Thức dậy văn hóa đọc

23:26:00 19/04/2014

QĐND - Ngày 24-2-2014, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 284/QĐ-TTg về việc lấy ngày 21-4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam. Đây là một dấu mốc quan trọng tôn vinh vai trò của sách trong đời sống xã hội, qua đó, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa đọc đối với việc trang bị kiến thức, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.

Màn hát, múa chào mừng Ngày Sách Việt Nam. Ảnh: Trọng Hải

Sức lan tỏa sâu rộng từ Ngày Sách Việt Nam

Tối 19-4, tại vườn hoa Lý Thái Tổ, Hà Nội, đông đảo nhân dân và những người yêu sách đã có mặt để chào đón thời điểm công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam (21-4) và khai mạc các hoạt động chào mừng Ngày Sách Việt Nam lần thứ nhất. Đồng chí Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước; đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã gửi lẵng hoa chúc mừng. Đến dự có đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội; các đồng chí đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, thành phố Hà Nội.

Phát biểu tại buổi lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và phát động phong trào văn hóa đọc nhân Ngày Sách Việt Nam, đồng chí Nguyễn Bắc Son, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã dành những sự quan tâm đặc biệt đối với việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa đọc nói riêng; đã ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, tôn vinh và duy trì, phát triển các hoạt động này. Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 21-4 hằng năm là Ngày Sách Việt Nam là một quyết định hết sức quan trọng, có ý nghĩa với những người viết sách, những người làm công tác xuất bản, in, phát hành sách và với các tầng lớp nhân dân, các độc giả ở khắp mọi miền đất nước, góp phần khích lệ, thúc đẩy, cổ vũ việc phát triển văn hóa đọc và xây dựng một xã hội học tập ở nước ta.

Đông đảo nhân dân hưởng ứng các hoạt động trong Ngày Sách Việt Nam. Ảnh: Trọng Hải

Hiện nay, mỗi năm nước ta xuất bản hơn 25.000 tên sách, với một hệ thống thư viện các cấp khá đồng bộ (1 thư viện quốc gia, 63 thư viện tỉnh, 587 thư viện huyện, hơn 10.000 thư viện, tủ sách cơ sở xã và hơn 12.000 cửa hàng sách và tủ sách trên cả nước). Đây là điều kiện thuận lợi để văn hóa đọc được phổ biến và đến với mỗi người dân. Như vậy, cùng với việc xây dựng và đưa Ngày Sách Việt Nam thành hoạt động thường niên sẽ góp phần nâng cao nhận thức về văn hóa đọc cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Ngày hội văn hóa đọc trở thành hoạt động thường niên sẽ thực sự tạo nên sức lan tỏa sâu rộng, giúp khơi dậy văn hóa đọc và tinh thần hiếu học của dân tộc Việt Nam .

Nâng tầm văn hóa đọc

Năm 1995, UNESCO đã lấy ngày 23-4 hằng năm là Ngày Sách và Bản quyền Thế giới nhằm thức dậy nhận thức về tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc. Trong nhiều năm qua, ở nước ta, ngày hội sách và văn hóa đọc cũng đã được các cấp, các ngành quan tâm tổ chức tạo thành một hiệu ứng sâu rộng nhằm khuyến khích văn hóa đọc, phát huy nguồn tri thức và trí tuệ từ sách. Với việc công bố Ngày Sách Việt Nam và tổ chức Ngày Sách Việt Nam lần thứ nhất vào tháng 4, cũng trùng thời điểm cuốn "Đường cách mệnh" của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra mắt lần đầu, đã nâng ý nghĩa Ngày Sách lên tầm cao văn hóa với sức lan tỏa sâu rộng.

Cán bộ, chiến sĩ Đoàn Nghi lễ Quân đội đọc sách trong ngày nghỉ. Ảnh: Trần Duy

Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Vụ trưởng vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Nhiều năm nay, đọc sách đã trở thành một phong trào thường xuyên tại các địa phương. Tuy nhiên, có một thực tế là ở nước ta, văn hóa đọc vẫn mới dừng lại ở “sách đi tìm người”. Việc lần đầu tiên Ngày Sách được tổ chức sẽ là cơ hội để khẳng định tầm quan trọng của việc đọc sách và những giá trị to lớn mà đọc sách mang lại. Đặc biệt, đây là cơ hội để nhiều bạn đọc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới có dịp tiếp cận với các nguồn sách có chất lượng.

