạt động, ngày hội sách hôm nay đã thu hút sự hưởng ứng của đông đảo nhân dân tham gia. Như vậy, có thể thấy được tiềm năng để phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam là rất lớn. Nhà nước cần tổ chức nhiều hơn nữa những hoạt động văn hóa như thế này để thu hút người dân tham gia thì văn hóa đọc ở Việt Nam sẽ ngày càng phát triển”.