Ghi nhận những hiệu quả từ Ngày Sách Việt Nam, ngay từ sáng 19-4, nhiều hoạt động trong Ngày Sách được tổ chức trên cả nước đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và bạn đọc đến tìm hiểu, đọc sách và mua sách. Có mặt tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám với một chồng sách trên tay, bạn Mai Hằng, Sinh viên năm thứ 2, Trường Đại học Dân lập Phương Đông chia sẻ: “Em thực sự rất vui khi được tham dự các hoạt động trong Ngày Sách, được đến đây để tìm những cuốn sách mà mình yêu thích. Qua Ngày Sách, em muốn nói với các bạn trẻ, đọc sách là điều hữu ích nhất, đừng lãng phí thời gian, hãy dành nó cho sách. Các bạn sẽ thấy nó thật hữu ích”.

Toàn quân hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định lấy ngày 21-4 hằng năm là Ngày Sách, ngay từ đầu tháng 4, Tổng cục Chính trị đã có văn bản hướng dẫn đến các đơn vị trong toàn quân về việc xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách. Ngay sau đó, Thư viện Quân đội đã là đơn vị tiên phong hưởng ứng Ngày Sách với triển lãm sách, báo “Điện Biên Phủ - Vang mãi bản hùng ca”.

Thực tế, trong toàn quân, văn hóa đọc đã trở thành một hoạt động thường xuyên và liên tục, giúp cán bộ, chiến sĩ trau dồi tri thức. Với hệ thống phòng Hồ Chí Minh, phòng đọc được phổ biến từ cấp tiểu đoàn, với hàng nghìn đầu sách, báo được bổ sung, cập nhật mỗi năm đã đáp ứng nhu cầu đọc, học tập của cán bộ, chiến sĩ.

Thiếu tướng Vũ Công Toàn, Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn cho biết: Hoạt động đọc sách tại các đơn vị trong toàn quân là một hoạt động thường xuyên, đã được triển khai sâu rộng ở các đơn vị. Với việc hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, toàn quân sẽ chú trọng tổ chức nhiều hoạt động đến cơ sở, thông qua hệ thống thư viện, phòng Hồ Chí Minh trưng bày, giới thiệu sách, góp tiếng nói quan trọng vào quảng bá sách, tôn vinh văn hóa đọc sách.

Là một đơn vị nằm trên địa bàn thủ đô Hà Nội, Đoàn Nghi lễ Quân đội đã có những hoạt động hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam ngay từ những ngày đầu. Ngoài việc duy trì thường xuyên phong trào đọc sách vào các giờ nghỉ, ngày nghỉ, đơn vị đã phát động phong trào lập tủ sách chi đoàn, đưa sách về từng đơn vị để bộ đội đọc và quyên góp sách đồng đội. Đại úy QNCN Vũ Thị Hà Thu, phụ trách phòng đọc của Đoàn Nghi lễ Quân đội cho biết: Phòng đọc của đoàn luôn duy trì số lượng đầu sách hơn 1000 cuốn và hơn 10 đầu báo khác nhau. Giờ đọc sách cho chiến sĩ được duy trì đều đặn vào hai ngày nghỉ cuối tuần. Binh nhất Lê Trần Phú, Chi đoàn Đội danh dự Không quân chia sẻ: “Không chỉ hưởng ứng Ngày Sách mà thường xuyên tại đơn vị, những ngày nghỉ, chúng tôi vẫn tham gia đọc sách, đặc biệt là những cuốn sách hay về chính trị, quân sự”.

Với lợi thế về hệ thống phòng đọc và phòng Hồ Chí Minh, các đơn vị quân đội đã tích cực tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam , biến điều đó thành một nét đẹp trong văn hóa của người quân nhân. Ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã khẳng định: "Bên cạnh các thư viện trong nhà trường thì lực lượng quân đội và các phòng đọc trong quân đội sẽ là nhân tố quan trọng góp phần đưa văn hóa đọc đến với đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo".

TRẦN DUY VĂN


Bình luận
Chưa có phản hồi
Bạn phải đăng nhập mới có thể bình luận
DANH MỤC
TIN TỨC
THỐNG KÊ

Hôm nay: 1
Tháng : 1
Năm : 1